“Mỹ nhân” và phận đời bi kịch của những kiếp hồng nhan
Nhân bộ phim “Mỹ nhân” ra rạp, lại nghĩ về những thân phận phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” có thật trong lịch sử và từng nhiều lần được đưa lên màn bạc.
Dựa trên một sự kiện có thật và diễn ra trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam với sự phân tranh quyền lực giữa 2 chúa Trịnh – Nguyễn, bộ phim điện ảnh Mỹ Nhân là câu chuyện về cuộc chiến với số phận của 2 người phụ nữ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành: một Thị Thừa mỏng manh yếu đuối và một Tống Thị sắc sảo nhiều mưu mô. Trong cuộc chiến tranh quyền đoạt vị giữa các bậc quân vương, họ đã có những lựa chọn của riêng mình. Không ai ngờ, dù chỉ là 2 người phụ nữ nhỏ bé nhưng cả hai lại khiến cho giang sơn Trịnh – Nguyễn phải đảo điên liên hồi… Một lần nữa, những người phụ nữ mềm yếu chốn hậu cung lại bước vào lịch sử cùng những “chiến tích” mà bất cứ vị vua nào cũng muốn lãng quên…
Triệu Thị Hà thủ vai Thị Thừa trong “Mỹ Nhân”
Mỹ Nhân đã phần nào khơi gợi lại câu chuyện “hồng nhan bạc phận” kinh điển thông qua số phận của Thị Thừa. Lịch sử truyền lại rằng, nàng sống vào khoảng thế kỷ thứ XVII, quê ở Nghệ An, dung mạo xinh đẹp lại giỏi đàn ca hát xướng. Rồi không rõ vì lý do gì mà nàng lưu lạc vào tận trong Nam rồi hạnh ngộ với thái tử Nguyễn Phúc Tần.
Mê đắm nhan sắc và tài năng của người con gái xứ Nghệ, Phúc Tần đã dung nạp nàng làm thiếp, đưa vào phủ cùng chung sống. Tưởng đời người con gái nay đã tìm được chỗ nương dựa, ngờ đâu Phúc Tần (lúc này đã lên ngôi Chúa) trong một lần đọc sách, đọc tới điển tích vua Ngô vì yêu nàng Tây Thi mà điêu đứng, bỏ bê việc triều chính, lòng dân không yên, quan vương phản đối, bỗng nảy sinh tâm lý lo sợ bản thân mình sẽ bị chìm đắm trong tình yêu với Thị Thừa mà tái phạm lỗi lầm của người đi trước. Thế là Chúa sai Thị Thừa mang áo cho tâm phúc của ngài là Nguyễn Phúc Kiều, lại giấu bức thư trong tay áo, ngầm lệnh cho Kiều đem nàng đi dìm chết.
Triệu Thị Hà và Quách Ngọc Ngoan tái hiện câu chuyện tình của Chúa Nguyễn Phúc Tần và cô đào Thị Thừa trong lịch sử
Thị Thừa vốn chỉ là một con hát nhỏ nhoi, câu chuyện về nàng cũng chỉ là đôi ba dòng trong sách sử. Mỹ Nhân đã giúp khán giả hiểu phần nào về số phận của người đàn bà đẹp nhưng bạc mệnh này. Thị Thừa trên màn ảnh rộng do Triệu Thị Hà thủ vai, một người đẹp với những đường nét phúc hậu, tròn trịa và hiền lành đúng “chuẩn” phụ nữ Việt Nam thời trước. Dù rằng diễn xuất của cô chưa thật xuất sắc nhưng qua câu chuyện của Thị Thừa trên màn ảnh, nỗi oan khuất của người con gái năm nào nay đã được hậu thế biết đến và cảm thông nhiều hơn.
Video đang HOT
Ngược dòng lịch sử, không ít người đẹp đã phải chịu chung số kiếp với Thị Thừa. Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến nàng Tây Thi thời Xuân Thu, nàng mang thân nữ nhi đi ngàn dặm tới nước Ngô, mê hoặc Ngô vương Phù Sai, tạo cơ hội cho Việt vương Câu Tiễn phục quốc và làm nước Ngô diệt vong. Công trạng oanh liệt là thế nhưng cuối cùng Tây Thi cũng không tránh khỏi cái chết, mà lại là một cái chết bí ẩn, không rõ nguyên do. Hay một trong tứ đại mỹ nhân khác là Dương Quý Phi với sắc đẹp “hoa nhường nguyệt thẹn” cũng không thể có cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.
Sinh ra trong gia đình danh giá, từ bé nàng đã được học cầm kì thi họa. Mười bảy tuổi, Dương Quý Phi vào cung làm vợ của hoàng tử Lý Mạo. Nhưng về sau, nàng được cha của Lý Mạo là vua Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) sủng hạnh, mong muốn chiếm đoạt nàng làm vợ. Đáng lẽ đã có thể an hưởng phú quý bên Đường Minh Hoàng nhưng Dương Quý Phi lại tư thông với An Lộc Sơn, tiếp tay cho hắn dấy binh tạo phản. Đường Minh Hoàng đưa mỹ nhân cùng mình chạy khỏi kinh thành. Trên đường đi, quan quân gây sức ép buộc Đường Minh Hoàng phải trừ khử mầm mống tai họa là Dương Quý Phi. Nàng bị siết cổ chết ở tuổi 38.
Ở Việt Nam, không lâu sau thời của Thị Thừa cũng xuất hiện một kỳ nữ bạc mệnh khác là Đặng Thị Huệ. Thị Huệ vừa có nhan sắc lại vừa có tham vọng, chính nàng đã gây ra bao nhiêu sóng gió trong phủ chúa Trịnh và lịch sử Đàng Ngoài. Mặc dù đã thành công đưa được con trai mình lên ngôi Chúa nhưng Thị Huệ cũng chẳng được sung sướng bao lâu. Sau cuộc binh biến của quân Tam phủ, chúa nhỏ qua đời, Thị Huệ bị bắt giam, hành hạ, đánh đập. Cuối cùng Thị Huệ uống thuốc độc mà chết.
Tây Thi – Dương Quý Phi (hình minh họa) và Đặng Thị Huệ (trong phim Đêm hội Long Trì)
Tuy nhiên, nếu nhìn lại tất cả những phận hồng nhan này, chắc chắn ít người phải chịu cái chết oan khốc như Thị Thừa, bị chính tay người mình yêu thương ra lệnh hạ sát, mà lại còn vì một mối “lo xa” rất hoang đường trong khi bản thân nàng chỉ mong an phận thủ thường, không hề muốn bon chen, đấu đá, tranh giành địa vị của cải gì cho mình. Có lẽ vì thế mà cái chết của nàng trở thành “vết nhơ” trong cuộc đời của Chúa Nguyễn Phúc Tần – người được dân gian xưng tụng là Hiền Vương do tài cai trị anh minh. Lễ cầu hồn Thị Thừa ở cuối phim Mỹ Nhândường như là chút an ủi Phúc Tần dành cho vong linh người con gái vô tội mà ngài đã lỡ giết hại năm xưa, nhưng tất cả đều đã quá muộn…
Thị Thừa là điển hình cho một thân phận phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh”
Theo Zen / Trí Thức Trẻ
'Mỹ nhân' vượt qua scandal phục trang in hình vua sư tử
Trở thành trò cười trước giờ ra rạp khi in hình "Vua sư tử" trên trang phục, nhưng bộ phim dã sử Việt không phải là một "tác phẩm thảm họa" như người ta tưởng.
Gây nhiều tranh cãi liên quan đến khâu phục trang, cộng thêm đề tài lịch sử khô khan, dàn diễn viên không phải là những cái tên bảo chứng cho doanh thu phòng vé, số phận của Mỹ Nhân khá trắc trở trước giờ ra rạp.
Nội dung bộ phim giống như một lát cắt về thời kỳ đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Đó là thế kỷ 17, giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, mỗi bên hùng cứ một phương. Bối cảnh chính của Mỹ Nhân là nội bộ triều đình Đàng Trong do nhà Nguyễn trị vì.
Mỹ nhân lấy bối cảnh thế kỷ 17, thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, với câu chuyện diễn ra tại triều chính của Đàng Trong.
Nguyễn Phúc Lan nắm ngôi Chúa thượng nhưng vì quá say mê nhan sắc của chị dâu Tống Thị mà tư thông với ả, bỏ bê việc triều chính. Trong khi đó, con trai ngài là Nguyễn Phúc Tần lại rơi vào lưới tình với một cô đào hát tên là Thị Thừa. Trải qua nhiều cuộc binh biến, Phúc Lan băng hà, Phúc Tần lên ngôi, ngăn chặn được họa xâm lăng lẫn diệt được mầm mống phản loạn do Tống Thị xúi giục.
Những tưởng từ nay thiên hạ thái bình, Phúc Tần được yên ổn chung sống bên người mình yêu, nhưng còn đó tấm gương tày liếp của các vị tiên đế vì mê đắm nữ sắc mà dẫn tới họa diệt quốc. Ngài thực sự bối rối trước chuyện phải xử lý cô đào hát xinh đẹp, hiền lương ra sao.
Tác giả của Mỹ nhân là Đinh Thái Thụy, một đạo diễn có rất nhiều kinh nghiệm trong dòng phim lịch sử Việt qua những Long Thành cầm giả ca, Về đất Thăng Long hay Đường Hồ Chí Minh trên biển... Kịch bản của dự án mới tồn tại từ nhiều năm trước, nhưng phải tới năm 2015, nhà làm phim mới có cơ hội đưa nó lên màn bạc. Có lẽ chính sự đam mê của đạo diễn với dòng phim lịch sử giúp Mỹ nhân không trở thành một tác phẩm "thảm họa".
Sau Mỹ nhân, Triệu Thị Hà cần thêm thời gian để trau dồi khả năng diễn xuất. Còn Quách Ngọc Ngoan đã trở nên tiến bộ hơn so với thời gian trước trong sự nghiệp.
Trong dàn diễn viên chính của bộ phim, có hai gương mặt quen thuộc là Quách Ngọc Ngoan và Kim Hiền. Người còn lại trong vai nữ chính Thị Thừa là Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà, một người chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Cô sở hữu nhan sắc phù hợp với nhân vật, từ gương mặt phúc hậu, tròn trịa, đôi mắt ẩn chứa nỗi u buồn, cử chỉ thanh tao uyển chuyển. Song, xét trên góc độ diễn xuất, không ngạc nhiên khi cô gái trẻ tỏ ra lép vế so với các đàn anh, đàn chị.
Trong khi đó, Quách Ngọc Ngoan có nhiều tiến bộ so với Long thành cầm giả ca. Với vẻ ngoài nam tính và thần thái cương nghị, anh luôn là lựa chọn hàng đầu cho các đạo diễn phim cổ trang. Thay cho danh hiệu "bình hoa di động" trước kia, ở Mỹ nhân, Ngọc Ngoan đã biết vận dụng hết khả năng diễn xuất và mang đến một số trường đoạn cảm xúc. Đối trọng với anh là nữ đồng nghiệp Kim Hiền. Với bề dày kinh nghiệm, đặc biệt trong kiểu vai phản diện, cô là điểm sáng của Mỹ nhân khi có thể khiến khán giả "run người" chỉ qua ánh mắt hoặc nụ cười.
Kim Hiền chứng tỏ bản lĩnh "đàn chị", cũng như kinh nghiệm diễn xuất vai ác trong Mỹ nhân. Nhân vật Tống Thị của cô cũng được miêu tả với góc nhìn đa chiều hơn so với lịch sử.
Ưu thế lớn nhất của Mỹ nhân là có được kịch bản hấp dẫn. Tuy bám sát sách sử, phim vẫn cố gắng chọn lọc ra những khoảnh khắc để người xem có thể nhìn sâu hơn vào nội tâm nhân vật.
Chẳng hạn như Tống Thị trong quá khứ thường chỉ được nhắc đến như một người đàn bà lăng loàn, tham lam, xấu xa, tư thông với em chồng, vơ vét của cải từ dân đen... Nhưng với trường đoạn dạy dỗ con, người xem được thấy khía cạnh khác của nàng: một người mẹ thương con hết mực, không từ mưu mô nào để giành ngôi báu cho con.
Hay như chuyện Phúc Tần đồng ý kết liễu Thị Thừa do một lần đọc sách về Phù Sai - Tây Thi, nếu giữ nguyên như trong tài liệu cổ thì có lẽ sẽ khá khiên cưỡng và không đủ sức thuyết phục. Thế nên, các nhà làm phim mạnh dạn cải biên, để cho Phúc Tần chịu sức ép từ quần thần cùng dằn vặt về đạo đức trong suốt thời gian dài. Những sự thay đổi và điều chỉnh hợp lý giúp Mỹ nhântrôi chảy về mặt cảm xúc, không trở nên phi logic như nhiều bộ phim Việt.
Sự cố "Vua sư tử" đã được đoàn làm phim khắc phục. Nhưng kỹ xảo của các đại cảnh chiến đấu chưa xứng tầm với kinh phí 16 tỷ đồng.
Vấn đề phục trang vốn là điểm yếu của bộ phim và đã được ê-kíp sản xuất nhanh chóng khắc phục bằng kỹ xảo vi tính. Dù trông không được thật như hình thêu trực tiếp, nó cũng giúp Mỹ nhân không trở thành trò cười ngớ ngẩn như cách đây vài tuần. Điều đáng tiếc là tuy bộ phim có kinh phí sản xuất lên tới 16 tỷ đồng, nhưng đồ họa ở những cảnh chiến đấu còn sơ sài, không mang lại hiệu quả mãn nhãn.
Bù lại, cảnh đấu võ được đầu tư công phu và đẹp mắt. Đáng chú ý nhất là "cảnh nóng" phô bày toàn bộ đường cong nóng bỏng của hai mỹ nhân Triệu Thị Hà và Kim Hiền được xử lý tốt, khiêu gợi mà không quá dung tục. Nếu xét về mức độ táo bạo, có lẽ Mỹ nhân vẫn còn phải "chào thua" tiền bối Đêm hội Long Trì cách đây gần ba thập kỷ.
Trailer bộ phim 'Mỹ nhân'
Ngoài sự cố về phục trang, nếu đánh giá một cách công bằng, Mỹ nhân là một tác phẩm thuộc dạng khá của dòng phim nhà nước. Nó cho thấy lịch sử Việt Nam là một kho tàng rộng lớn, với vô vàn ý tưởng và câu chuyện để các nhà làm phim có thể khai thác và tiếp cận khán giả nhiều thế hệ khác nhau.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Theo Zing
Kim Hiền - nhan sắc "góa phụ" khuynh đảo kinh thành Trong phim "Mỹ nhân", Tống Thị" Kim Hiền không chỉ xinh đẹp mà còn để lại ấn tượng về một thân phận đàn bà "mười hai bến nước", không thể có được cuộc đời hạnh phúc, bình yên. Nhà sản xuất phim cổ trang lịch sử "Mỹ nhân" vừa tung ra loạt hình ảnh mới của nhân vật Tống Thị do Kim Hiền...