Mỹ không định bỏ hiệp ước kiểm soát hạt nhân với Nga
Cố vấn Nhà Trắng khẳng định Mỹ không rút khỏi thỏa thuận kiểm soát đầu đạn hạt nhân New START sau khi từ bỏ Hiệp ước Bầu trời mở.
“Chúng tôi sẽ tiến hành đàm phán mang tính thiện chí với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân”, cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien hôm qua nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News khi được hỏi liệu Mỹ có rút khỏi Hiệp ước Giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START) hay không.
Tuyên bố được O’Brien đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ rút khỏi “Bầu trời mở”, hiệp ước giám sát không phận ký với 34 nước và có hiệu lực từ năm 2002, gây lo ngại nguy cơ suy yếu an ninh tại châu Âu.
Video đang HOT
Lính Mỹ bảo dưỡng tên lửa đạn đạo Minuteman III hồi năm 2018. Ảnh: USAF.
Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký năm 2010 và có hiệu lực đến tháng 2/2021, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
Hiệp ước này có thể được gia hạn thêm 5 năm nếu hai bên nhất trí. Nga đã đề xuất kéo dài hiệu lực hiệp ước ngay lập tức, trong khi Mỹ vẫn đang xem xét. Washington sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào với Moskva nếu từ bỏ New START.
Tổng thống Trump và các cố vấn cho rằng New START không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí rộng hơn. Nhiều nghị sĩ Mỹ và chuyên gia coi đề xuất này là biện pháp phá hủy New START và chấm dứt giới hạn kiểm soát kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, do Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng trên.
Nga được cho là đang sở hữu khoảng 6.500 đầu đạn hạt nhân, con số này của Mỹ là gần 6.200. Trong khi đó, Trung Quốc nắm giữ 300 đầu đạn các loại.
Năm có ý nghĩa 'sống còn' của hiệp ước New START
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.
Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của quân đội Mỹ. Ảnh: Sputnik
Vốn được thương lượng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, New START hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác. Hiệp ước sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021, song thỏa thuận này bao gồm khả năng gia hạn thêm 5 năm nữa sau thời điểm đó. Sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moskva. Nếu New START bị "khai tử", đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải nghiêm túc trong việc can dự vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga trong năm 2020.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố ông sẵn sàng gia hạn ngay lập tức New START mà không kèm theo điều kiện nào. Ông nhấn mạnh: "Không có New START thì sẽ không còn gì trên thế giới này để kiềm chế chạy đua vũ trang". Về phần mình, Tổng thống Trump từng nói rằng ông muốn một thỏa thuận ở cấp độ rộng lớn hơn vốn cũng bao gồm Trung Quốc, đem lại một chiến thắng lớn hơn cho hiệp ước này chứ không chỉ dừng lại ở việc gia hạn nó. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tiếp bác bỏ ý tưởng tham gia đàm phán về New START.
Nhấn mạnh mối quan ngại của Quốc hội Mỹ về tương lai của New START, gần đây đã có một số động thái về vấn đề này. Đơn cử như Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2020, vừa được Tổng thống Trump ký thành luật hôm 20/12, quy định chính quyền phải thông báo trước cho Quốc hội trong vòng 120 ngày nếu Mỹ có kế hoạch rút khỏi New START. Trong một bức thư hôm 16/12, các Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Todd Young và Chris Van Hollen đã yêu cầu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Joseph Maguire đánh giá việc Nga và Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào khi New START hết hạn. Nghị sĩ Young và Hollen cũng đưa ra một dự luật, trong đó kêu gọi gia hạn New START và yêu cầu ông Maguire phải báo cáo những hệ quả của việc cho phép hiệp ước hết hạn mà không có thỏa thuận gia hạn nào. Nghị sĩ Young nhận định ông coi 2020 là năm "sống còn" đối với New START, đồng thời cho rằng Chính quyền Tổng thống Trump cần nhanh chóng quyết định về vấn đề này.
Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai. Cho đến nay, triển vọng chính quyền Mỹ gia hạn hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng, dù phía Nga coi New START là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới".
Theo Phương Oanh (TTXVN)
Mỹ thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở Chính quyền Mỹ đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và có thể công bố ngay trong tuần này. Defense News hôm 21/5 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu thông báo về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cho 34 thành viên tham gia thỏa thuận...