Mỹ muốn lập trung đội thiết giáp gắn pháo laser
Lục quân Mỹ dự định biên chế một trung đội thiết giáp Stryker gắn pháo laser công suất 50 kW vào năm 2021 để bắn hạ tên lửa địch.
Một trung đội thiết giáp Stryker sẽ được trang bị vũ khí laser công suất 50 kW trong năm tài khóa 2021, trung tướng L. Neil Thurgood, giám đốc Chương trình Vũ khí Siêu vượt âm, Năng lượng định hướng, Không gian và Mua sắm nhanh của lục quân Mỹ, nói trong hội thảo trực tuyến ngày 5/8.
Các thiết giáp Stryker được trang bị vũ khí mới sẽ được đặt tên là Phòng không Tầm ngắn Cơ động (M-SHORAD), một trong các hệ thống đang được Lầu Năm Góc thử nghiệm nhằm lấp lỗ hổng phòng không tầm ngắn. Chúng có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV), tên lửa, thậm chí là đạn cối của địch.
Ngoài M-SHORAD, lục quân Mỹ còn gắn tên lửa Stinger và pháo tự động 30 mm lên một số thiết giáp Stryker để đảm nhận nhiệm vụ phòng không tầm ngắn và chúng sẽ được thử nghiệm trong diễn tập bắn đạn thật ở New Mexico cuối tháng 8.
Video đang HOT
Mô phỏng hoạt động của vũ khí laser trên thiết giáp Stryker. Đồ họa: Northrop Grumman.
Lục quân Mỹ hồi tháng 8/2019 chọn Raytheon và Northrop Grumman phát triển vũ khí laser công suất 50 kW cho thiết giáp Stryker, một phần trong thỏa thuận giá khoảng 203 triệu USD. Northrop Grumman cho biết vũ khí năng lượng định hướng “là sự bổ sung hiệu quả cho các vũ khí động lực trong việc chống lại rocket, pháo, cối, UAV và các mối đe dọa trên không khác”.
Lục quân Mỹ theo đuổi ý tưởng về hệ thống vũ khí laser diệt UAV từ năm 2014. Raytheon khi đó được cấp 11 triệu USD để phát triển vũ khí laser công suất 25 kW cho một xe Humvee. Lục quân Mỹ năm 2015 thử vũ khí laser 30 kW có tên ATHENA, được gắn trên một xe tải lớn.
Tướng Thurgood nói Northrop và Raytheon sẽ đưa mẫu thiết giáp Stryker được trang bị vũ khí laser của họ tới đọ sức. Chiếc Stryker được chọn sẽ là một trong 4 thiết giáp M-SHORAD đầu tiên gắn vũ khí laser 50 kW.
Hải quân Mỹ cũng đang phát triển và thử nghiệm vũ khí laser trên chiến hạm. Tàu đổ bộ tấn công USS Portland rời cảng nhà tại San Diego, bang California ngày 2/12 để thử tổ hợp vũ khí laser mới trên biển.
Trung tá Mỹ nghỉ hưu sau khi làm chứng chống Trump
Trung tá Alexander Vindman, nhân chứng chủ chốt trong cuộc xem xét bãi nhiệm Trump, thông báo sẽ rời lục quân Mỹ sau 21 năm phục vụ.
"Tôi chính thức xin nghỉ hưu khỏi lục quân Mỹ, tổ chức mà tôi yêu quý, từ hôm nay. Tôi và gia đình chờ đón chương tiếp theo trong cuộc đời mình", trung tá Alexander Vindman đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 8/7, kèm theo hình ảnh ông mặc quần áo dân sự thay cho quân phục.
Vindman trong cuộc điều trần tại Hạ viện hôm 29/10/2019. Ảnh: Reuters.
Vindman từng giữ chức giám đốc các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), là quan chức Nhà Trắng đương nhiệm đầu tiên ra làm chứng trước Hạ viện Mỹ trong nỗ lực xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump của phe Dân chủ hồi cuối tháng 10/2019.
Trung tá này đã nghe cuộc điện đàm ngày 25/7/2019 giữa Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó Trump đề nghị Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ đáng gờm trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020. Vindman nói rằng hành động của Trump là "không phù hợp" và ông chủ Nhà Trắng đã đòi hỏi một thỏa thuận "có đi có lại" với Ukraine.
Trung tá Vindman bị sa thải khỏi vị trí trong NSC hồi tháng 2, chỉ hai ngày sau khi Thượng viện Mỹ tha bổng Trump. Trung tá Yevgeny Vindman, anh em song sinh của ông, cũng bị loại khỏi NSC cùng thời gian.
Trump cho rằng Vindman phải ra đi vì trung tá này "rất không tuân lệnh cấp trên" và hiểu sai "cuộc gọi hoàn hảo" giữa ông và người đồng cấp Ukraine.
David Pressman, luật sư của Vindman, cho biết trung tá này buộc phải xin nghỉ hưu vì "tương lai trong lục quân sẽ bị hạn chế vĩnh viễn". Luật sư này cáo buộc Trump cùng cấp dưới đã chèn ép trung tá Vindman sau khi ông ra làm chứng trước Hạ viện.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth tuần trước thông báo ý định ngăn Thượng viện thông qua danh sách 1.123 sĩ quan cấp cao được thăng chức, trừ khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận sẽ không cản trở quyết định thăng quân hàm "được chờ đợi và xứng đáng" cho Vindman.
"Hành động xin nghỉ hưu của trung tá Vindman cho thấy Bộ trưởng Esper đã không bảo vệ được một cựu chiến binh nhiều thành tích trước tổng tư lệnh đầy thù hằn", Duckworth cho hay.
Quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết Bộ trưởng Esper đã phê duyệt quyết định thăng quân hàm lên đại tá cho Vindman chỉ hai ngày trước khi ông xin nghỉ hưu. "Đây là tình huống cùng có lợi cho cả chính quyền và Vindman. Ông ấy có thể rời quân ngũ trước khi được giao nhiệm vụ mới và sẽ sớm được tự do chia sẻ về trải nghiệm tại Nhà Trắng và theo đuổi những lợi ích ngoài quân đội", quan chức này nói thêm.
Máy bay, pháo hoa mừng quốc khánh Mỹ Màn biểu diễn của các phi đội cùng pháo hoa rực rỡ tại thủ đô Washington mừng quốc khánh Mỹ diễn ra khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Sự kiện mang tên "Chào nước Mỹ" gồm máy bay bay qua các thành phố Bờ Đông, triển lãm hàng không quốc gia tại thủ đô Washington, âm nhạc và pháo hoa để kỷ niệm...