Mỹ kêu gọi đồng minh “nghĩ kỹ” trước khi gia nhập ngân hàng Trung Quốc
Washington đã kêu gọi đồng minh suy nghĩ thật kỹ trước khi gia nhập ngân hàng do Trung Quốc dẫn đầu, sau khi Pháp, Đức và Ý ngày 17/3 tuyên bố muốn trở thành các thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Lễ ký kết thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). (Ảnh:Guardian)
Theo Guardian, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Tài chính nước này Michel Sapin hôm qua 17/3 đã thông báo Pháp quyết định tham gia vào ngân hàng AIIB. Cùng ngày, Đức và Ý cũng tuyên bố tham gia ngân hàng do Bắc Kinh đứng ra thành lập này.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hôm qua tuyên bố trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng cũng như Pháp và Ý, Đức “muốn mang kinh nghiệm lâu nay của mình nhằm giúp ngân hàng AIIB tạo dựng danh tiếng tốt. Chúng tôi muốn góp phần vào sự phát triển tích cực của kinh tế châu Á, một châu lục mà các công ty của Đức đang tích cực tham gia”.
AIIB sẽ có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD. Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và 20 quốc gia khác đã ký kết một bản ghi nhớ thành lập AIIB, đặt trụ sở tại Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, AIIB là một nhân tố quan trọng trong cuộc chạy đua quyền lực và ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thái Bình Dương. AIIB sẽ là một đối thủ đáng gờm của của Ngân hàng thế giới (WB), một định chế tài chính mà Mỹ có vai trò quan trọng. Bởi vậy, Mỹ cùng các đồng minh thân thiết ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đã từ chối tham gia vào AIIB.
Đến tuần trước, trong một động thái nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, London đã bất ngờ tuyên bố muốn tham gia ngân hàng này.Tính đến nay, 4 nền kinh tế lớn nhất châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý) đã thông báo về kế hoạch gia nhập định chế này chỉ trong vòng một tuần.
Trước thông tin các nước châu Âu quan tâm đến việc gia nhập ngân hàng do Bắc Kinh đứng đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh các quốc gia gia nhập AIIB để trở thành các thành viên sáng lập. Ngân hàng này là một tổ chức đầu tư đa phương mở và toàn diện và sự tham gia của các nước ngoài khu vực sẽ tăng cường tính đại diện rộng rãi của AIIB”.
Mỹ kêu gọi đồng minh suy nghĩ kỹ trước khi gia nhập AIIB
Video đang HOT
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi các đồng minh châu Âu “cân nhắc thật kỹ” trước khi ký tham gia AIIB. (Ảnh: AP)
Giống như từng phản ứng với quyết định của Anh, Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với động thái mới đây của 3 nước Đức, Pháp, Ý.
Báo chĩ Mỹ đưa tin, phát biểu trong phiên điều trần tại Quốc hội ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi các đồng minh châu Âu “cân nhắc thật kỹ” trước khi ký tham gia AIIB vì Washington lo ngại ngân hàng này “sẽ trở thành đối thủ” của các tổ chức tài chính truyền thống của thế giới hiện do Mỹ chi phối như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho hay Washington quan ngại rằng liệu ngân hàng mới do Trung Quốc đứng đầu này có tuân thủ các tiêu chuẩn cao mà các tổ chức tài chính quốc tế đã đặt ra hay không. Nhà Trắng ra thông báo tỏ ý thất vọng nhưng vẫn bày tỏ hy vọng Anh và các đồng minh châu Âu sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để “thúc đẩy AIIB theo đuổi các tiêu chuẩn cao.”
Về phần mình, các nước Âu tin tưởng rằng khi gia nhập AIIB, họ sẽ đảm bảo tốt hơn các tiêu chuẩn quản trị của ngân hàng này.
AFP dẫn một nguồn tin trong chính phủ Đức cho biết Berlin cũng muốn AIIB đạt các tiêu chuẩn cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác trong khu vực. “Chúng tôi đang hoạt động trên nguyên tắc làm những điều tốt nhất trong việc xây dựng các tiêu chuẩn của AIIB”, nguồn tin nói.
Thoa Phạm
Theo Dantri/AFP, Guardian
Mỹ nổi giận chuyện Anh tham gia ngân hàng Trung Quốc
Các nỗ lực của Mỹ nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á đã vấp phải một trở ngại sau khi Anh quyết định gia nhập một ngân hàng mới được Bắc Kinh hậu thuẫn, có thể cạnh tranh với Ngân hàng thế giới.
Quyết định của Anh nhằm gia nhập AIIB khiến Mỹ không hài lòng (Ảnh:Bloomberg)
Bộ trưởng tài chính George Osborne ngày 12/3 cho hay Anh đã đề nghị tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB). Nếu được chấp thuận, Anh sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên trở thành thành viên của ngân hàng này.
"Tham gia AIIB ngay từ đầu sẽ tạo cơ hội chưa từng có cho Anh và châu Á để đầu tư và cùng nhau phát triển", hãng tin AFP dẫn lời ông Osborne.
AIIB, với tổng số vốn 50 tỷ USD, đã được Bắc Kinh ca ngợi là một cách thức nhằm cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng khắp châu Á, và được xem là đối thủ tiềm tàng của các thể chế có trụ sở tại Mỹ như Ngân hàng thế giới.
AIIB là một nhân tố quan trọng trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đã từ chối tham gia. Nhưng trong một động thái nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, London đã bất ngờ tuyên bố muốn tham gia ngân hàng này.
Trung Quốc hoan nghênh, Mỹ lo ngại
Bắc Kinh hôm nay đã hoan nghênh tuyên bố của Anh về việc gia nhập AIIB.
"Chúng tôi hoan nghênh quyết định của phía Anh", người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu trước báo giới ngày 13/3.
Theo ông Hồng, "nếu mọi việc tiến triển tốt", Anh sẽ trở thành một thành viên thịnh vượng của ngân hàng vào cuối tháng này".
"Ngân hàng sẽ học hỏi các kinh nghiệm tốt từ các ngân hàng hiện nay nhưng đồng thời cũng có cách thức nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động", ông Hồng Lỗi nói.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bày tỏ sự hài lòng đối với quyết của Anh. TờFinancial Times đã dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng London đưa ra tuyết định mà "không hề tham vấn gì với Washington".
Còn hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Patrick Ventrell: "Chúng tôi tin rằng bất kỳ thể chế đa phương mới nào cũng phải tương đồng với các quy chuẩn cao của Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực".
"Dựa trên nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi có những lo ngại về việc liệu AIIB có đáp ứng các tiêu chuẩn này hay không, đặc biệt liên quan tới quản trị và các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội", ông Ventrell nói.
Thủ tướng Anh David Cameron đã mạnh mẽ tìm kiếm các thỏa thuận mới với Trung Quốc, gây ra sự chỉ trích rằng các mục tiêu kinh tế đã buộc London dịu bớt những chỉ trích đối với Bắc Kinh về các vấn đề chính trị và nhân quyền.
Đáp lại tuyên bố mới nhất của Anh, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim nói ông ủng hộ các mục tiêu của AIIB.
"Từ góc độ sự cần thiết của việc chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, chúng tôi hoan nghênh việc thành lập AIIB", ông Jim Yong Kim nói.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và 20 quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Campuchia, Philippines, Việt Nam, đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB, đặt trụ sở tại Bắc Kinh.
Nhưng Thủ tướng Úc Tony Abbott đã tỏ ra không mấy ủng hộ AIIB và nói rằng các hành động của ngân hàng cần phải minh bạch.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, người gặp ông Abbott bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh hồi năm ngoái, nhất trí rằng ngân hàng phải minh bạch, có trách nhiệm và thực sự đa phương.
"Đây cũng là những quy định mà Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hay bất kỳ thể chế quốc tế nào khác cũng cần phải tuân thủ", ông Obama nhấn mạnh.
An Bình
Theo Dantri
Nhà Trắng nhận được phong thư chứa độc chất xyanua Cơ quan Mật vụ Mỹ hôm qua 17/3 xác nhận Nhà Trắng nhận được một phong bì chứa xyanua, một chất độc màu trắng có thể gây chết người với liều lượng thấp. Bên ngoài phong bì này là địa chỉ của một kẻ đã từng nhiều lần gửi chất lạ đến Nhà Trắng. Nhà Trắng nhận được phong bì chứa độc chất...