‘Mỹ nhân’ vượt qua scandal phục trang in hình vua sư tử
Trở thành trò cười trước giờ ra rạp khi in hình “Vua sư tử” trên trang phục, nhưng bộ phim dã sử Việt không phải là một “tác phẩm thảm họa” như người ta tưởng.
Gây nhiều tranh cãi liên quan đến khâu phục trang, cộng thêm đề tài lịch sử khô khan, dàn diễn viên không phải là những cái tên bảo chứng cho doanh thu phòng vé, số phận của Mỹ Nhân khá trắc trở trước giờ ra rạp.
Nội dung bộ phim giống như một lát cắt về thời kỳ đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Đó là thế kỷ 17, giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, mỗi bên hùng cứ một phương. Bối cảnh chính của Mỹ Nhân là nội bộ triều đình Đàng Trong do nhà Nguyễn trị vì.
Mỹ nhân lấy bối cảnh thế kỷ 17, thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, với câu chuyện diễn ra tại triều chính của Đàng Trong.
Nguyễn Phúc Lan nắm ngôi Chúa thượng nhưng vì quá say mê nhan sắc của chị dâu Tống Thị mà tư thông với ả, bỏ bê việc triều chính. Trong khi đó, con trai ngài là Nguyễn Phúc Tần lại rơi vào lưới tình với một cô đào hát tên là Thị Thừa. Trải qua nhiều cuộc binh biến, Phúc Lan băng hà, Phúc Tần lên ngôi, ngăn chặn được họa xâm lăng lẫn diệt được mầm mống phản loạn do Tống Thị xúi giục.
Những tưởng từ nay thiên hạ thái bình, Phúc Tần được yên ổn chung sống bên người mình yêu, nhưng còn đó tấm gương tày liếp của các vị tiên đế vì mê đắm nữ sắc mà dẫn tới họa diệt quốc. Ngài thực sự bối rối trước chuyện phải xử lý cô đào hát xinh đẹp, hiền lương ra sao.
Tác giả của Mỹ nhân là Đinh Thái Thụy, một đạo diễn có rất nhiều kinh nghiệm trong dòng phim lịch sử Việt qua những Long Thành cầm giả ca, Về đất Thăng Long hay Đường Hồ Chí Minh trên biển… Kịch bản của dự án mới tồn tại từ nhiều năm trước, nhưng phải tới năm 2015, nhà làm phim mới có cơ hội đưa nó lên màn bạc. Có lẽ chính sự đam mê của đạo diễn với dòng phim lịch sử giúp Mỹ nhân không trở thành một tác phẩm “thảm họa”.
Sau Mỹ nhân, Triệu Thị Hà cần thêm thời gian để trau dồi khả năng diễn xuất. Còn Quách Ngọc Ngoan đã trở nên tiến bộ hơn so với thời gian trước trong sự nghiệp.
Trong dàn diễn viên chính của bộ phim, có hai gương mặt quen thuộc là Quách Ngọc Ngoan và Kim Hiền. Người còn lại trong vai nữ chính Thị Thừa là Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà, một người chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Cô sở hữu nhan sắc phù hợp với nhân vật, từ gương mặt phúc hậu, tròn trịa, đôi mắt ẩn chứa nỗi u buồn, cử chỉ thanh tao uyển chuyển. Song, xét trên góc độ diễn xuất, không ngạc nhiên khi cô gái trẻ tỏ ra lép vế so với các đàn anh, đàn chị.
Trong khi đó, Quách Ngọc Ngoan có nhiều tiến bộ so với Long thành cầm giả ca. Với vẻ ngoài nam tính và thần thái cương nghị, anh luôn là lựa chọn hàng đầu cho các đạo diễn phim cổ trang. Thay cho danh hiệu “bình hoa di động” trước kia, ở Mỹ nhân, Ngọc Ngoan đã biết vận dụng hết khả năng diễn xuất và mang đến một số trường đoạn cảm xúc. Đối trọng với anh là nữ đồng nghiệp Kim Hiền. Với bề dày kinh nghiệm, đặc biệt trong kiểu vai phản diện, cô là điểm sáng của Mỹ nhân khi có thể khiến khán giả “run người” chỉ qua ánh mắt hoặc nụ cười.
Video đang HOT
Kim Hiền chứng tỏ bản lĩnh “đàn chị”, cũng như kinh nghiệm diễn xuất vai ác trong Mỹ nhân. Nhân vật Tống Thị của cô cũng được miêu tả với góc nhìn đa chiều hơn so với lịch sử.
Ưu thế lớn nhất của Mỹ nhân là có được kịch bản hấp dẫn. Tuy bám sát sách sử, phim vẫn cố gắng chọn lọc ra những khoảnh khắc để người xem có thể nhìn sâu hơn vào nội tâm nhân vật.
Chẳng hạn như Tống Thị trong quá khứ thường chỉ được nhắc đến như một người đàn bà lăng loàn, tham lam, xấu xa, tư thông với em chồng, vơ vét của cải từ dân đen… Nhưng với trường đoạn dạy dỗ con, người xem được thấy khía cạnh khác của nàng: một người mẹ thương con hết mực, không từ mưu mô nào để giành ngôi báu cho con.
Hay như chuyện Phúc Tần đồng ý kết liễu Thị Thừa do một lần đọc sách về Phù Sai – Tây Thi, nếu giữ nguyên như trong tài liệu cổ thì có lẽ sẽ khá khiên cưỡng và không đủ sức thuyết phục. Thế nên, các nhà làm phim mạnh dạn cải biên, để cho Phúc Tần chịu sức ép từ quần thần cùng dằn vặt về đạo đức trong suốt thời gian dài. Những sự thay đổi và điều chỉnh hợp lý giúp Mỹ nhântrôi chảy về mặt cảm xúc, không trở nên phi logic như nhiều bộ phim Việt.
Sự cố “Vua sư tử” đã được đoàn làm phim khắc phục. Nhưng kỹ xảo của các đại cảnh chiến đấu chưa xứng tầm với kinh phí 16 tỷ đồng.
Vấn đề phục trang vốn là điểm yếu của bộ phim và đã được ê-kíp sản xuất nhanh chóng khắc phục bằng kỹ xảo vi tính. Dù trông không được thật như hình thêu trực tiếp, nó cũng giúp Mỹ nhân không trở thành trò cười ngớ ngẩn như cách đây vài tuần. Điều đáng tiếc là tuy bộ phim có kinh phí sản xuất lên tới 16 tỷ đồng, nhưng đồ họa ở những cảnh chiến đấu còn sơ sài, không mang lại hiệu quả mãn nhãn.
Bù lại, cảnh đấu võ được đầu tư công phu và đẹp mắt. Đáng chú ý nhất là “cảnh nóng” phô bày toàn bộ đường cong nóng bỏng của hai mỹ nhân Triệu Thị Hà và Kim Hiền được xử lý tốt, khiêu gợi mà không quá dung tục. Nếu xét về mức độ táo bạo, có lẽ Mỹ nhân vẫn còn phải “chào thua” tiền bối Đêm hội Long Trì cách đây gần ba thập kỷ.
Trailer bộ phim ‘Mỹ nhân’
Ngoài sự cố về phục trang, nếu đánh giá một cách công bằng, Mỹ nhân là một tác phẩm thuộc dạng khá của dòng phim nhà nước. Nó cho thấy lịch sử Việt Nam là một kho tàng rộng lớn, với vô vàn ý tưởng và câu chuyện để các nhà làm phim có thể khai thác và tiếp cận khán giả nhiều thế hệ khác nhau.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Theo Zing
Kim Hiền - nhan sắc "góa phụ" khuynh đảo kinh thành
Trong phim "Mỹ nhân", Tống Thị" Kim Hiền không chỉ xinh đẹp mà còn để lại ấn tượng về một thân phận đàn bà "mười hai bến nước", không thể có được cuộc đời hạnh phúc, bình yên.
Nhà sản xuất phim cổ trang lịch sử "Mỹ nhân" vừa tung ra loạt hình ảnh mới của nhân vật Tống Thị do Kim Hiền thể hiện trong phim. Đây là tác phẩm khắc họa một phần lịch sử của giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh cùng với những âm mưu thâm độc chốn hậu cung giữa các phi tần kề cận đấng quân vương.
Chính sử triều Nguyễn chép rằng Tống Thị là con gái đầu của Tống Phước Thông, là vợ của Nguyễn Phúc Anh (hoàng tử Kỳ). Phúc Anh mất, để lại Tống Thị và ba con trai thơ dại.
Mong muốn một trong ba con của mình lên vị trí quân vương nên ả dùng nhan sắc để quyến rũ và trở thành tình nhân của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan, cũng chính là em chồng của ả với âm mưu lật đổ ngôi vua. Sau này ả còn tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung (em ruột chúa thượng Nguyễn Phúc Lan) và gây nên những trận khuấy đảo chốn kinh thành.
Tống Thị là nhân vật có nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành", cử chỉ tao nhã, yêu kiều, như tiên giáng trần, dễ làm cho đàn ông điêu đứng.
Không chỉ đẹp, Tống Thị còn có tài ăn nói, liếc mắt đưa tình, giỏi rót mật vào tai người khác và dùng chính nhan sắc của mình để làm vũ khí, không từ bất kì thủ đoạn nào để chiếm đoạt quyền lực về tay.
Sử còn truyền rằng ả ta đã dùng đến cả bùa ngải để mê hoặc quân vương. Chúa thượng Nguyễn Phúc Lan vì trúng bùa mà bất chấp luân thường đạo lý, tư thông với ả gây nên những trận náo loạn triều đình, bỏ bê việc nước, lòng dân không yên.
Bám sát những tình tiết đã nêu trong chính sử nhưng nhân vật Tống Thị của "Mỹ Nhân" được đào sâu, khắc họa thêm những khía cạnh riêng.
Dù có sắc đẹp rực rỡ, sống trong nhung lụa hay được đế vương ôm ấp, Tống Thị cũng chỉ là người đàn bà nhỏ nhoi chịu ảnh hưởng của những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực triền miên. Ả nung nấu quyết tâm dùng mọi thủ đoạn để soán ngôi cho con trai mình chỉ vì tình yêu thương của một người mẹ dành cho con, thương xót cho ba đứa nhỏ thiếu tình cảm của cha vì chồng mất sớm.
Vai diễn Tống Thị trong phim là một nhân vật phức tạp với nhiều cung bậc cảm xúc: lúc độc ác lạnh lùng, lúc lẳng lơ quyến rũ, khi lại đau thương phẫn hận.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy đã không ngần ngại mà trao vai diễn khó này cho Kim Hiền. Cô có ngoại hình gợi cảm, đặc biệt đôi mắt có thần, diễn ra được nhiều trạng thái tình cảm.
Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Kim Hiền cũng rất có duyên với những vai phản diện và đây không phải là thách thức quá khó nên nhân vật Tống Thị được Kim Hiền diễn rất tròn vai.
Bên cạnh hai vai chính của Quách Ngọc Ngoan và Triệu Thị Hà, "Tống Thị" Kim Hiền để lại ấn tượng về một thân phận đàn bà "mười hai bến nước", không thể có được cuộc đời hạnh phúc, bình yên.
"Mỹ nhân" sẽ ra rạp vào ngày 13/11 tới.
Theo La La / Trí Thức Trẻ
Kim Hiền sắm vai phản diện trong phim 'Mỹ nhân' Tống Thị trong bộ phim dã sử Việt là một nhân vật phức tạp và là cơ hội để Kim Hiền thêm một lần nữa chứng tỏ "cái duyên với vai ác". Chính sử triều Nguyễn ghi lại rằng Tống Thị là con gái đầu lòng của Tống Phước Thông, sau này trở thành vợ của Nguyễn Phúc Anh, tức hoàng tử Kỳ....