Mỹ không góp tài chính vào quỹ cứu trợ châu Âu
Với lý do “đã có các phương án khác,” ngày 9/12, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu; trong đó có Italy và Tây Ban Nha, nếu những nước này cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp và Ireland.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông báo này được đưa ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhóm họp tại Brussels, Bỉ, nhất trí cùng đóng góp 270 tỷ USD để IMF có đủ tiền tung ra cứu trợ trong trường hợp một thành viên lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn từ thị trường.
Lý giải về quyết định trên của Nhà Trắng, trong các bài phát biểu tại Brussels khi đang cùng các đồng nghiệp châu Âu bàn cách cứu Lục địa Già ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geaithner nhấn mạnh IMF đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.
Một quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các phương án để tăng cường khả năng tài chính của IMF mà không cần phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để đóng góp cho IMF.
Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế lớn, dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2012.
Video đang HOT
Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho IMF, chiếm tới 16% tổng số quỹ hoạt động của tổ chức này. Năm 2009, Mỹ đã có những khoản đóng góp vào quỹ cứu trợ khẩn cấp của IMF để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau khi tập đoàn tài chính và đầu tư danh tiếng của Mỹ là Lehman Brothers bị phá sản.
Năm 2010, Mỹ cũng đã cam kết đóng góp thêm cho IMF, song khoản cam kết đóng góp này cho tới nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua./.
Theo TTXVN
Strauss-Kahn bị gài bẫy?
Có hay không một vở kịch hoàn hảo được dựng lên ở căn phòng 2806 tại khách sạn Sofitel ở New York để đưa tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn (DSK) sập bẫy vào ngày 14-5?
Ông bà Strauss-Kahn trên đường phố Paris tối 27-11-2011 - Ảnh: Daily Mail
Vụ án đã khép lại do lời khai của nạn nhân bị phán quyết là "không đáng tin cậy", nhưng cú ngã ngựa đã lấy đi của ông DSK toàn bộ sự nghiệp chính trị. Vụ việc tưởng chừng yên ắng lại xáo xào lên sau bài báo của nhà báo Mỹ Edward Epstein trên tờ The New York Review of Books. Epstein là người rất nổi tiếng với các tác phẩm viết về vụ ám sát tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Ông nhận định còn rất nhiều điểm nghi ngờ trong vụ án và không loại trừ khả năng các đối thủ chính trị đã gài bẫy để loại bỏ ông DSK.
Chiếc điện thoại mất tích
Dựa theo các dữ liệu điều tra từ điện thoại, máy quay an ninh, nhà báo Epstein cho biết ông DSK từng được một đồng nghiệp cảnh báo là chiếc điện thoại BlackBerry của ông có thể đã bị "kẻ thù" nghe lén. Một người làm việc tạm ở trụ sở Đảng UMP tại Paris cũng thông báo cho ông biết ít nhất một trong những thư điện tử cá nhân của ông gửi vợ đã bị đọc lén.
Ông DSK gửi và nhận tin nhắn, gọi điện cá nhân và công việc bằng chiếc "IMF BlackBerry" của mình. Lúc 10g07 ngày 14-5, ông đã gọi cho vợ, nói bà liên hệ với một chuyên gia để kiểm tra an ninh chiếc điện thoại của mình. Theo dữ liệu từ chìa khóa điện tử, cô hầu phòng Nafissatou Diallo đã vào căn phòng của ông số 2086 lúc 12g06-12g07. Dữ liệu điện thoại cho thấy lúc 12g13, ông nói chuyện với con gái Camille về cuộc hẹn ăn trưa hôm đó bảo rằng ông sẽ đến chỗ hẹn muộn.
Điều gì xảy ra giữa ông DSK và người hầu phòng trong khoảng 6-7 phút giữa thời điểm đó không còn gì tranh cãi. Ông DSK khẳng định mình không phải người "ăn bánh trả tiền", dù mô tả chuyện giữa hai người là không phù hợp, và về mặt đạo đức là sai trái.
Video khách sạn cho thấy ông rời lúc 12g28, đi qua tám tòa nhà tới nhà hàng McCormick & Schmick's trên đại lộ số 6 giữa đường số 51 và 52. Camera nhà hàng cho thấy ông đến lúc 12g54. Cha con ông ăn trưa cùng nhau và lúc 14g15, ông DSK bắt taxi đi sân bay. Khi trên taxi, ông phát hiện chiếc điện thoại của mình biến mất. Lúc 14g16, ông gọi cho Camille bằng một điện thoại BlackBerry khác, và nói cô trở lại nhà hàng tìm. Lúc 14g28, cô nhắn tin cho bố là không tìm thấy.
Sau khi cô hầu phòng báo, giám đốc an ninh khách sạn John Sheehan đã đến Sofitel lúc 13g03. Có thể ông René-Georges Querry, chủ Tập đoàn Accor quản lý khách sạn Sofitel, đã gọi cho ông Sheehan. Ông Querry là đồng minh thân cận của Tổng thống Pháp Sarkozy. Trước khi vào Accor, ông này làm việc cho cảnh sát Pháp và là đồng nghiệp của ông Ange Mancini, hiện là chuyên gia tình báo cho ông Sarkozy. Lúc vụ việc xảy ra ở khách sạn Sofitel, ông Querry đang đi xem một trận đấu bóng đá tại sân Stade de France ở Paris, ngồi cùng khán đài với ông Sarkozy.
Người đàn ông bí mật đập tay ăn mừng
Theo video khách sạn, ở văn phòng an ninh tại tầng trệt khách sạn, nhân viên an ninh Brian Yearwood ngồi với những người hầu phòng khi cô Diallo trình bày vụ việc. Sau đó, người này cùng với một người đàn ông cao lớn, chưa rõ danh tính tới khu vực gần đó. Họ đập tay ăn mừng, vỗ tay và nhảy trong ba phút. Khách sạn Sofitel khẳng định đoạn phim chỉ có tám giây và không ai nhảy múa cả.
Khi ông DSK gần tới sân bay, vẫn muốn tìm lại điện thoại và chưa biết vụ việc ở Sofitel, ông đã gọi cho khách sạn từ taxi lúc 15g29 và hỏi xem có ai tìm thấy điện thoại không. Ông gọi lại 13 phút sau, nói chuyện với nhân viên với sự có mặt của một điều tra viên. Nhân viên nói dối là đã tìm thấy và hỏi ông mang đến đâu. Ông nói đang ở sân bay và sẽ bay lúc 16g26. Khách sạn nói sẽ mang đến và cảnh sát đã bắt ông từ sân bay.
Các đoạn video cho thấy lúc 12g26, ít phút sau vụ cưỡng hiếp, cô Diallo vào phòng 2820 gần phòng ông DSK. Không ai biết danh tính của vị khách tại phòng đó và khách sạn khẳng định đây là việc bí mật để đảm bảo sự riêng tư. Cô Diallo cũng giấu chi tiết này với lý do "không giải thích được". Đây là một phần của âm mưu?
Chiếc BlackBerry của ông DSK đã bị tắt lúc 12g51. Đến nay, không ai biết vì sao và ai đã làm điều đó, kể cả sau khi điều tra. Theo nhà báo Epstein, thông tin điện tử hồi đầu tháng 11-2011 cho thấy chiếc điện thoại chưa bao giờ ra khỏi khách sạn. Và vì nó biến mất nên không thể xác nhận được liệu nó có bị xâm nhập trái phép hay không.
Câu chuyện về DSK có thể chưa dừng lại ở đây. Nhà báo Epstein cho biết đang chờ các nguồn của mình cung cấp video này cho truyền hình Mỹ. Từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4-2012, có thể sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ khi nhiều thông tin bí mật được báo chí tiết lộ.
Theo Tuổi Trẻ
"Đồng euro có thể sụp đổ vào dịp Giáng sinh" Đó là dự báo của ông Jacques Attali, cựu Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Nhà kinh tế nổi tiếng này cho rằng cơ hội "sống sót" của đồng euro cho đến Giáng sinh là không quá 50/50. Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng trở nên trầm trọng...