Mỹ không mời Trung Quốc tập trận nếu còn hung hăng trên Biển Đông
Nếu Trung Quốc tiếp tục hiếu chiến tại Biển Đông, Mỹ có quyền rút lại lời mời nước này tập trận hải quân đa phương RIMPAC trên Thái Bình Dương vào năm 2016, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris tuyên bố.
Tân Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ( PACOM), Đô đốc Harry Harris. (Ảnh: Asahi)
Ông đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh không thể xây dựng chủ quyền dựa trên “lâu đài cát”.
Tờ Asahi của Nhật ngày 15/6 dẫn lời tân Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Tokyo rằng việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động cải tạo trái phép trên Biển Đông “làm tăng thách thức với tất cả chúng ta” và buộc Mỹ phải tiếp tục “đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề này”.
Đô đốc Harris chỉ trích hành động của Bắc Kinh rằng: “Bạn không thể xây dựng chủ quyền trên lâu đài cát. Chủ quyền phải dựa trên các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế”.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh vẫn tiếp tục bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) ở quần đảo Trường Sa, bất chấp phản đối từ phía Mỹ, liệu Lầu Năm Góc có rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương – RIMPAC 2016 hay không, Đô đốc Harry Harris trả lời: dù hiện tại lời mời vẫn còn giá trị, nhưng phía Mỹ sẽ xem xét nên làm thế nào trong các tình huống cụ thể.
Video đang HOT
Về khả năng Bắc Kinh đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như đã từng làm ở Hoa Đông năm 2013, Đô đốc Harris khẳng định: “Họ đã từng tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông và điều đó không làm tôi lo lắng”.
“Chúng tôi bỏ qua hoàn toàn ADIZ Trung Quốc tuyên bố ở Hoa Đông. Vì vậy nó không thể cản trở hoạt động của chúng tôi trên các vùng biển, vùng trời”, ông Harris nói.
“Tôi không cho là Bắc Kinh sẽ áp đặt ADIZ ở Biển Đông để ngăn cản các nước khác. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động của mình trên các vùng biển và vùng trời quốc tế như trước đây”, Tư lệnh PACOM khẳng định.
Khi được yêu cầu bình luận về khả năng Nhật – Mỹ tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông, ông Harris trả lời: “Tôi xem Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải lãnh thổ của bất kỳ nước nào. Và vì vậy Nhật được chào đón để tiến hành các hoạt động trên biển như thế nếu nước này thấy phù hợp”.
RIMPAC – “Vành đai Thái Bình Dương” là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ dẫn đầu. RIMPAC được tổ chức lần gần nhất vào năm 2014, với sự tham gia của 22 quốc gia và 6 nước với tư cách quan sát viên cùng 47 tàu chiến mặt nước, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ.
Năm 2014 cũng là lần đầu tiên Trung Quốc được mời tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC. Dự kiến cuộc tập trận lần này sẽ được tổ chức tại Hawaii vào năm 2016.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ Asahi
Tư lệnh Mỹ hoan nghênh Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông
Tân Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris ngày 12/6 cho hay ông hoan nghênh các cuộc tuần tra của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động cải tạo bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Ông Harris tiếp kiến Thủ tướng Nhật ngày 12/6 (Ảnh: Kyodo)
Kyodo đưa tin, Đô đốc Harry Harris nói trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Nhật Bản rằng máy bay tuần tra P-3C của Nhật có các khả năng mạnh mẽ và "rất thích hợp" cho việc tuần tra ở Biển Đông.
Ông Harris cho hay, Mỹ xem Biển Đông là "vùng biển quốc tế, không phải lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào" và rằng "Nhật Bản được hoan nghênh khi thực hiện các hoạt động tại vùng biển này".
"Tôi hoan nghênh cơ hội hợp tác chặt chẽ với các tàu và máy bay của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và các máy bay của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản trên khắp khu vực", Đô đốc Harris, người vừa nhậm chức hồi tháng 5, cho hay.
Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra ở Biển Đông, nơi các quốc gia Đông Nam Á vướng vào các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền tại Hoa Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí Nhật, Đô đốc Harris đã bày tỏ mong muốn tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Các hướng dẫn hợp tác quốc phòng giữa hai nước được sửa đổi để đối phó với các mối đe dọa an ninh mới.
Ông Harris tuyên bố Mỹ đã phớt lờ vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, được thiết lập đơn phương ở Hoa Đông năm 2013.
"Việc áp đặt (tiềm tàng) một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông sẽ không cản trở được chúng tôi ", Đô đốc Mỹ nhấn mạnh.
Ông Harris - sinh tại Nhật, có cha là quân nhân phục vụ trong hải quân Mỹ và mẹ là người Nhật - là người Mỹ gốc Nhật đầu tiên được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Cũng trong ngày 12/6, ông Harris đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo. Hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc và các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
"Chúng tôi hi vọng sẽ tăng cường liên minh để đảm bảo hòa bình và sự ổn định trong khu vực", Thủ tướng Abe nói với ông Harris trong cuộc gặp.
An Bình
Theo Dantri/Kyodo
Nhà báo Nhật Bản: Việt Nam quá đỗi anh hùng Nhà báo Murano Hiroshi mong rằng những người dân Việt Nam đã trải qua chiến tranh sẽ luôn tự hào mình là người Việt Nam. Nhân dịp cả nước tưng bừng mừng 40 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Đài TNVN tại Tokyo, Nhật Bản đã phỏng vấn nhà báo Murano Hiroshi về những suy nghĩ của ông...