Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ
Ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ trong 3 ngày, với mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương. Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á của bà Hillary Clintơn, sau khi đến Trung Quốc và Bangladesh.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Nguồn: Getty Images)
Tại Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengan của Ấn Độ, bà Hillary đã có cuộc gặp với Thủ hiến Mamata Banerjee nhằm thuyết phục bà Banerjee ủng hộ các chính sách của Mỹ, đặc biệt là chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bán lẻ của Ấn Độ, đồng thời tăng đầu tư của Mỹ vào nước này.
Bà Hillary cho biết đã nhận thấy những tiến bộ trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ, khẳng định quan hệ thương mại và sự hợp tác giữa hai nước ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đến năng lượng.
Mỹ và Ấn Độ đã trải qua những mối quan hệ căng thẳng trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Hai nước bắt đầu tiến trình cải thiện quan hệ trong những năm 90 của thế kỷ trước dưới thời của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và đã đạt được dấu ấn khi Tổng thống George W. Bush ký một hiệp định chấm dứt nhiều thập niên cô lập Ấn Độ do chương trình phát triển hạt nhân của nước Nam Á này.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ ý thất vọng vì cho đến nay Quốc hội Ấn Độ chưa thông qua dự luật mở cửa thị trường bán lẻ cho Mỹ. Trong khi Ấn Độ bày tỏ sự không hài lòng đối với việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với các ngân hàng của những nước mua dầu mỏ của Iran.
Các chuyên gia Viện nghiên cứu Heritage Foundation cho rằng hiện nay Mỹ coi Ấn Độ như một đối tác chiến lược, với tiềm năng về kinh tế và chính trị ngày càng tăng, sẽ góp phần thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực châu Á.
Trước đó, phát biểu khi tới thăm Dahka, bà Clinton đã tuyên bố Ấn Độ và Bangladesh là đối tác rất quan trọng của Mỹ. Mỹ muốn coi hai quốc gia này như những “người lãnh đạo” trong nhiều lĩnh vực trên trường quốc tế./.
Theo TTXVN
Hàn Quốc - Nhật Bản phát triển quan hệ kiểu mới
Hôm qua (19/10), trong cuộc hội đàm cấp cao, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã nhất trí sẽ phát triển quan hệ Hàn - Nhật kiểu mới hướng đến tương lai.
Tại buổi họp báo được tổ chức sau khi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tuyên bố: "Hai bên nhất trí cho rằng việc Hàn Quốc và Nhật Bản duy trì quan hệ hợp tác mật thiết có ảnh hưởng lớn đến hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Đông Bắc Á; hai bên nên cùng nỗ lực, phát triển quan hệ Hàn - Nhật kiểu mới hướng đến thế kỉ XXI".
Cũng theo Tổng thống Hàn Quốc, hiện nay, quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trên các mặt như đảm bảo an ninh, hợp tác quốc tế tốt hơn bao giờ hết, phát triển quan hệ Nhật - Hàn hướng đến tương lai là xu hướng. Theo ông, hai nước Nhật - Hàn nên lấy "không quên lịch sử, hướng tới tương lai" làm cơ sở để phát triển quan hệ song phương. Nhật Bản nên nỗ lực vì vấn đề này.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda
Đáp lại thịnh tình từ phía Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố: "Tuy quan hệ hai nước có lúc gặp khó khăn nhưng nếu lãnh đạo hai nước nhìn quan hệ hai nước theo hướng phát triển và xuất phát từ đại cục thì vấn đề nào cũng có thể khắc phục".
Ngoài ra, hai bên còn đạt được đồng thuận về mở rộng quy mô trao đổi tiền tệ giữa hai nước, nhanh chóng khởi động lại bàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Hàn - Nhật, mở rộng giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa và thanh thiếu niên. Hai bên còn bàn bạc và quyết định tiếp tục tăng cường hợp tác mật thiết về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tại buổi hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã trả lại Hàn Quốc nhiều cuốn sách quý giá bị thu giữ trong thời gian thực dân Nhật Bản thống trị.
Chuyến thăm 2 ngày đến Hàn Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã bắt đầu hôm 18/10 vừa qua.
Theo VTC