Mỹ kêu gọi Trung, Nhật kiềm chế
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm nay kêu gọi những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ đang ngày một xấu đi giữa Nhật Bản và Trung Quốc, sau khi cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm nay. Ảnh: AFP
Phát biểu sau các cuộc gặp với giới chức Nhật Bản tại Tokyo hôm nay, ông Panetta kêu gọi các bên liên quan “bình tĩnh và kiềm chế” trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, vốn leo thang mạnh mẽ trong tuần qua và dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực ở Trung Quốc.
“Rõ ràng các cuộc biểu tình và đụng độ quanh vấn đề Senkaku khiến chúng ta đều lo ngại”, ông nhắc đến quần đảo do Nhật Bản quản lý. Nó được gọi là Điếu Ngư theo tiếng Trung.
“Việc cả hai bên sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết một cách tích cực vấn đề này là vô cùng quan trọng. Giải pháp cho tranh chấp phải dựa trên những quy tắc rõ ràng và luật pháp quốc tế”. Ông khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nhật Bản nằm trong lợi ích chung của tất cả mọi người.
Theo AFP, ông Panetta chiều qua có mặt ở Nhật Bản, bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Á-Thái Bình dương. Chuyến thăm diễn ra khi làn sóng biểu tình chống Nhật bùng phát trở lại một cách dữ dội tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, trong đó các cơ quan ngoại giao cũng trở thành mục tiêu của bạo lực.
Video đang HOT
Trước đó phát biểu trên máy bay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng những hành động thái quá quanh tranh chấp nhóm đảo ở biển Hoa Đông có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, “gây xung đột và cuộc xung đột này sau đó có thể tiếp tục mở rộng”.
Tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư bị đẩy lên cao trào khi tuần trước, Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc nhóm này. Tokyo đã sở hữu một đảo thứ tư và cho thuê đảo còn lại. Những hòn đảo không người sinh sống nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng và gần khu vực được cho là chứa nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị.
Ông Panetta khẳng định cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản dưới hình thức một hiệp ước quốc phòng song phương là không thay đổi. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ.
Trong chuyến công du châu Á dài một tuần, ông Panetta cũng sẽ dừng chân ở Bắc Kinh và Auckland, nhưng lịch trình ban đầu của ông không có tên Tokyo. Cuộc tranh chấp trên có khả năng đã khiến ông thay đổi hành trình, các nhà phân tích nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba, người có cuộc gặp với ông Panetta sáng nay, cũng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng.
“Những cuộc biểu tình chống Nhật đang lan rộng ở quy mô chưa từng thấy. Một vài trong số đó đã chuyển thành bạo loạn. Thật sự đáng tiếc khi kinh tế Nhật Bản phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề”, ông nói.
Các nguồn tin hôm nay cho hay các công ty Nhật Bản đang phải tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc sau khi các nhà máy bị người biểu tình đập phá. Ông Gemba cho biết sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc tiến hành các biện pháp thích hợp.
“Tôi hy vọng luật pháp và trật tự sẽ được tôn trọng”, ông nói và cam kết sẽ hợp tác với Mỹ để đảm bảo quan hệ Nhật-Trung “không bị tổn hại nghiêm trọng”.
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 342,9 tỷ USD năm 2011, theo số liệu chính thức từ phía Trung Quốc.
Theo VNE
'Tranh chấp lãnh thổ ở châu Á có thể thành chiến tranh'
Đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trước khi ông tới Nhật Bản để bắt đầu chuyến công du châu Á - Thái Bình dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: AFP
Phát biểu trước báo giới, ông Panetta kêu gọi sự kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới các tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
"Tôi quan ngại rằng khi các nước tiến hành các hoạt động khiêu khích theo cách này hay cách khác có liên quan tới những hòn đảo, nó sẽ làm tăng khả năng đánh giá sai lầm của bên này hay bên khác và có thể dẫn tới bạo lực cũng như xung đột",AFP dẫn lời ông Panetta nói. "Và xung đột đó tiềm ẩn khả năng lan rộng".
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Nhật diễn ra trùng với thời điểm quan hệ Tokyo - Bắc Kinh xấu đi, liên quan tới quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản, hay Điếu Ngư theo tiếng Trung Quốc. Quan hệ Trung - Nhật bắt đầu căng thẳng hồi tháng trước khi một nhóm người Hong Kong tới một trong các đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. Họ bị nhà chức trách Nhật bắt giữ nhưng được thả sau đó. Vài ngày sau, một nhóm người Nhật kéo quốc kỳ nước này trên chính hòn đảo nói trên, dẫn tới sự phản ứng từ Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông. Nó cách Naha, thành phố chính trong chuỗi đảo Okinawa của Nhật, khoảng 400 km và Đài Loan khoảng 200 km.
Panetta cho hay ông và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đều kêu gọi các nước liên quan tới những tranh chấp biển đảo cùng nỗ lực tìm kiếm những biện pháp để giải quyết hòa bình các vấn đề. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng dự đoán rằng sự cạnh tranh cạnh kinh tế sẽ dẫn tới nhiều căng thẳng hơn nữa trong tương lai, có liên quan tới những khu vực được cho là giàu tài nguyên tại khu vực châu Á - Thái Bình dương.
Chuyến công du của ông Panetta là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm thay đổi trọng tâm quân sự và ngoại giao của Mỹ tới châu Á, trong bối cảnh Trung Quốc ngày một thể hiện sự lớn mạnh. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ việc Lầu Năm Góc có đủ nguồn lực để thể hiện ảnh hưởng một cách có hiệu quả tại châu Á, đặc biệt khi Mỹ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng liên tiếp ở Trung Đông.
Theo VNE
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Trung Quốc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ lần đầu công du Trung Quốc vào tháng tới, khi hai bên đang bất đồng quanh cách thức Bắc Kinh giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Washington hồi tháng 5 năm nay....