Mỹ Latinh: Hơn 700 người chết vì sốt xuất huyết trong 7 tháng qua
Trong 7 tháng đầu năm 2019, các nước Mỹ Latinh đã có hơn 2 triệu người dân bị sốt xuất huyết, trong đó 723 người đã tử vong.
Ảnh minh họa
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 15/8, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã ra cảnh báo về sự bùng phát trở lại của dịch sốt xuất huyết tại Mỹ Latinh sau 2 năm ghi nhận số trường hợp nhiễm bệnh giảm, đồng thời kêu gọi các nước tiến hành chiến dịch phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh.
Báo cáo của PAHO cho biết trong 7 tháng đầu năm nay đã có hơn 2 triệu người dân trong khu vực trên bị sốt xuất huyết, trong đó 723 người đã tử vong. Con số này cao hơn số trường hợp được ghi nhận trong hai năm 2017 và 2018.
Trong số các nước Mỹ Latinh, Nicaragua, Brazil, Honduras, Belize, Colombia, El Salvador, Paraguay, Guatemala, Mexico và Venezuela là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất với tỷ lệ 1/100.000 người dân bị sốt xuất huyết.
Theo Giám đốc Khoa bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal, việc Trái Đất nóng lên do biến đổi khí hậu và khả năng thích nghi của muỗi Aedes aegypti truyền bệnh đã làm gia tăng đáng kể số trường hợp nhiễm sốt xuất huyết tại khu vực trong thời gian qua, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Video đang HOT
Cụ thể, tại Guatemala, 52% trong tổng số trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nặng là trẻ dưới 15 tuổi, trong khi 66% trường hợp tử vong ở Honduras cũng là trẻ em ở lứa tuổi này.
Ông Espinal nhấn mạnh sở dĩ tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết cao là do khả năng miễn dịch yếu hơn so với người lớn.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm lây lan qua muỗi Aedes Aegypti hoặc muỗi Aedes Albopictus.
Người bị nhiễm bệnh sẽ có những triệu chứng như sốt, phát ban, nôn mửa và thậm chí có thể biến chứng nguy hiểm gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời./.
Phương Lan (P/v TTXVN tại Buenos Aires)
Theo bnews
Sốt xuất huyết ở Đắk Lắk đã lên tới con số 10.791 ca
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 13/8, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 10.791 ca mắc sốt xuất huyết, gấp hơn 25 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong.
Hiện, tỉnh đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số bệnh nhân nhập viện tăng cao, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải về cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực phục vụ công tác điều trị.
Khoa Tuyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, phải tăng cường 100 giường xếp để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bác sĩ H'Nuen Hđớk, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ đầu năm đến nay, riêng khoa Truyền nhiễm đã điều trị 2.326 ca mắc sốt xuất huyết. Do bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao đột biến, 74 giường bệnh tại khoa không đáp ứng đủ nhu cầu nhập viện điều trị của bệnh nhân nên buộc Bệnh viện phải bố trí tạm 100 giường xếp cho những bệnh nhân ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây số bệnh nhân liên tục tăng cao, một số thời điểm thiếu giường, bệnh nhân phải nằm ghép hai người một giường.
Theo bác sĩ H'Nuen Hđớk, không chỉ thiếu cơ sở vật chất mà nguồn nhân lực để phục vụ bệnh nhân cũng gặp khó khăn. Nhân viên y tế, điều dưỡng, bác sĩ cũng phải hoạt động hết công suất để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị người bệnh.
Ông Nguyễn Văn Kha, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, người nhà của bệnh nhân điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện vùng Tây Nguyên chia sẻ: Trước đây, khi chưa có giường xếp tăng cường của Bệnh viện, người nhà và bệnh nhân phải tự mua giường xếp nằm dọc hành lang để điều trị. "Người nhà chịu khổ thì không sao nhưng bệnh nhân phải có điều kiện chữa trị tốt mới có thể nhanh hồi phục. Vì vậy, mong rằng ngành y tế tỉnh có giải pháp tháo gỡ tình trạng quá tải này", ông Kha nói.
Thành phố Buôn Ma Thuột là một trong những địa phương có số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh Đắk Lắk. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 4.214 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Cao Hoàng Phong, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, tại khoa Nhi số giường kế hoạch chỉ có 50 giường bệnh, tuy nhiên có thời điểm khoa phải điều trị cho hơn 150 bệnh nhân sốt xuất huyết. Hiện đang cao điểm dịch sốt xuất huyết, số bệnh lượng bệnh nhân nhập viện điều trị liên tục tăng cao nên bệnh viện phải kê giường ghép dọc hành lang để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.
Số lượng bệnh nhân tăng cao cũng buộc các bác sĩ, nhân viên y tế phải tăng cường thời gian làm việc kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để theo dõi và điều trị tốt cho bệnh nhân. Đối với các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ đều được chỉ định thời gian tái khám, điều trị ngoại trú nhằm giảm áp lực quá tải cho bệnh viện.
Theo Bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên một phần do tâm lý người bệnh, khi bị sốt xuất huyết đều muốn điều trị tại bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nhẹ có thể đến khám tại các bệnh viện tuyến huyện, thành phố và nhận chỉ định điều trị ngoại trú hoặc nội trú, như vậy sẽ giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế Đắk Lắk cũng lên phương án ứng phó trong trường hợp từ số ca bệnh tiếp tục gia tăng. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ y, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết: Nếu số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng, các bệnh viện không thể bảo đảm công tác điều trị, ngành y tế Đắk Lắk sẽ thành lập các bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân.
Tin, ảnh: Tuấn Anh
Theo TTXVN
Đà Nẵng báo động đỏ với bệnh sốt xuất huyết Gần 3.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng xấp xỉ 2,7 lần so với năm 2018, là con số thống kê của Sở Y tế TP Đà Nẵng từ đầu năm đến nay. Chưa đến mùa mưa nhưng Đà Nẵng đã báo động đỏ bệnh sốt xuất huyết. Thời tiết và khí hậu thất thường, đặc biệt vào thời điểm giao mùa...