Mỹ kín đáo bố trí lực lượng quanh Biển Đông
Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công du 3 nước Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên đường tới Ấn Độ và Singapore với mục đích thị sát việc tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ quanh Biển Đông.
USS Freedom là một trong 4 chiến hạm được Mỹ cử đến khu vực Đông Nam Á để có thể đối phó hữu hiệu với các chiến lược tấn công và phòng thủ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước chuyến đi, Nhà Trắng nói rằng mục đích chuyến thăm là nhằm khẳng định lại quyết tâm xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Vì vậy trong 4 ngày ở thăm Ấn Độ từ 22 – 25/7, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc hội đàm và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất nước chủ nhà, gồm Thủ tướng Manmohan Singh, Tổng thống Pranab Mukherjee, Phó Tổng thống Hamid Ansari, Chủ tịch Liên minh Tiến bộ Thống nhất cầm quyền Sonia Gandhi và lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện Sushma Swaraj.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh, ông Biden đã bày tỏ cam kết của Tổng thống Barack Obama và cá nhân ông trong việc mở rộng quan hệ Mỹ – Ấn, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách hướng Đông của Ấn Độ sẽ bổ sung cho chính sách “tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee ngay sau đó, ông Biden khẳng định rằng quan hệ Mỹ – Ấn quan trọng không chỉ vì lợi ích của hai nước, mà vì toàn bộ khu vực.
“Vấn đề không phải ở chỗ Mỹ có thể làm gì cho Ấn Độ, mà là điều gì hai nước có thể cùng nhau làm cho thế giới”, ông Biden nói.
“Ấn Độ dành sự ưu tiên cao nhất cho quan hệ với Mỹ. Quan hệ Ấn – Mỹ dựa trên những giá trị cơ bản chung và sự hội tụ ngày càng tăng về lợi ích”, Tổng thống Mukherjee đáp lời.
Video đang HOT
Bề ngoài tuyên bố là vậy, nhưng thực chất bên trong chuyến thăm của ông Biden còn nhằm nhắc nhở New Delhi về hợp đồng của Trung Quốc mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Theo phân tích của giới chuyên gia quân sự Lầu Năm Góc, việc Bắc Kinh sở hữu Su-35, loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 , sẽ làm cho cán cân sức mạnh hải quân và không quân ở khu vực Đông Á nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, điều chưa từng xuất hiện ở đây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc tới nay.
Cũng theo tính toán của giới chuyên gia, tính tới thời điểm này, máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc cùng lắm cũng chỉ cùng thế hệ với máy bay tác chiến chủ lực của không quân Ấn Độ và một số nước trong khu vực như Nhật Bản. Tuy nhiên, khi sở hữu Su-35, trình độ tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ vượt trội hơn hẳn và đây là thực tế mà Ấn Độ không nên bỏ qua.
Sau khi “rung chuông cảnh báo” New Delhi, ông Biden tiếp tục tới đảo quốc sư tử Singapore, một điểm dừng chân chắc chắn không phải là kết quả của một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Trong con mắt của Washington, Singapore và Philippines ngày càng giữ vị trí quan trọng trong “sơ đồ bố trí lưc lượng của Mỹ quanh Biển Đông” nhằm dự phòng mọi bất trắc có thể nảy sinh từ những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Cũng giống như khi thăm Ấn Độ, về bề nổi, các cuộc thảo luận của Phó Tổng thống Biden với các nhà lãnh đạo cấp cao của Singapore – gồm Tổng thống Tony Tan Keng Yam, Thủ tướng Lý Hiển Long và cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu – chỉ đề cập chung chung đến tình hình Biển Đông và nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Tuy nhiên ở bên trong, chuyến thăm của nhà lãnh đạo số 2 nước Mỹ còn có một mục tiêu khác không được quảng bá rộng rãi. Đó là thị sát việc tái bố trí lực lượng quân sự của Mỹ trong khuôn khổ chiến lược xoay trục an ninh đang từng bước được thực hiện, trong đó Biển Đông là một trọng tâm.
Cũng chính vì mục đích này mà trong thời gian ở thăm, ông Biden đã ghé thăm một căn cứ hải quân Mỹ và chiến hạm USS Freedom – chiếc tàu chiến thế hệ mới nhất vừa được Mỹ triển khai tại Biển Đông.
Nhà lãnh đạo số 2 nước Mỹ phát biểu với các binh sĩ trên khoang chiến hạm USS Freedom có tốc độ chạy nhanh nhất hiện nay với khoảng 42 hải lý/giờ.
Với hỏa lực hùng hậu, dàn thiết bị hiện đại và tính linh hoạt, cơ động cao trong địa hình hoạt động ở Đông Nam Á, USS Freedom vừa có khả năng thay thế các khu trục hạm và tuần dương hạm lớn hơn nhưng di chuyển chậm hơn, vừa có thể đối phó hữu hiệu với chiến lược chống tiếp cận đang được Trung Quốc áp dụng. Không phải ngẫu nhiên khi ngay từ đầu, Mỹ đã thuyết phục được Singapore cấp đại bản doanh cho chiến hạm này nhằm tập trung chủ yếu vào hoạt động ở Biển Đông.
Ngoài ra, Washington cũng đang đẩy mạnh đàm phán với Manila về việc để tàu chiến và phi cơ của Hạm đội Thái Bình Dương sử dụng các căn cứ quân sự, hải cảng và sân bay trên lãnh thổ Philippines. Dĩ nhiên, Mỹ không sử dụng tất cả các địa điểm của đồng minh Philippines, mà chỉ nhắm đến những căn cứ nhìn ra Biển Đông, chẳng hạn như các căn cứ hải quân và không quân của Mỹ trước đây ở vịnh Subic, gần Manila.
Vậy là, dù không tuyên bố công khai nhưng các hoạt động của Phó Tổng thống Biden tại Ấn Độ, Singapore trong bối cảnh Mỹ đang đàm phán với Philippines về cách thức bố trí quân sự tại Biển Đông cho thấy Washington đang từng bước kết nối các điểm mấu chốt để hình thành vành đai mới ở Tây Nam Trung Quốc. Vành đai này sẽ siết chặt hơn thế gọng kìm đối với Bắc Kinh, nhất là tại khu vực quanh Biển Đông nơi Nhật Bản cũng đang nỗ lực thiết lập vành đai ở Đông Nam Trung Quốc.
Trong thế bủa vây đó, sách lược ứng đối của Trung Quốc sẽ là tăng cường mạnh lực lượng hải quân và không quân như đã được đề ra trong Chiến lược biển quốc gia. Nhưng liệu những toan tính này của Trung Quốc có thể dễ dàng trở thành hiện thực hay không lại là một câu chuyện khác.
Đức Vũ
Đón xem bài 3: Đối sách của Trung Quốc
Theo Dantri
Mỹ-Ấn 'thắp lửa' quan hệ
Sau nhiều năm tháng hỗ trợ cho "đối thủ" của Ấn Độ là Pakistan, Washington đang từng bước thắt chặt mối quan hệ trên nhiều phương diện với chính quyền New Delhi mà gần nhất là chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mỹ với điểm dừng chân đầu tiên là Ấn Độ trong ngày 23/7.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp xúc với lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata (Đảng đối lập lớn nhất của Ấn Độ) trong ngày 23/7. Ảnh: Reuters
Theo New York Times, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những buổi tiếp xúc với các lãnh đạo hàng đầu của Ấn Độ ngay trong ngày 23/7, nhưng nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ đôi bên, đặc biệt là ở lĩnh vực thương mại và quân sự, sẽ được mang ra bàn thảo trong ngày hôm nay (24/7). Chuyến đi lần này của ông Biden được đánh giá là một phần nỗ lực của Mỹ trong kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sự kiện này diễn ra chỉ 1 tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thủ đô New Delhi để thảo luận về tình hình biến đổi khí hậu cũng như đề cập tới chính sách ngoại giao giữa hai quốc gia. Đây cũng là chuyến thăm của một Phó Tổng thống Mỹ sau 29 năm từ lần thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống George H. W. Bush vào năm 1984.
Trong ngày 23/7, Phó Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp với các lãnh đạo hàng đầu Ấn Độ, gồm Thủ tướng Manmohan Singh, Tổng thống Pranab Mukherjee, Phó Tổng thống Mohammad Hamid Ansari và Sushma Swaraj, cũng như lãnh đạo đảng đối lập Bharatiya Janata trước khi đến thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ.
Theo kế hoạch, trong hai ngày làm việc tại Ấn Độ, ông Biden và chính quyền New Delhi sẽ bàn về mối quan tâm của Washington đối với nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất ở châu Á và mở cửa đầu tư cho doanh nghiệp đôi bên. Song, nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ chế chính sách chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế lại vẫn đang là những vấn đề mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở Ấn Độ. Dự kiến khi tới Mumbai, ông Biden sẽ đưa các vấn đề nói trên ra bàn thảo.
Một nội dung quan trọng khác cũng nằm trong lịch làm việc của ông Biden đó là thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước, theo tiết lộ từ một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Obama trên AFP. Giới phân tích nhận định rằng chính căng thẳng liên quan đến chủ quyền biên giới Trung - Ấn đã đẩy Washington và New Delhi xích lại gần nhau. Bên cạnh đó, Mỹ cũng là quốc gia sẵn sàng giúp Ấn Độ cải thiện năng lực sản xuất vũ khí để đảm bảo an ninh quốc phòng, theo Press Trust of India.
Theo nhận định của tờ First Post, sự kiện này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao quan hệ song phương Mỹ-Ấn. Tờ báo này cũng cho biết người phát ngôn Nhà Trắng đã coi Ấn Độ là một đối tác cốt yếu, và nhấn mạnh Mỹ ủng hộ vai trò của Ấn Độ với Afghanistan cũng như tìm cách trấn an những quan ngại của New Delhi sau khi Washington rút hết quân khỏi Afghanistan.
Riêng về chiến lược chuyển trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Mỹ mong muốn Ấn Độ trở thành một đối trọng của Trung Quốc trong khu vực. Hay nói cách khác, New Delhi có thể ủng hộ đề xuất của Washington trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Nhận định về sự kiện này, chuyên gia Raja Mohan tại Quỹ nghiên cứu Người quan sát (Ấn Độ) cho biết: dù Ấn Độ không phải là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng có thể nói hai quốc gia đều có cùng mục tiêu là không muốn Trung Quốc thống trị châu Á. Chính vì vậy, Mỹ-Ấn sẽ có nhiều hợp tác trong nỗ lực xây dựng một cán cân quyền lực ổn định tại khu vực.
Ngày 26/7 tới đây, ông Biden sẽ tới Singapore với trọng tâm là an ninh biển trong bối cảnh Biển Đông đang liên tục nổi sóng với sự quân sự hóa của quân đội Trung Quốc. Dự kiến tại đây, ông Biden cũng sẽ gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngay sau khi ông này giành chiến thắng lớn tại cuộc bầu cử Thượng viện trong ngày 21/7 vừa qua. Riêng về ông Abe, sau chiến thắng nói trên, hành động ngoại giao đầu tiên của Thủ tướng Nhật sẽ là thăm "đồng minh thân cận" Philippines trong hai ngày 26 vả 27/7.
TheoSongmoi
Hạm đội Thái Bình Dương Nga sắp nhận tàu chiến mới Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận các tàu chiến mới từ năm 2014, lần đầu tiên kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Tàu chiến có bãi đáp trực thăng lớp Mistral. Ảnh: RIA Novosti "Các thiết bị mới sẽ được bàn giao, đúng hơn là các tàu chiến sẽ bắt đầu hoạt động,...