“Mỹ nhân ca” U30 đỉnh cao của Showbiz Việt (P.1)
Người đi trước, kẻ đến sau nhưng mỗi người đều mang trong mình những điều đặc biệt mà chỉ khi nghe họ hát, người ta mới thấy nhiều điều đặc biệt.
Âm nhạc là thể loại giúp cho mọi người gần nhau hơn, và người thể hiện chính là chiếc cầu nối cảm xúc đưa người nghe đến gần hơn với ý đồ, nội dung của những sáng tác. Thành công của một ca sĩ không thể thiếu đi dấu ấn cá nhân trong một tác phẩm riêng biệt nào đó gây được ấn tượng hoặc cảm hứng sâu đậm với khán giả. Từ đó, khán giả, công chúng mộ điệu biết đến họ nhiều hơn và dành những lời khen tặng, khích lệ cho sự nghiệp âm nhạc của mỗi người.
Giữa lưng chừng rất nhiều những cá tính âm nhạc khác nhau, sự cách biệt của tuổi tác giữa những người đi trước và thế hệ đi sau, khán giả dễ dàng nhận ra một số “đối tượng” nằm ở một phân khu riêng biệt. Họ sở hữu những giọng hát tốt, có kĩ thuật đáp ứng được những logic nhạc lý, nhưng chưa thể được định danh để trở thành người nối tiếp của thế hệ 4 Diva Việt. Vì ảnh hưởng đến công chúng, vì chất lượng sản phẩm âm nhạc không đồng đều để thuyết phục giới chuyên môn hay một lí do nào khác, … sẽ có rất nhiều lí do để giải thích, nhưng nếu chỉ nghe họ hát, người ta thấy thỏa mãn và hài lòng vì đó là những vẻ đẹp riêng biệt khác nhau.
Hồ Quỳnh Hương
Sinh ra trên đất mỏ, nhưng cũng giống như nhiều đàn anh, đàn chị đi trước thành danh và nổi tiếng ở những miền đất khác, Hồ Quỳnh Hương từng để lại nhiều lời khen ngợi khi tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc với giải “Giọng ca tài năng trẻ triển vọng”. Tài năng của Hồ Quỳnh Hương không dừng lại ở giải thưởng này, mà liên tiếp sau đó, cô gái “không biết đến giải nhì” này đã liên tục chinh phục các giải thưởng tên tuổi khác.
Hồ Quỳnh Hương đã ra mắt rất thành công trước khán giả của Duyên dáng Việt Nam 12 bằng những tràng pháo tay giòn giã với sáng tác Lời nguyện cầu của Hà Dũng. Một người còn rất trẻ nhưng đã thể hiện được những cảm xúc mãnh liệt trong một sáng tác đầy gai góc, một không gian đầy thuận lợi để thăng tiến tên tuổi, Hồ Quỳnh Hương tiến một bước dài để “tiếp thị” và gắn chặt mình vào làng giải trí.
Lời nguyện cầu (Hà Dũng) – Hồ Quỳnh Hương
Nếu chỉ xét về khía cạnh âm nhạc, Hà Dũng có một giá trị lớn trong sự nghiệp âm nhạc của Hồ Quỳnh Hương. Chính thứ âm nhạc gai góc, vừa phù du, vừa nặng nề, đòi hỏi người thể hiện vừa phải hát, vừa phải diễn đã khơi gợi, đẩy được lên cao trào những trạng thái cảm xúc của Hồ Quỳnh Hương. CD Vol 1 của Hồ Quỳnh Hương cho đến giờ vẫn được xem là điểm mốc huy hoàng nhất, khắc họa rõ nét nhất chất cá tính mà Hà Dũng khai thác được từ Hương Hồ bằng các sáng tác của mình.
Đều đều mỗi năm, Hồ Quỳnh Hương cho ra mắt một album khai thác một khía cạnh, hình ảnh, góc độ mới và duy trì được tên tuổi của mình ở thị trường giải trí vốn có nhiều sự đào thải khắc nghiệt. An toàn vị trí trên các sân khấu lớn, cánh cổng tới các giải thưởng vẫn rất rộng mở cùng lượng khán giả yêu thích đông là điểm tựa rất lớn để Hồ Quỳnh Hương đứng vững và tự xây cho mình kế hoạch phát triển dài và rộng, cho bản thân, cho công ty và cho những đàn em được Hương Hồ dìu dắt, nâng đỡ.
… những hình ảnh rất nữ tính của Hương Hồ
Có nhau trọn đời (Đức Trí) – Hồ Quỳnh Hương
Nếu như ở tuổi 19-20, Hồ Quỳnh Hương hát Biển khát của Trương Ngọc Ninh bằng sự đam mê, bản năng thì khi đến với Duyên Dáng Việt Nam, Hồ Quỳnh Hương như một viên ngọc đã được làm sáng bằng thứ âm nhạc học thuật cô tiếp thu trong trường nghệ thuật qua sáng tác của Hà Dũng. Tạm chia tay với thứ âm nhạc kén người nghe một thời gian, giọng hát của Hồ Quỳnh Hương đã đưa nhiều sáng tác nhạc nhẹ nhàng, gần gũi trở thành hit trong các chương trình ca nhạc, những bảng xếp hạng. Từ Có nhau trọn đời, Ước mơ trong đời, Tôi tìm thấy tôi ( Đức Trí) cho tới Nuối tiếc (Hồ Hoài Anh)… Mỗi ca khúc được thể hiện bởi Hồ Quỳnh Hương đều có ít nhiều dấu ấn cách xử lí hoặc cảm xúc của chính mình. Đôi khi không kiềm chế được cảm xúc, khán giả đều có thể thấy được cô ca sĩ đất mỏ này xúc động khóc khi thể hiện.
Video đang HOT
Luôn muốn cân bằng giữa âm nhạc mang giá trị nghệ thuật và giá trị giải trí, Hồ Quỳnh Hương quyết định lựa chọn đi song song cả 2 con đường để không dẫm chân lên nhau, làm mu mờ hình ảnh bằng những sản phẩm âm nhạc ghép vội, thiếu thống nhất. Cô vừa có thể có “chân” trong những chương trình ca nhạc tạp kĩ đẳng cấp hàng đầu Việt Nam, nhưng cũng thừa khả năng để ngồi vào hội đồng đánh giá chất lượng chuyên môn của một giải thưởng âm nhạc với vị trí từng thủ khoa của mình hay các chương trình ca nhạc là nơi hẹn gặp của những giọng hát kĩ thuật của Việt Nam.
Nguyên Thảo là một giọng ca có… phạm vi. Cái phạm vi này chính là hạn chế của riêng cô và cũng là của khán giả yêu mến giọng hát này. Phạm vi không chỉ dừng ở sự lựa chọn những sân khấu biểu diễn mà còn là cả những quan hệ cá nhân với cuộc sống bên ngoài. Giữa Sài Gòn hàng ngày vẫn diễn ra rất nhiều hoạt động âm nhạc khác nhau, Nguyên Thảo vẫn giữ những thói quen sống đơn giản và khiêm nhường như khi mới chân ướt, chân ráo tìm một cơ hội riêng cho mình ở mảnh đất này. Thế giới của Nguyên Thảo không chỉ là âm nhạc mà còn là những câu chuyện cuộc sống thường ngày rất lặng lẽ, nhưng rất tinh tế như chính Thời gian để yêu hay Những khung trời khác mà người nghe dễ dàng tìm thấy mình trong CD của Đỗ Bảo
“Nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy đặn, có sức truyền cảm và điều quan trọng là có nội tâm rất mạnh mẽ” – Nhạc sĩ Dương Thụ. (Ảnh: Hoàng Yến)
Chút nắng vàng bay (Giáng Son)
Đến từ Đà Lạt và mang rõ nét hơi thở của những con người điềm đạm, nhẹ nhàng xứ đồi cao, Nguyên Thảo cũng mang những nét điển hình ấy trong giọng hát trong vắt, êm ru khiến người nghe luôn cảm thấy dễ chịu, không bị căng thẳng. Nhưng cũng không vì thế mà người nghe không cảm nhận được sự nỗi day dứt hay sự khắc khoải trong những tâm sự của các sáng tác. Người nghe có khi phải trùng mình lại giữa khoảng lặng tắt “khi anh xa xem” chỉ vài giây khi âm nhạc và tiếng hát đột ngột tắt trong Bên em là biển rộng hay giữa những thinh lặng êm đềm, rủ rỉ của Gọi anh, vẫn là những ám ảnh u buồn lẩn khuất của người thể hiện.
Diva Mỹ Linh từng khóc khi nghe Nguyên Thảo hát
Bên em là biển rộng (Bảo Chấn) – Nguyên Thảo
Dù đã rất cũ, hay là sáng tác mới, nghe Nguyên Thảo hát đều thấy cô tự biến ca khúc ấy thành một “tài sản” riêng của chính mình. Sự tiết kiệm hình ảnh gắn liền với những sáng tạo đậm chất riêng giúp Nguyên Thảo được giới chuyên môn đánh giá rất cao và được lựa chọn tham gia nhiều các chương trình nghệ thuật lớn. Giá trị của tiếng hát được Nguyên Thảo cẩn thận “cất giữ” trong cá tính của mình, và chỉ hé mở nó trong những không gian cần thiết.
Đó là lí do vì sao Nguyên Thảo rất ít khi nhận hát trong những chương trình mà phần nhìn nhiều hơn phần nghe, nghệ sĩ chạy sô hơn là để khán giả thưởng thức, lắng nghe tâm sự của họ. Và cũng chính cái “khó” của riêng mình như vậy, Nguyên Thảo mới dành riêng cho mình được những không gian để tìm đến sự tĩnh tâm, sự nhìn nhận để phát triển.
(Ảnh: Trần Tiến Dũng)
Rơi lệ ru người (Trịnh Công Sơn)
“Trời đất ơi, một ca sĩ quá tài năng…..hát những chỗ luyến mà nổi hết cả da gà” (Bình luận của một khán giả)
Kể từ CD đầu tay Suối và cỏ, phải tới gần 5-6 năm Nguyên Thảo mới mang đến những album riêng của mình trong sự chờ đợi của khán giả yêu mến cô. Sau những hợp tác, giúp đỡ rất thành công từ nhạc sĩ Dương Thụ, Anh Quân, Đỗ Bảo, Nguyên Thảo sẽ cho ra mắt 2 CD mới hợp tác cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trong năm 2011.
Một đĩa nhạc chillout độc đáo với các ca khúc Trịnh Công Sơn, và một album concept với tác phẩm của Võ Thiện Thanh dựa trên cảm hứng từ cuốn sách “Đối thoại với thượng đế” của Neale Donald Wasch là những thử nghiệm và sáng tạo âm nhạc mà Nguyên Thảo cùng nhạc sĩ đã mất nhiều công sức để hoàn thành trọn vẹn. Cả Nguyên Thảo và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chưa từng chia sẻ gì về dự án âm nhạc chung của hai người nhưng với về mặt chất lượng âm nhạc thì khán giả hoàn toàn đặt nhiều hy vọng vào sự trở lại của Nguyên Thảo cũng như sự lột xác mới về âm thanh của nhạc sĩ “Chuông gió”.
…Còn tiếp
Theo vietnamnet
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: 5 năm nữa CD sẽ "mất tích"!
Trong lúc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm "dọa" sẽ ngưng sản xuất sau khi Trung tâm Bản quyền âm nhạc "đòi" tăng gấp đôi tiền tác quyền ca khúc, thì nhạc sĩ của những bản "hit", nhà sản xuất của những dự án âm nhạc luôn gây chú ý cả trong giới lẫn trên thị trường, dự báo: Phương cách thưởng thức nghệ thuật đã thay đổi, 5 năm nữa CD sẽ... "mất tích".
- Những bài đó tôi viết khi còn là sinh viên nhạc viện. Khi ấy, Kim Lợi đang khai thác Trường Huy, tôi có chơi với Huy nên từ đó Kim Lợi biết và mua độc quyền 10 bài, sử dụng trong 2 năm. Không phải tất cả trong số đó đều "nổi", đều thành "hit", như bài Mưa, Quán cóc, trong đó bài Quán cóc do Thu Phương hát, tôi thích, nhưng thực tế ngoài thị trường thì nó không nổi. Lúc đó tôi chỉ bán bài, do đó không làm chủ sáng tác của mình, không tham gia hòa âm, phối khí, lựa chọn ca sĩ thể hiện. Nhưng tiền bán 10 ca khúc lúc đó đủ để tôi bứt khỏi công việc chơi nhạc hàng đêm ở nhà hàng, có tiền để mua máy móc đầu tư cho công việc.
Còn thời kỳ viết nhiều nhất chính là khi làm album cho Hà Anh Tuấn, Đoan Trang, Thu Minh.
* Nhưng nếu gọi anh là nhạc sĩ của những bản "hit" có lẽ cũng không sai, có bài mà sức sống của nó trong đám đông, thật sự là mạnh mẽ đến khó tin, như Ước gì. Bản thân anh tự đánh giá về điều này ra sao? Liệu có rút ra được một công thức sản xuất những bản "hit"?
- Bài Ước gì đúng là bản "hit" nhất của tôi. Tôi nghĩ Ước gì thành công về mặt cảm xúc nhiều hơn, nó đồng cảm được với rất nhiều người còn về nghệ thuật thì chưa phải là đỉnh cao. Lúc đó tôi viết chính về tình yêu của bản thân mình, không nhắm viết cho ai hết. Ca sĩ đầu tiên tôi tính gửi là Hồ Quỳnh Hương, nhưng không biết sao ca khúc này lại có duyên với Mỹ Tâm. Chính tôi đã phối, thu âm cho Tâm tại phòng thu Việt Hùng, lúc ấy, cả Tâm cũng không nghĩ bài này lại nổi như thế. Tôi nghĩ cảm xúc chân thật cộng với sự đồng cảm của nhiều người tạo nên thành công cho một ca khúc.
Sau này, Chuông gió được đánh giá là thành công về nghệ thuật, nhưng nổi trên thị trường thì không bằng Ước gì. Các nhạc sĩ ở Việt Nam hầu hết đều gặp thực tế như vậy. Khi bài hát phù hợp với gu thưởng thức ở tầng đại chúng thì nó có nhiều công chúng hơn, khi bài hát tinh tế hơn, nó sẽ ít thành công hơn.
Với tôi, sáng tác diễn ra một cách tự nhiên, sự tinh tế về ca từ và sự đi lên về nghệ thuật nằm trong một quá trình phát triển tự nhiên của bản thân. Tôi để điều ấy xảy ra một cách tự nhiên, không ép buộc nó vào công thức nào cả. Ngay cả với ca sĩ cũng vậy. Nhiều dự án hợp tác đến như cái duyên, không nên cố ép.
* Có lẽ vì không cố như vậy, nên bản thân tôi và nhiều người khác luôn cảm thấy tiếc khi các dự án âm nhạc thú vị được xây dựng từ anh, nhưng sau đó lại không đi tới cùng với một ca sĩ. Mà thật ra, chuyện này xảy ra cũng không chỉ riêng với anh, nhiều nhà sản xuất âm nhạc khác cũng gặp chuyện "giữa đường đứt gánh" như vậy. Gắn bó dài lâu giữa nhà sản xuất âm nhạc và ca sĩ thật sự khó thế sao?
- Muốn gắn bó dài lâu như chị nói chỉ có thể là vợ chồng. Nếu không, bản thân mình phải là nhà đầu tư. Mà chuyện này cũng rất khó ở Việt Nam. Như nhạc sĩ Đức Trí, đã có hẳn một công ty, là nhà đầu tư, nhưng cũng chỉ gắn bó với Hồ Ngọc Hà một giai đoạn mà thôi, thời kỳ thành công với album Và em đã yêu. Tuy nhiên, sự gắn bó có cái tốt, nhưng cũng có cái không tốt vì đôi khi nó quá ràng buộc sự sáng tạo của nhau. Hiện tại, tôi cố gắng làm thật tốt tại thời điểm đó, nếu có duyên thì sẽ gặp lại.
* Trong số những lần "đứt duyên", anh tiếc nhất "duyên" nào?
- Có lẽ tiếc nhất là Thu Minh. Tôi không tiếc Thu Minh không tiếp tục làm album với mình sau Thiên đàng, Minh có thể làm với nhà sản xuất khác, nhưng vẫn trung thành với phong cách đó (dance - TT&VH), thay vì làm loãng nó với các phong cách khác. Có thể vì cuộc sống mà ở Việt Nam nhiều ca sĩ không thể trung thành với phong cách của mình. Đi hát kiếm tiền thì không thể hát Chuông gió được. Cái này còn do bản lĩnh ca sĩ. Tôi thấy ca sĩ miền Bắc thường có bản lĩnh hơn.
* Với thực tế khó thay đổi như thế, anh làm gì được?
- Thời gian này tôi thấy có một vấn đề đáng quan tâm hơn ở thị trường âm nhạc ở Việt Nam, đó là sự bùng nổ internet và nhạc mạng - nó đang giết chết âm nhạc Việt Nam.
Sự thực thì nhạc mạng là thực tế toàn cầu. Nhưng nếu những thị trường âm nhạc phát triển ở nước ngoài đã có chuẩn mực rồi thì việc chuyển qua nghe nhạc mạng không có vấn đề gì còn ở ta, thị trường chưa đủ mạnh mà đã chuyển qua nhạc mạng thì hỏng bét khi cả người làm nhạc lẫn người nghe nhạc số đông mang tâm lý chụp giựt. Hơn nữa, nhạc mạng ở nước ngoài đều có quản lý, còn nhạc mạng ở ta chủ yếu là "chùa", là "free" nên rất dễ "loạn".
* Tức là anh phản đối nhạc mạng?
- Hoàn toàn không. Tôi chỉ phản đối cách người ta đang làm với nhạc mạng hiện nay. Thực tế thì phương cách thưởng thức nghệ thuật đã và đang thay đổi. Tôi đoán 5 năm nữa CD theo lối làm và cách nghĩ cũ sẽ "mất tích". Hiện nay CD bán khoảng 1.000 bản là hết, "hot" lắm mới bán được 3.000 bản... CD chỉ còn làm để PR. Vấn đề là chọn cách làm việc nào để thích ứng với hoàn cảnh mới. Tôi đang bắt đầu không đặt nặng chuyện sản xuất băng đĩa, không chọn việc phát hành CD là chính trong sản xuất âm nhạc. Thay vào đó tôi sẽ lập trang web riêng để bán nhạc mình trên mạng.
* Có lẽ chúng ta sẽ trở lại câu chuyện thị trường âm nhạc Việt Nam vào một dịp khác. Hiện nay, tôi quan tâm tới dự án trong năm 2011 của anh, nghe nói đã bắt đầu từ khá lâu rồi?
- Hiện nay tôi đang gấp rút hoàn thành cho Nguyên Thảo một album lấy ý tưởng từ cuốn sách Đối thoại với Thượng đế (nếu không có gì thay đổi, album sẽ lấy tên cuốn sách làm tựa đề - TT&VH), phong cách âm nhạc pha trộn giữa điện tử với nhiều thể loại âm nhạc khác. Trong dự án này, thời gian đầu làm khó thật. Vì tôi muốn hướng Thảo vào một con đường mới, còn Thảo thì quá gắn bó với cái cũ. Cả hai chúng tôi đều mất nhiều thời gian loay hoay tìm hướng đi. Trong lúc đang loay hoay này, chúng tôi làm chơi một đĩa nhạc chillout gồm toàn các ca khúc Trịnh Công Sơn. Nhưng chính từ làm chơi này tôi phát hiện ra cách hát riêng của Thảo: cảm xúc hoang dã hồn nhiên, không lệ thuộc vào kỹ thuật. Thảo là Thảo, không giống với bất kỳ người nào khác. Tới hai album này (nhất là trong album chillout), tôi tin không ai có thể nghĩ tới một sự so sánh. Bạn nghe sẽ rất ngạc nhiên. Một lối hát tự nhiên như chảy ra từ tâm hồn. Theo kế hoạch, cả hai album sẽ ra cùng lúc, trong năm nay.
* Album Đối thoại với Thượng đế sẽ gồm toàn sáng tác mới của Võ Thiện Thanh. Liệu có bài nào trong số này trở thành "hiện tượng"?
- Tôi cho rằng hiện nay rất khó để có lại hiện tượng theo kiểu Ước gì. Bản "hit" giờ đây chỉ là tồn tại trong một bộ phận khán giả, thay vì toàn khán giả như trước, điều này do sự thay đổi của hoàn cảnh, của cách thưởng thức. Làm nên một bản "hit" được cả nước thích nghe thì đã thiệt, nhưng kiểu ấy chỉ xảy ra trong môi trường làm nhạc nghiệp dư. Còn trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, người thích nhạc Pop thì sẽ không thích Jazz... Quan trọng nhất với người sản xuất âm nhạc là làm thể loại nào ra thể loại đó.
* Cảm ơn anh và phải nói là rất tò mò với sản phẩm âm nhạc mới của anh và ca sĩ Nguyên Thảo sẽ ra mắt trong năm nay.
Theo thethaovanhoa.vn
Lần đầu tiên, Tuấn Ngọc kết hợp với Nguyên Thảo Lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình riêng kết hợp hai giọng ca của hai thế hệ âm nhạc: Tuấn Ngọc và Nguyên Thảo trong Không gian âm nhạc số 2 mang tên Cỏ hồng vào 28, 29/5. Ca sĩ Tuấn Ngọc Tuấn Ngọc đang hồi hộp với một danh mục ca khúc tự mình chọn dành riêng cho khán giả...