Mỹ lo ngại tàu ngầm tấn công lớp Yasen của Nga
Tàu ngầm tấn công thế hệ mới lớp Yasen của Nga thách thức sự thống trị của hạm đội tàu ngầm Mỹ, RIA dẫn bình luận của CNN ngày 5.5.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen, chiếc Severodvinsk của Hạm đội Phương Bắc Hải quân Nga
“Chúng ta phải dè chừng sự hiện diện của một đối phương có thể thách thức chúng ta dưới nước. Chúng ta đã đánh mất ưu thế tuyệt đối ở dưới nước”, đại tá Hải quân Mỹ Ollie Lewis, chỉ huy biên đội tàu ngầm số 10 (phụ trách Đại Tây Dương) phát biểu trên kênh truyền hình CNN.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ được coi là “con dao Thụy Sĩ” (ngụ ý về tính đa năng bậc nhất): có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ thu thập thông tin tình báo đến phóng ngư lôi diệt tàu chiến, tàu ngầm và phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên mặt đất. Tàu ngầm Virginia, giá 2 tỉ USD/chiếc, còn tung các nhóm đặc nhiệm SEAL lên đất liền thực hiện nhiệm vụ bí mật.
Nhưng giờ đây tàu ngầm Virginia sẽ phải đối mặt với một thách thức từ các tàu ngầm thuộc dự án Yasen (tử đinh hương) của Nga. Chiếc tàu ngầm đầu tiên của lớp này là Severodvinsk vừa được biên chế vào hạm đội Phương Bắc của Nga.
Trong số các tàu ngầm đối thủ của Mỹ, tàu ngầm lớp Yasen ít gây tiếng động nhất, chuyên gia của Trung tâm Wilson ở thủ đô Washington, ông Michael Kofman cho biết.
“Hải quân Mỹ không dễ theo dõi tàu ngầm Yasen”, ông Kofman nói.
Quân đội Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về việc tàu ngầm của Nga gia tăng hoạt động, kể cả ở Đại Tây Dương. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu ngầm Nga đang hoạt động rất mạnh trong tam giác Greenland – Iceland – Anh, mà đó là tuyến đường biển quan trọng để Mỹ có thể tăng cường lực lượng đến châu Âu.
Video đang HOT
Đồng thời, theo giới chỉ huy tàu ngầm Mỹ, Nga đang tìm mọi cách không chỉ để tạo ra một “tuyên bố chính trị” mà còn để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.
Lầu Năm Góc đang bị buộc phải nỗ lực tối đa để duy trì quyền thống trị dưới nước, theo CNN. Các tướng lĩnh Mỹ đặc biệt quan ngại về một thực tế rằng sau Chiến tranh Lạnh, năng lực chống ngầm của Mỹ và đồng minh không còn đủ mạnh.
Phạm Bá Thuỷ
Theo Thanhnien
Tàu ngầm Nga Yasen - đối thủ đáng gờm của Mỹ trong lòng biển
Những công nghệ tự động hóa từ thời Liên Xô đã giúp tàu ngầm tấn công hạt nhân Nga có thể đọ sức ngang với tàu ngầm hiện đại của Mỹ.
Tàu ngầm tên lửa hạt nhân Severodvinsk của Nga. Ảnh: Reddit
Những năm gần đây, hải quân Nga bắt đầu dần dần hồi phục từ biến cố Liên Xô tan rã vào năm 1991 và lấy lại sức mạnh vốn có của mình, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm, theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest.
Dù vẫn chưa xây dựng được một hạm đội tàu ngầm có quy mô lớn như thời Liên Xô, gần đây Nga đã bắt đầu đưa vào sử dụng những loại tàu ngầm tiên tiến nhất có thể trở thành đối thủ đáng gờm đối với tàu ngầm Mỹ trong lòng đại dương.
Năm 2014, hải quân Nga đưa vào biên chế tàu ngầm tấn công hạt nhân mang tên K-329 Severodvinsk thuộc lớp Project 885 Yasen. Chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang theo tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn tới 5.000 km này được bắt đầu chế tạo từ năm 1993, nhưng đã nhiều lần bị trì hoãn do khó khăn về ngân sách.
Sau khi được đưa vào biên chế, Severodvinsk trở thành chiếc tàu ngầm uy lực nhất trong hạm đội của Nga hiện nay. Tuy vậy, hải quân Nga vẫn tiếp tục lên kế hoạch cải tiến, nâng cấp loại tàu ngầm này để có thể đọ với tàu ngầm Mỹ.
Chính các quan chức hải quân Mỹ đã công khai thừa nhận sức mạnh của tàu ngầm hạt nhân Nga. Trong một hội thảo về tàu ngầm hải quân diễn ra năm ngoái, Chuẩn Đô đốc Dave Johnson, phục trách tàu ngầm của Bộ Tư lệnh Hệ thống Biển (NAVSEA) Mỹ đã tuyên bố: "Chúng ta sẽ phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm. Một trường hợp đáng chú ý là tàu Severodvinsk, phiên bản tàu ngầm tên lửa dẫn đường hạt nhân (SSGN) của Nga. Tôi bị ấn tượng với con tàu này đến mức đã ra lệnh chế tạo một mẫu tương tự từ các dữ liệu công khai". "Năng lực tác chiến ngầm của các nước không bao giờ chịu giẫm chân tại chỗ", ông nhấn mạnh.
Tàu Severodvinsk áp dụng rất nhiều công nghệ tự động hóa mà Liên Xô phát minh trong thập niên 1970 và 1980 để chế tạo tàu ngầm lớp Project 705 Lira, còn có tên gọi khác là lớp Alfa theo mật danh NATO.
Theo ông Majumdar, với phần thân bằng titan siêu cứng, và lò phản ứng hạt nhân được làm mát bằng kim loại lỏng, tàu ngầm lớp Lira là tàu ngầm nhanh nhất và lặn sâu nhất từng được chế tạo. Với những công nghệ trên, chiếc tàu ngầm Severodvinsk dài gần 119 mét, nặng 13.800 tấn cũng đạt trình độ tự động hóa rất cao, khi thủy thủ đoàn của nó chỉ gồm 32 sĩ quan và 58 binh sĩ hải quân.
Báo cáo của Viện Hạm đội Tác chiến Thế giới của hải quân Mỹ cho biết có nhiều thông tin cho hay tàu ngầm Severodvinsk có thể đạt vận tốc tối đa 65-74 km/h. Nó cũng chạy êm hơn rất nhiều so với các tàu ngầm trước đây của Nga và có vận tốc tối đa khi hoạt động ở chế độ "êm" là khoảng 37 km/h. Lò phản ứng hạt nhân trên tàu Severodvinsk cũng được thiết kế để có thể hoạt động ổn định trong suốt thời gian phục vụ của con tàu.
Phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết tàu ngầm Severodvinsk của Nga chạy êm hơn tàu ngầm lớp Los Angeles cải tiến của Mỹ, dù chưa đạt đến trình độ yên lặng như tàu ngầm lớp Seawolf hay Virginia. Theo các nguồn tin hải quân Mỹ, điều này là do công nghệ giảm độ ồn cho tàu ngầm của Nga vẫn còn đi sau Mỹ.
Báo chí Nga cho biết tàu ngầm lớp Yasen mang thiết kế lai chứ không theo phong cách thân kép như trước đây, và các khoang chịu áp lực của tàu được chế tạo bằng cấu trúc nhẹ hơn. Đây cũng là tàu ngầm đầu tiên của Nga được lắp đặt hệ thống thủy âm hình cầu Irtysh-Amfora ở trước mũi, giúp nó có thể phát hiện các tàu ngầm, tàu nổi đối phương từ khoảng cách 600 km, cũng như máy bay tầm thấp của địch từ khoảng cách 100 km.
Các ống phóng thủy lôi của tàu được bố trí ra giữa thân, giống như các tàu ngầm Mỹ. Tàu ngầm Severodvinsk được trang bị 8 ống phóng thủy lôi, trong đó 4 ống cỡ 650 mm và 4 ống cỡ 533 mm. Con tàu này được cho là có thể mang theo khoảng 30 quả thủy lôi các loại.
Cải tiến
Hải quân Nga đã ý thức được rằng dù được trang bị nhiều công nghệ tự động hóa hiện đại, Severodvinsk vẫn là loại tàu ngầm cũ với thiết kế và công nghệ từ thập niên 1990. Bởi vậy, Nga dự kiến sẽ tiếp nhận một tàu ngầm tấn công lớp Project 885M Yasen cải tiến mang tên Kazan vào năm 2016, theo báo chí Nga.
Tàu ngầm Kazan sẽ được tích hợp nhiều hệ thống vũ khí và cảm biến hiện đại hơn so với tàu Severodvinsk, và cũng sẽ phát ra tiếng ồn thấp hơn bậc tiền bối này.
Theo kế hoạch, hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận ít nhất 8 tàu ngầm tấn công lớp Yasen cải tiến. Tàu ngầm thứ ba thuộc lớp này mang tên Novosibirsk đã bắt đầu được đóng từ tháng 7/2013.
Chuyên gia Majumdar cho biết với những cải tiến đầy ấn tượng về hệ thống vũ khí, cảm biến và công nghệ động cơ, tàu ngầm lớp Project 885M có khả năng hoạt động ngang ngửa tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf của Mỹ, dù khả năng phát hiện mục tiêu bằng thủy âm và cảm biến vẫn chưa thể sánh bằng. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng giành chiến thắng của Mỹ trong các cuộc đối đầu tàu ngầm trong lòng biển sẽ giảm đáng kể, bởi tàu Seawolf được thiết kế để đánh bại các tàu ngầm cũ hơn của Liên Xô như Akula hay Sierra.
Để có thể đối phó với những chiếc tàu ngầm lớp Yasen cải tiến có tốc độ nhanh, khả năng lặn cực sâu và được trang bị những tên lửa và vũ khí săn ngầm hiện đại, Mỹ cần phải sở hữu nhiều hơn nữa tàu ngầm lớp Seawolf, điều mà hải quân Mỹ rất khó thực hiện trong bối cảnh bị cắt giảm ngân sách nặng nề như hiện nay.
Thay vào đó, ông Majumdar cho rằng hải quân Mỹ có thể đưa thêm cả các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia để đối phó với tàu ngầm Nga trong trường hợp xung đột nổ ra, dù loại tàu ngầm này không thể lặn sâu và đạt tốc độ cao như tàu ngầm Yasen.
Trí Dũng
Theo VNE
Tàu ngầm Nga thách thức vị thế thống trị đại dương của Mỹ Cục diện cuộc đua chiếm lĩnh đáy biển giữa Nga với Mỹ và đồng minh có thể được quyết định bởi chính các hạm đội tàu ngầm. Hai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình Nga hồi tháng ba đậu tại một căn cứ ở phía bắc nước này. Ảnh: Tass Theo các quan chức quân sự phương Tây, tàu...