Mỹ mở đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhưng không dỡ thuế trừng phạt
Mỹ có kế hoạch mở vòng đàm phán mới về thương mại với Trung Quốc, nhưng vẫn giữ nguyên trừng phạt thuế để ép Bắc Kinh thực thi cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu tại CSIS ngày 4/10. Ảnh: Bloomberg
Sáng kiến mới này được đề cập trong bài phát biểu định hướng chính sách của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong ngày 4/10 (giờ Washington D.C) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
Tại đây, bà Tai cho biết Mỹ sẽ hối thúc Trung Quốc thực thi cam kết của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1/2020. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ cũng khẳng định phía Mỹ không có kế hoạch mở một cuộc điều tra mới liên quan đến hành vi thương mại của Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ sử dụng một loạt công cụ sẵn có và phát triển công cụ mới nếu cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ trước các chính sách và hành vi kinh tế có hại”, bà Tai nêu quan điểm trong bài phát biểu lớn đầu tiên đề cập đến chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức.
Bà Tai cũng thông báo quyết định mở lại tiến trình cho phép các công ty Mỹ tìm kiếm miễn trừ trừng phạt thuế khi nhập khẩu nguồn hàng từ Trung Quốc. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận quy trình này nếu chứng minh được họ không có nguồn hàng thay thế từ Trung Quốc. Nhưng ông Biden sau đó đã không gia hạn chương trình này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng qua đã tiến hành rà soát chính sách với Bắc Kinh, trong đó có việc áp thuế trừng phạt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá lên đến 370 tỉ USD, nhằm vào hàng nghìn các dòng sản phẩm mà nhiều trong số này đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung đối với nhà máy sản xuất đặt tại Mỹ.
Video đang HOT
Giới chức Mỹ cho biết họ có kế hoạch giữ nguyên thuế trừng phạt, thậm chí xem xét áp thêm thuế mới, coi đó là công cụ để buộc Trung Quốc tuân thủ và thực hiện điều khoản cam kết tăng mua hàng Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc tăng thêm 200 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021, với mốc so sánh là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017. Riêng với năm 2020, theo đúng thỏa thuận đề ra, Bắc Kinh phải tăng lượng hàng hóa mua từ Mỹ thêm ít nhất là 63,9 tỉ USD so với ngưỡng của năm 2017.
Theo tính toán của Chad Bown, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), Trung Quốc mới chỉ hoàn thành 60% cam kết tăng mua hàng Mỹ trong năm 2020. Còn dựa theo tiến độ nhập khẩu 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc cũng cũng chỉ hoàn thành được 70% cam kết mua hàng Mỹ trong năm 2021.
Trung Quốc chưa thực hiện đúng cam kết tăng mua hàng từ Mỹ theo điều khoản có trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: AP
Tháng 5 vừa qua, bà Tai đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc. Hai bên mô tả cuộc đối thoại này diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, ông Lưu Hạc tiếp tục kêu gọi Mỹ rút thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, bà Tai không có bất kỳ tiếp xúc nào với phía Trung Quốc. Dự kiến Đại diện Thương mại Mỹ sẽ sớm mở cuộc trao đổi với đồng cấp phía Trung Quốc.
Nhiều tổ chức, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động nhanh chóng, viện dẫn tầm quan trọng của thị trường tiêu dùng khổng lồ tại Trung Quốc với các công ty Mỹ. “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy chính quyền [Tổng thống Biden] thực hiện bước tiến mới thông qua việc công bố chiến lược với Trung Quốc. Can dự với đồng minh là quan trọng. Nhưng chỉ có can dự với đồng minh là không đủ. Kết nối trực tiếp với Trung Quốc cũng rất cần thiết”, ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ nói.
Giới chức Trung Quốc phản ứng thận trọng trước phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ. Một số quan chức coi đây là dấu hiệu tích cực, khi bà Tai không phê phán gay quá gay gắt việc Trung Quốc không tuân thủ cam kết mua hàng, đồng thời phát đi tín hiệu Washington mong muốn tái khởi động đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc về cơ bản thất vọng với chính sách của Washington tính đến thời điểm này. Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo tại Bắc Kinh muốn Nhà Trắng đảo nghịch chính sách chống Trung Quốc được thiết lập dưới thời ông Donald Trump.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không phản hồi yêu cầu của báo giới, đề nghị cho biết phản ứng về phát biểu của bà Tai.
Bên trong căn cứ bí mật của CIA ở Kabul
Nằm ở ngoại ô thủ đô Kabul, khu phức hợp của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) được biết đến là căn cứ bí mật khét tiếng nhất của lực lượng Mỹ ở Afghanistan.
Gần đây, Taliban đã mở cửa cho giới truyền thông đến tham quan địa điểm này.
Phần còn lại của xe hơi, xe buýt nhỏ và xe bọc thép tại căn cứ bí mật của CIA. Ảnh: The Observer
Theo trang Guardian (Anh), nhiều phương tiện, vũ khí và khí tài từng được CIA sử dụng để điều hành hoạt động bí mật ở Afghanistan đã bị thiêu rụi hoặc phá hủy trước khi Mỹ rút quân. Giờ đây, chỉ còn sót lại xác xe màu tro bụi với những bức tường bê tông trong khu căn cứ được mệnh danh là trung tâm "cuộc chiến chống khủng bố" của CIA ở Kabul. Kho đạn dược lớn tại đây cũng đã được cho nổ tung ngay sau vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay Kabul và khiến cả thủ đô Afghanistan rung chuyển.
Lực lượng đặc biệt của Taliban dẫn các nhà báo tham quan xung quanh khu nhà bỏ hoang. Ảnh: The Observer
Khu phức hợp của CIA nằm trên một sườn đồi, trải rộng hơn 5km2 ở phía đông bắc của sân bay Kabul. Căn cứ này từng gắn liền với những cáo buộc tra tấn và giết hại tù nhân ở nhà tù "Salt Pit", có mật danh là Cobalt của CIA. Những tù nhân bị giam giữ ở đây gọi nơi này là "nhà tù tối tăm" vì không có một chút ánh sáng nào có thể lọt vào trong phòng giam, ngoại trừ ánh sáng phát ra từ đèn pha của lính canh.
Địa điểm từng là nhà tù Salt Pit dường như đã bị san phẳng vài tháng trước đó. Một cuộc điều tra vệ tinh của New York Times cho thấy kể từ mùa xuân, một cụm tòa nhà bên trong khu phức hợp này đã bị san phẳng. Các quan chức Taliban cho biết họ không có bất kỳ thông tin chi tiết nào về nhà tù này.
Hình ảnh vệ tinh đầu năm nay cho thấy một số tòa nhà tại nhà tù Salt Pit đã bị san phẳng hoàn toàn. Ảnh: Planet Labs
Căn cứ của CIA được biết đến với nhà tù Salt Pit khét tiếng. Ảnh: The Observer
Trong 2 thập kỷ qua, căn cứ này vẫn là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ, chỉ có thể quan sát được qua các bức ảnh vệ tinh và được kể lại bởi lời khai của những người sống sót. Giờ đây, khi lực lượng Taliban tiếp quản khu vực này, họ đã mở cửa căn cứ cho giới truyền thông.
Ảnh vệ tinh khu phức hợp của C.I.A ở Kabul, Afghanistan, được chụp vào ngày 24/8. Ảnh: Planet Labs
Hoạt động rút quân khỏi căn cứ của Mỹ được cho là diễn ra một cách rất khẩn trương. Các tầng của căn cứ ngổn ngang vật dụng sót lại. Lực lượng Mỹ cố gắng mang đi hoặc phá hủy bất cứ thứ gì có đề tên hay cấp bậc của những người lính. Các thiết bị xây dựng cũng bị bỏ lại trên công trường với những tấm bê tông đang đổ dở dang. Bên cạnh, một tòa nhà từng được xây kiên cố với cửa và các thiết bị công nghệ cao dường như đã bị thiêu rụi hoàn toàn, nội thất của nó cũng đã bị phá hủy.
Mullah Hassanain, một chỉ huy trong đơn vị tinh nhuệ 313 của Taliban, người dẫn đầu chuyến tham quan tới căn cứ cũ của CIA, cho biết: "Chúng tôi muốn cho thấy CIA đã lãng phí những thứ vốn có thể được sử dụng để xây dựng đất nước của chúng tôi như thế nào. Ô tô, xe buýt và xe quân sự bọc thép đều bị thiêu hủy sạch".
Hassanain nói rằng họ đã tìm thấy một số quả bom bi được đặt bẫy trong đống đổ nát của căn cứ và lo lắng rằng có thể vẫn còn nhiều quả bom khác.
Chỉ huy của Taliban còn cho biết lực lượng này dự định sử dụng căn cứ CIA để huấn luyện quân sự. Vì vậy, chuyến thăm này có thể cũng là lần cuối cùng truyền thông được phép vào bên trong khu vực.
COVID-19 tới 6 giờ 5/10: Đại dịch hạ nhiệt tại nhiều điểm nóng; Ấn Độ tiêm một liều vaccine cho 70% người trưởng thành Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 301.189 trường hợp mắc COVID-19 và 4.223 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 236 triệu ca, trong đó trên 4,8 triệu người không qua khỏi. Thủ đô La Habana (Cuba) mở cửa lại bãi biển và bể bơi, du khách tới nghỉ tại bãi biển ở Varadero, Cuba...