Mỹ nghi tin tặc Nga đứng sau khủng hoảng Qatar
Các nhà điều tra Mỹ tin rằng tin tặc Nga đã xâm nhập cơ quan thông tấn Qatar, truyền đi tin tức giả gây khủng hoảng ở vùng Vịnh.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã gửi một đội điều tra tới Doha để giúp chính phủ Qatar tìm hiểu về sự cố tin tặc, CNN hôm nay dẫn lời quan chức hai nước. Các cơ quan an ninh Mỹ cáo buộc Nga đứng sau vụ xâm nhập hãng thông tấn Qatar, tung tin tức giả mạo gây khủng hoảng giữa các đồng minh thân cận nhất của Washington ở vùng Vịnh.
Chính phủ Qatar cho biết một tin tức giả được tung ra hôm 23/5 do tin tặc can thiệp vào cơ quan thông tấn nước này, nội dung thể hiện sự thân thiện với Iran, Israel và nêu câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cầm quyền bao lâu.
“Mọi lời buộc tội đều dựa trên thông tin sai lệch và chúng tôi nghĩ toàn bộ cuộc khủng hoảng này cũng đều dựa trên những thông tin đó. Bởi vì mọi chuyện bắt nguồn từ tin tức bịa đặt, xuất hiện trên cơ quan thông tấn của chúng tôi do tin tặc tấn công, FBI đã xác nhận điều này”, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani nói.
Cáo buộc liên quan đến các tin tặc Nga làm tăng thêm lo ngại của tình báo và các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ về biện pháp tấn công mạng tương tự như điều được tin là Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm ngoái.
Các quan chức Mỹ nói rằng mục tiêu của Nga là gây rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh. Vài tháng qua, các tin tức giả mạo, cũng bị nghi do hoạt động tấn công mạng từ Nga, đã xuất hiện trong các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và các nước khác. Tuy nhiên, chính phủ Nga phủ nhận mọi các buộc.
Video đang HOT
Hiện chưa rõ Mỹ theo dấu các tin tặc từ sự việc ở Qatar tới các tổ chức tội phạm Nga hay các cơ quan an ninh Nga vốn bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Một quan chức Mỹ lưu ý rằng dựa trên các thông tin tình báo trong quá khứ, “không có nhiều điều xảy ra ở nước đó mà không có sự hỗ trợ của chính phủ”.
FBI và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ chối bình luận. Một phát ngôn viên của đại sứ quán Qatar ở Washington cho biết cuộc điều tra đang diễn ra và kết quả sẽ sớm được công bố.
Các nước gồm Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Yemen, Libya và Maldives sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời ngừng mọi kết nối trên bộ, trên biển và trên không với nước này. Họ cáo buộc Qatar dung dưỡng các nhóm cực đoan, cũng như ủng hộ Iran.
Hôm qua, ông Trump dùng tài khoản mạng xã hội Twitter chỉ trích Qatar. Tổng thống Mỹ không tin rằng tin tặc đã tung ra tin tức giả. Ông Trump ủng hộ việc Arab Saudi cùng các đồng minh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, do cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố. Nhưng Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ hôm qua tuyên bố không có kế hoạch rời khỏi căn cứ không quân Mỹ đặt ở Qatar để tiến hành các cuộc không kích khủng bố trong khu vực.
Hàng chục chuyến bay đã bị hủy, máy bay Qatar không được đi vào không phận các nước láng giềng. Người dân Qatar đang đổ xô mua thực phẩm vì lo sợ tình trạng thiếu lương thực.
Văn Việt
Theo VNE
Qatar đề nghị Kuwait giúp xử lý khủng hoảng vùng Vịnh
Quốc vương Qatar hoãn phát biểu với người dân về việc bị các nước Arab cắt quan hệ để Kuwait có điều kiện xử lý khủng hoảng vùng Vịnh.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani. Ảnh: Reuters.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đêm 5/6 điện đàm với người đồng cấp Kuwait Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani hôm nay nói với kênh truyền hình Al Jazeera.
Quốc vương al-Thani cho biết ông quyết định hoãn phát biểu với người dân Qatar về việc nước này bị Arab Saudi, UAE, Bahrain cắt quan hệ ngoại giao và Doha sẽ không trả đũa các quốc gia láng giềng.
Theo Mohammed, việc này nhằm giúp Quốc vương Kuwait al-Sabah có thể "tiếp cận và liên lạc với các bên trong cuộc khủng hoảng và kiểm soát tình hình". Quốc vương Kuwait từng góp phần quan trọng trong xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao tương tự ở vùng Vịnh năm 2014.
Ông Mohammed nói Qatar "tin những khác biệt giữa các quốc gia có thể được giải quyết qua đối thoại", đề xuất tổ chức gặp để trao đổi quan điểm, thu hẹp khác biệt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập hôm qua đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì Doha "ủng hộ phiến quân Hồi giáo và Iran". Doha phủ nhận cáo buộc này. Yemen, chính phủ ở miền đông Libya và Maldives sau đó cũng quyết định cắt quan hệ với Qatar.
Công dân Arab Saudi, UAE và Bahrain bị cấm đến, cư trú hoặc đi qua Qatar. Cư dân và du khách ở Qatar có 14 ngày để về nước. Công dân Qatar cũng có 14 ngày để rời khỏi các nước trên.
Các biện pháp được áp dụng nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng dài 8 tháng năm 2014. Khi đó, Arab Saudi, Bahrain và UAE chỉ rút đại sứ tại Doha về nước với cáo buộc Qatar hỗ trợ phiến quân.
Reuters dẫn lời các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ thầm lặng tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa Arab Saudi và Qatar bởi Doha rất quan trọng đối với lợi ích ngoại giao và quân sự Mỹ.
Qatar là thành viên trong liên minh quốc tế, do Mỹ dẫn đầu, đang đối phó Nhà nước Hồi giáo (IS). Quốc gia này có căn cứ không quân al-Udeid, nơi Mỹ bắt đầu mọi chiến dịch trên không của liên minh trong khu vực.
Vị trí các quốc gia vùng Vịnh. Đồ họa: BBC.
Như Tâm
Theo VNE
Mỹ nghi tin tặc Nga tấn công toà soạn New York Times Các tin tặc bị nghi làm việc cho tình báo Nga thực hiện chuỗi cuộc tấn công mạng nhằm vào các phóng viên tại báo New York Times và các báo khác của Mỹ. Trụ sở toà soạn báo New York Times. Ảnh: Reuters Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan hành pháp nước này đang điều tra về...