Mỹ phẩm giả gắn mác “xách tay”
Kiểm tra chưa đến chục cửa hàng bán mỹ phẩm, Đội 6 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội đã thu giữ hàng trăm mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng.
70% mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ
Trung tá Phạm Giang Sơn – Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm (PCTP) môi trường trong lĩnh vực y tế – ATVSTP (Đội 6) cho biết: Sau thời gian trinh sát, Đội 6 phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Mỹ phẩm có xuất xứ Trung Quốc, “đi” theo đường tiểu ngạch, xé lẻ hàng và vận chuyển đi nhiều nơi tiêu thụ, trong đó có Hà Nội. Mỹ phẩm dạng nước, kem nhập lậu hầu hết đóng vào can, thùng, sau đó được các đại lý san chiết ra các lọ, chai nhỏ, dán nhãn mác “ngoại”, dán tem chống hàng giả lừa bán cho người tiêu dùng với giá cao. Đại diện cơ quan công an nhận định, khoảng 70% mỹ phẩm bày bán trên thị trường Hà Nội hiện nay là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Mỹ phẩm giá rẻ đã vậy, hàng gắn mác “xách tay” cũng chủ yếu là hàng giả. Trung tá Phạm Giang Sơn cho hay: Qua công tác nắm tình hình tại “chợ mỹ phẩm Nguyễn Sơn” (đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên), cảnh sát phát hiện khu vực này bày bán công khai, tồn chứa một lượng lớn mỹ phẩm. Sau nhiều tuần nắm bắt quy luật xuất nhập hàng, kinh doanh tại “chợ”, trung tuần tháng 4 vừa qua, Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 4 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở đây, phát hiện, thu giữ hàng trăm mặt hàng mỹ phẩm, hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những người bán hàng thừa nhận, mỹ phẩm bày bán ở đây chia làm 3 loại. Loại cao cấp do nhân viên hàng không “xách tay” từ nước ngoài về; loại 2 – hàng của các công ty mỹ phẩm nước ngoài, phân phối tại Việt Nam đã bị đại lý bóc tem nhãn phụ, “hô biến” thành hàng “xách tay”. Loại 3, theo Trung tá Phạm Giang Sơn là hàng Trung Quốc nhập lậu trà trộn.
Video đang HOT
Bán tràn lan do thiếu kiểm tra
Khảo sát của cơ quan công an cho thấy, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bày bán nhiều ở khu vực các phố trung tâm như: Hàng Chiếu, phố Huế, Lê Duẩn… Các cửa hàng đa phần bán mỹ phẩm Trung Quốc nhập lậu, kém chất lượng. “Hàng kém chất lượng, giá rẻ, bày bán công khai lâu nay do lực lượng chuyên trách thiếu kiểm tra, xử lý” – chỉ huy Đội 6 thẳng thắn.
PV ANTĐ đã cùng đoàn công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Đội QLTT số 1, bất ngờ kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh mỹ phẩm, tại cửa hàng mỹ phẩm Vạn Xuân (phố Huế, quận Hai Bà Trưng). Tại cửa hàng này, cảnh sát phát hiện, thu giữ cả trăm sản phẩm mỹ phẩm các loại như: kem trắng da, dưỡng da, kem chữa nám da, sơn móng tay, nước hoa… không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhiều mặt hàng trong đó có nhãn mác Trung Quốc. Cuối giờ chiều cùng ngày, hàng chục thùng carton mỹ phẩm, ước tính trị giá cả trăm triệu đồng mới được lực lượng chức năng kiểm đếm, niêm phong xong. Số hàng hóa không rõ nguồn gốc này sẽ bị tịch thu, tiêu hủy theo quy định – Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết.
Kiểm tra chưa đến chục cửa hàng mỹ phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ một lượng hàng hóa, ước tính trị giá gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các cửa hàng, đại lý kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội, tịch thu các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chấn chỉnh vi phạm diễn ra lâu nay.
Theo ANTD
Xe máy "xịn" - dễ bị trộm "thịt"
Hệ thống khóa thường trang bị đơn giản hơn xe số; nếu lấy cắp trót lọt, lợi nhuận cũng kiếm được nhiều hơn... Đó là những lý do chính khiến xe máy tay ga trở thành "mồi" ngon của các đối tượng, đường dây trộm cắp.
Cùng một "công" ăn trộm
Dựng xe nơi không có người trông sẽ rất dễ bị lấy cắp
Trên trục Phố Huế - Hàng Bài từ phường Phố Huế, Ngô Thì Nhậm (thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lên đến phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), từ đầu năm 2012 đến nay xảy ra ngót nghét 10 vụ mất trộm xe ga đắt tiền như SH, PS, Liberty. Đặc điểm chung của các vụ mất trộm, đó là xe máy dựng ở vỉa hè, khuất tầm nhìn của chủ xe, chủ nhà, không có người trông giữ và không khóa càng. Lý giải về nguyên nhân vì sao không đưa xe vào điểm trông giữ, có bị hại "đổ lỗi" cho trục Phố Huế - Hàng Bài không có điểm trông xe, lại có người phân trần chỉ chạy vào nhà, vào cửa hàng ít phút rồi quay ra.
"Với khóa điện thông thường, chỉ không quá 10 giây, đối tượng xấu có thể dùng vam lấy "ngon lành" chiếc xe", Trung tá Lê Vũ - điều tra viên Đội CSHS CAQ Hai Bà Trưng nhận định. Điều này được chính một đối tượng trộm cắp khai nhận trong vụ án trộm cắp, tiêu thụ xe máy mà CAQ Hai Bà Trưng đang thụ lý điều tra. Đối tượng hiện bị tạm giam là Nguyễn Hoàng Hà, SN 1974, HKTT tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thường xuyên sống lang thang. Trung tuần tháng 1-2012, đối tượng này bị lực lượng công an và người dân quây bắt, trong khi đang đi chiếc xe máy Liberty BKS: 30L7 - 1215 cùng một đối tượng khác tăm tia, trộm cắp. Hiện trường vụ trộm là ngã tư Phố Huế - Lê Văn Hưu; phát hiện chiếc xe máy SH màu nâu dựng ở vỉa hè không có người trông, Hà dừng xe để đồng bọn vào dùng vam phá khoá. Bị phát hiện, truy đuổi, Hà và đồng bọn bỏ chạy. Tuy nhiên sau đó, Hà đã bị bắt cùng chiếc Liberty cùng vam phá khoá và gần 3 gam ma tuý "đá" trong cốp xe.
Công tác đấu tranh với Nguyễn Hoàng Hà của CAQ Hai Bà Trưng đã làm rõ chiếc Liberty mà Hà cùng đồng bọn sử dụng làm phương tiện đi gây án đeo BKS giả. Đáng chú ý, Hà cùng kẻ chạy thoát (CQĐT hiện xác định đối tượng tên là Hiền, nhà ở đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng - PV), từ tháng 7-2011 đến khi bị bắt đã gây ra 10 vụ trộm cắp xe SH trên địa bàn Hà Nội. Tại cơ quan công an, Hà khai nhận chỉ chuyên trộm xe ga, bởi dễ lấy, dễ tiêu thụ và cùng một "công" ăn trộm, xe ga thường bán được với giá cao.
Về đâu - xe mất trộm?
Một bộ đồ nghề của "dân" trộm xe
Dẫn "đầu bảng" trong các vụ mất trộm xe ga là dòng Honda SH nhập khẩu, một chiếc xe mới trên thị trường có giá gần 200 triệu đồng. Tiếp theo đó là các dòng xe của Piaggio, rồi đến các loại xe của Honda, SYM lắp ráp trong nước. Nếu như các xe máy cũ sau khi lấy được, đối tượng trộm cắp thường bán với giá chỉ vài triệu đồng, hoặc đem tháo phụ tùng bán lẻ, thì xe ga sẽ được đối tượng "thửa" bộ giấy tờ giả, rồi đem đi tiêu thụ. Cũng tại địa bàn quận Hai Bà Trưng cách đây không lâu, CAP Bạch Mai phối hợp cùng Đội CSHS phá đường dây trộm cắp gần 10 xe ga, rồi làm giấy tờ giả đem bán cho một cửa hàng kinh doanh xe máy cũ ở Phố Huế. Cho đến khi bị lực lượng công an kiểm tra, chủ cửa hàng mới biết thông tin giấy tờ xe khách đưa khi giao dịch là... đồ giả. Sáu xe ga các loại bị thu giữ tại cửa hàng này. Người chủ cửa hàng thành khẩn, cũng có đôi chút nghi ngờ về nguồn gốc xe máy mà khách mang đến bán, nhưng vì giá rẻ, chỉ bằng một nửa giá thành của xe, nên đã "nhắm mắt nhắm mũi" mua.
Ngoài việc chế giấy tờ giả, có đối tượng, đường dây trộm cắp xe ga lại tuồn ra tỉnh ngoài tiêu thụ. Dĩ nhiên, xe không giấy tờ nên giá bán rất rẻ. Khách mua loại xe này biết rõ nguồn gốc của xe, nên trong trường hợp bị lực lượng chức năng kiểm tra, họ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người. Theo một trinh sát Cục CSHS, không riêng Hà Nội, tại một số tỉnh, thành phố kinh tế phát triển, đã và đang có lượng xe ga khá lớn hiện diện ở các điểm giữ xe tang vật dưới dạng xe vô chủ.
Các chủ xe ga nên trang bị khóa càng, khóa xích cho xe ga, chứ đừng hình thành tâm lý "xấu hổ". Một sáng kiến để bảo vệ xe ga được anh Tuấn Thành - chủ cửa hàng sửa chữa xe máy 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng gợi ý, là lắp khóa điện ngầm cho xe. Khóa điện ngầm hoạt động theo nguyên tắc, sau khi bật khóa điện, vẫn phải bật thêm công tắc được giấu ở chỗ bí mật nào đó, thì xe mới nổ máy được. Ngược lại, ngay cả khi khóa điện đã bị phá, kẻ gian không thể nổ được máy. "Việc lắp đặt khóa điện rất đơn giản, chỉ cần đấu thêm đoạn dây diện, và chi phí không quá 50.000 đồng", anh Thành cho biết. Với những người có điều kiện hơn, có thể trang bị thiết bị định vị cho xe ga. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ có tác dụng khi xe... đã bị mất. Và như thế, nó sẽ gây không ít phiền toái cho chủ xe.
Theo ANTD
Đồ chơi tình dục: Đừng để "con bệnh" nhờn thuốc Mặc dù việc nhập lậu kinh doanh đồ chơi tình dục (sextoy) đã bị các lực lượng chức năng truy quét nhưng dường như vẫn chỉ là chuyện "đá ném ao bèo" với những kẻ hám lời coi thường pháp luật. Bằng nhiều chiêu thức khác nhau, những mặt hàng này vẫn được tuồn ra thị trường tiêu dùng nửa công khai, nửa...