Mỹ: Máy bay Malaysia bay thêm 4 tiếng nữa sau khi mất liên lạc!?
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn các nhà điều tra Mỹ vừa hé lộ thông tin chấn động: Dựa vào dữ liệu động cơ, chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines vẫn bay tiếp khoảng 4 tiếng nữa sau khi biến mất khỏi màn hình radar ở trên Biển Đông.
Sáu ngày tìm kiếm máy bay Malaysia vẫn chưa mang lại kết quả.
Thông tin gây chấn động trên được tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ dẫn lời 2 người có liên quan đến cuộc điều tra của Mỹ đối với chiếc máy bay bị mất tích cùng 239 người vào sớm ngày 8/3 vừa qua. Thông tin này làm dấy lên nghi ngờ chiếc máy bay có thể đã bay thêm hàng trăm km nữa mà không hề được trạm không vận dưới mặt đất hay biết.
Tờ báo Mỹ cũng cho biết, các nhà điều tra hàng không và giới chức an ninh quốc gia Mỹ tin rằng máy bay đã bay tổng cộng 5 tiếng, dựa vào dữ liệu được tự động tải và gửi về mặt đất từ các động cơ của chiếc Boeing 777. Việc chuyển dữ liệu về mặt đất này là một phần trong chương trình theo dõi và bảo dưỡng thường xuyên của nhà sản xuất máy bay.
WSJ cũng dẫn lời một chuyên gia cho biết, hệ thống theo dõi động cơ đang bay được nhà sản xuất Rolls-Royce cung cấp và hệ thống này gửi đều đặn 30 phút một lần một loạt dữ liệu về tình trạng động cơ, hoạt động và di chuyển của máy bay về mặt đất.
Theo thỏa thuận bảo dưỡng, Malaysia Airlines gửi dữ liệu động cơ trực tiếp cho Rolls-Royce để phân tích. Hệ thống gồm dữ liệu bên trong 2 động cơ Trent 800 của máy bay và gửi các ảnh chụp nhanh, cũng như độ cao, tốc độ của máy bay.
Theo trang web của Rolls-Royce, dữ liệu được xử lý tự động “để những thay đổi nhỏ nhất từ một chuyến bay này tới một chuyến bay khác có thể được phát hiện.”
Ngoài ra, WSJ xác nhận phi công hoàn toàn có khả năng tắt thủ công bộ truyền dữ liệu trên chuyến bay MH370.
Mỹ nghi ngờ máy bay bị bắt chuyển hướng tới một địa điểm bí mật
Video đang HOT
Tờ Strait Times của Singapore đưa tin, cuộc tìm kiếm vào ngày hôm nay 13/3 tại vị trí mà ảnh vệ tinh Trung Quốc phát hiện 3 vật thể nổi khả nghi cũng không mang lại kết quả gì. Những người tìm kiếm đã không tìm thấy bất kỳ vật thể nào.
Những thông tin mới trên làm dấy lên một loạt câu hỏi mới và khả năng về điều gì đã xảy ra đối với chiếc máy bay chở 239 người, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar của trạm không vận khi mới vừa cất cánh chưa đầy một tiếng từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
WST dẫn một nguồn tin điều tra cũng cho hay, giới chức chống khủng bố Mỹ hiện vẫn đang theo đuổi khả năng phi công hoặc ai đó trên máy bay đã chuyển hướng máy bay tới một địa điểm bí mật nào đó, sau khi chủ đích tắt bộ truyền tín hiệu của máy bay, nhằm tránh bị radar phát hiện.
Cuộc điều tra vẫn chưa có kết quả và vẫn chưa biết liệu các nhà điều tra có bằng chứng cho thấy có khả năng tấn công khủng bố hoặc hành động phá hoại đối với máy bay. Cho đến nay, giới chức an ninh nội địa Mỹ vẫn chưa cho biết thông tin chi tiết về khả năng khủng bố, mặc dù họ không loại trừ khả năng này.
Vậy máy bay đã hướng về đâu? Tại sao nó lại có vẻ như tiếp tục bay nhiều giờ mà không cần bộ truyền tín hiệu (thiết bị cũng giúp máy bay tránh va chạm với máy bay khác). Theo một nguồn tin, những câu hỏi này cũng khiến các nhà điều tra Mỹ đặt ra giả thuyết máy bay có thể bị yêu cầu làm như vậy, mà lý do vì sao, giới chức Mỹ hiện không rõ.
Vùng máy bay mất tích của Malaysia có thể bay tới (vòng tròn), nếu máy bay vẫn bay thêm 4 tiếng sau khi biến mất khỏi màn hình radar.
Cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa rõ máy bay có bay tới một địa điểm khác, hoặc liệu máy bay có bị rơi hay không. Tuy nhiên, dù máy bay có gặp trục trặc kỹ thuật, phi công có mắc lỗi hoặc có sự cố kinh khủng nào đó xảy ra với máy bay thì cỗ máy 250 tấn cũng không thể đơn giản biến mất không một dấu tích được.
Thông tin gây sốc của tờ WSJ được đưa ra khi báo chí Malaysia đưa tin cảnh sát nước này đã đến nhà của ít nhất 1 trong 2 phi công trên máy bay.
Song giới chức Boeing và Malaysia Airlines từ chối bình luận về thông tin này.
Rolls-Royce hiện chưa bình luận gì về thông tin của WSJ.
Máy bay dùng cho một vụ khủng bố lớn?
Cũng theo WSJ, dữ liệu động cơ đang được phân tích nhằm giúp xác định đường bay của máy bay mất tích, sau khi bộ truyền tín hiệu ngưng hoạt động.Vị trí cuối cùng được xác nhận của máy bay là nằm ở giữa Vịnh Thái Lan.
Nếu tổng cộng máy bay đã bay 5 giờ sau khi rời Kuala Lumpur, có nghĩa chiếc máy bay với 239 người có thể tiếp tục bay thêm 2.200 hải lý. Như vậy, dựa vào tốc độ bay trên không, máy bay có thể đã bay tới tận Ấn Độ Dương, biên giới Pakistan hoặc thậm chí là Biển Ả rập.
Trong khi đó đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời tiến sỹ khoa học, Giáo sư đại học Tổng hợp Saint-Peterburg, Vladimir Kolotov, cho rằng máy bay mất tích có thể bị sử dụng cho một cuộc khủng bố lớn.
“Có thông tin rằng, trước khi biến mất khỏi màn hình radar, máy bay đã đổi hướng và hạ độ cao. Nó có thể hạ cánh xuống bất kỳ đường cao tốc nào, tải thêm cái gì đó rồi sử dụng để thực hiện cuộc khủng bố, thí dụ như hồi 11/9/2001. Trong rừng rậm Đông Nam Á có đủ chỗ để cất giấu máy bay. Xuất phát từ thông tin về hành khách và hộ chiếu giả, 4 nhân vật là cơ số lý tưởng để thực hiện vụ cướp. Bây giờ không có các khoang bọc thép, không có thống chế không quân, vì vậy chiếm lấy phi hành đoàn là hoàn toàn thực tế. Nếu máy bay bị không tặc cướp, thì rồi chúng ta sẽ còn nghe thấy về nó”, ông nhận định.
Vũ Quý
Theo Dantri
Malaysia điều máy bay tới vùng có mảnh vỡ trên ảnh vệ tinh
Malaysia hôm nay 13/3 cho biết cũng phái một máy bay tới địa điểm mà ảnh vệ tinh của Trung Quốc phát hiện 3 "vật thể nổi khả nghi", gần khu vực mà nhiều nước hiện đang tham gia tìm kiếm máy bay mất tích.
Một trong 3 vật thể bị nghi là mảnh vỡ máy bay Malaysia.
"Máy bay ném bom đã được phái đi điều tra thông tin về các mảnh vỡ được ảnh vệ tinh Trung Quốc phát hiện", Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết trên Twitter.
Máy bay mà Malaysia phái đi có vẻ như là máy bay do Canada sản xuất.
Động thái điều máy bay trên diễn ra khi hoạt động tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines, mất tích vào sớm ngày 8/3 với 239 người trên khoang khi đang bay trên chặng Kuala Lumpur - Bắc Kinh, đã bước sang ngày thứ sáu. Chưa rõ ảnh vệ tinh của Trung Quốc có được phía Trung Quốc chia sẻ với Malaysia hay họ chỉ biết thông tin qua các cơ quan truyền thông.
Một phát ngôn viên của nhóm điều phối viên tìm kiếm của Malaysia cho biết giới chức trách sẽ điều tra địa điểm các vật thể được phát hiện trên Biển Đông. "Với chúng tôi, chúng tôi sẽ tìm kiếm mọi khu vực, đặc biệt là những khu vực có bằng chứng vững chắc", ông cho hay.
Hoạt động tìm kiếm máy bay bị mất tích đã được mở rộng trên diện tích hơn 90.000km2, gần bằng lãnh thổ Bồ Đào Nha, và với sự tham gia của quân đội nhiều nước.
Cuộc tìm kiếm mới đầu tập trung ở vùng biển ngoài khơi miền nam Việt Nam, nơi chiếc Boeing 777 mất liên lạc với trạm không vận. Tuy nhiên, chưa có dấu vết nào của máy bay được phát hiện và giới chức Malaysia sau đó mở rộng tìm kiếm trên biển Andaman, bắc Indonesia, cách xa vị trí tìm kiếm ban đầu hàng trăm km. Lý do là họ nghi ngờ máy bay có thể quay đầu về hướng tây, chuyển hướng hoàn toàn so với đường bay đã định của nó.
Cục quản lý khoa học và công nghệ nhà nước Trung Quốc cho hay các vật thể được phát hiện nằm trên khu vực có bán kính 20km.
Trước đây cũng có nhiều vật khả nghi được phát hiện, nhưng cho đến nay chưa có vật thể nào được xác nhận là của máy bay bị mất tích.
Vũ Qúy
Theo Dantri
Thông điệp cuối cùng của người mang hộ chiếu giả trên máy bay mất tích Một thanh niên 19 tuổi người Iran trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines với hộ chiếu giả đang có kế hoạch tới Đức đã viết "Tôi vẫn an toàn" trên mạng xã hội Facebook chỉ ít giờ trước khi máy bay mất tích hồi cuối tuần qua. Pouria Nourmohammadi (thứ 2 từ trái sang) và Seyed Hamid Reza Delavar...