Mỹ, Nhật ‘làm mới’ thỏa thuận liên minh quân sự
Ngày 3.10, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ, Nhật đã cùng bàn thảo về việc ‘làm mới’ thỏa thuận liên minh quân sự giữa hai nước, nhằm đối phó với những mối đe dọa trong khu vực.
Các quan chức Mỹ, Nhật trong cuộc gặp tại thủ đô Tokyo của Nhật ngày 3.10 -Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera ngày 3.10 đã thảo luận, xem xét lại thỏa thuận liên minh quân sự Mỹ-Nhật, từng được sửa đổi hồi năm 1997, theo AFP.
“Thỏa thuận liên minh quân sự, được chúng tôi xem là thỏa thuận quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực, đã không được cập nhật, sửa đổi kể từ năm 1997″, ông Kerry phát biểu trong cuộc họp “2 2″.
“Nhiều thứ đã thay đổi trong 16 năm qua. Đã xuất hiện nhiều mối đe dọa khác nhau đối với nền an ninh khu vực, vì thế chúng tôi nhận thấy thỏa thuận liên minh quân sự song phương này vẫn là thành tố sống còn trong chiến lược an ninh của hai nước”, theo ông Kerry.
Cuộc họp “2 2″ diễn ra giữa lúc Tokyo muốn tái khẳng định vị thế trên vũ đài chính trị thế giới, với việc Thủ tướng NhậtShinzo Abe kêu gọi tăng cường sức mạnh quân đội Nhật nhằm ứng phó với môi trường an ninh đang thay đổi.
Video đang HOT
Theo AFP, hai mối đe dọa lớn nhất đối với Nhật Bản là Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Nhật Bản quan ngại về những động thái “nguy hiểm” của Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Còn Triều Tiên thì nhiều lần đe dọa tấn công hạt nhân Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera ngày 3.10 cho biết: “Chúng tôi quan ngại về những mối đe dọa từ Triều Tiên… Và sự thật là nhiều quốc gia châu Á có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, chủ yếu là do tranh chấp biển đảo”.
Ông Onodera khẳng định: “Sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình và đảm bảo an ninh khu vực”.
Các quan chức hai nước cũng thảo luận về việc hợp tác tăng cường an ninh, ứng phó với những mối đe dọa tấn công mạng. Một trong những mối lo ngại chính của Washington là tin tặc Trung Quốc
Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc di dời căn cứ quân sự Mỹ trên quần đảo Okinawa của Nhật Bản.
Tokyo và Washington hồi năm 2012 đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Nhật Bản sẽ chi 2,8 tỉ USD (trong tổng số 8,6 tỉ USD) đóng góp vào kinh phí di chuyển 9.000 thủy quân lục chiến Mỹ cùng gia đình họ từ Okinawa sang đảo Guam (Mỹ) ở tây Thái Bình Dương và một số nơi khác trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera nhận định rằng: “Đây là lần đầu tiên cuộc họp “2 2″ được tổ chức tại Tokyo. Tôi nghĩ rằng sự kiện này đưa ra một thông điệp cho khu vực Đông Á thấy rằng liên minh Nhật – Mỹ đang hoạt động tốt”.
Theo TNO
Philippines cảnh báo về "ba mũi giáp công" của Trung Quốc
Ông Albert del Rosario (trái) bắt tay với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào hôm 10.1 đã cảnh báo việc Trung Quốc mở "ba mũi giáp công" chống lại Philippines và các quốc gia khác trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông.
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, ông del Rosario đã liệt kê một danh sách những vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc và vi phạm đầu tiên là những tuyên bố chủ quyền phi lý tại biển Đông.
"Nếu bạn nhìn vào thái độ của Trung Quốc tại biển Đông, thái độ cố định của họ là họ có chủ quyền không tranh cãi gần như toàn bộ biển Đông. Đây tất nhiên là một tuyên bố quá đáng. Đây cũng là sự vi phạm luật quốc tế - mũi thứ nhất", GMA News dẫn lời ông del Rosario.
Mũi thứ hai, theo ông del Rosario, là Trung Quốc luôn kiên quyết khống chế các lãnh thổ tranh chấp, cụ thể là việc thiết lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", để kiểm soát trái phép 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Kế đến, ông del Rosario dẫn lại quy định gây tranh cãi gần đây của Trung Quốc về việc khám xét tàu bè nước ngoài tại vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, vốn tiềm ẩn các tác động bất lợi cho quyền tự do hàng hải, theo GMA News.
"Rồi thì họ đưa quy định mới cho phép ngăn chặn tàu bè trong khu vực. Như vậy, ba mũi giáp công đã hình thành", ông del Rosario kết luận.
Ngoài ra, ông del Rosario cũng dẫn ra các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và phân bổ ngân sách như là bằng chứng về việc Trung Quốc liên tục đẩy mạnh những nỗ lực tuyên bố chủ quyền phi lý.
"Họ vạch ra mọi kiểu xây dựng cơ sở hạ tầng và công bố số liệu ngân sách mà họ định sử dụng nhằm có thể thiết lập sự hiện diện tại đó. Nên tôi nghĩ toàn bộ những chuyện này thực sự là mối đe dọa và chúng tôi đã phản đối những động thái đó của Trung Quốc", ông del Rosario nói.
Theo TNO
Mỹ - Hàn ký kết kế hoạch răn đe tấn công hạt nhân từ Triều Tiên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Hàn quốc hôm nay 2/10 đã cùng ký kết một bản kế hoạch chiến lược mới, trong đó có những hành động "răn đe" được thiết kế dành riêng để chống lại mối đe dọa tấn công hạt nhân từ Triều Tiên. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) bắt tay người đồng cấp phía Hàn...