Mỹ lập bồi thẩm đoàn điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử
Công tố viên Robert Mueller lập bồi thẩm đoàn, giúp tăng tốc điều tra khả năng Nga can thiệp bầu cử Mỹ và đưa ra các cáo buộc hình sự.
Ông Robert Mueller có thể đẩy nhanh tiến độ điều tra. Ảnh: NBC.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã lập một bồi thẩm đoàn để điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Điều này cho phép ông Mueller ra trát hầu tòa và lấy lời khai của những người có liên quan, Wall Street Journal đưa tin ngày 3/8.
Các nguồn tin giấu tên cho biết bồi thẩm đoàn đã bắt đầu làm việc tại thủ đô Washington “trong vài tuần qua”. Động thái trên cho thấy cuộc điều tra đang tăng tốc.
“Bồi thẩm đoàn sẽ không được lập, trừ khi có đủ bằng chứng vi phạm các điều khoản hình sự. Nếu nắm trong tay cáo trạng, bước tiếp theo sẽ là bắt bị cáo”, luật sư Bradley Moss cho biết.
Ty Cobb, luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định ông không biết về việc thành lập bồi thẩm đoàn. “Các vấn đề của bồi thẩm đoàn thường là bí mật. Nhà Trắng sẵn sàng hợp tác với ông Mueller và ủng hộ mọi biện pháp giúp đưa ra kết luận sớm nhất”, ông Cobb nói.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders tuyên bố Tổng thống Trump không phải đối tượng trong cuộc điều tra. “Cựu giám đốc FBI James Comey từng ba lần khẳng định tổng thống không bị điều tra. Không có lý do gì cho thấy điều này đã thay đổi”, bà Sanders nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tử Quỳnh
Theo VNE
Quyền lực của công tố viên đặc biệt điều tra mối liên hệ Trump-Nga
Robert Mueller được phép điều tra mọi khía cạnh liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và ra quyết định khởi tố.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: CNN.
"Các bạn đang chứng kiến cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử Mỹ, được dẫn dắt bởi những người rất tệ và mâu thuẫn", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm qua, sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller bắt đầu bổ nhiệm các trợ lý để thực hiện cuộc điều tra mối quan hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử của Trump, theo NYTimes.
Theo Philip Allen Lacovara, cựu công tố viên Mỹ, tuyên bố này của ông Trump là một "đòn hạt nhân phủ đầu" nhắm vào đội ngũ điều tra của Mueller trong bối cảnh có những thông tin cho rằng công tố viên đặc biệt này sẽ điều tra cả Tổng thống. "Nếu bạn sợ những gì các công tố viên sắp tìm ra, bạn sẽ tìm cách phá trước những thứ họ có thể biết bằng cách công kích họ", Lacovara nói.
Ông Mueller được Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt cách đây một tháng, trong bối cảnh những tranh cãi về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái ngày càng trở nên căng thẳng.
Theo các quan sát viên, việc Rosenstein bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt là một động thái khôn ngoan, bởi nó giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp thoát khỏi tình thế khó xử, đồng thời dọn đường cho Mueller có những nguồn lực cần thiết để điều tra với quyền lực rất lớn.
"Công tố viên đặc biệt sẽ có mọi quyền lực của một công tố viên liên bang, nhưng ông ấy sẽ làm việc ngoài hệ thống chỉ đạo thông thường của Bộ Tư pháp", Brian C. Kalt, giáo sư luật tại Đại học bang Michigan, cho biết.
Theo CBS News, chức danh chính thức của Mueller là "chưởng lý đặc biệt", cho phép ông thực hiện quyền điều tra rất rộng rãi, có thể xem xét mọi ngóc ngách của vấn đề mà rất ít bị giám sát. Thông thường, các chưởng lý đặc biệt được chọn từ nội bộ Bộ Tư pháp, như chưởng lý, phó chưởng lý liên bang Mỹ. Tuy nhiên, trong những trường hợp có khả năng tiềm ẩn xung đột về lợi ích, việc bổ nhiệm một công tố viên độc lập ngoài Bộ Tư pháp như Mueller để điều tra là hợp lý.
Giáo sư Kalt cho rằng sự độc lập này là rất quan trọng, bởi "việc để chính quyền tự điều tra chính mình là rất có vấn đề". Mặc dù vậy, Mueller không phải là công tố viên độc lập hoàn toàn. Trên lý thuyết, Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein hoàn toàn có quyền sa thải ông.
Trong tuyên bố của mình, Roseinstein nhấn mạnh công tố viên đặc biệt Mueller có quyền "lần theo sự thật, áp dụng luật pháp và thu được kết quả công minh", đồng nghĩa với việc phạm vi điều tra của Mueller có thể được mở rộng.
Bộ Tư pháp cũng nói rõ rằng công tố viên đặc biệt này được phép tiến hành cuộc điều tra bao gồm "bất cứ vấn đề nào đã và sẽ phát sinh trực tiếp từ hoạt động điều tra cũng như bất cứ vấn đề nào khác trong phạm vi điều tra" theo quy định của pháp luật Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Luật pháp Mỹ quy định công tố viên đặc biệt được "thực hành trong phạm vi quyền hạn của mình quyền và thẩm quyền độc lập tiến hành mọi chức năng điều tra và công tố tương đương bất cứ chưởng lý nào của Mỹ".
Jon Harris, cây bút phân tích của Opslens, cho biết với phạm vi quyền lực rộng như vậy, Mueller có thể tiến hành một cuộc điều tra toàn diện các hành vi phạm pháp, ký ban hành trát hầu tòa và thậm chí có thể ra quyết định khởi tố. Ông cũng được phép bổ nhiệm các trợ lý, nhân viên để giúp sức trong cuộc điều tra của mình.
Với tính độc lập của mình, Mueller cũng có thể lần theo mọi sự thật mà gần như không thể bị can thiệp. "Hoạt động của ông sẽ giúp Tổng thống tập trung vào công việc lãnh đạo của mình và để mọi việc diễn ra đúng như nó phải thế", Harris viết.
"Những người chỉ trích công tố viên đặc biệt có thể lo ngại rằng cuộc điều tra sẽ mở rộng giống như vụ điều tra Whitewater khiến Tổng thống Bill Clinton bị đưa ra luận tội vì nói dối về Monica Lewinsky", Steve Vladeck, chuyên gia tại Đại học Luật Texas, nói. "Nhưng những người ủng hộ cho rằng lợi ích từ sự công bằng lớn hơn bất cứ điều gì khác".
Tuy nhiên, Peter Zeidenberg, cựu trợ lý công tố viên đặc biệt Mỹ, cho rằng điểm hạn chế của công tố viên đặc biệt là họ không được phép công khai những bí mật mà mình tìm ra trong quá trình điều tra.
"Nhiệm vụ của công tố viên đặc biệt là thu thập mọi bằng chứng liên quan và xác định xem có hành vi phạm tội diễn ra hay không và hành vi đó có thể chứng minh được trước tòa hay không. Công việc của họ diễn ra hoàn toàn trong bí mật", Zeidenberg nói với Washington Post.
Bởi vậy, chẳng hạn Mueller tìm ra một bằng chứng rất quan trọng nhưng nó đang ở Nga và không thể thu thập được, ông khó có thể ra quyết định khởi tố, thậm chí có thể phải giữ bí mật thông tin đó mãi mãi. "Việc công tố viên đặc biệt công khai kết quả một cuộc điều tra mà không dẫn tới quyết định khởi tố là hành vi phạm luật", Zeidenberg cho biết.
Nhiều chuyên gia vẫn tin rằng với kinh nghiệm hành pháp của mình, Mueller sẽ thực hiện cuộc điều tra một cách toàn diện và công tâm nhất. "Robert Mueller không phải là một trong những người giỏi nhất, bởi ông ấy là người giỏi nhất", Philippines Mudd, chuyên gia phân tích chống khủng bố của CNN, khẳng định. "Không ai giỏi hơn ông ấy trong việc bám theo mục tiêu mà không từ bỏ dưới bất cứ áp lực nào".
Trí Dũng
Theo VNE
Ngoại trưởng Nga bác tin trao đổi với Trump về vụ sa thải giám đốc FBI Ngoại trưởng Nga bác bỏ thông tin rằng Tổng thống Mỹ đã đề cập đến vụ sa thải giám đốc FBI trong cuộc họp tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 10/5. Ảnh: AFP "Chúng tôi không hề đề cập đến vấn đề này", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày...