Mỹ lắp thêm hệ thống chặn tên lửa Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa thông báo Mỹ sẽ lắp thêm thiết bị đánh chặn tên lửa
Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel hôm 15/3 thông báo sẽ tăng cường phòng thủ tên lửa để “chống lại hành động liều lĩnh và vô trách nhiệm” của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tuần trước dọa sẽ tấn công hạt nhân chống lại Mỹ.
Ông Hagel nói rằng Lầu Năm Góc sẽ trang bị 11 thiết bị đánh chặn tên lửa tại địa điểm Fort Greely ở bang Alaska và xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống radar phát hiện tên lửa tại Nhật Bản.
Lầu Năm Góc cũng để ngỏ khả năng lắp đặt thêm hệ thống đánh chặn tại bờ biển phía đông của nước này.
Chi phí để lắp đặt 14 thiết bị đánh chặn tên lửa nói trên sẽ tốn gần 1 tỷ USD và phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận.
“Bằng những bước đi này chúng ta sẽ củng cố nền quốc phòng quốc gia, giữ vững cam kết của chúng ta với các đồng minh và đối tác, và làm sáng tỏ với thế giới rằng nước Mỹ đứng vững trước các cuộc xâm lược”, ông Hagel nói tại cuộc họp báo hôm qua.
Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thắt chặt cấm vận Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân ngày 12/2.
Các chuyên gia nói rằng Triều tiên chỉ còn khoảng 1 năm nữa là có thể chế tạo vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.
Video đang HOT
Ông Hagel nói rằng các biện pháp của Lầu Năm Góc chỉ nhằm mục đích ngăn chặn các mối đe dọa gây ra bởi vụ thử hạt nhân và vụ phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái mà các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ông Hagel cũng nói Triều Tiên tháng 4 năm ngoái đã công khai hình ảnh thiết bị trông như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động.
Lầu Năm Góc cho biết đã thông báo cho Trung Quốc, nước láng giềng và là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, về quyết định lắp đặt thêm thiết bị đánh chặn, nhưng không cho biết phản ứng của Bắc Kinh như thế nào.
Các quan chức Mỹ nói rằng việc lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa không nhằm mục đích chống lại tên lửa từ Trung Quốc và Nga, mà chỉ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, hoặc có thể là Iran.
Hiện nay Mỹ đang có 26 thiết bị đánh chặn, được lắp đặt ở Fort Greely và 4 thiết bị ở căn cứ không quân Vandenberg ở California.
Theo 24h
Ngân sách liên bang Mỹ chính thức bị tự động cắt giảm
Tổng thống Barack Obama hôm qua đã buộc phải ký lệnh cắt giảm 85 tỷ USD chi tiêu ngân sách liên bang, sau khi những nỗ lực thương lượng vào phút chót giữa Nhà Trắng và Quốc hội không đạt kết quả.
Tổng thống Obama phát biểu với truyền thông tại Nhà Trắng sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội về cắt giảm tiêu công tự động ngày 1/3/2013.
Đây là hành động miễn cưỡng mà ông Obama phải thực hiện sau khi Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về những chương trình thay thế để giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Việc cắt giảm này chính thức có hiệu lực từ 12h00 ngày 2/3 theo giờ Việt Nam.
"Những khoản cắt giảm được thực hiện vì phe Cộng hòa ở Quốc hội quyết bảo vệ những biện pháp ưu đãi thuế khóa dành cho giới quyền thế và giàu có trong xã hội. Họ coi việc bảo vệ lợi ích cho những người này quan trọng hơn việc bảo vệ quân đội và các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu", Tổng thống Obama chỉ trích trong diễn văn hàng tuần.
Ông hối thúc Quốc hội có những bước đi khẩn cấp để hạn chế những hậu quả tiêu cực từ việc cắt giảm ngân sách này.
"Đây là sự cắt giảm tồi tệ, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng tới việc làm. Các nghị sĩ Quốc hội cần thay đổi lập trường và hướng tới một sự thỏa hiệp cần thiết. Chúng ta không còn thời gian để tìm kiếm một giải pháp linh hoạt cho vấn đề nợ công và cần phải thay thế các khoản cắt giảm này bằng các thay đổi về thuế", Tổng thống Obama kêu gọi.
Trước đó một ngày, ông Obama cảnh báo việc Quốc hội không ngăn được "cơn lũ" cắt giảm chi tiêu công là hành động "không thể bào chữa và độc đoán".
Trong các cuộc thương lượng vừa qua, Tổng thống Obama và hầu hết các nhà lập pháp đảng Dân chủ muốn ngừng chính sách ưu đãi thuế khóa cho giới nhà giàu để gia tăng nguồn thu cho chính phủ. Tuy nhiên, đại đa số các chính khách đảng Cộng hòa lại chống đối kế hoạch này.
Sự mâu thuẫn quan điểm giữa hai đảng đã khiến kịch bản "thoát hiểm" vào phút chót, như từng xảy ra với "vách đá tài chính" cách đây 2 tháng, không lặp lại. Diễn biến này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Mỹ trong năm 2013, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm ít nhất 0,5%. Hãng đánh giá tín nhiệm Standard&Poor's cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 2,7% được đưa ra trước đó.
Những tác động tai hại
Theo tính toán về độ trễ trong kinh tế, thông thường phải sau vài tuần người dân Mỹ mới bắt đầu cảm nhận được những tác động tai hại của việc cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của diễn tiến này đã được nhận thấy ngay hiện giờ.
Cụ thể, nhiều cơ quan chính phủ đã phải ngừng tuyển dụng nhân viên, cắt giảm chi tiêu không thực sự cần thiết để khỏi phải yêu cầu nhân viên nghỉ việc không lương. Một số nhân viên làm việc cho chính phủ nói rằng họ đã chuẩn bị cho khả năng lương bổng bị cắt giảm.
Trong khi đó, những gia đình nghèo và những người thất nghiệp sẽ không được nhận phúc lợi xã hội. Các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ do chi tiêu chính phủ không còn, trong khi các hoạt động xuất nhập khẩu rơi vào tình trạng ảm đạm vì thiếu đầu tư.
Bên cạnh đó, những tác động của việc cắt giảm đối với quân đội cũng không phải là nhỏ.
"Tình trạng bấp bênh về tài chính sẽ khiến quân đội khó có khả năng chu toàn sứ mệnh. Nhiều máy bay của lực lượng hải quân sẽ không thể cất cánh vì thiếu kinh phí. Không quân cũng sẽ phải giảm bớt giờ bay, trong khi lục quân cắt giảm các hoạt động huấn luyện", tân Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phát biểu tại Lầu Năm Góc.
Ngoài ra, chi tiêu bị cắt giảm cũng sẽ ảnh hưởng tới các chương trình quân sự tại châu Á. Giới chức quốc phòng Mỹ đã đề cập khả năng trì hoãn thêm 2-3 năm kế hoạch đưa hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa của Nhật Bản tới đảo Guam. Việc điều chuyển lực lượng Mỹ tại các khu vực khác của châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ bị thay đổi, làm ảnh hưởng sâu rộng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoạch định của quân đội Mỹ.
Hải quân Mỹ đã phác thảo kế hoạch giảm 1/3 hoạt động của tàu chiến và máy bay tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hủy bỏ toàn bộ kế hoạch triển khai máy bay và 4 tàu chiến tới khu vực này.
Theo lý thuyết, nếu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không giải quyết được bất đồng hiện nay, đến hết tháng 3 này chính phủ Mỹ sẽ không còn đủ tiền hoạt động. Giới phân tích hy vọng việc cắt giảm hiện nay chỉ là tạm thời và Tổng thống Obama sẽ thuyết phục được phe Cộng hòa thỏa hiệp như ông đã từng làm trong vấn đề "vách đá tài chính".
Theo Dantri
Mỹ "đóng cửa phụ, hé cửa chính" cho Iran Trong những phát biểu gần đây, giới chức Mỹ liên tục phát đi thông điệp sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân. Quan điểm này cho thấy Mỹ dường như đang muốn mở cánh cửa chính cho Iran, thay vì cửa phụ như trước đây. Trước khi Tổng thống Barack Obama chính thức bước vào nhiệm kỳ...