Mỹ khước từ đề nghị ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên
Mỹ bác bỏ đề nghị của Trung Quốc, bắt đầu đàm phán vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng.
Thiết bị quân sự Triều Tiên trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng tháng 10/2015. Ảnh: AP.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra đề nghị đàm phán hiệp ước hòa bình với Triều Tiên hồi đầu tuần, sau khi hội đàm với người đồng cấp Australia ở Bắc Kinh. Hiệp ước hòa bình với Mỹ, giúp chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, là một trong những mong muốn đã có từ lâu của Bình Nhưỡng.
“Phi hạt nhân hóa vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác còn lại về mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình”, Yonhap dẫn lời Katina Adams, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm qua nói.
Phản ứng về yêu cầu ký hiệp ước hòa bình, Washington còn tuyên bố yêu cầu trên không thể thực hiện khi Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi tham vọng hạt nhân.
Giới chức Mỹ nhấn mạnh Triều Tiên đã sắp xếp mọi thứ sai trật tự và trước tiên cần tập trung vào đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bắt đầu năm 2003, là nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đàm phán. 6 bên tham gia gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Bình Nhưỡng năm 2005 tuyên bố rút khỏi đàm phán 6 bên vô thời hạn.
Như Tâm
Video đang HOT
Theo VNE
Bán đảo Triều Tiên trên bờ vực xung đột chưa từng có
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc nhất từ trước tới nay, khiến xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Xe tăng Hàn Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận năm 2014. Ảnh: AFP
Mối quan hệ vốn không tốt đẹp giữa hai miền Triều Tiên dường như tiếp tục bị xói mòn nghiêm trọng sau khi các đường dây thông tin chính thức giữa hai bên bị cắt đứt và hàng loạt những vấn đề căng thẳng xuất hiện, báo hiệu những nguy cơ tiềm ẩn trong thời gian tới, theo AFP.
Trên lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh suốt 6 thập kỷ qua, và hai nước cũng đã trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng trong quá khứ, nhưng tình hình chưa bao giờ trở nên nguy hiểm như hiện nay. Các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng gần đây đã dập tắt mọi hy vọng về triển vọng đàm phán và đối thoại giữa hai miền.
Bất chấp phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng việc phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Seoul tuyên bố cương quyết đáp trả mọi động thái khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng.
Tình trạng bế tắc hiện nay đang ngày càng có xu hướng biến thành một cuộc "Chiến tranh Lạnh" về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, giữa một bên là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, với bên kia là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên tới đỉnh điểm trong tuần qua khi Seoul ngừng mọi hoạt động hợp tác tại khu công nghiệp chung Kaesong.
Tuy là một khu vực khá nhạy cảm nằm trên biên giới Triều Tiên, Kaesong vẫn duy trì được sự tồn tại sau nhiều biến cố nghiêm trọng trong quan hệ hai nước kể từ khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2004.
"Đó thực sự là một phép màu khi khu công nghiệp này có thể tồn tại lâu đến vậy", Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá. Nhưng giờ đây phép màu này đã chấm dứt và khó có hy vọng phục hồi.
Ngày 10/2, trong động thái đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh lên quỹ đạo, Seoul tuyên bố ngừng hoạt động 124 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong, đồng nghĩa với việc 53.000 công nhân Triều Tiên sẽ bị mất việc làm.
Bình Nhưỡng cũng trả đũa ngay lập tức bằng cách trục xuất toàn bộ quản lý doanh nghiệp người Hàn Quốc và đóng băng tài khoản của họ, đồng thời đặt khu công nghiệp này dưới sự giám sát của quân đội. Phía Hàn Quốc cũng tuyên bố cắt toàn bộ nguồn cung cấp điện và nước cho khu công nghiệp.
"Tôi cho rằng Kaesong khó có thể hoạt động trở lại. Mọi chuyện đã đi quá xa và Triều Tiên cũng như Hàn Quốc đều không hề có ý định giải quyết bất đồng", ông Petrov nhận định.
Lính Hàn Quốc canh gác đường dẫn tới khu công nghiệp Kaesong. Ảnh: Reuters
Nguy cơ bùng phát xung đột
Khu công nghiệp Kaesong được thành lập nhờ chính sách ngoại giao "Ánh dương" mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên trong giai đoạn 1998-2008, với mục đích chính là xoa dịu Bình Nhưỡng bằng biện pháp hợp tác và hỗ trợ kinh tế. Hàn Quốc coi khu công nghiệp này là biểu tượng cho quan hệ hợp tác hai miền, là bước đi tiên phong thúc đẩy các cải cách thị trường tại Triều Tiên, tiến tới nhân rộng mô hình này.
Nhiều nhà phân tích cảm thấy tiếc nuối khi "cánh cửa tự do thương mại" duy nhất tuy nhỏ nhưng rất quan trọng tại vùng biên giới quân sự hóa chặt chẽ bậc nhất thế giới này đã bị đóng lại.
"Khi không còn khu Kaesong, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ không có bất kỳ nền tảng nào để duy trì liên lạc thường xuyên. Đây là một bước lùi rất nghiêm trọng", Aidan Foster-Carter, chuyên gia về Triều Tiên tại Anh, nhận định.
Chang Yong-Seok, chuyên gia kỳ cựu tại viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc trường đại học Quốc gia Seoul cũng cho rằng một trong những đóng góp quan trọng nhất của khu công nghiệp Kaesong là góp phần duy trì sự mềm mỏng trong quan hệ giữa hai miền.
"Cả hai miền Triều Tiên đều có lợi ích ở khu Kaesong nên họ bằng cách nào đó đều kiềm chế để duy trì sự hoạt động của nó. Tuy nhiên tất cả đã chấm dứt", ông Chang khẳng định.
Cơ hội đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng suy giảm hơn khi ngày 12/2, Triều Tiên thông báo cắt đứt hai đường dây nóng cuối cùng giữa hai nước.
Sau động thái này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun tuyên bố nguy cơ xung đột chắc chắn sẽ gia tăng tại các khu vực biên giới được quân sự hóa dày đặc giữa hai nước.
"Bản thân những đường dây nóng này chưa từng được sử dụng cho các cuộc đối thoại ngoại giao, song chúng vẫn được dùng để xúc tiến và ấn định lịch trình các cuộc hội đàm của hai bên. Thời gian qua, dù có những căng thẳng, chúng vẫn được được duy trì với mục đích tránh xảy ra xung đột, nhưng giờ đây cơ hội này đã không còn", Giles Hewit, bình luận viên châu Á của AFP nhận định
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Triều Tiên chắc chắn sẽ phản ứng tiêu cực đối với các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của nước này.
Trong tháng ba tới, Hàn Quốc và Mỹ dự kiến tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập quân sự chung thường niên mà Triều Tiên coi là những hành động đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ và châm ngòi cho căng thẳng leo thang. Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ gia tăng các động thái đáp trả, đặc biệt khi Seoul và Washington bắt đầu thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
"Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố các cuộc tập diễn tập sẽ có quy mô lớn hơn thường lệ và Triều Tiên chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh mẽ. Vì vậy, tôi cho rằng thế giới sẽ chứng kiến sự leo thang căng thẳng chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên trong những năm tới", ông Chang đánh giá.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Mỹ - Trung Quốc 'đấu khẩu' về việc trừng phạt Triều Tiên Ngoại trưởng Mỹ giục Trung Quốc gây thêm áp lực lên vụ hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh bác bỏ phát biểu của ông John Kerry. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc hội đàm sáng nay 27.1 - Ảnh: Reuters Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương...