Mỹ không thể kết thúc chiến tranh Afghanistan bằng sức mạnh quân sự
Mỹ sẽ phải quay lại đàm phán với Taliban để có thể kết thúc chiến tranh Afghanistan, cuộc chiến Mỹ không thể chiến thắng bằng sức mạnh quân sự.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ và lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban đã trải qua 9 vòng đàm phán về thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm ở Afghanistan.
Thỏa thuận này dường như đã gần đạt được khi ông Zalmay Khalilzad, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Afghanistan hôm 2/9 cho biết Mỹ sẽ rút 5.400 quân trong tổng số gần 14.000 quân khỏi 5 căn cứ ở Afghanistan trong vòng 135 ngày.
Đổi lại, Taliban cam kết sẽ không để các nhóm phiến quân khủng bố khác như al-Quaeda hay Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) dùng Afghanistan như căn cứ để tấn công Mỹ và các đồng minh, Reuters cho biết.
Chưa đầy một tuần sau khi ông Khalilzad đưa ra thông báo, ngày 7/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã dừng các cuộc đàm phán. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm cho một vụ đánh bom liều chết hôm 5/9 ở Kabul khiến 1 lính Mỹ cùng 11 người khác thiệt mạng.
Mullah Abdul Ghani Baradar (trái), nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Taliban, cùng với Sher Mohammad Abbas Stanikzai, nhà đàm phán chính của lực lượng này vào tháng 5. Ảnh: AP.
Một thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban có thể là giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh dài đằng đẵng này. Tuy nhiên, lời tuyên bố hủy đàm phán của Tổng thống Trump gần như đã phủi sạch những nỗ lực đàm phán hơn 1 năm qua giữa hai bên. Sau 18 năm chiến tranh, hòa bình vẫn là điều gì đó xa xỉ ở Afghanistan.
Nguyên nhân cuộc chiến
Vậy nguyên nhân do đâu mà cuộc chiến Afghanistan lại nổ ra và vẫn chưa thể kết thúc?
Ngày 11/9/2001, các cuộc tấn công do khủng bố gây ra ở New York, Washington và Pennsylvania (Mỹ) khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Osama Bin Laden, người đứng đầu nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda có căn cứ tại Afghanistan, nhanh chóng được xác định là chủ mưu của các vụ tấn công này.
Taliban, lực lượng Hồi giáo cực đoan nắm quyền ở Afghanistan khi đó, từ chối giao nộp Bin Laden. Tới ngày 7/10/2001, Tổng thống Mỹ George W Bush tuyên bố thực hiện cuộc không kích đầu tiên vào Afghanistan nhằm đáp trả vụ tấn công 11/9.
Nhiệm vụ được Tổng thống Bush đặt ra llà “ngăn chặn việc khủng bố sử dụng Afghanistan làm căn cứ để hoạt động và tấn công vào khả năng quân sự của chế độ Taliban”.
Thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh Helmand của Afghanistan năm 2017. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, hơn 30 quốc gia hỗ trợ quân đội Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: AFP.
Trong vòng hai tháng kể từ khi Mỹ, các đồng minh và Afghanistan tiến hành các cuộc tấn công, chế độ Taliban sụp đổ và các binh sĩ của lực lượng này phải lẩn trốn ở Pakistan.
Video đang HOT
Tuy nhiên, lực lượng này không hề tan rã mà vẫn nhận được rất nhiều hỗ trợ ở các khu vực xung quanh biên giới Pakistan và kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ buôn bán ma túy, khai thác mỏ và thu thuế. Taliban nhanh chóng lấy lại ảnh hưởng và lao vào cuộc chiến.
Từ đó, Mỹ và các đồng minh phải chiến đấu để ngăn chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ và chấm dứt các cuộc tấn công chết người của Taliban.
Cuối năm 2014, năm đẫm máu nhất trong cuộc chiến, lực lượng của NATO vì lo ngại trước khả năng phải tham chiến không hồi kết đã rút khỏi Afghanistan. Cuộc chiến giờ chỉ còn lại Mỹ và quân đội Afghanistan chiến đấu chống lại Taliban. Điều này giúp cho Taliban hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo BBC, Taliban đã hoạt động công khai trên 70% lãnh thổ Afghanistan vào năm 2018.
Cuộc chiến ở Afghanistan đã trải qua 5 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Trước ông Donald Trump, cả hai người tiền nhiệm là George W. Bush và Barack Obama đều chịu sức ép phải rút quân khỏi chiến trường Afghanistan.
Không khó để hiểu nguyên nhân tại sao các tổng thống Mỹ rất sốt sắng trong việc tìm cách chấm dứt chiến tranh. Nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến này hơn 18 năm. Theo chuyên gia Richard Fontaine viết trên tờ The Atlantic, cuộc chiến đã khiến gần 2.500 người Mỹ thiệt mạng và tiêu tốn hàng tỷ USD. Bất kỳ tổng thống nào có thể kết thúc cuộc chiến này sẽ được được danh tiếng to lớn trên chính trường.
Đối với cả hai bên trong cuộc chiến, việc tìm ra giải pháp vừa đạt được lợi ích như các bên mong muốn, vừa bảo vệ danh dự cho các bên và tìm ra con đường ổn định lâu dài ở Afghanistan là một thách thức. Rõ ràng việc sử dụng vũ lực không phải giải pháp.
1.000 tỷ USD tiêu tốn
Ông William Ruger, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách Viện Charles Koch, cho biết cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến Mỹ tốn gần 1.000 tỷ USD trong suốt 18 năm qua, với hơn 2.400 binh sĩ thiệt mạng. Mỗi năm, nước này cũng tiêu tốn gần 45 tỷ USD để duy trì cuộc chiến dù đã thu hẹp dần quy mô tham gia vào chiến trường. Gần 1.000 binh sĩ của lực lượng đồng minh thiệt mạng.
Về phía quân đội Afghanistan, khó nói chính xác có bao nhiêu lính đã thiệt mạng vì số liệu không còn được công bố. Tuy nhiên, tháng 1/2019, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tiết lộ 45.000 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng kể từ năm 2014.
Taliban thường xuyên thực hiện các vụ tấn công đánh bom ở Kabul. Ảnh: The New York Times.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2019 cho biết hơn 32.000 thường dân thiệt mạng trong các cuộc tấn công. Viện Watson tại Đại học Brown tính toán các cuộc xung đột ở Iraq, Syria, Afghanistan và Pakistan tiêu tốn của Mỹ 5.900 tỷ USD kể từ năm 2001.
Những người ủng hộ việc tiếp tục cuộc chiến cho rằng Mỹ phải chiến đấu cho đến khi đạt được thắng lợi rõ ràng bởi vì bất cứ điều gì khác sẽ phá hỏng số tiền và xương máu Mỹ đã bỏ ra. Tuy nhiên, chiến thắng như vậy sẽ đòi hỏi khoản đầu tư về quân sự và nhân lực khổng lồ từ phía Mỹ. Đây là điều mà người dân và những nhà làm luật Mỹ không hề mong muốn.
Hơn thế nữa, ngay cả khi Mỹ có 100.000 quân hiện diện ở Afghanistan, gấp bảy lần so với số quân hiện tại ở đây, Mỹ vẫn không thể nào tiêu diệt hoàn toàn Taliban. Với số lượng quân đội tương đối ít ở hiện tại, lực lượng Mỹ vẫn phải chịu hàng chục thiệt hại về nhân mạng mỗi năm
Taliban hiện kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn sau khi quân đội quốc tế rời Afghanistan vào năm 2014. Vì vậy, khả năng kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan bằng việc tăng sự hiện diện của Mỹ là không hiệu quả và không khả thi.
Quân đội Afghanistan hoạt động không hiệu quả
Bên cạnh quân đội Mỹ và đồng minh, lực lượng quân đội chính quy của Afghanistan là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến. Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ cùng đồng minh cũng đổ tiền viện trợ cho việc xây dựng lực lượng quân đội chính quy của Afghanistan. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn dễ dàng bị đánh bại bởi các nhóm vũ trang thiện chiến của Taliban cùng những lực lượng cực đoan khác.
Tổng sản phẩm quốc nội của chính phủ Afghanistan thậm chí không đủ hỗ trợ ngân sách quân sự của chính mình. Điều này khiến họ không thể ngừng phụ thuộc vào viện trợ từ Washington và các đồng minh. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội Afghanistan cũng không thể tuyển đủ binh sĩ để bù đắp cho tổn thất 45.000 nhân mạng từ năm 2014.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vào tháng 6 tại thủ đô Kabul. Ảnh: The New York Times.
Theo hai chuyên gia John Glaser và John Mueller từ viện nghiên cứu CATO, công tác đào tạo binh sĩ cũng gặp nhiều thất bại. Sau bảy năm đào tạo, khoảng 200.000 binh sĩ Afghanistan đã được trang bị kĩ năng chiến đấu. Tuy nhiên, chỉ có một tiểu đoàn 1.000 người được coi là có khả năng thực hiện các hoạt động độc lập.
Không quân Afghanistan thậm chí không thể thực hiện không vận cho lực lượng mặt đất đang tuyệt vọng yêu cầu hỗ trợ qua sóng radio. Vào năm 2016, các chỉ huy hàng đầu của Mỹ đã chú ý rằng, sau một thập kỷ rưỡi được huấn luyện bởi Mỹ với chi phí khổng lồ, quân đội Afghanistan vẫn chưa sẵn sàng, một phần vì vẫn thiếu ngưởi đứng đầu có thể hoạt động hiệu quả.
Ngày nay, chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn đang kiểm soát khu vực có diện tích ít hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong cuộc chiến kéo dài 18 năm qua, bất chấp những hỗ trợ quân sự của Mỹ và các đồng minh. Taliban đang dần giành được chỗ đứng và kiểm soát phần lớn các vùng nông thôn. “Một thỏa thuận chính trị vẫn là cách duy nhất để chấm dứt xung đột”, tướng Austin Miller, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan, gần đây đã khẳng định.
Một báo cáo năm 2019 từ Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan cho thấy rằng tình hình hiện tại của cuộc chiến có xu hướng quay lại giống những năm cuộc chiến vừa bắt đầu.
Đã 18 năm cố gắng dập tắt cuộc nổi dậy của Taliban và xây dựng một chính phủ, quân đội và lực lượng cảnh sát Afghanistan độc lập và có thẩm quyền, Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất và nguy hiểm nhất thế giới. Lực lượng an ninh ở đây vẫn không thể bảo vệ người dân trước các cuộc tấn công của quân nổi dậy trên phần lớn đất nước.
Tình hình tham nhũng ở Afghanistan là vô cùng tồi tệ. Theo Transparency International, quốc gia này xếp thứ 172 trong danh sách 180 quốc gia.
Một nghiên cứu của chính phủ Mỹ vào năm 2012 ước tính rằng gần 100 tỷ USD (85% số tiền viện trợ) viện trợ cho việc tái thiết sau đó đã được sử dụng trước khi nó có thể đến được người cần nhận. Năm 2010, binh sĩ Afghanistan đã chết vì đói tại Bệnh viện Quân đội Quốc gia vì hối lộ tràn lan khiến cơ sở này bị tước nguồn cung cấp.
Bên cạnh đó, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy các lực lượng Afghanistan và các đồng minh của họ chịu trách nhiệm cho những cái chết của thường dân nhiều hơn lực lượng cực đoan trong sáu tháng đầu năm.
Theo Reuters, trong ngày 19/9, 30 công nhân thu hoạch hạt thông đã thiệt mạng khi máy bay không người lái của Mỹ không kích nhầm mục tiêu.
Người dân tham dự lễ tang các nạn nhân trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở quận Khogyani thuộc tỉnh Nangarhar, Afghanistan, vào ngày 19/9/2019. Ảnh: EPA.
Hàng nghìn dân thường đã phải thiệt mạng vì những vụ tấn công qua lại giữa hai bên cùng với việc lực lượng chính quy và chính quyền của Afghanistan hoạt động không hiệu quả khiến chiến thắng về mặt quân sự trở nên xa vời.
Ngay cả bà Lisa Curtis, Phó trợ lý của tổng thống và Giám đốc cấp cao ở Nam và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia đã nói với một khán giả tại Viện Hòa bình Mỹ rằng “không ai tin rằng có một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này”.
Afghanistan có thể cuộc chiến bị lãng quên do Mỹ đang phải tập trung vào Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, những vấn đề của cuộc chiến thật sự vẫn đang tồn tại và cần phải được giải quyết.
Nếu chiến thắng về mặt quân sự là không thể đạt được và việc đầu hàng là không thể chấp nhận được, hai bên chỉ còn lại một lựa chọn: đàm phán. Taliban nói rằng họ vẫn sẵn sàng đối thoại.
Việc Mỹ kết thúc vai trò của mình trong cuộc chiến bằng cách nào đi chăng nữa cũng sẽ cực kỳ quan trọng đối với không chỉ người Afghanistan mà còn đối với chính người Mỹ.
Theo news.zing.vn
Taliban và đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải Afghanistan tiếp tục hội đàm tại Qatar
Các cuộc đàm phán không chính thức giữa các đại diện của phong trào cực đoan Taliban và Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad bắt đầu ở Qatar, một nguồn tin thân cận với Taliban tuyên bố với RIA Novosti.
Những tòa nhà chọc trời ở Doha.
"Cuộc hội đàm không chính thức giữa Taliban và Khalilzad bắt đầu tại Qatar ", nguồn tin cho biết.
Trước đó, Khalilzad và phái đoàn đại diện cho Taliban sau tám vòng đàm phán tại Doha đã đồng ý về một hiệp ước hòa bình, bao gồm lệnh ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình giữa đại diện của chính quyền Afghanistan và Taliban.
Theo dự kiến, các cuộc đàm phán giữa chính phủ và Taliban sẽ được tổ chức tại Oslo.
Tuy nhiên, sau một loạt các hành động khủng bố do Taliban thực hiện ở Kabul và một số thành phố khác, nạn nhân là quân đội Hoa Kỳ nên Tổng thống Trump đã ra lệnh ngừng đàm phán với Taliban và hủy bỏ việc ký kết thỏa thuận.
Đức Văn
Theo giaoducthoidai/Ria.ru
Tại sao Mỹ hủy bỏ đối thoại với Taliban và Afghanistan? Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy cuộc gặp bí mật với thủ lĩnh Taliban và người đồng cấp Afghanistan tại trại David vài ngày trước lễ kỷ niệm sự kiện 11-9. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra sau thỏa thuận mà nhà đàm phán Zalmay Khalilzad gọi là "đạt được về mặt nguyên tắc". Hãng tin AP nói rằng phía Taliban...