Mỹ lo ngại Israel ném bom các cơ sở hạt nhân Iran, nhưng liệu Tel Aviv có thể?
Trong 22 năm qua, lực lượng Israel đã lên kế hoạch cho thời điểm này. Nhưng có vẻ như họ sẽ không tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong đợt trả đũa tiếp theo, hoặc họ sẽ không thành công nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ.
Máy bay F-15 của Israel bay qua miền nam nước này vào tháng 3/2024. Ảnh: EPA
Hai năm trước, hàng chục máy bay chiến đấu của Israel đã gầm rú trên biển Địa Trung Hải, mô phỏng một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, một cuộc tập trận mà lực lượng phòng thủ Israel công khai nói rằng đó là bài tập về “bay tầm xa, tiếp nhiên liệu trên không và tấn công các mục tiêu ở xa”.
Mục đích của cuộc tập trận đó không chỉ đơn thuần là để đe dọa người Iran. Nó còn được thiết kế để gửi một thông điệp tới chính quyền Tổng thống Biden: Không quân Israel đang tự huấn luyện để tiến hành hoạt động một mình, mặc dù khả năng thành công sẽ cao hơn nhiều nếu Mỹ – với kho 30.000 quả bom phá boongke – tham gia cùng.
“Cơ hội” để Israel làm chậm chương trình hạt nhân Iran?
Trong các cuộc phỏng vấn, các quan chức cấp cao trước đây và hiện tại của Israel từng thừa nhận có những nghi ngờ về việc liệu quốc gia này có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho các cơ sở hạt nhân của Iran hay không. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, các quan chức Lầu Năm Góc đã băn khoăn với câu hỏi liệu người Israel có đang chuẩn bị hành động một mình hay không, sau khi kết luận rằng họ có thể sẽ không bao giờ có được “cơ hội” như thế này nữa.
Tổng thống Biden đã cảnh báo Israel không được tấn công các địa điểm hạt nhân hoặc năng lượng của Iran, nói rằng bất kỳ phản ứng nào cũng phải “tương xứng” với cuộc tấn công của Iran vào Israel trong tuần trước. Như vậy, về cơ bản ông thừa nhận rằng một cuộc phản công là phù hợp. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin cũng nói rõ với người đồng cấp Israel, Yoav Gallant, rằng Mỹ muốn Israel tránh các bước trả đũa có thể dẫn đến sự leo thang mới của Iran. Ông Gallant dự kiến sẽ gặp ông Austin tại Washington ngày 9/10.
Nhiều khả năng đòn trả đũa đầu tiên của Israel đối với Iran sau các cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 1/10 sẽ tập trung vào các căn cứ quân sự và có thể là một số địa điểm tình báo hoặc chỉ huy. Ít nhất là ban đầu, Israel có vẻ sẽ không nhắm vào cơ sở hạt nhân của quốc gia này. Sau nhiều cuộc tranh luận, những mục tiêu đó dường như đã được để dành cho sau này, nếu Iran leo thang bằng các cuộc phản công khác.
Tuy nhiên, có một lời kêu gọi đang nổi lên bên trong Israel, được một số người ở Mỹ hưởng ứng, đó là hãy nắm bắt thời cơ – để đẩy lùi xa hơn, có thể thêm nhiều năm nữa, năng lực của Iran về sản xuất đủ uranium làm giàu cấp vũ khí hạt nhân.
Video đang HOT
“Israel hiện có cơ hội lớn nhất trong 50 năm qua, để thay đổi bộ mặt của Trung Đông”, Naftali Bennett, một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn và là cựu thủ tướng Israel, gần đây đã viết trên mạng xã hội. “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, các cơ sở năng lượng trung tâm của nước này và làm tê liệt chế độ này”.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, bắt đầu từ Tổng thống Biden, đã phát động một chiến dịch nhằm loại bỏ những cuộc tấn công như vậy khỏi bàn đàm phán, nói rằng chúng có thể không hiệu quả và đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Cuộc tranh luận đột ngột về một cuộc tấn công trả đũa như vậy đã đặt ra những câu hỏi mới. Nếu Israel tấn công, thì điều đó thực sự có thể làm chậm khả năng hạt nhân của Iran bao nhiêu? Hay, kết quả chỉ đơn giản là đẩy chương trình hạt nhân của Iran vào sâu hơn dưới lòng đất, khiến Iran cấm một số ít thanh tra viên hạt nhân vẫn có quyền tiếp cận thường xuyên đến các cơ sở chính của họ? Và điều gì sẽ xảy ra nếu một cuộc tấn công của Israel thúc đẩy các nhà lãnh đạo Iran cuối cùng quyết định chạy đua để có được một quả bom – ranh giới mà các giáo sĩ và tướng lĩnh Iran đã không vượt qua trong gần 1/4 thế kỷ qua?
Thiết bị làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 300km về phía Nam. Ảnh: AFP/TTXVN
Israel đã lập kế hoạch phá hủy hoặc làm tê liệt phòng máy ly tâm khổng lồ, nơi hàng nghìn cỗ máy bạc cao lớn quay với tốc độ siêu thanh cho đến khi uranium đạt đến vật liệu cấp bom. Trong khi Tehran chính thức phủ nhận rằng họ đang tìm cách sở hữu bom, trong những tháng gần đây, một số quan chức và nhà bình luận Iran đã tranh luận gay gắt về việc liệu một sắc lệnh do Đại giáo chủ Ali Khamenei ban hành vào năm 2003, cấm sở hữu vũ khí hạt nhân, có nên được đảo ngược hay không.
Trong khi đó, Iran đã tăng cường sản xuất uranium làm giàu đến độ tinh khiết 60%, chỉ thiếu một chút nữa là đạt cấp bom. Các chuyên gia tin rằng hiện tại, nước này có đủ nhiên liệu để chế tạo 3 hoặc 4 quả bom, và việc đưa uranium làm giàu lên cấp độ bom, ở mức 90%, chỉ mất vài ngày.
Năng lực vũ khí hạn chế của Israel
Mặc dù Natanz sẽ là một mục tiêu khá dễ dàng, nhưng việc tấn công vào đó sẽ là một hành động chiến tranh. Vì vậy, trong 15 năm qua, Mỹ đã thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, phá hoại và trừng phạt, chứ không phải ném bom, để dừng chương trình hạt nhân của Iran. Và họ cũng tích cực ngăn cản Israel có được loại vũ khí cần để phá hủy một cơ sở máy ly tâm khác, được gọi là Fordow, xây dựng sâu lòng núi.
Tổng thống George W. Bush đã từng từ chối yêu cầu của Israel về việc cung cấp những quả bom phá boongke lớn nhất của Mỹ và máy bay ném bom B-2 cần thiết để vận chuyển chúng. Những vũ khí đó sẽ rất cần thiết cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hủy Fordow và các cơ sở ngầm khác được gia cố mạnh mẽ.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak, cho biết, tính đến cuối năm 2008, Israel không có kế hoạch khả thi nào để đánh bom Iran. Nhưng họ đã sớm phát triển một số kế hoạch, chẳng hạn như chiến dịch mang mật danh “Olympic Games”, một chương trình tuyệt mật của Israel và Mỹ nhằm phá hủy các máy ly tâm bằng vũ khí mạng. Hơn 1.000 máy ly tâm đã bị phá hủy bởi thứ được gọi là virus Stuxnet, khiến chương trình bị chậm lại một năm hoặc hơn.
Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận của quân đội Iran tại tỉnh Isfahan, ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhưng “Olympic Games” không phải là giải pháp hoàn hảo: Người Iran đã xây dựng lại, bổ sung thêm hàng nghìn máy ly tâm. Họ chuyển nhiều cơ sở xuống sâu dưới lòng đất. Và thực tế là mã máy tính độc hại đã thoát khỏi nhà máy và bị tiết lộ cho thế giới, khiến các quốc gia khác tập trung vào việc phát triển các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng của riêng họ, bao gồm lưới điện và hệ thống nước.
Người Israel được cho là đã ám sát các nhà khoa học và tấn công các cơ sở làm giàu trên mặt đất, tấn công các trung tâm sản xuất máy ly tâm bằng thiết bị bay không người lái và đầu tư nguồn lực khổng lồ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra vào các cơ sở này.
Nhưng những nỗ lực của Israel đã chững lại sau khi chính quyền Tổng thống Obama đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến nước này phải vận chuyển phần lớn nhiên liệu hạt nhân ra khỏi đất nước.
Khi ông Naftali Bennett trở thành thủ tướng Israel vào năm 2021, ông đã bị sốc trước sự thiếu chuẩn bị của Israel trong việc tấn công chương trình của Iran, và đã ra lệnh tổ chức các cuộc tập trận mới để mô phỏng việc bay đường dài đến Iran cũng như đổ thêm nguồn lực vào công tác chuẩn bị. Dù vậy, ngay cả ngày nay, khả năng của Israel vẫn còn hạn chế. Đất nước này phụ thuộc vào đội máy bay tiếp nhiên liệu trên không Boeing 707 đã cũ và sẽ mất nhiều năm nữa
Các loại vũ khí phá boongke của Israel đã phát huy hiệu quả trong việc chống lại các loại đường hầm mà Hezbollah cất giữ tên lửa, và chúng đã giúp lực lượng Israel tiêu diệt Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, vào tháng trước. Người Israel tin rằng họ có thể phá hủy hệ thống phòng không xung quanh nhiều địa điểm hạt nhân, thậm chí họ đã bắn trúng một địa điểm như vậy hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, vũ khí Israel vẫn không thể tiếp cận các cơ sở hạt nhân được gia cố chắc chắn nằm sâu trong núi của Tehran.
Lý do Mỹ phản đối Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, một quyết định nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột khu vực và leo thang hạt nhân.
Thay vào đó, Mỹ lựa chọn con đường ngoại giao và trừng phạt kinh tế để kiềm chế Iran.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo truyền thông Anh (Reuters/Independent) ngày 3/10, mối quan hệ giữa Mỹ và Israel từ lâu đã là một trong những liên minh chặt chẽ nhất trong chính trị quốc tế. Tuy nhiên, dù Mỹ luôn ủng hộ quyền tự vệ của Israel, Tổng thống Joe Biden mới đây đã khẳng định rằng ông không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Israel vào cơ sở hạt nhân của Iran, ngay cả khi căng thẳng thẳng tại Trung Đông gia tăng. Dưới đây là những lý do chính giải thích tại sao Mỹ không ủng hộ việc Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran.
Thứ nhất, tránh leo thang xung đột trong khu vực: Một trong những mối lo ngại lớn nhất của Mỹ là việc tấn công Iran có thể gây ra một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn. Các cơ sở hạt nhân của Iran không chỉ được phân bố tại nhiều địa điểm mà còn được xây dựng dưới lòng đất, khiến việc phá hủy hoàn toàn trở nên khó khăn. Một cuộc tấn công quân sự từ phía Israel có thể kích hoạt một cuộc trả đũa từ Iran và kéo theo sự tham gia của các lực lượng thân Tehran trong khu vực, dẫn đến nguy cơ leo thang xung đột khắp khu vực Trung Đông.
Mỹ lo ngại rằng leo thang sẽ làm suy yếu không chỉ lợi ích chiến lược của cả Mỹ và Israel mà còn gây mất ổn định cho toàn bộ Trung Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã nhấn mạnh rằng, với tình hình căng thẳng hiện nay, Mỹ lo rằng một "sự kiện leo thang lớn hơn" có thể gây nguy hiểm cho cả lợi ích chiến lược của Israel và Mỹ tại Trung Đông. Việc gia tăng xung đột còn nguy cơ đẩy Israel vào cuộc chiến kéo dài.
Thứ hai, ngăn chặn leo thang hạt nhân: Việc Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, Tehran đã tăng cường làm giàu urani, rút ngắn thời gian để chế tạo vũ khí hạt nhân. Một cuộc tấn công vào các cơ sở này có thể khiến Iran từ bỏ hoàn toàn các cuộc đàm phán quốc tế và thúc đẩy nhanh hơn việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Biden cho rằng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế vẫn là công cụ hiệu quả nhất để kiềm chế Iran. Washington có lý do lo ngại rằng một cuộc tấn công quân sự có thể dẫn đến sự trả đũa từ Iran và thúc đẩy thêm việc làm giàu urani, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang không mong muốn trong khu vực.
Thứ ba, duy trì quan hệ đồng minh Mỹ - Israel: Mỹ luôn duy trì một liên minh chặt chẽ với Israel, nhưng Washington cũng không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự không cần thiết. Dù Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa, Mỹ không muốn căng thẳng này biến thành một cuộc chiến khu vực.
Một cuộc tấn công vào Iran có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh Mỹ - Israel, đặc biệt nếu Mỹ bị buộc phải can dự vào cuộc chiến. Quân đội Mỹ hiện diện tại nhiều quốc gia trong khu vực và việc leo thang xung đột có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Washington. Do đó, Washington đang nỗ lực hối thúc Israel thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào.
Thứ tư, ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao và hòa bình trong khu vực: Chính quyền Biden trong nhiều tháng qua đã cố gắng đạt được một thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Gaza. Một cuộc tấn công vào Iran có thể làm giảm cơ hội thành công của các nỗ lực ngoại giao này.
Như vậy, quyết định của Mỹ không ủng hộ việc Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran dựa trên nhiều yếu tố chiến lược, bao gồm nỗ lực tránh leo thang xung đột, ngăn chặn một cuộc đua vũ trang hạt nhân, duy trì quan hệ đồng minh bền vững và bảo vệ các nỗ lực ngoại giao trong khu vực.
Thay vì sử dụng sức mạnh quân sự, Washington vẫn tin rằng ngoại giao và trừng phạt kinh tế là con đường hiệu quả nhất để kiềm chế Iran.
Iran: Việc giảm tốc chương trình làm giàu uranium phụ thuộc vào Mỹ Phó Tổng thống kiêm Giám đốc chương trình hạt nhân Iran Mohammad Eslami ngày 25/7 cho biết việc giảm tốc chương trình làm giàu uranium của nước này tùy thuộc vào các đề xuất của Mỹ nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân vốn đang bị đình trệ. Bên cạnh đó, Iran cũng muốn tái khởi động lại hợp tác an toàn...