Mỹ, Nhật, EU gia tăng trừng phạt quan chức Nga và Ukraine
Chưa đầy một ngày sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi tại nước CH tự trị Crimea (Crưm) thuộc Ukraine được công bố với đa số cử tri lựa chọn sáp nhập bán đảo này vào LB Nga, ngày 17/3, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga và Ukraine trong chính quyền của Tổng thống Yanukovych.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng cho biết ông đã ký sắc lệnh hành chính cấm 11 quan chức Nga và Ukraine đến Mỹ và phong tỏa các tài sản của họ ở nước này.
Trong số các quan chức trên có Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và hai cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà Washington cho là “phải chịu trách nhiệm gây ra cuộc khủng hoảng” tại khu tự trị Crimea. Đây được xem là các biện pháp trừng phạt toàn diện nhất Mỹ áp dụng đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu với báo giới khi công bố quyết định này, Tổng thống Obama nhấn mạnh sẽ cân nhắc áp đặt các chế tài tiếp theo trong trường hợp căng thẳng tại Ukraine leo thang, đặc biệt là tại các tỉnh miền Đông Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời kêu gọi Nga tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine, trong đó có việc triển khai các quan sát viên quốc tế và tiến hành đối thoại với chính quyền mới tai Ukraine.
Liên quan đề nghị viện trợ quân sự của Ukraine, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ hiện đang xem xét đề nghị trên, song khẳng định Washington vẫn đang giới hạn sự giúp đỡ ở mức hỗ trợ kinh tế trong khi tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao với Nga.
Video đang HOT
Bà Catherine Ashton, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại của EU thông báo danh sách trừng phạt tại cuộc họp ngày 17/3. Ảnh: Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)
Trong khi đó, cùng ngày, 28 ngoại trưởng EU cũng đã tổ chức nhóm họp tại Brussels (Bỉ) và đưa ra lệnh trừng phạt với Nga. Phóng viên TTXVN tại Bỉ cho biết tại cuộc họp, các ngoại trưởng EU đã thống nhất trừng phạt 21 quan chức Nga và trong chính quyền của Tổng thống Yanukovych, đồng thời đóng băng tài sản cũng như cấm họ được nhập cảnh vào lãnh thổ EU.
Trong số các quan chức Nga bị EU trừng phạt có Giám đốc Cơ quan An ninh Nga (FSB) Alexandre Bortnikov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, Phó Thủ tướng Nga Rogozin và lãnh đạo các Tập đoàn Gazprom, Rosneft, RZD. Lệnh trừng phạt ngay lập tức có hiệu lực trong 24 giờ. Ngoài ra, EU cũng quyết định hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh EU-Nga diễn ra vào mùa hè tới. Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân của EU diễn ra trong các ngày 20 và 21/3, vấn đề trừng phạt Nga sẽ tiếp tục được các nhà lãnh đạo EU thảo luận.
Đây là những biện pháp trừng phạt chưa hề xuất hiện trong lịch sử mối quan hệ giữa EU và Nga kể từ năm 1991. Tuy nhiên, EU cũng cho rằng vẫn cánh cửa cho các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị vẫn hé mở. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, EU và Nga cần đối thoại để hạn chế leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương.
Trong khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và Ukraine, các ngoại trưởng EU cũng thống nhất việc cùng Ukraine ký các chương về chính trị trong hiệp ước liên kết hai bên vào ngày 21/3 tới, sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch ban đầu. Động thái được coi là mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ của EU đối với chính quyền mới tại Kiev, tiếp theo gói hỗ trợ kinh tế trị giá 11 tỷ euro mà EU cam kết trước đó hỗ trợ cho Ukraine.
Canada cũng ra thông báo các biện pháp tương tự đối với 7 quan chức Nga và 3 quan chức cấp cao Crimea mà Ottawa cho là “chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng” tại Ukraine.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 18/3, Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt Nga do nước này cho rằng Moskva can thiệp vào Ukraine liên quan tới quy chế độc lập của khu tự trị Crimea. Các biện pháp trừng phạt này bao gồm hoãn các cuộc thảo luận về nới lỏng điều kiện cấp thị thực. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Tokyo cũng dừng đàm phán về một thỏa thuận đầu tư cũng như hiệp định song phương về đảm bảo khai thác vũ trụ một cách hòa bình và ngăn chặn các hoạt động quân sự nguy hiểm.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết London vẫn coi Crimea là một phần của Ukraine, song tuyên bố hiện vẫn chưa cân nhắc các phương án quân sự cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Hague cũng cảnh báo về “những hậu quả kinh tế sâu rộng” với Nga.
Trong khi đó, một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết Pháp đã hoãn một chuyến thăm tới Moskva của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng nước này, dự kiến diễn ra ngày 18/3. Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 15/3 nói rằng Paris sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác quân sự với Moskva, một phần trong các biện pháp trừng phạt cấp độ 3 nếu Nga không nỗ lực giảm căng thẳng ở Ukraine.
Theo kết quả của cuộc trưng cầu ý dân diễn ra tại Crimea ngày 16/3, có tới 96,77% cử tri đã bỏ phiếu chọn sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga. Hội đồng Tối cao (Nghị viện) Crimea ngày 17/3 đã họp phiên bất thường và ra nghị quyết “Về Độc lập của Crimea” và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga. Động thái trên đã khiến các nước phương Tây và cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục leo thang. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng ngày đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại đây và một lần nữa kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng bạo lực, tiến hành đối thoại toàn quốc hướng tới một giải pháp hòa bình.
Theo Báo Tin tức
Thái Lan dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp từ ngày mai
Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr ngày 18/3 thông báo chính phủ nước này sẽ dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp đang áp đặt tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lận cận do các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lắng dịu.
Cảnh thưa thớt người biểu tình chống chính phủ tại một trong những khu cắm trại của người biểu tình ở Bangkok ngày 1/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Paradorn nói: "Chúng tôi đã nhất trí dỡ bỏ sắc lệnh khẩn cấp và sử dụng Luật An ninh Nội địa bắt đầu từ ngày 19/3 đến ngày 30/4 trong bối cảnh số người biểu tình đã giảm... và sau những yêu cầu khẩn thiết của cộng đồng doanh nghiệp".
Chính phủ Thái Lan đã áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày từ ngày 22/1 nhằm kiềm chế làn sóng biểu tình khi sắp tới thời điểm tổng tuyển cử hôm 2/2, song hầu hết các biện pháp được sử dụng rất ít, đặc biệt sau khi một tòa án hôm 19/2 ra phán quyết rằng một số biện pháp đã áp đặt là trái phép.
Biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan bùng phát từ tháng 11/2013 nhưng một số trại biểu tình đã được dỡ bỏ vào đầu tháng 3 này.
Theo Báo Tin tức
Ukraine: giải quyết khủng hoảng cần ưu tiên lợi ích toàn cục Các bên cần tỉnh táo để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảngUkraine. Tuần này chứng kiến "nhiều diễn biến nóng lạnh" xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt liên quan tới nước Cộng hòa tự trị Crimea đang muốn tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga. Một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Nga và...