Mỹ ngừng chế tạo máy bay vận tải quân sự “ngựa thồ” C-17
Tập đoàn Boeing của Mỹ ngày 18/9 đã thông báo sẽ ngừng chế tạo máy bay vận tải quân sự chiến lược C-15 vào năm 2015 do nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh các chính phủ cắt giảm chi tiêu.
Các máy bay vận tải C-17 do Boeing chế tạo.
Theo đó, Boeing sẽ đóng cửa nhà máy lắp ráp C-17 cuối cùng tại Long Beach, bang California vào năm 2015 sau khi hoàn thành 22 chiếc đang được chế tạo.
Với quyết định đóng cửa trên, gần 3.000 người sẽ mất việc làm, trong đó có các lao động tại nhà máy ở Long Beach và tại 3 bang khác là Arizona, Georgia và Missouri.
Việc cắt giảm lao động sẽ bắt đầu vào đầu năm 2014 và tiếp tục cho tới khi nhà máy đóng cửa hoàn toàn, Boeing cho biết trong một tuyên bố.
“Ngưng sản xuất C-17 là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết”, ông Dennis Muilenburg, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của các chương trình quốc phòng, vũ trụ và an ninh của Boeing nói.
“Các khách hàng của chúng tôi trên khắp thế giới phải đối mặt với tình hình ngân sách rất khó khăn. Mặc dù nhu cầu về C-17 còn cao nhưng ngân sách hạn chế không hỗ trợ các hợp đồng mua thêm trong thời gian cần thiết để tiếp tục duy trì dây chuyền sản xuất”, ông Muilenburg nói.
Ông Muilenburg cho biết thêm rằng các khoản cắt giảm ngân sách mạnh tay của Mỹ đã gây ra những khó khăn đáng kể về việc lên kế hoạch đối với các khách hàng của Boeing và toàn bộ ngành hàng không vũ trụ. “Tình trạng bấp bênh đó đã gây ra những quyết định khó khăn như việc đóng cửa dây chuyền sản xuất C-17 này”, ông Muilenburg nói.
Quyết định ngừng sản xuất C-17 cũng ảnh hưởng tới hơn 650 nhà cung cấp tại 44 bang của Mỹ, vốn tuyển dụng khoảng 20.000 lao động, Boeing cho biết.
Video đang HOT
C-17 là máy bay vận tải quân sự hạng nặng tiên tiến của Mỹ. Dòng máy bay vận tải cỡ lớn, 4 động cơ thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1991 và việc bàn giao cho khách hàng bắt đầu 2 năm sau đó. Nó được dùng để vận chuyển các xe tăng, hàng tiếp tế và các binh sĩ, cũng như thực hiện các sứ mệnh sơ tán y tế.
C-17 nhanh chóng trở thành “ngựa thồ” trong các cuộc chiến tranh và thảm họa, được đánh giá cao bởi khả năng hoạt động từ những đường bay ngắn và có thể thực hiện các chuyến bay liên lục địa với đầy đủ hàng hóa mà không cần tiếp nhiên liệu.
Việc thiết kế C-17 bắt đầu tại nhà máy ở Long Beach vào năm 1981, khi nó còn là một cơ sở của hãng McDonnell Douglas. Boeing đã sáp nhập với McDonnell Douglas vào những năm 1990. Cho tới nay, Boeing đã bàn giao tổng cộng 257 chiếc C-17 trên toàn thế giới, với giá thành 311 triệu USD mỗi chiếc.
Đối thủ chính của C-17 là máy bay vận tải A400M, do hãng Airbus chế tạo.
An Bình
Theo AP
Trung Quốc sợ khả năng cơ động đường không cực nhanh của Ấn Độ
Trong chiến tranh hiện đại, khả năng cơ động nhanh đóng vai trò rất quan trọng, nó có thể làm xoay chuyển cục diện chiến trường một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, lục quân Ấn Độ đã xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng triển khai nhanh vũ khí, trang bị và binh lính lên biên giới.
Trong thời gian vừa qua, Ấn Độ đã tăng cường mua sắm các loại máy bay vận tải quân sự với số lượng lớn. Đây không phải là những toan tính thông thường, mà là sự chuẩn bị chiến lược cho tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Hiện lực lượng máy bay vận tải chiến lược của họ có cả C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster của Mỹ và IL-76 của Nga.
Ngày 20-8 vừa qua, Ấn Độ đã điều máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules tới khu vực biên giới với Trung Quốc. Nó đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Daulat Beg Oldie (DBO) ở vùng tây bắc khu vực Ladakh, gần giới tuyến không chính thức giữa Ấn Độ và Trung Quốc và đang do New Delhi kiểm soát.
Trước đây, Tư lệnh không quân Ấn Độ Brown cho biết: "Các căn cứ của chúng tôi đều được xây dựng trên độ cao từ 11.000 - 13.000 feet trên mực nước biển, chạy suốt từ Himalaya ở phía bắc cho đến Ấn Độ Dương ở phía nam, có địa hình rất hiểm trở, là một thách thức lớn cho công tác hậu cần tiếp tế".
Máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster III của Mỹ
Daulat Beg Oldie là căn cứ không quân cao nhất thế giới, nằm ở độ cao 5.065 mét so với mực nước biển, việc vận chuyển tiếp tế lên khu vực này là rất khó khăn. Sự hiện diện của C-130J Super Hercules ở đây đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Năm 2008, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD mua 6 chiếc máy bay vận tải C-130J Super Hercules của Mỹ, và dự định mua thêm 6 chiếc nữa. Đây là loại máy bay hiện đại sử dụng 4 động cơ Rolls Royce, có thể dùng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau như vận chuyển quân và tìm kiếm cứu hộ...
Không dừng lại ở đó, Ấn Độ còn chi khủng cho các hợp đồng mua sắm máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster III. Với hợp đồng trị giá 4,1 tỷ USD, họ đã trở thành đối tác nước ngoài lớn nhất mua sắm loại máy bay này và sở hữu phi đội máy bay vận tải chiến lược lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Máy bay vận tải C-130J Super Hercules hạ cánh xuống căn cứ không quân Daulat Beg Oldie
Ngày 02-09 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức thành lập chi đội máy bay vận tải chiến lược số 81, với lực lượng nòng cốt là các máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster III mua của Mỹ. Hiện chi đội này có 3 máy bay được lần lượt tiếp nhận vào các tháng 6, 7 và tháng 8-2013 vừa qua. Đại diện của Công ty Boeing cho biết, từ nay đến cuối năm họ sẽ bàn giao tiếp 2 chiếc C-17 cho không quân Ấn Độ và sang năm 2014 sẽ tiếp tục hoàn tất chuyển giao 5 chiếc nữa.
Tất cả các chuyên gia quân sự đều nhận thấy, C-17 Globemaster với khả năng vận tải cực lớn và khả năng tiến hành đa nhiệm, có thể trợ giúp quân đội Ấn Độ triển khai hoạt động ở các khu vực này một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Với phi đội máy bay vận tải khủng, Ấn Độ có thể nhanh chóng bốc các sư đoàn hạng nặng với đầy đủ vũ khí, trang bị lên biên giới trong vòng vài giờ. Đây chính là lợi thế lớn của quân đội Ấn Độ, so với quân đội Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ.
Máy bay vận tải C-17 Ấn Độ mới nhận từ Mỹ
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có số lượng ít các máy bay vận tải IL-76 đã cũ của Nga, năng lực vận chuyển có hạn. Đại bộ phận các hoạt động di chuyển vũ khí, trang bị hạng nặng của họ lên biên giới Trung - Ấn đều phải thông qua tuyến vận tải đường sắt xuyên Tây Tạng, mất rất nhiều thời gian so với người Ấn.
Vì vậy, trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện sự chênh lệch này bằng cả những biện pháp cấp bách lẫn lâu dài. Họ đã hỏi mua máy bay vận tải chiến lược thế hệ mới nhất của Nga là IL-476 nhưng Nga vẫn chưa chịu ký hợp đồng, làm kế hoạch này đang đi vào ngõ cụt.
Theo giấy phép sản xuất và xuất khẩu của Il-476, sớm nhất là đến năm 2015 Nga mới được phép xuất khẩu, nếu ký hợp đồng quá sớm, sau này vấn đề giá cả sẽ phát sinh tranh chấp không đáng có. Hơn nữa, cho đến trước năm 2015, nhà máy sản xuất vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng máy bay theo yêu cầu của không quân Nga.
Phù hiệu trên tay binh lính thuộc Chi đội máy bay vận tải chiến lược số 81
Về lâu dài, Trung Quốc cũng nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển máy bay vận tải hạng nặng Y-20 nhưng họ cũng gặp vô vàn khó khăn. Dự án Y-20 dậm chận tại chỗ, vì không có nổi 1 động cơ nào cho ra hồn. Thời gian qua, Ukraina đã bác bỏ thông tin bán động cơ hạng nặng D-18T hiện đang sử dụng trên máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 "Ruslan" cho Trung Quốc, nên họ đành chấp nhận sử dụng động cơ D30-Kp-2 đã quá cũ và không đủ lực đẩy.
Hợp đồng mua sắm máy bay IL-476 của Nga và dự án phát triển máy bay vận tải chiến lược Y-20 của Trung Quốc nhanh nhất cũng phải mất 5-7 năm nữa mới có khả năng hoàn thành. Tuy hiện nay Trung Quốc vẫn thường xuyên có những hoạt động xâm nhập tuyến biên giới Trung - Ấn, nhưng đó chỉ là hành động lẻ tẻ của các tốp lính biên phòng đường bộ. Còn nếu có chiến sự xảy ra, Ấn Độ mới là bên nắm được lợi thế trên biên giới.
Theo ANTD
Hàn Quốc lần đầu xuất khẩu máy bay huấn luyện chiến đấu Hai máy bay quân sự Hàn Quốc hôm nay 10/9 đã rời nước này để tới Indonesia trong khuôn khổ hợp đồng xuất khẩu máy bay huấn luyện chiến đấu siêu thanh đầu tiên của Hàn Quốc. Một chiếc T-50 do Hàn Quốc chế tạo. Động thái trên diễn ra 2 năm sau khi Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn...