Mỹ: Nga-Trung không ‘Liên minh quân sự’, vẫn phải đề phòng…
Dù thừa nhận Moscow-Bắc Kinh không thể hình thành một Liên minh QS nhưng Washington vẫn chuẩn bị những kịch bản đối phó với thực lực quân sự của Nga và TQ.Lead
Mỹ thực sự lo lắng về một Liên minh quân sự Nga-Trung?
Mỹ lo ngại trong tương lai Nga – Trung tăng cường hợp tác quân sự, sẽ thách thức đến trật tự thế giới đã được thiết lập từ trước. Phía quân đội Mỹ cho biết, họ đang nghiên cứu mọi kịch bản có thể xảy ra, từ việc liên minh quân sự giữa Trung – Nga cho đến việc hai nước này công khai đối đầu với Mỹ.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Walker khi trả lời phóng viên tại Ủy ban các vấn đề quốc tế cho biết, nước Mỹ cần phải xây dựng một chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình để chuẩn bị đối phó với thách thức có thể đến từ phía Trung Quốc và Nga.
Nước Mỹ cần phải đảm bảo rằng hành động của Moscow và Bắc Kinh không thể kèm theo với sử dụng vũ lực, không thể ép buộc Mỹ phải đáp trả bằng hành động quân sự.
Ông Walker cho rằng, Trung – Nga có thể đang muốn thay đổi một số lĩnh vực trong trật tự thế giới đã được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ 2. Công việc chuẩn bị của Mỹ, trước hết là tiến hành công tác ngoại giao, nhưng một khi có sự đe dọa đến an ninh nước Hoa Kỳ hoặc những nước đồng minh, thì Washington sẽ có đáp trả lại cứng rắn.
Thật vậy, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ lo ngại sức mạnh quân sự không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh luôn có ý đồ độc chiếm biển Đông và tranh đoạt chủ quyền với Nhật Bản, Hàn Quốc trên biển Hoa Đông, gây căng thẳng trong khi vực, làm dấy lên sự quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Những động thái này đã buộc chính quyền Obama tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2010, xây dựng kế hoạch điều chuyển 60% lực lượng hải quân và không quân về khu vực này, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế với Australia, Việt Nam và Nhật Bản.
Video đang HOT
Bắc Kinh luôn là thủ phạm gây ra những căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông
Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Walker đã có tuyên bố dựa trên tinh thần của một cuộc chiến tranh lạnh đối với Nga – Trung. Tuyên bố này nhằm nhắc nhở Moscow và Bắc Kinh cần phải hiểu rằng, Washington có thể sử dụng biện pháp quân sự để đáp lại sự đe doạ đối với Hoa Kỳ và đồng minh của mình.
Phái diều hâu của Mỹ tin tưởng ý đồ của Trung – Nga không thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang đối với Liên minh châu Âu. Washington chỉ lo ngại việc bảo đảm quyền sử dụng vũ lực, can thiệp quân sự và coi trọng tính ưu tiên của mình ở các nước như Iraq, Syria, Libya, Ukraine sẽ bị ảnh hưởng.
Thời gian gần đây, do cấm vận của Mỹ và Liên minh Châu Âu, Nga bắt đầu dựa vào Trung Quốc nhiều hơn. Mối quan hệ này chủ yếu là đàm phán hợp tác về kinh tế, bao gồm việc Moscow cung cấp dầu khí đốt cho Bắc Kinh, với thời gian lên đến 30 năm, tổng giá trị của hợp đồng này vào khoảng 400 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia chính trị, quân sự và kinh tế trên thế giới, quan hệ giữa hai nước chưa có những đột phá, chính bản thân các quan chức chính phủ và các chuyên gia Nga – Trung vẫn giữ thái độ hoài nghi về triển vọng tiếp cận chiến lược giữa hai nước.
Giáo sư Học viện kinh tế cao cấp, chuyên gia về lĩnh vực an ninh quốc tế của Nga, ông Yevstafiyev cho biết, trên thực tế Washington cũng không hề tin sẽ hình thành một liên minh quân sự Nga – Trung, vì không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ hình thành liên minh này.
Ông Yevstafiyev cho rằng, phát biểu của ông Walker chỉ là mang tính răn đe Bắc Kinh mà thôi, vì thời gian gần đây Mỹ luôn “ngọt ngào” với Trung Quốc, để tranh thủ sự ủng hộ trong giải quyết các sự vụ quốc tế hoặc chí ít cũng đảm bảo được một thái độ trung dung – ông Yevstafiyev khẳng định.
Nga – Trung không thể phát triển một quan hệ đồng minh quân sự?
Nga-Trung không phải đồng minh vẫn phải đề phòng!
Theo bài báo, thời gian gần đây phương Tây ngày càng công khai bàn luận nhiều hơn về chủ đề hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia của kênh truyền hình FOX News Channel của Mỹ còn cho rằng, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh là “trục ma quỷ” của phương Tây.
Có học giả cho rằng, Washington đã lựa chọn chiến lược không có hiệu quả đối với Moscow. Cũng có chuyên gia lại cho rằng, Mỹ cố tình ép buộc đối thủ của mình liên kết lại với nhau, thúc đẩy sự hình thành liên minh Nga – Trung, từ đó biến 2 nước này trở thành “kẻ thù của cả thế giới”, kích động toàn thế giới liên kết lại để đối phó với hai nước này.
Đối với lãnh đạo của Trung Quốc, một liên minh quân sự Trung – Nga không hẳn đã là có lợi, do đó Bắc Kinh luôn thận trọng, tiếp tục tuân thủ nguyên tắc đa nguyên hoá chính trị quốc tế. Ngược lại, Chánh văn phòng Tổng thống Nga Ivanov cũng từng nhấn mạnh, hai nước Trung – Nga không hề có kế hoạch liên minh quân sự nào.
Cần phải nói rõ rằng, trong quá khứ Trung – Nga đã từng xảy ra xung đột quân sự do vấn đề tranh chấp lãnh thổ khu vực Viễn Đông của Nga. Nhưng vấn đề tranh chấp lãnh thổ đó đã được Tổng thống Nga Putin giải quyết ổn thoả trong nhiệm kỳ đầu của mình, Moscow đã trao trả cho Bắc Kinh 2 hòn đảo tranh chấp ở sông Amur/Hắc Long Giang.
Tuy nhiên ông Yevstafiyev cho rằng, quan hệ Nga – Trung không bao giờ có thể trở nên quá mật thiết và cũng không thể đạt đến mức độ “anh em bền vững”, lãnh đạo của Nga chưa hề có tinh thần lạc quan đến như vậy. Tất cả những biện pháp trên chỉ là giải pháp ngoại giao khôn khéo chứ không phải xuất phát từ tình cảm hữu nghị thực sự.
Thông tấn xã Nga RIA Novosti có bình luận cho rằng, Nhà Trắng bắt đầu có sự lo lắng về liên minh Moscow và Bắc Kinh, Hoa Kỳ cho rằng thế giới đơn cực sắp kết thúc. Nga và Trung Quốc dường như đang có ý đồ thay đổi trật tự thế giới, buộc Mỹ phải sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với sự uy hiếp này.
Mỹ quyết định điều chuyển 60% lực lượng hải quân và không quân đến châu Á-Thái Bình Dương
RIA Novosti bình luận thêm, do sợ mối liên minh hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, nên Washington đã có xem xét biện pháp tấn công quân sự một cách rất nghiêm túc để đáp lại liên minh tiềm năng này. Phản ứng của Mỹ hoàn toàn có thể được lý giải rằng, mục đích của Nga và Trung đều đang thực hiện phương châm ngoại giao đối đầu với Mỹ.
Trên thực tế, ngoài hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, Nga và Trung Quốc đã triển khai nhiều cuộc thảo luận để thống nhất nhận thức của lãnh đạo cấp cao của hai nước về tăng cường quan hệ hợp tác quân sự, tổ chức tập trận quân sự liên hợp, diễn tập chống khủng bố theo định kỳ.
Về hệ tư tưởng và văn hóa, hai bên cũng có những giao lưu nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc cho dịch và xuất bản những danh ngôn chính trị hay nhất của Tổng thống Nga. Dường như Bắc Kinh cũng ngầm thừa nhận và định “học hỏi” sự “lọc lõi” của ông Putin trong quan hệ với phương Tây nói chung, đặc biệt là trong đối đầu với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, lợi ích chung giữa hai nước còn phản ánh ở những sự vụ cần phải bỏ phiếu quyết định tại Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh đã nhiều lần ủng hộ đề xướng của Moscow về sự vụ Syria, vấn đề hạt nhân Iran hay thực thi thoả thuận ngừng bắn và giải quyết hoà bình cuộc nội chiến ở Ukraine.
Thiếu tướng nghỉ hưu Nga Zolotarev phát biểu thẳng thắn rằng, Lầu Năm Góc cũng có cái lý của mình. Luôn phải đánh giá hết mọi mức mức độ đe dọa, chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra và kế hoạch đối phó là bổn phận của bất cứ quân đội nào, không riêng gì Bộ quốc phòng Mỹ.
Vì thế, cũng là dễ hiểu khi Washington không chỉ bàn bạc về kịch bản liên minh giữa Bắc Kinh và Moscow, mà Lầu Năm Góc cũng quan tâm đến việc đánh giá đúng quan hệ hợp tác, thực lực quân đội Nga-Trung, đồng thời xem xét đến việc đối phó với khả năng của hai cường quốc này.
Theo Đất Việt