Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là “đại cao thủ” UAV?
Mỹ, Israel đang chiếm thế thượng phong về máy bay không người lái (UAV) nhưng Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh…cũng đang rầm rộ tham gia cuộc đua.
Mới đây, máy bay không người lái tàng hình Trung Quốc LJ (Gươm sắc) đã hoàn thành cuộc thử nghiệm tiếp đất, điều này đồng nghĩa với việc “Gươm sắc” sẽ sớm được bay thử chuyến đầu tiên.
Sự kiện này không những gây chấn động trong giới quân sự Trung Quốc, mà còn thu hút sự chú ý của giới quân sự nước ngoài. Cùng thời điểm này, ngày 14-5, máy bay oanh tạc không người lái X-47B của Mỹ đã cất cánh thử nghiệm thành công từ tàu sân bay USS George H.W. Bush đang hoạt động tại vùng biển Đại Tây Dương gần bờ biển Virginia của Mỹ. Và máy bay tàng hình không người lái của Pháp, Anh, Nga… cũng đang được triển khai nghiên cứu, chế tạo rầm rộ. Trong sự phát triển của quân sự thế giới hiện nay, máy bay tàng hình không người lái chiếm vị thế như thế nào? Thực lực của các nước trong lĩnh vực này ra sao?
Từ tàng hình đến không người lái
Chiến cơ “tàng hình” là loại máy bay chiến đấu có thể tránh được sự phát hiện của các thiết bị radar và tia hồng ngoại, khiến quân đội đối phương khó phát hiện. Đây là tiêu chuẩn máy bay chiến đấu thế hệ 4 được công nhận. Như các máy bay chiến đấu thế hệ 4 F-22, F-35 của Mỹ, T-50 của Nga và J-20 của Trung Quốc đều có chức năng tàng hình.
Có nhiều cách để máy bay chiến đấu thực hiện chức năng tàng hình. Đối với sự thăm dò của sóng radar, các nhà sản xuất chú ý đến 2 yếu tố: Kết cấu ngoại hình đặc biệt và sử dụng nguyên liệu phức hợp để sơn ngoài máy bay, hai công nghệ này đều có thể phá vỡ tác dụng của sóng phản hồi do radar sinh ra, làm cho sóng phản hồi đó yếu đi, thậm chí hầu như không có. Còn đối với các thiết bị thăm dò hồng ngoại, cần phải chú ý đến các vị trí có nhiệt độ cao. Phương pháp là bố trí miệng hút và thoát khí của động cơ máy bay ở phần đỉnh của máy bay và tại lỗ thoát khí lại lắp đặt máy thải khí và thiết bị hút nhiệt để thải nguồn nhiệt ở miệng động cơ, không để máy thăm dò hồng ngoại trên mặt đất dò được bức xạ hồng ngoại của máy bay.
Còn máy bay không người lái là loại máy bay không có phi công điều khiển, dựa vào sự điều khiển vô tuyến điện hoặc hệ thống điều hành dưới mặt đất để bay và thực hiện cách nhiệm vụ khác. Ngay từ đầu thế kỷ XX, các nước Anh, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái. Trước đây máy bay không người lái chủ yếu dựa vào sự điều khiển vô tuyến điện, không thể tiến hành các động tác phức tạp. Hơn một trăm năm sau, máy bay không người lái hiện đã đã trở thành loại vũ khí lợi hại đa chức năng có thể trinh sát, thăm dò, chuyên chở, dụ dỗ quân địch, gây nhiễu và tác chiến.
Tàng hình và không người lái là xu thế phát triển của máy bay chiến đấu hiện đại, và khi 2 yếu tố này kết hợp với nhau, chắc chắn sẽ trở thành “đỉnh cao” trong số “đỉnh cao”. Một quan điểm cho rằng, máy bay chiến đấu thế hệ 5 trong tương lai là loại chiến cơ hạng lớn đồng thời có khả năng tàng hình và không người lái. Tuy nhiên, mặc dù lý thuyết về máy bay tàng hình không người lái không phức tạp, nhưng muốn thực hiện được “giấc mơ” này, vẫn còn rất nhiều vấn đề về kỹ thuật cần giải quyết. Cho đến thời điểm hiện nay, kể cả là Mỹ – nước dẫn đầu về công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu thì máy bay chiến đấu tàng hình X-47B cũng mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm.
Vũ khí lợi hại
Công tác nghiên cứu và chế tạo máy bay tàng hình không người lái liên quan đến rất nhiều khâu, tất cả đều đưa ra yêu cầu mũi nhọn đối với công nghệ quân sự. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu chế tạo, trang bị máy bay không người lái tàng hình phản ánh sức mạnh quân sự của một quốc gia.
Trong chiến tranh thực địa, máy bay không người lái tàng hình có giá trị rất lớn. Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí tấn công của hai bên (dù là tên lửa hay bom thông minh) đều có sức công phá cực lớn và độ chính xác cực độ, và điều này phụ thuộc vào ai phát hiện ra quân địch khai hỏa trước thì người đó sẽ chiếm được ưu thế. Máy bay tàng hình làm giảm rõ rệt rủi ro bị phát hiện, cho dù là cuộc giao chiến ở khoảng cách lớn không đối không hay là cuộc tác chiến đột kích không đối đất, không đối biển, đều có thể giành được cơ hội ngàn vàng và dội đòn thích đáng về phía quân địch. Do không có người điều khiển máy bay nên có thể giảm thiểu được tỉ lệ thương vong cho người, cắt giảm được khoang lái và hệ thống dưỡng khí, điều chỉnh nhiệt độ, hệ thống cứu nạn cho phi công…, giảm đi được trọng lượng đáng kể cho máy bay, khiến máy bay nhẹ hơn, linh hoạt hơn.
Tuy nhiên máy bay tàng hình không người lái cũng không hẳn là toàn năng, không có đối thủ. Việc cải tiến tính năng luôn đi kèm với sự trả giá. Để thực hiện mục đích tàng hình, việc thiết kế thân máy bay, cánh máy bay cần có những yêu cầu rất chặt chẽ, khiến tính cơ động, đặc biệt là tốc độ bay vòng sẽ bị hạn chế. Trước chiến trường muôn hình vạn trạng, khả năng phán đoán và đưa ra quyết sách của máy bay không người lại không thể sánh được với những phi công dày dạn kinh nghiệm. Ví dụ, đối với nhiệm vụ có độ linh hoạt cao như tác chiến trên không, khả năng ứng biến không thể sánh được với máy bay có người lái. Trong chiến tranh quy mô lớn trong tương lai, chỉ khi đưa vào lực lượng quân đội tiên tiến, loại vũ khí độc nhất vô nhị như máy bay tàng hình không người lái mới có thể phát huy được vai trò lợi hại của mình.
“Gươm sắc” Trung Quốc: Đối thủ đáng gờm
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục tung ra các loại vũ khí mới. Loại máy bay tàng hình không người lái “Gươm sắc” của Trung Quốc là sự tiếp nối của máy bay chiến đấu J-20, J-31… Nguồn tin cho biết, “Gươm sắc” bắt đầu được chế tạo từ năm 2009, tháng 12-2012 hoàn thành lắp ráp ở một công ty sản xuất máy bay tại tỉnh Giang Tây, sau đó “Gươm sắc” được tiến hành nhiều hoạt động thử nghiệm.
Sải cánh của “Gươm sắc” rộng khoảng 14m, do được sử dụng công nghệ thiết kế ngoại hình và vật liệu phức hợp sơn thân máy bay đặc biệt, khiến đặc trưng tín hiệu phản xạ radar của “Gươm sắc” rất thấp. Tính tàng hình này giúp nó có thể tấn công chuẩn xác đối với mục tiêu có giá trị dưới mặt đất của đối phương và hạ gục nhanh gọn.
Video đang HOT
Mặc dù thời gian chế tạo “Gươm sắc” chỉ mất 3 năm, nhưng đằng sau nó là sự tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực trải qua mấy chục năm của Trung Quốc. Trong đó, kỹ thuật quan trọng không người lái bao gồm kỹ thuật kiểm soát bay và dẫn đường mới, kỹ thuật vô tuyến điện chuỗi số liệu để thực hiện các chức năng tự chủ dẫn đường, tự động tấn công và tự động trở về căn cứ tiếp đất…
Và với vai trò là hệ thống đồng bộ đi kèm, vệ tinh viễn thám với độ phân giải cao có thể thu được bản đồ số hóa với độ chính xác cao, từ đó đưa ra lộ trình và nhiệm vụ chính xác cho máy bay không người lái; Nhiều loại bom điều khiển loại nhỏ, đặc biệt là bom hàng không đường kính nhỏ CM-506 đã trở thành vũ khí tấn công với độ chính xác cao rất thích hợp với máy bay không người lái.
X-47B của Mỹ: “Đại ca” đi đầu
Với vai trò là cường quốc quân sự thế giới, Mỹ đang dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực máy bay không người lái tàng hình. Đầu thế kỷ XXI, Mỹ khởi động dự án X-47, nghiên cứu phát triển máy bay tàng hình không người lái, trong đó X-47B vừa là chiếc máy bay phản lực không đuôi, cánh dơi, không người lái đầu tiên trên thế giới được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính, đồng thời cũng là chiếc máy bay oanh tạc tàng hình không người lái có thể cất cánh và hạ cánh từ hàng không mẫu hạm. Nhìn bề ngoài, X-47B rất giống với máy bay oanh tạc B-2 nhưng thể tích nhỏ hơn.
X-47B có sải cánh rộng khoảng 19m, nặng hơn 6 tấn, có thể hoạt động ở độ cao 12.000m. Khả năng tàng hình và tầm hoạt động cao của X-47B đã khiến quân đội Mỹ có thể dừng mẫu hạm ở hải vực cách mục tiêu khá xa, sau đó triển khai hàng loạt máy bay tàng hình không người lái để tấn công mục tiêu trên đất liền của đối phương, từ đó tránh được mối đe dọa của tên lửa mặt đất cự ly gần.
“Neuron” của châu Âu: Chiếm ngôi á quân
Sau Mỹ, châu Âu là khu vực thứ hai giành được sự đột phá trong lĩnh vực máy bay tàng hình không người lái. Sau khi dự án chế tạo máy bay không người lái “Neuron” do Pháp dẫn đầu, có sự tham gia của Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thụy Sĩ khởi động vào năm 2006, đến tháng 12-2012 bay chuyến đầu tiên thành công tại Pháp.
Khác với X-47B, ban đầu “Neuron” được thiết kế nhằm mục đích ném bom trong quá trình tác chiến. Chiều dài 10m, độ rộng sải cánh 12,5m, tốc độ tối đa 0,8 Mach và hoạt động liên tục trên không trong vòng 3 giờ. Neuron có khả năng mang theo 2 quả bom nặng 250kg điều khiển bởi laser.
So với X-47B, các chỉ số của Neuron vẫn còn thua một khoảng cách, nhưng cũng được coi là máy bay chiến đấu tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhà thiết kế hy vọng đến năm 2030, loại máy bay chiến đấu thế hệ mới này sẽ được trang bị cho không quân các nước châu Âu. Loại máy bay chiến đấu này không chỉ là sự thể hiện công nghệ quân sự tiên tiến của châu Âu, mà còn là một ví dụ cho thấy sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự giữa các nước châu Âu.
Taranis (Anh): Đối thủ của “Gươm sắc”
Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm máy bay không người lái, máy bay tàng hình không người lái Tanaris đầu tiên của Anh cũng đang chuẩn bị thực hiện chuyến bay đầu tiên. Dự án máy bay Tanaris được tiến hành từ năm 2006, dài khoảng 12m, sải cánh rộng khoảng 10m, trọng lượng hơn 4 tấn. Các tham số và đặc trưng dường như là phiên bản thu nhỏ của máy bay X-47B của Mỹ.
So với các nước châu Âu, Anh luôn có đường lối phát triển quân sự gần với Mỹ, công tác chế tạo máy bay Tanaris cũng không thể tách rời được sự ủng hộ của Mỹ. Trong bối cảnh hai nước Mỹ, Pháp đã bay thử nghiệm thành công, Tanaris đang trở thành đối thủ cạnh tranh vị trí với “Gươm sắc” của Trung Quốc.
‘Cá đuối biển’ của Nga: Cao thủ tàng hình bí ẩn
Nga cũng không chịu thua kém trong lĩnh vực máy bay tàng hình không người lái. Trong cuộc triển lãm hàng không Moscow mấy năm về trước, công ty sản xuất máy bay Mig của nước này đã tung ra một loại máy bay oanh tạc không người lái hạng nặng đã từng là cơ mật tối cao quốc gia có ký hiệu “Skat”.
Từ số liệu đã công bố có thể thấy, độ sải cánh của Skat là 11,5m, chiều dài 10,25m, chiều cao 2,7m, tốt độ tối đa khi bay ở tầm thấp là 800 km/h, phạm vi chiến đấu nằm trong bán kính 2.000 km, tầm xa hoạt động là 4.000 km. Các chỉ số gần như tương đương với hệ máy bay X-47 của Mỹ. Nguồn tin cho biết “Skat” có thể đột phá hệ thống pháo hỏa phòng không nghiêm ngặt của kẻ địch, kể cả bị tấn công quyết liệt cũng vẫn có thể tấn công một cách chính xác mục tiêu dưới đất và trên biển.
Tuy nhiên, kể từ đó trở đi, tiến độ chế tạo Skat không được nhắc nhiều đến nữa. Do quân đội Nga một thời gian dài vấp phải những khó khăn về mặt tài chính, trong khi thị trường quân sự thế giới thường tung ra những ngôn luận không có thực, chính vì thế loại vũ khí tiên tiến này hiện đang ở giai đoạn nào vẫn là một điều bí ẩn.
Theo vietbao
50 năm thăng trầm MiG-21: Lời kết cho một huyền thoại
Chuyên trang "Chiến lược" (Strategypage) của Mỹ cho biết, ngày 19/05 vừa qua, không quân Ấn Độ đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm phục vụ của máy bay chiến đấu MiG-21. Tuy không khí buổi lễ cực kỳ náo nhiệt và vui vẻ nhưng trên thực tế đấy là tín hiệu bắt đầu sự đào thải của một thế hệ máy bay chiến đấu lẫy lừng.
Người Ấn tuyên bố MiG-21 tồn tại nhiều khiếm khuyết
Từ khi giành được giấy phép sản xuất MiG-21 quốc nội, Ấn Độ đã dựa vào cơ sở đó để xây dựng nên ngành công nghiệp hàng không quân sự và dân dụng cho riêng mình. Nhưng trong khi đó, MiG-21 dần dần trở nên lão hóa, ngày càng phát sinh nhiều sự cố, thiệt hại rất nhiều về trang bị và con người nên không quân Ấn Độ đang chuẩn bị cho loại máy bay này nghỉ hưu.
Nửa thế kỷ qua, không quân Ấn Độ đã ghi một kỷ lục thế giới khi đặt mua tới 976 chiếc MiG-21, nhưng họ cũng lập một kỷ lục đáng buồn là hơn một nửa số đó gặp đủ mọi loại sự cố, không thể tiếp tục sử dụng được.
Những chiếc máy bay MiG đầu tiên ra đời trong Thế chiến thứ 2 (MiG-1 sản xuất năm 1940), sau đó đến chiến tranh Triều Tiên là MiG-15, rồi trong thời kỳ chiến tranh lạnh là MiG-17/19/21/23/27/29 lục tục ra đời. Sau thời kỳ chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, những khiếm khuyết của MiG mới bắt đầu bộc lộ.
Càng về sau này, công tác giám sát, kiểm soát chất lượng càng lỏng lẻo, tính tin cậy càng ngày càng thấp. Mấy năm gần đây, MiG-21 liên tục gặp sự cố, thông tin về các vụ tai nạn máy bay MiG-21 ngày càng trở thành chuyện thường ngày, đến nỗi MiG-21 bị gán cho cái biệt danh không mấy hay ho là "quan tài bay", ngay cả MiG-27 cũng nhiều lần dừng bay vì sự cố.
MiG-21Bis của không quân Ấn Độ
Là quốc gia chủ yếu sử dụng MiG-21 cuối cùng, người Ấn từng tuyên bố thừa nhận những khiếm khuyết của MiG-21 và bắt đầu thay thế loại máy bay này bằng các máy bay không phải của Nga hoặc không thuộc thuộc dòng MiG (ví dụ Su-30). Có thể nói, lời kết cho dòng máy bay lẫy lừng này đã điểm.
Tình trạng máy bay rơi của không quân Ấn Độ.
Tuy vậy, không thể đổ hết lỗi cho MiG-21 trong các sự cố máy bay của không quân Ấn Độ. Theo thông tin của trang mạng "không gian quốc phòng" Pháp, trong 1 hội nghị diễn ra vào tháng 3/2012, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ A.K.Anthony đã thừa nhận, trong 4 năm qua đã diễn ra 50 vụ tai nạn của không quân Ấn Độ.
Chỉ tính riêng trong 3 năm nay, hầu như tất cả các loại máy bay chiến đấu hiện có trong không quân Ấn Độ, bao gồm cả những loại hiện đại bậc nhất thế giới đều đã gặp tai nạn chứ không riêng gì MiG-21. Ví dụ như: 3 chiếc Su-30MKI, 2 chiếc Mirage-2000, 1 chiếc Jaguar, 27 chiếc Mig các loại và 10 máy bay trực thăng, làm 19 phi công thiệt mạng.
Cuối năm 2011, một bản báo cáo lưu hành nội bộ của không quân Ấn Độ về kết quả điều tra hơn 1000 vụ tai nạn máy bay trong vài chục năm nay đã nêu lên nguyên nhân chủ yếu của các vụ rơi máy bay như sau: sự cố kỹ thuật của máy bay chiếm 39,5%, thao tác sai của phi công 39%, va chạm với chim 9%, sai sót của nhân viên mặt đất 1,5% và khiếm khuyết trong công nghệ sản xuất máy bay 0,6%.
Báo cáo khẳng định, tỷ lệ máy bay rơi ngày càng cao chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân đa số các loại máy bay Ấn Độ đã quá cũ kỹ. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã đẩy nhanh tốc độ lão hóa máy bay, trong đó Mig-21 là nghiêm trọng nhất (trong 3 năm rơi 16 chiếc), thậm chí phi công Ấn Độ sợ hãi, gọi nó là "xưởng chế tạo... góa phụ" hoặc là "quan tài bay".
Ngay cả những máy bay hiện đại như Su-30MKI cũng liên tiếp gặp sự cố tại Ấn Độ
Lỗi là tại người Ấn Độ chứ không phải MiG-21
Theo một số chuyên gia công nghệ, tỷ lệ máy bay rơi cao như của Ấn Độ là do nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ chính phương hướng phát triển không quân thiếu thống nhất, định hướng mua sắm vô tội vạ, công tác huấn luyện yếu kém, thiếu hụt trầm trọng máy bay huấn luyện và tình trạng cắt xén giờ bay (không quân Ấn Độ cắt giảm 2/3 thời gian bay tập của phi công với các máy bay huấn luyện sơ cấp, đến mức mỗi người chỉ có 25 giờ).
Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là tình trạng yếu kém của các công ty chế tạo hàng không Ấn Độ, đây là kẻ giấu mặt gây nên rất nhiều vụ tai nạn máy bay. Trong số này, Công ty hàng không Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) - nhà sản xuất máy bay chủ yếu của không quân nước này chính là "tội đồ" lớn nhất.
Lật lại hồ sơ sản xuất hoặc bảo trì của các vụ tai nạn từ năm 2004 - 2007 người ta mới nhận ra một sự thực kinh hoàng: trong 29 máy bay rơi thì có 26 chiếc do HAL lắp ráp hoặc đại tu. Trong số 10 chiếc Mig-21 có liên quan đến họ (lắp ráp 2 và đại tu 8) thì có 8 chiếc bị rơi; đại tu 3 chiếc Mig-29 thì cả 3 cũng rơi nốt.
Xa hơn nữa, trong giai đoạn 1992 - 2004, công ty này cũng lập được một "thành tích huy hoàng": Lắp ráp 3 và đại tu 5 chiếc Jaguar thì 6 chiếc tai nạn; đại tu 4 chiếc Mirage-2000 thì cả 4 chiếc đều... đâm xuống đất, chiếc Su-30MKI thiệt hại năm 2009 cũng là "sản phẩm hoàn hảo" của HAL.
Tỷ lệ máy bay rơi thuộc các dự án mà HAL tham gia không thể là trùng hợp ngẫu nhiên: dự án Mig-21 là 80%; dự án Jaguar chiếm 75%; còn Mirage-2000, Mig-29 là tỷ lệ 100%. Có thể nói, dự án nào có HAL tham gia là có máy bay rơi, thậm chí tỷ lệ rơi là... tuyệt đối! Trong mấy chục năm qua, số lượng MiG-21 qua tay họ nhiều nhất nên tỷ lệ rơi cao nhất là chuyện đương nhiên.
Máy bay MiG-21 của không quân Việt Nam đã lập nhiều chiến tích lẫy lừng
Các chuyên gia công nghệ hàng không Nga đã bóng gió đề cập đến vấn đề, trong quy trình lắp ráp và đại tu của HAL có sai sót trầm trọng mới dẫn đến tỷ lệ rơi máy bay "như trong phim hành động", như vậy làm sao các đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng của không quân Ấn Độ có thể khắc phục được?
Họ khẳng định, trên thế giới thiếu gì nước còn sử dụng MiG-21, thời gian huấn luyện bay cũng chẳng nhiều hơn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng chẳng kém gì Ấn Độ như: Algieria, Việt Nam, Ai Cập, Iran..., thậm chí có nước MiG-21 vẫn là loại máy bay chủ lực trong lực lượng không quân thế nhưng sao họ không gặp phải thảm trạng như Ấn Độ?
Đối với người dân Việt Nam, MiG-21 xứng đáng đứng ở vị trí cao nhất trong bảo tàng lịch sử không quân thế giới về số lượng và chủng loại đối thủ mà nó đã từng hạ gục. Hiện nay, trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam vẫn còn một số lượng không nhỏ máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 đang bảo vệ vùng trời của Tổ quốc.
Không thể phủ nhận là hiện nay MiG-21 đã lão hóa, nhưng khách quan mà nói, nó chính là nạn nhân của không quân Ấn Độ. Việc họ cho rằng "Én bạc" có nhiều khiếm khuyết rồi đào thải nó là là sự bạc bẽo đối với dòng máy bay có chiến tích lừng lẫy nhất trên thế giới này
Theo vietbao
Báo Nga: Trung Quốc lại dùng chiêu "bẩn" để bán máy bay Tạp chí "Cầu nối" của Nga ngày 22/05 cho biết, Trung Quốc đã quyết định trao tặng "vô điều kiện" cho Urugoay 2 chiếc máy bay vận tải Y-12. Thế nhưng các nhà phân tích cho rằng, hành động "hữu nghị" của Trung Quốc là nhằm tranh thủ cảm tình của quốc gia này để hy vọng giành phần thắng trong gói thầu...