Mỹ, Nga tránh đụng độ tại Syria
Mỹ và Nga vừa đạt thỏa thuận để tránh nguy cơ máy bay chiến đấu của hai nước đụng độ trong chiến dịch không kích tại Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) chào đón người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin ngày 20.10 – Ảnh: AFP
AFP ngày 21.10 dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết thỏa thuận có hiệu lực ngay khi được ký vào ngày 20.10.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Antonov, thỏa thuận này nêu rõ các quy chuẩn cần thực hiện để đảm bảo không xảy ra “sự cố” giữa máy bay của hai nước ở không phận Syria.
Cụ thể, bản quy chuẩn khuyến cáo các phi công cần phải “hành động một cách chuyên nghiệp” và thường xuyên trao đổi thông tin qua tần số vô tuyến chung. Ngoài ra, Mỹ và Nga cũng thống nhất lập đường dây nóng liên lạc ở mặt đất.
Ngay từ khi bắt đầu không kích “chống khủng bố” tại Syria vào ngày 30.9, Moscow đã đề nghị Washington thảo luận về việc trao đổi thông tin để tránh nguy cơ đụng độ vì mục tiêu tấn công và khu vực hoạt động của hai bên có thể trùng lặp. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một số máy bay của liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do nước này đứng đầu đã từng phải thay đổi đường bay vì phát hiện máy bay Nga ở gần đó.
Video đang HOT
Lầu Năm Góc khẳng định bản thỏa thuận vừa được ký sẽ không mở ra khả năng phối hợp tác chiến giữa hai nước tại Syria. Ông Cook nhận định: “Chúng tôi vẫn cho rằng chiến lược của Nga tại Syria là phản tác dụng và việc họ ủng hộ tổng thống nước này Bashar al-Assad chỉ làm giao tranh thêm nghiêm trọng hơn”.
Cho đến nay, Nga khẳng định chỉ tấn công các cứ điểm của IS và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Trong khi đó, phương Tây cáo buộc chiến dịch không kích của Moscow trên thực tế nhằm hỗ trợ Damascus trấn áp “phe nổi dậy ôn hòa”.
Ngày 21.10, Điện Kremlin bất ngờ thông báo ông al-Assad vừa thăm chính thức Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Syria kể từ khi khủng hoảng chính trị bùng phát ở nước này vào năm 2011. Theo AFP, ông al-Assad đã ngỏ lời cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì đã giúp “ngăn chặn sự trỗi dậy của bọn khủng bố” bằng các đợt không kích. Hai vị nguyên thủ cũng khẳng định sau chiến dịch quân sự sẽ hướng đến một giải pháp chính trị cho khủng hoảng ở Syria.
Trong một diễn biến liên quan, ngay sau chiến thắng tại kỳ tổng tuyển cử, hôm qua, thủ tướng tương lai của Canada, Justin Trudeau đã thông báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng nước này sẽ chấm dứt không kích IS tại Syria và Iraq. Đây là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng Tự do (LIB) do ông Trudeau đứng đầu.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Quốc hội Iraq cân nhắc việc nhờ Nga không kích IS
Quốc hội Iraq sẽ cân nhắc có cần sự giúp đỡ của người Nga trong chiến dịch chống IS hay không, trong khi chính phủ nước này trong thế khó xử với Washington.
Quốc hội Iraq sẽ cân nhắc nhờ Nga không kích IS - Ảnh: AFP
Liên minh cầm quyền và lực lượng Shi'ite ở Iraq đang gây áp lực lên Thủ tướng nước này, yêu cầu ông Haider al-Abadi lên tiếng nhờ Nga triển khai chiến dịch không kích lực lượng khủng bố IS trên lãnh thổ Iraq, Reuters cho hay hôm 21.10.
Thủ tướng Iraq, Abadi đang trong thế khó xử giữa áp lực của liên minh cầm quyền và đồng minh chiến lược Mỹ trong việc yêu cầu người Nga giúp dẹp loạn IS, lực lượng đang kiểm soát nhiều vùng ở Iraq.
Các nghị sĩ quốc hội và liên minh cầm quyền đã chính thức đưa ra đề nghị cho Thủ tướng Abadi nhờ người Nga can thiệp trong một cuộc họp hồi tuần trước, nhưng ông Abadi vẫn trả lời.
"Ông Abadi nói với mọi người trong cuộc họp rằng chưa đến lúc để nhờ sự can thiệp của người Nga bởi vì nó có thể làm phức tạp tình hình, nhất là với người Mỹ và có thể sẽ tạo hậu quả khó lường, thậm chí lâu dài với Washington", một chính trị gia người Shi'ite rất thân cận với ông Abadi được Reuters trích phát biểu.
Iraq nhận hơn 20 tỉ USD trong chương trình huấn luyện từ Mỹ kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ hồi năm 2003, nhưng quân đội Iraq dường như không đấu nổi IS đang kiểm soát miền bắc hồi năm 2014 và giờ chiếm thêm phần miền tây. Trong khi đó, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu chưa mang lại hiệu quả trong việc đảo ngược tình thế ở Iraq, tiêu diệt các chiến binh Sunni vốn có đường lối cứng rắn và từng tuyên bố sẽ vẽ lại bản đồ Trung Đông.
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford nói Iraq sẽ không nhờ đến người Nga - Ảnh: Reuters
Muen al-Kadhimi, lãnh đạo cấp cao của lực lượng Badr, nhận định người Nga đã chứng minh tính hiệu quả trong không kích ở Syria hơn người Mỹ, vì vậy Baghdad có xu hướng nghiêng về Nga và nhờ Mosow giúp đỡ.
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford đã thực hiện chuyến đi đến Baghdad hôm 20.10; tại đây ông đã gặp Thủ tướng Abadi và trấn an chính phủ Iraq. Sau cuộc gặp, ông còn tuyên bố Mỹ chắc chắn rằng Iraq sẽ không cầu viện từ Moscow.
Tuy nhiên, hãng tin Sputnik hôm nay 21.10 dẫn nguồn tin từ một thành viên của Hội đồng lập pháp quốc gia Iraq cho biết quốc hội nước này sẽ xem xét và biểu quyết vào cuối tháng 10.2015 về việc Baghdad có cần sự can thiệp của người Nga trong cuộc chiến chống IS hay không.
Theo nguồn tin của Sputnik, nếu đa số quốc hội đồng ý thì chính phủ của ông Abadi khó lòng "ăn nói" với người Mỹ. Sputnik cho rằng Washington không muốn Baghdad tiến lại gần và hợp tác với Moscow, đặc biệt là trong chiến dịch tiêu diệt IS.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Tổng thống Assad nửa đêm sang gặp Tổng thống Putin Tổng thống Syria, Bashar al-Assad đã sang Nga hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào tối 20.10 về kế hoạch chiến đấu của Nga tại Syria, theo người phát ngôn Điện Kremlin. Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay trong một cuộc gặp tại điện Kremlin năm 2006 - Ảnh: Reuters Người phát ngôn Dmitry Peskov...