Mỹ làm gì nếu Trung Quốc ra tay ở Biển Đông vào tháng tới?
Trung Quốc dường như đang chuẩn bị kỹ các kế hoạch hành động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông sau hội nghị G-20, nhưng giới chuyên gia nhận định, thời điểm đó, Mỹ hầu như khó xoay xở.
Nhìn lại cách Trung Quốc đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, điểm xuất phát cơ bản là sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, bố trí lực lượng quân sự lớn tại khu vực Biển Đông, sẵn sàng tác chiến, nhằm vào tàu sân bay của Mỹ, đặc biệt lực lượng tên lửa của Trung Quốc còn phô trương vũ khí sát thủ tàu sân bay.
Trang mạng National Interest ngày 15.8 nhận định, nếu như Trung Quốc đang ủ mưu thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục ngang ngược cải tạo bãi cạn Scarborough, có khả năng kế hoạch này sẽ được tiến hành vào khoảng đầu tháng 9 đến ngày 8.11. Đây là khoảng thời gian sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Trung Quốc và trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Trước đó, ngày 13.8, tờ South China Morning Post (SCMP) cũng trích dẫn một nguồn tin tin cậy, cho biết Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ công việc cải tạo nào trên bãi cạn cho đến khi Hội nghị G-20 được tổ chức vào tháng tới và sẽ bắt đầy xây dựng trước khi Mỹ bỏ phiếu Tổng thống.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc ra tay ở thời điểm đó, Mỹ sẽ không thể có hành động quyết liệt ngay với Trung Quốc vào thời điểm này.
Nguyên nhân hàng đầu đó là kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút với cuộc đua rất khó đoán định giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Hiện cả hai ứng cử viên đều muốn tranh thủ lá phiếu của cộng đồng Hoa kiều tại Mỹ. Do đó, Chính quyền Obama sẽ không dám hành động mạnh vì không muốn để mất số phiếu này, hoặc chí ít không để đảng đối lập lợi dụng lôi kéo.
Thứ hai, nền kinh tế và chính trị Mỹ đang bị Trung Quốc và cộng đồng Hoa kiều chi phối một phần. Trong nhiều năm qua, người Mỹ gốc Hoa và giới tỷ phú Trung Quốc đã chen chân được vào nhiều tập đoàn lớn của Mỹ. Họ có những ảnh hưởng nhất định đối với giới hoạch định chính sách ở cả cấp bang và liên bang. Tương tự, giới chính trị gia ở Trung Quốc cũng có rất nhiều kênh liên lạc và tác động tới các chính trị gia Mỹ. Ngược lại, Mỹ hầu như không thể chi phối hoặc tác động mạnh tới nền chính trị Trung Quốc. Những tác động ngầm đối với kinh tế cũng không nhiều.
Trong tình hình Biển Đông hiện nay, Chính quyền Obama (của đảng Dân chủ) và Quốc hội (của đảng Cộng hòa) khó đi đến thống nhất phương thức hành động, ít nhất cho tới sau khi biết kết quả bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Ngoài ra, nếu Mỹ-Trung thực sự đối đầu, Mỹ sẽ có nguy cơ đánh mất vị thế siêu cường thế giới và sức mạnh trước Nga, Trung Quốc. Bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ tạo điều kiện cho Nga, một đối thủ nguy hiểm khác của Mỹ, trỗi dậy. Mỹ hiện rất lo ngại việc Nga-Trung bắt tay nên sẽ không quá cứng rắn với bất cứ bên nào để tránh đẩy hai bên xích lại gần nhau hơn.
Như vậy, có thể thấy Mỹ hiện rất khó có thể đưa ra quyết sách hành động mạnh với Trung Quốc tại thời điểm này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, càng cố tỏ ra là một đất nước phớt lờ luật pháp, ỷ lớn hiếp bé, Trung Quốc sẽ tự họ làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của đất nước mình trên trường quốc tế. Hơn nữa, dù Mỹ có thể không thể phản ứng mạnh ở thời điểm hiện tại, thì Mỹ cũng không bỏ qua những hành động của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng đến lợi ích nước Mỹ và chiến lược “xoay trục” của Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng, phản ứng của Mỹ và hành động của Trung Quốc như thế nào chưa thể nói cụ thể, song điều dễ đoán định nhất là mùa Thu này, Biển Đông sẽ không yên ả.
Video đang HOT
Theo Danviet
Mỹ có thông qua UNCLOS, Trung Quốc vẫn sẽ hung hăng
Washington đã bị Trung Quốc gọi là "đạo đức giả" khi lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài và UNCLOS trong khi Mỹ chưa thông qua UNCLOS. Thật ra nếu Mỹ thông qua UNCLOS, Trung Quốc cũng vẫn không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tàu sân bay USS John C. Stennis tuần tra trên Biển Đông hồi đầu năm 2016 - Ảnh: Reuters.
Tại Washington, phán quyết ngày 12.7 của Tòa Trọng tài The Hague lại làm dấy lên tranh cãi về việc trước giờ Mỹ vẫn chưa thông qua Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) mặc dù Mỹ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài.
Theo tạp chí National Interest, một số chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng Mỹ chưa thông qua UNCLOS là nguyên nhân khiến lời kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế của Mỹ bị Trung Quốc ngang nhiên phớt lờ và Trung Quốc còn gọi Washington là "đạo đức giả".
Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS. Trong bài phát biểu trước Học viện Không quân Mỹ ngày 2.6, ông Obama nói: "Nếu những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang khiến chúng ta thực sự e ngại thì Thượng viện có thể hỗ trợ bằng cách thông qua UNCLOS".
Tổng thống Obama thăm Học viện Không quân Mỹ ngày 2.6 - Ảnh: AFP
Có rất nhiều lý do chính đáng để Mỹ thông qua UNCLOS. Ví dụ công ước này rất có thể sẽ giúp Mỹ mở rộng vùng đặc quyền kinh tế lên các vùng biển tại Bắc Cực, nơi được cho rằng trữ 25% lượng dầu chưa khai thác trên thế giới.
Về nguyên tắc, thông qua UNCLOS cũng sẽ góp phần giúp Mỹ thể hiện tốt hơn vai trò cường quốc lãnh đạo trong việc phát triển một cộng đồng quốc tế dựa trên "nguyên tắc, luật pháp và trật tự", theo bài phân tích của nghị sĩ Ben Cardin viết cho tạp chí Foreign Policy (Mỹ).
Theo phân tích của tạp chí National Interest, dù UNCLOS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ nhưng phê chuẩn UNCLOS lại không phải là nước cờ hiệu quả có thể giúp Mỹ giành được lợi thế trước Trung Quốc tại Biển Đông,
Mỹ không có tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông
Có nhiều lý do vì sao thông qua UNCLOS không giúp Mỹ có thêm lợi thế trước Trung Quốc và khiến Bắc Kinh phải tuân thủ pháp luật quốc tế.
Thứ nhất, mặc dù Mỹ rất quan tâm đến phương thức giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình nhưng bản thân nước này lại không có tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Vì vậy, UNCLOS sẽ không phải là công cụ hữu hiệu giúp Washington đạt được lợi thế tại Biển Đông.
Thứ hai, tham gia vào cộng đồng UNCLOS sẽ cho phép Washington có quyền chỉ định công dân Mỹ tham gia vào hội đồng xét xử của các phiên tòa trọng tài giải quyết tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên về nguyên tắc, các cá nhân là thành viên trong hội đồng xét xử được quy định phải đưa ra ý kiến dựa trên lập luận độc lập của cá nhân chứ không vì lợi ích quốc gia của thành viên đó.
Hơn nữa, sự có mặt của một công dân Mỹ trong hội đồng xét xử của phiên tòa trọng tài càng là cái cớ để Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài The Hague chỉ là công cụ phục vụ cho lợi ích của Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ đã lên tiếng cáo buộc Washington thao túng Tòa Trọng tài để trao phần thắng cho Philippines - Ảnh: APD
Thực vậy, mặc dù không có thành viên người Mỹ nào trong hội đồng xét xử của Tòa Trọng tài ra phán quyết ngày 12.7 bác bỏ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ vẫn cáo buộc Washington "đứng phía sau thao túng Tòa Trọng tài và làm mọi cách có thể để bảo đảm Philippines giành được phần thắng" theo bài viết cho tạp chí Straits Times (Singapore).
Không cáo buộc được Mỹ "đạo đức giả", Trung Quốc vẫn sẽ phớt lờ luật pháp quốc tế
Trung Quốc cho rằng Mỹ đã thể hiện bản chất "đạo đức giả" khi lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài và UNCLOS mặc dù chính Washington trước giờ vẫn chưa thông qua UNCLOS.
Quốc hội Mỹ nếu quyết định phê chuẩn UNCLOS chắc chắn sẽ khiến cho lập luận của Trung Quốc cho rằng Mỹ "đạo đức giả" không còn giá trị. Nhưng thiếu đi lập luận đó, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các nguyên tắc của UNCLOS.
Sự kiện Mỹ thông qua UNCLOS sẽ giúp cho giá trị quốc tế của UNCLOS "nặng cân" hơn, nhưng các tính toán của Trung Quốc vẫn sẽ chú trọng tiếp tục kiểm soát thực tế các đảo tại Biển Đông đã chiếm được hơn là những tổn hại về uy tín trước cộng đồng quốc tế vì đã bác bỏ phán quyết trọng tài.
Mỹ làm đúng vai trò khi kêu gọi các bên tôn trọng UNCLOS
Cáo buộc của Trung Quốc cho rằng Mỹ "đạo đức giả" thực ra cũng không có giá trị, theo lập luận của tạp chí National Interest.
Trên lý thuyết, Mỹ hoàn toàn đúng khi đã đứng ra kêu gọi các quốc gia tranh chấp lãnh thổ tuân thủ theo các nguyên tắc quốc tế mà chính các nước này đã tham gia một cách tự nguyện. Việc Mỹ thúc giục Trung Quốc (đã phê chuẩn UNCLOS năm 1996) tuân thủ UNCLOS là không có gì sai hoặc "đạo đức giả".
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đã tuyên bố rất rõ ràng rằng mục đích của Mỹ tại Biển Đông nhằm giúp giải quyết tranh chấp trong hòa bình. UNCLOS sẽ là một công cụ hữu hiệu cho mục đích này một khi các bên có liên quan đáp ứng được những yêu cầu trong công ước.
Sân bay do Trung Quốc xây tại đá Chữ Thập - Ảnh CSIS
Mặc dù trên thực tế Washington vẫn chưa thông qua UNCLOS nhưng liên tục ba đời tổng thống Mỹ gần đây luôn ủng hộ công ước này.
Các chính sách được ba vị tổng thống Mỹ gần đây ban hành đều đáp ứng được các yêu cầu của UNCLOS, trong đó bao gồm các chiến dịch thực thi quyền tự do đi lại trên biển (FONOP) trong khu vực Biển Đông.
Như vậy, Mỹ, tuy là một nước không tham gia UNCLOS nhưng lại không vi phạm các nguyên tắc của công ước này, vậy hoàn toàn có quyền lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, quốc gia mặc dù thông qua UNCLOS nhưng lại vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Trong lúc Mỹ cùng phần lớn các quốc gia Đông Nam Á mong muốn tranh chấp tại Biển Đông được giải quyết ổn thỏa trong hòa binh, các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh muốn giành được chiến thắng bằng sức mạnh chính trị.
Mặc dù thông qua UNCLOS có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho riêng Mỹ, nhưng tiếc rằng điều này sẽ không mang lại tác dụng đủ để buộc Trung Quốc phải thay đổi thái độ và từ bỏ các hành động phi pháp ngang ngược tại Biển Đông.
Theo Một Thế Giới
Trung Quốc liệu có đền đáp Campuchia hậu hĩnh? Liệu sau khi công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và phản bác lại phán quyết của Toà Trọng tài về vụ kiện Biển Đông, Campuchia có được Trung Quốc đền đáp hậu hĩnh? Có hay không sự đền đáp hậu hĩnh từ Trung Quốc dành cho Campuchia vẫn còn là vấn đề tồn tại nhiều tranh cãi. Trong...