Mỹ nới tay với Huawei ngay trước đàm phán Trung Quốc
Vừa mạnh tay trừng phạt các công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc, Mỹ quay đầu nới lỏng cấm vận Huawei.
Trước cuộc đàm phán Mỹ- Trung diễn ra vào ngày 10/10 (giờ Mỹ), Washington có nhiều bước đi quan trọng vừa thể hiện vị thế đàm phán của mình vừa khẳng định tâm lý mềm dẻo với Trung Quốc.
Mỹ đang nới lỏng trừng phạt Huawei
Tờ New York Times dẫn các nguồn thạo tin ngày 9/10 cho biết, Mỹ sẽ sớm cấp phép cho một số công ty của nước này cung cấp các mặt hàng không nhạy cảm cho Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.
Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “bật đèn xanh” cho việc bắt đầu phê duyệt giấy phép cho một số công ty Mỹ, bỏ qua lệnh cấm mà Washington áp đặt đối với nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc trong năm nay.
Chưa có thông báo gì từ Huawei và Bộ Thương mại Mỹ liên quan đến các nội dung cho phép của Bộ này.
Động thái mới nhất từ chính quyền Mỹ được cho là tin tức tốt lành đến với cuộc đàm phán thương mại sẽ diễn ra vào ngày 10/10 (giờ Mỹ).
Thực tế, việc Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh cấm với Huawei không quá bất ngờ. Tin tức này đã được đề cập tới hồi tháng 7, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản.
Khi đó, Huawei đã trở thành nội dung chính được Chủ tịch Trung Quốc trao đổi điều kiện với Tổng thống Mỹ, theo lời ông Donald Trump. Ông Tập Cận Bình đã có một đề nghị cá nhân, mong muốn Washington ‘nhẹ tay’ với Huawei và ông Trump đã cân nhắc đến điều này.
Dù truyền thông quốc tế đánh giá đây là một bước tiến triển lớn trong đàm phán nhưng Huawei vẫn thận trọng khi họ chưa thực sự thấy được những hành động cụ thể của chính quyền Mỹ.
Washington đã trì hoãn về việc cấp phép cho doanh nghiệp Mỹ được bán cho Huawei các sản phẩm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ. Điều này tới nay lại được truyền thông Mỹ nhắc lại mà chưa thấy có thông tin chính thức về việc Huawei đã được nhập những hàng hóa “không nhạy cảm” của Mỹ hay chưa.
Video đang HOT
Điều đáng chú ý là trước khi các thông tin về việc Mỹ nới lỏng các lệnh cấm Huawei được công bố, Washington đã liên tục công bố các lệnh trừng phạt lên các thực thể Trung Quốc với nhiều nguyên nhân.
Ngày 7/10, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 28 đối tượng vào danh sách trừng phạt của Washington, gồm cơ quan an ninh của chính quyền khu tự trị Tân Cương, 19 cơ quan chính phủ Trung Quốc và 8 công ty thương mại. Trong số các thực thể bị trừng phạt, một số công ty chuyên về công nghệ giám sát và nhận diện khuôn mặt là những công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc.
Các công ty này sẽ bị cấm mua bán các thiết bị và linh kiện của các công ty Mỹ khi chưa được sự cho phép của chính phủ Mỹ. Trong số các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt lần này có Hikvision, nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới.
Lệnh trừng phạt được ban hành nhằm vào các công ty này bị cho là đã vi phạm và lạm dụng nhân quyền để đàn áp, tự ý giam giữ cũng như sử dụng công nghệ giám sát tiên tiến.
Trước đó vài ngày, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp tục áp thuế mới đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu trị giá hơn 4 tỷ USD từ Trung Quốc với lý do những mặt hàng này được Chính phủ trợ giá không công bằng.
Sau cuộc đàm phán với phái đoàn Trung Quốc hồi tháng 9, Mỹ cũng kiên quyết trừng phạt các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các công ty vận tải hàng hải do vi phạm các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ lấy lý do không liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại nhưng đều nhằm vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Động thái “vừa đánh vừa đàm” này càng không dễ qua mắt Bắc Kinh.
Trong khi đó, cho đến nay, Trung Quốc đang tỏ ra rất cứng rắn trong cuộc đàm phán thương mại sắp tới.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán của Trung Quốc tại Mỹ cho biết, đề nghị của phía Mỹ trong việc cải cách chính sách công nghiệp hoặc trợ cấp Chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ được Bắc Kinh chấp nhận. Đây được cho là những yêu cầu chính của Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong đàm phán.
Thậm chí, các quan chức Trung Quốc còn bày tỏ sự cứng rắn ở chỗ tuyên bố sẽ rời Mỹ ngay khi thấy đàm phán không có tiến triển.
Một quan chức Trung Quốc thuộc phái đoàn đàm phán tới Mỹ tiết lộ khả năng các nhà đàm phán của Bắc Kinh sẽ rút ngắn chương trình xuống còn 1 ngày và rời Mỹ vào ngày 11/10.
Giới quan sát không đánh giá cao vòng đàm phán thương mại sắp tới ở Washington giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc.
Nếu hai bên tiếp tục không đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ tăng thuế từ 25% lên mức 30% với số hàng hóa 250 tỉ USD nhập từ Trung Quốc kể từ ngày 15/10.
Trung Quốc hiện chưa có động thái thực sự nhưng hăm dọa sẽ đáp trả trừng phạt Mỹ nếu Washington tiếp tục chính sách hăm dọa.
Hải Lâm
Theo baodatviet
Doanh nghiệp Mỹ khao khát Huawei
Huawei đã bị điều tra giữa lúc vai trò của công ty này trong chuỗi cung ứng ở Mỹ trở nên đặc biệt quan trọng.
Báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 29/8 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các công tố viên Mỹ đang điều tra các trường hợp "đánh cắp" công nghệ liên quan đến tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.
Huawei đã trở nên quá quan trọng với Mỹ.
Theo đó, Huawei bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ từ nhiều cá nhân và tổ chức trong nhiều năm, cũng như chiêu mộ nhân viên từ các công ty đối thủ.
Chính phủ Mỹ đang điều tra một vài khía cạnh trong các hành vi kinh doanh của Huawei, vốn không được nêu trong bản cáo trạng đưa ra hồi đầu năm nay. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Huawei và Giám đốc Tài chính của tập đoàn này là bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vì đã có hoạt động kinh doanh với Tehran thông qua một công ty con.
Vụ điều tra được đưa ra bất chấp hàng trăm doanh nghiệp Mỹ ồ ạt xin cấp phép được bán hàng cho Huawei như trước khi xảy ra vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu.
Được biết đã có hơn 130 đơn xin cấp phép bán hàng từ Mỹ cho Huawei gửi lên Bộ Thương mại Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 tháng trước đã tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm nhưng chính quyền nước này vẫn chưa duyệt bất kỳ giấy phép nào.
Sự trì hoãn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các nhà sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng của Huawei ở Mỹ mất đi hàng tỉ USD doanh thu.
Lượng đơn xin cấp phép hiện tại đã vượt xa con số 50 đơn mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra vào tháng 7 qua. Người phát ngôn của Bộ Thương mại nước này cho biết, quy trình liên ngành liên quan đến các yêu cầu cấp phép cho các giao dịch với Huawei và các chi nhánh ngoài nước Mỹ vẫn đang diễn ra.
Heng Wang, Phó Giáo sư & Đồng Giám đốc tại Trung tâm Luật Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc (CIBEL) tại Khoa Luật của Đại học New South Wales nhận định, số lượng các công ty Mỹ muốn bán sản phẩm cho Huawei là con số chứng minh cho thấy có bao nhiêu chuỗi cung ứng được tích hợp với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
"Đây là phản ánh thực tiễn của chuỗi giá trị toàn cầu. Huawei nhập khẩu rất nhiều từ các nhà cung cấp Mỹ, trong khi các doanh nghiệp Mỹ cũng muốn xuất khẩu sản phẩm của họ sang Huawei" - chuyên gia Heng Wang giải thích.
Số liệu của Huawei cho thấy gã khổng lồ công nghệ đã mua hơn 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ vào năm 2018, trong số 70 tỷ USD mà họ đã chi cho việc mua linh kiện.
Ông Heng Wang cho rằng, số đơn xin cấp phép để doanh nghiệp Mỹ được tiếp tục làm ăn với Huawei là bằng 0 là do các cuộc đàm phán thương mại sau cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 vẫn còn bế tắc.
Tiến sĩ Stephen Nagy, Phó Giáo sư cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế Tokyo cũng đồng tình quan điểm này. Ông nêu tên hai yếu tố thúc đẩy các công ty Mỹ muốn hợp tác với Huawei.
"Trước hết, đó là sự phụ thuộc vào Huawei và sản phẩm của họ cho các doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa tìm thấy một sự thay thế cho Huawei và kết quả là, họ cần duy trì mối quan hệ kinh doanh mạnh mẽ.
Thứ hai, tôi nghĩ cũng quan trọng không kém, đó là việc Tổng thống Mỹ đang dao động đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông Trump cũng có thể thay đổi lập trường về việc xử phạt Huawei và các công ty công nghệ khác từ Trung Quốc. Có thể Mỹ sẽ để ngỏ cho các công ty Mỹ tiếp tục cố gắng duy trì những mối quan hệ mạnh mẽ với công ty Trung Quốc cho đến khi họ tìm thấy một nhà cung cấp thay thế" - Tiến sĩ Stephen Nagy.
Tiến sĩ Nagy cho rằng, cách Mỹ hành động với Huawei chính là một phần trong chiến lược của Tổng thống Trump trong việc đưa Huawei lên bàn đàm phán và liên kết nó với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
"Tôi nghĩ rằng chiến thuật đàm phán của Tổng thống Trump là bắt nạt. Vì vậy, họ nhanh chóng thay đổi cách thức đe dọa để làm mất sự cân bằng của Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại. Ông ấy đã an ủi Huawei và rồi buông xuôi những lời hứa nới lỏng trừng phạt. Đây là chiến thuật mà Tổng thống Trump đang cố gắng đạt được" - ông Nagy nhận định.
Đông Phong
Theo baodatviet
Mỹ gia hạn nhưng lại cấm thêm chi nhánh của Huawei Mặc dù Huawei được tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ nhưng hàng chục thực thể của hãng tiếp tục bị Washington đưa vào "danh sách đen". Đúng theo những thông tin được báo chí đăng tải, Bộ Thương mại Mỹ vừa xác nhận giấy phép tạm thời của Huawei, vốn có thời hạn đến 19/8 sẽ được gia hạn đến...