Mỹ lần đầu tiên áp đặt trừng phạt các nghị sĩ Hezbollah
Ngày 9/7, Bộ Tài chính Mỹ công bố đã áp đặt trừng phạt 3 nhân vật chủ chốt của của Phong trào Hezbollah, trong đó có 2 nghị sĩ Quốc hội Liban.
Theo đó tất cả các tài sản và lợi ích của các nhân vật này thuộc thẩm quyền của Mỹ sẽ bị phong tỏa, đồng thời các cá nhân người Mỹ cũng như các công ty có chi nhánh tại Mỹ, kể cả các ngân hàng quốc tế, bị cấm làm ăn kinh doanh với các nhân vật bị trừng phạt. Đây là lần đầu tiên Washington nhằm vào các nghị sĩ thuộc phong trào Hồi giáo thân Iran này.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington DC. Ảnh: EPA/TTXVN
Các nghị sĩ Liban bị đưa vào “danh sách đen” của Mỹ gồm Amin Sherri, 62 tuổi, và Muhammad Hasan Ra’d, 64 tuổi. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc các nghị sĩ này “sử dụng vị trí đặc quyền để tạo điều kiện cho các hoạt động xấu của Hezbollah và làm theo lệnh Iran”. Ngoài ra, ông Wafiq Safa, quan chức an ninh hàng đầu của Hezbollah, cũng bị đưa vào danh sách này.
Video đang HOT
Quyết định trên đã nâng tổng số lên 50 thực thể và cá nhân thuộc Hezbollah bị Mỹ áp đặt trừng phạt kể từ năm 2017. Mỹ đã đưa Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bố vào tháng 10/2001.
Nghị sĩ Quốc hội Liban Ali Fayyad thuộc Phong trào Hezbollah đã lên án động thái trên của Mỹ là một “sự sỉ nhục đối với nhân dân Liban”. Phát biểu trên kênh tin tức MTV của Liban, nghị sĩ Fayyad kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Liban ra một tuyên bố lên án chính thức. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Liban Ali Hasan Khalil cho rằng các trừng phạt của Mỹ “khiến toàn thể người Liban lo ngại dù các trừng phạt này nhằm vào Hezbollah”, đồng nhấn mạnh các trừng phạt này là “phi lý”.
Hezbollah hiện giữ 13 ghế trong Quốc hội Liban gồm 128 ghế và có 3 ghế trong Nội các.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sức ép đối với Iran và các nhóm mà Washington cho là “lực lượng ủy nhiệm” của Tehran tại Trung Đông, trong đó có Hezbollah. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt “trong vài ngày tới”.
Theo Bích Liên (TTXVN)
Israel cho phép vận chuyển nhiên liệu vào Dải Gaza
Ngày 28/6, Israel đã cho phép vận chuyển nhiên liệu để cung cấp cho trạm điện duy nhất ở Dải Gaza và mở rộng khu vực đánh bắt cá ở ngoài khơi vùng đất ven biển này của người Palestine vốn nằm dưới sự kiểm soát của Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas.
Phương tiện vận chuyển nhiên liệu từ Israel di chuyển qua cửa khẩu Kerem Shalom sang Dải Gaza ngày 15/8/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu với các phóng viên, Giám đốc Công ty Điện lực Gaza Zeyad Thabet cho biết Israel đã cho phép vận chuyển nhiên liệu để cung cấp cho trạm điện duy nhất tại Gaza. Nhiên liệu này được vận chuyển qua cửa khẩu Kerem Shalom giáp giới với Israel.
Theo ông Thabet, trong vài ngày qua, do thiếu nhiên liệu, chỉ có hai máy phát điện tại trạm điện ở Gaza, hoạt động, chiếc thứ 3 ngừng hoạt động. Sau khi tiếp nhận nhiên liệu, công ty đã cho hoạt động trở lại máy phát điện thứ ba.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Ngư dân ở Gaza, Zakareya Bakker cho biết Israel đã mở rộng khu vực đánh bắt cá sau khi thu hẹp khu vực này hồi tuần trước.
Trước đó, ngày 25/6, Israel đã chặn hoạt động vận chuyển nhiên liệu tới Dải Gaza nhằm đáp trả việc các quả bóng bay mang theo mồi lửa được thả từ Gaza bay sang lãnh thổ nước này.
Theo các phương tiện truyền thông Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp nhận các động thái trên với điều kiện người Palestine ở Gaza phải ngừng ngay việc thả bóng bay mang theo mồi lửa sang miền Nam Israel.
Trước đó, Đài Phát thanh Israel cho biết 15 vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở miền Nam nước này sau khi các nhà hoạt động tại Gaza thả hàng chục quả bóng bay kiểu trên vào vùng lãnh thổ của Israel. May mắn không có thiệt hại về người trong các vụ hỏa hoạn, song các khu vực nông nghiệp của Israel bị tổn hại nghiêm trọng.
Hoạt động vận chuyển nhiên liệu, do Qatar tài trợ cho Dải Gaza, qua biên giới Israel được triển khai theo thỏa thuận ngừng bắn được Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas nhất trí hồi cuối năm ngoái. Thỏa thuận này do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nhiên liệu tại vùng đất vốn đang dần kiệt quệ vì sự phong tỏa của Israel.
Dải Gaza, nơi có khoảng 2 triệu người sinh sống, đã bị Israel và Ai Cập phong tỏa từ năm 2007. Israel đã áp đặt các biện pháp như hạn chế người và hàng hóa qua lại khu vực này, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Theo Minh Châu (TTXVN)
Phong trào Hezbollah khẳng định sẽ đẩy lùi quân đội Israel nếu tấn công Li-băng Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Li-băng khẳng định đã đầy đủ lực lượng để tấn công vào khu vực Galilee, nằm giáp ranh giữa biên giới Li-băng và Israel, cũng như "tiêu diệt" quân đội Israel trong trường hợp lực lượng này tấn công Li-băng Tổng Thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn nhằm vào Israel "Sự...