Mỹ muốn sắp xếp lại chuỗi cung ứng của châu Á?
Theo tờ Straits Times, cách Mỹ muốn sắp xếp lại chuỗi cung ứng châu Á được thể hiện qua chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến khu vực Đông Nam Á vào cuối tháng Tám vừa qua.
Thay vì lựa chọn đến Indonesia, quốc gia lớn nhất khu vực ASEAN, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam, đưa ra gợi ý về hai ưu tiên của chính quyền Mỹ trong khu vực.
Chính quyền ông Biden muốn đẩy nhanh sự dịch chuyến chuỗi cung ứng của châu Á. (Nguồn: The Strait Times)
Hai ưu tiên của Mỹ
Ưu tiên đầu tiên và rõ ràng nhất là an ninh. Singapore, có thể lập luận là nước có hợp tác về quốc phòng mạnh mẽ nhất với Mỹ trong số tất cả các quốc gia ASEAN, là nơi Mỹ đặt sự hiện diện hải quân của mình trong khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, việc thúc đẩy các chuỗi cung ứng có sức bền hơn dường như đã nổi lên là ưu tiên then chốt của chính quyền ông Biden và là chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa bà Harris và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở cả Singapore lẫn Việt Nam.
Điều này dường như gây ngạc nhiên vì các nhà lãnh đạo chính trị đến thăm thường không tập trung vào vấn đề về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, những sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden phải ban hành sắc lệnh hành pháp vào ngày 24/2, trong đó kêu gọi cách tiếp cận toàn chính phủ để đánh giá sự dễ tổn thương trong các chuỗi cung ứng then chốt và việc tăng cường khả năng phục hồi.
Đặc biệt quan trọng trong đó là chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm rất nhiều thành phần được sản xuất tại một số quốc gia. Sự thiếu hụt nghiêm trọng đã xuất hiện trong đại dịch, phát sinh từ sự chuyển đổi rộng rãi sang số hóa.
Điều này làm gia tăng nhu cầu đối với chip trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, cũng như việc đóng cửa các nhà máy và những gián đoạn về hậu cần khiến nguồn cung bị cắt giảm.
Ngoài ra, chất bán dẫn là một công nghệ nền tảng, được sử dụng trong ô tô, y tế, quốc phòng, tiện ích công, hàng hóa tiêu dùng và trong các lĩnh vực khác, nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã làm gián đoạn sản xuất trong tất cả các lĩnh vực này.
Do đó, việc duy trì các nhà cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy được coi là điều thiết yếu đối với cả tính cạnh tranh và an ninh quốc gia.
Video đang HOT
Tính toán chiến lược
Tuy nhiên, sự tập trung của chính quyền ông Biden vào các chuỗi cung ứng mang nhiều ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là các chuỗi cung ứng ở châu Á, nơi là trung tâm của nhiều mạng lưới sản xuất, trong đó có mạng lưới sản xuất chất bán dẫn.
Chính quyền Biden đang khuyến khích các công ty Mỹ giảm sự phụ thuộc của họ vào việc gia công từ Trung Quốc, vốn là bên tham gia chi phối trong một số chuỗi cung ứng. Khi Mỹ muốn đẩy nhanh sự dịch chuyến của chuỗi cung ứng này, cả Singapore và Việt Nam đều là những ứng cử viên tiềm năng.
Singapore là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ lớn nhất ở Đông Nam Á và là nơi tập trung nhiều nhất các công ty đa quốc gia của Mỹ trong khu vực. Nhiều công ty đã đặt trụ sở khu vực của mình ở nước này.
Các công ty ở Singapore cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Hơn nữa, sự kết nối của Singapore và mạng lưới 26 hiệp định thương mại tự do của “đảo quốc sư tử” cũng làm cho nước này trở thành một đối tác tự nhiên đối với bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến chuỗi cung ứng.
Về phần mình, Việt Nam nổi lên là một lựa chọn từ xu hướng chuyển dịch sản xuất. Các ngành như may mặc, dệt may và giày dép đã bắt đầu chuyển sang Việt Nam – cũng như các quốc gia châu Á có chi phí thấp khác như Bangladesh, Campuchia và Indonesia – từ lâu trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Gần đây hơn, các công ty công nghệ cao cũng đã dịch chuyển một số hoạt động của họ, trong đó có Apple, Samsung, Intel, Dell, Sharp và hàng trăm nhà sản xuất khác, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sang Việt Nam. Do đó, nhu cầu về nhà xưởng trong các khu công nghiệp của Việt Nam là rất lớn.
Việt Nam cũng là một nền kinh tế mở có các mối liên kết thương mại ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có sự tham gia của nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc (thông qua ASEAN), và đang đàm phán thêm một số FTA nữa.
CPTPP nắm giữ “chìa khóa”
Lựa chọn chính sách khôn ngoan nhất sẽ là Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà tiền thân Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi TPP vào năm 2017.
CPTPP, gồm 11 quốc gia tham gia ký kết, là một thỏa thuận thương mại “tiêu chuẩn vàng”, có tham vọng lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm các lĩnh vực dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề môi trường và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. CPTPP cũng có một chương về thương mại kỹ thuật số.
Đây là khuôn mẫu sẵn có tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc mối quan hệ thương mại với châu Á, và cũng có thể là với Anh – nước đã xin gia nhập CPTPP.
Mục tiêu cố gắng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng ở châu Á mà không can dự kinh tế rộng rãi hơn với khu vực sẽ là một nhiệm vụ quá nặng nề đối với chính quyền ông Biden.
Rõ ràng có những trở ngại chính trị trong nước đối với việc Mỹ tham gia lại CPTPP, nhưng những trở ngại này một phần do chính quyền ông Biden gây ra.
Bằng việc cam kết không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà, chính quyền ông Biden đã tự hạn chế những lựa chọn của mình.
Họ cũng bỏ sót một vấn đề là khả năng cạnh tranh của Mỹ phụ thuộc không chỉ vào đầu tư ở trong nước, mà còn ở châu Á, như sự nhấn mạnh của bà Harris vào sự cần thiết phải có các chuỗi cung ứng bền bỉ hơn trong khu vực đã chứng minh.
Cách tiếp cận mới của chính quyền Biden với Đông Nam Á
Các chuyến công du của giới chức Mỹ đến Đông Nam Á là dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của Mỹ và quyết tâm trở lại mạnh mẽ, thực chất đối với khu vực này.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫy tay chào khi tới Hà Nội hôm 24/8 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đông Nam Á được xem là một cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới, đồng thời là khu vực quan trọng để các cường quốc bên ngoài tăng cường quan hệ, thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược. ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một điểm hội tụ trong liên kết khu vực.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Đông Nam Á dường như không phải là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ, vì nhiều lý do, như chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của ông Trump, cuộc chiến căng thẳng Mỹ - Trung khiến Đông Nam Á bị mắc kẹt...
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ đầu đã coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực để giải quyết các thách thức đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong 6 tháng kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Biden, Mỹ chưa có những kết nối thực chất đối với khu vực.
Chính quyền Biden khi mới nắm quyền dường như quan tâm đến các ưu tiên khác hơn là Đông Nam Á. Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không thể đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La vì dịch Covid-19. Kế đó, vào tháng 5, hội nghị ngoại trưởng Mỹ - ASEAN bị hủy phút chót. Bản thân ông Biden cũng chưa hội đàm trực tiếp với bất kỳ nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào.
Chính sách thương mại của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á, đồng thời nỗ lực cân bằng cán cân thương mại có lợi cho Mỹ. Có rất ít cuộc thảo luận về việc tăng cường thương mại của Mỹ với khu vực.
Điều chỉnh cách tiếp cận
Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực được điều chỉnh. Chính quyền Biden nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của Đông Nam Á, vai trò trung tâm của ASEAN như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ để cạnh tranh với các nước lớn mà còn để giải quyết một loạt các thách thức khác. Vì thế, ông Biden có các đề cử cho vị trí Trợ lý Ngoại trưởng và Quốc phòng khu vực châu Á - cả hai vị trí quan trọng cần bổ sung để tạo điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện chính sách tốt hơn.
Các quan chức ngoại giao, quốc phòng Mỹ đã dồn dập đến Đông Nam Á. Vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin có chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự một loạt cuộc hội đàm trực tuyến với các đối tác ASEAN. Đặc biệt là chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cuối tháng 8 vừa qua.
Điều quan trọng là Mỹ có cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, thực chất hơn đối với khu vực. Mỹ coi trọng việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ với ASEAN và các đối tác ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Mỹ sẽ tham vấn và hợp tác chặt chẽ với ASEAN, với tư cách là quan hệ đa phương và cả quan hệ song phương.
Mỹ tuyên bố sự tham gia của Washington ở khu vực không nhằm đối đầu bất kỳ quốc gia nào; và Mỹ không bắt các nước Đông Nam Á phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. "Sự can dự của chúng tôi ở Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào cũng như không buộc nước nào phải lựa chọn giữa nước này hay nước kia", bà Harris nhấn mạnh tại Singapore.
Trước đó, cũng tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Austin khẳng định: "Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc". Điều này cho thấy cách tiếp cận của Mỹ đã có sự tương đồng với quan điểm, cách nhìn nhận của ASEAN.
Một điểm khác phản ánh cách tiếp cận mới là Mỹ không chỉ có các mối quan tâm về an ninh và chiến lược, mà muốn củng cố mối quan hệ về kinh tế, thương mại với khu vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Bắc Kinh cũng thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong khi đó, Mỹ đã đánh mất lợi thế cạnh tranh khi rút khỏi TPP.
Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với ASEAN là một trọng tâm trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Harris. Ngoài hợp tác về kinh tế, Mỹ và ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng tái tạo... nhằm bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng, ứng phó với đại dịch Covid-19; phát triển thương mại điện tử, nền kinh tế số...
Mỹ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó với Covid-19, nỗ lực sản xuất, cung ứng vắc xin đầy đủ, an toàn và hiệu quả cho các nước Đông Nam Á. Mỹ cũng đã viện trợ vắc xin cho các nước khu vực và đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể tiếp tục cải thiện vị thế của mình ở khu vực, bằng việc tham dự các diễn đàn lãnh đạo đa phương thiết yếu, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (AES) tại Brunei vào cuối năm nay, với sự tham dự của các quan chức cấp cao hơn, thay cho việc cử các quan chức cấp thấp như trước đây.
Như vậy, nước Mỹ đã trở lại Đông Nam Á nhằm tái khẳng định và làm mới mối quan hệ, với những cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, thực chất hơn. Quan điểm của Mỹ đã được đón nhận ở Đông Nam Á, tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là hành động của chính quyền Washington trong tương lai, nhằm định vị lại mình trong các mối quan hệ với ASEAN và các đối tác khu vực.
Lo ngại Mỹ ăn mừng quá sớm trước Covid-19 Chính quyền Biden muốn tổ chức các sự kiện mừng quốc khánh nhằm truyền thông điệp tự do, bình thường mới, song lại gây lo ngại khơi tâm lý chủ quan. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill đã mời 1.000 quân nhân và những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu tới dự một buổi lễ...