Mỹ lo ngại sau khi Iran bắt giữ một tàu chở hàng trên vịnh Ba Tư
Một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã được phái tới eo biển Hormuz sau khi tàu tuần tra của Iran bắt giữ một tàu chở hàng mang cờ của Cộng hòa quần đảo Marshall.
Tàu khu trục USS Farragut của Mỹ.
Giới chức Mỹ cho rằng, động thái này của Iran là một tín hiệu nữa cho thấy Tehran đang tìm cách cản trở thương mại đường biển ở cửa ngõ của vịnh Ba Tư.
Theo tờ Wall Street Journal, tàu khu trục USS Farragut đã tới eo Hormuz để hỗ trợ tàu chở hàng M/V Maersk Tigris sau khi thủy thủ đoàn của con tàu này có một cuộc gọi khẩn cấp.
Theo giới chức Mỹ và người chủ tàu, tàu tuần tra của Iran đã bắn cảnh cáo phía trước mũi của con tàu chở hàng khi con tàu này đi vào khu vực eo biển, buộc con tàu phải tiến sâu vào hải phận Iran. Lực lượng của Iran sau đó đã nhảy lên con tàu chở hàng.
Cuộc đối đầu xảy ra ngày hôm qua (28/4) này đánh dấu lần thứ hai chỉ trong vài ngày trở lại đây tàu tuần tra của Iran nhằm vào tàu chở hàng trong khu vực. Diễn biến này khiến một số quan chức Mỹ lo ngại rằng có thể Iran muốn bắt một tàu chở hàng của Mỹ và đã nhầm con tàu Tigris là một con tàu Mỹ.
Video đang HOT
“Họ đang tìm cách bắt một tàu Mỹ. Đó là điều mà họ muốn”, một quan chức của Mỹ nói.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực vùng Vịnh do Ả-rập Xê-út – một đồng minh của Mỹ – tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Tháng này, quân đội Mỹ đã cử một hàng không mẫu hạm tới theo dõi một đội tàu của Iran bị nghi là chở vũ khí tới cho các đồng minh của Tehran ở Yemen. Đội tàu của Iran đã quay đầu khi hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tiến tới khu vực.
Tuy Mỹ và Iran hậu thuẫn những phe phái đối lập ở Yemen, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang cố gắng một thỏa thuận gây tranh cãi với Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.
Cũng theo giới chức Mỹ, vào tuần trước, 4 tàu tuần tra của Iran đã tìm cách liên lạc với một tàu chở hàng treo cờ Mỹ trên vịnh Ba Tư. Khi con tàu Mỹ mang tên Maersk Kensington này phớt lờ cuộc gọi radio của tàu Iran, các con tàu Iran đã tìm cách bao vây con tàu chở hàng. Sau đó, những con tàu tuần tra của Iran đã rời đi, nhưng vụ chạm mặt đã làm gia tăng cảnh báo đối với các con tàu thương mại về mối đe dọa từ Iran khi đi qua vịnh Ba Tư.
Nhiều năm qua, Iran đã bị cáo buộc dùng eo biển Hormuz – một nút thắt chiến lược ở khu vực Trung Đông nhiều dầu lửa – để gây khó dễ cho hoạt động của tàu hai quân Mỹ và các con tàu chở hàng.
Hormuz là một eo biển hẹp nhưng là nơi khoảng 30% lượng dầu được giao dịch toàn cầu đi qua. Vì vậy, eo biển này được coi là nút thắt quan trọng nhất trong vận tải năng lượng của thế giới.
Iran từng có lần đe dọa phong tỏa eo biển rộng 21 dặm này, nhưng bất kỳ hành động nào như vậy cũng có thể vấp phải phản ứng quân sự tức thì từ Mỹ và các cường quốc khác.
Phương Anh
Theo Dantri/ WSJ
Nhật Bản đóng 10 tàu tuần tra cho Philippines
Nhật Bản đã giành hợp đồng sản xuất 10 tàu cho lực lượng tuần duyên Philippines trong những năm tới.
Tàu tuần tra đa chức năng của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (Ảnh:Defencetalk)
Theo thông báo của Bộ Vận tải và Viễn thông Philippines (DOTC) hôm 20/4, Nhật Bản đã giành được gói thầu sản xuất 10 tàu nằm trong dự án Cải thiện Khả năng An toàn Hàng hải của quốc gia Đông Nam Á.
Gói thầu nêu trên, khoảng 200 triệu USD, sẽ bao gồm khoảng 170 triệu USD được cho vay từ Cơ quan Hỗ trợ Phát Triển Nhật Bản (ODA) và khoảng 30 triệu USD từ chính phủ Philippines.
Bên cạnh kế hoạch đóng tàu mới, dự án trên còn bao gồm quá trình sửa chữa và nâng cấp, huấn luyện thủy thủ, vận tải biển và bảo hiểm hàng hải. Dự kiến những chiếc tàu đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2016 và kết thúc vào năm 2018.
Bộ trưởng Vận tải và Viễn thông Philippines, ông Joseph Emilio Abaya cho biết dự án nêu trên nằm trong chương trình của chính phủ để trang bị cho lực lượng tuần duyên "các công cụ cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này tại các vùng biển".
Theo ông Abaya, 10 chiếc tàu tuần tra mới sẽ gíup Lực lượng tuần duyên Philippines hoạt động hiệu quả hơn trong các lĩnh vực như thực thi luận biển, tìm kiếm và cứu nạn cũng như bảo vệ an ninh hàng hải.
Những mẫu tàu tuần tra mới sẽ là các mẫu tàu phản ứng nhanh đa năng (MRRV) và sẽ được triển khai dọc vùng bờ biển của nước này, bao gồm cả thủ đô Manila, thành phố La Union và Puerto Princesa.
Thỏa thuận trên là một phần nằm trong nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Philippines, đặc biệt trong bối cảnh cả Tokyo và Manila đều bày tỏ quan ngại trước những hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua.
Theo giới chuyên gia, những chiếc tàu tuần tra đa năng nêu trên sẽ là một sự bổ sung mạnh mẽ cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Ngọc Anh
Theo Dantri/Diplomat
Tàu tuần tra Triều Tiên trôi sang vùng biển Hàn Quốc Một tàu tuần tra Triều Tiên sáng sớm qua trôi vào vùng biển của Hàn Quốc vì hỏng động cơ. Tàu tuần tra Triều Tiên trên sông Áp Lục, gần biên giới với Trung Quốc. Ảnh: AP Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc cho hay con tàu trôi vào phía nam Đường Ranh giới Phía bắc (NLL), vào khoảng 2h40 (giờ địa phương)....