Mỹ nỗ lực khiến ông Assad từ chức
Một số nhà quan sát quốc tế coi cuộc chiến tại Aleppo là một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột Syria
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Patrick Ventrell, Mỹ đang tiếp tục nỗ lực để Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức.
“Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, chúng ta đang chứng kiến các cuộc tấn công bạo lực liên tục vào dân thường ở Syria. Chúng tôi đang thúc đẩy các nỗ lực để ông Assad chuyển giao quyền lực càng sớm càng tốt”, phát ngôn viên Ventrell phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Ba (31/7) vừa qua.
“Chúng ta không chỉ thực hiện lệnh trừng phạt như các nước đã nêu, chúng ta còn cung cấp hàng triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria, cả người trong nước và những người tỵ nạn”, ông nói.
Video đang HOT
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: Ria)
Trong khi đó, quân đội Syria tiếp tục chiến đấu với lực lượng đối lập ở Aleppo, thành phố công nghiệp và tài chính lớn nhất Syria.
Một số nhà quan sát quốc tế coi cuộc chiến tại Aleppo là một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột Syria, sự kiện này có thể quyết định tương lai của các cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Tổng thống al-Assad.
Aleppo, một thành phố có 2,5 triệu người, vẫn là điểm nóng của cuộc xung đột dân sự của Syria kể từ tuần trước, khi lực lượng ủng hộ chính phủ đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ quan trọng nhất nước.
Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đã thất bại trong việc thúc đẩy các bên đối lập chấm dứt đổ máu và bắt đầu đàm phán. Nga và Trung Quốc đã ba lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của phương Tây về Syria vì sợ sự lặp lại “kịch bản Libya” ở đây.
Theo ước tính của các nhóm đối lập Syria, kể từ tháng 3/2011, các cuộc xung đột tại Syria đã tước đi sinh mạng của 14.000-20.000 người. Phương Tây đang nỗ lực lật đổ Tổng thống al-Assad, trong khi Nga và Trung Quốc lại cố gắng ngăn chặn sự can thiệp quân sự bên ngoài. Bên trong đất nước, chính quyền Syria và lực lượng đối lập lại đổ lỗi cho nhau về bạo lực và đổ máu./.
Theo VOV
Hàng nghìn người dân Syria vẫn mắc kẹt tại Aleppo
Những người dân Aleppo không thể đi sơ tán, đang phải tìm kiếm chỗ lánh nạn tại các trường học, các tòa nhà công cộng...
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn ngày 31/7 cho biết, hàng nghìn người dân thành phố Aleppo đang bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối.
Giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy và quân chính phủ tiếp tục diễn ra tại Aleppo (Ảnh: AFP)
Những người dân Aleppo không thể đi sơ tán, đang phải tìm kiếm chỗ lánh nạn tại các trường học, các tòa nhà công cộng, nơi họ có thể nhận được hỗ trợ lương thực và y tế. Người phát ngôn Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn, Melissa Fleming cho biết, khoảng 7.000 người dân thành phố Aleppo, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đang tá túc trong các lớp học, trong khi các lực lượng hỗ trợ nhân đạo cũng đang cố gắng tiếp cận những người dân để phân phối hàng viện trợ.
"Chúng tôi thực sự lo ngại về tình hình giao tranh tại Syria, trong đó có thành phố Aleppo, chúng tôi chứng kiến hàng nghìn người dân hoảng sợ tìm kiếm nơi trú ẩn dưới làn bom đạn. Những người dân không thể rời khỏi thành phố đang đổ tới các trường học, nhà thờ, các tòa nhà công cộng để tìm kiếm sự hỗ trợ. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân Aleppo. Hiện chúng tôi mới tiếp cận được 32 trường học, với khoảng 250 - 350 người đang trú ẩn", bà Fleming nói.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn cũng cho biết, bạo lực tại Syria đã đẩy hàng trăm nghìn người dân phải chạy sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon, Iraq và Algeria để tỵ nạn.
Liên Hợp Quốc đã nhận được đăng ký tỵ nạn của khoảng 124.000 người Syria, tuy nhiên con số người tỵ nạn thực tế còn cao hơn rất nhiều./.
Theo VOV
Hy Lạp thắt chặt an ninh biên giới do lo sợ làn sóng di cư từ Syria Lực lượng biên phòng Hy Lạp sẽ được điều động đến khu vực đông bắc Evros, nơi có đường biên giới chung trải dài 212 km trên đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp đã quyết định triển khai thêm 2.000 lính biên phòng bổ sung cho khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại sẽ có một làn...