Mỹ-Israel mâu thuẫn, cả Trung Đông đang hạt nhân hóa?
Khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran bước vào những giai đoạn cuối cùng, Washington bất ngờ công bố tài liệu chứng minh Israel có vũ khí nguyên tử
Mỹ – Israel tiếp tục bất đồng
Đầu tháng vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp nhận lời mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ và cảnh báo về “một khu vực Trung Đông hạt nhân hoá có thể mang tới những hệ quả đáng sợ cho loài người”.
Lời phát biểu này nhận được nhiều lời tán dương từ Đảng Cộng hoà, vốn thân Thủ tướng Netanhyahu, do đã nắm quyền kiểm soát của cả lưỡng viện Mỹ. Tổng thống Obama thì có phần ít hào hứng hơn và nói rằng bài phát biểu “không có gì mới”.
Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, bài phát biểu của ông Netanyahu diễn ra cùng thời điểm khi Lầu Năm Góc quyết định công bố tài liệu chứng minh rằng chính Israel đang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Từ xưa tới nay, cả Washington và Tel Aviv đều giữ bí mật tuyệt đối về chương trình hạt nhân của Israel đang theo đuổi để tránh một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực.
Tài liệu dài 386 trang có tiêu đề “Sự đánh giá công nghệ quan trọng ở Israel và các nước NATO”, được viết từ năm 1987, đã chỉ ra những thông tin chi tiết về chương trình hạt nhân mà Israel chưa bao giờ thừa nhận.
Video đang HOT
Một vụ thử hạt nhân của Mỹ
Tài liệu này cho biết Israel đang phát triển một loại công nghệ cho phép họ chế tạo bom hydro (hay còn gọi là bom nhiệt hạch) và nguy hiểm hơn nó nhận định rằng khả năng hạt nhân của Israel không khác gì Mỹ, cũng như gọi những phòng thí nghiệm của Israel ngang bằng những cơ sở của Mỹ tại Los Alamos, Lawrence Livermore và Oak Ridge. Những quả bom mà Israel chế tạo từ những năm 1980 thậm chí còn có sức công phá lớn hơn hàng ngàn lần so với bom nguyên tử.
Trên thực tế, một nhà báo Mỹ đã từng yêu cầu Lầu Năm Góc công bố tài liệu trên theo Đạo luật Tự do Thông tin vào 3 năm trước, tuy nhiên, cơ quan này phản ứng một cách chần chừ và chỉ chấp nhận yêu cầu khi một toà án ở Mỹ ép buộc phải thực hiện điều này.
Thời điểm nhạy cảm
Việc công bố tài liệu này đã khiến cho mối quan hệ giữa Israel và Mỹ xấu đi trông thấy, khi bản thân Washington đã đơn phương vi phạm “thỏa thuận im lặng” giữa hai bên. Chỉ có điều, thời điểm mà Mỹ công bố sự thật Israel có vũ khí hạt nhân trùng vào thời điểm cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran bắt đầu đi vào giai đoạn nước rút.
Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đang ở giai đoạn thử thách quan trọng, đến ngày 31/3 tới phải ký kết được thỏa thuận khung, mở đường cho 90 ngày đàm phán tiếp theo hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm khép lại cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài 12 năm qua.
Hiện Iran và Nhóm P5 1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đang tiến hành thương lượng “nước rút”, với vòng đàm phán mới vừa được nối lại tại thành phố Lausanne (Thụy sỹ) ngày 26/3.
Hai bên đã phải ấn định “thời hạn chót” lần thứ ba cho thỏa thuận cuối cùng, sau hai lần lỡ hẹn kể từ khi đạt được thỏa thuận sơ bộ ngày 24/11/2013.
Đàm phán hạt nhân Iran và P5 1
Cho đến nay, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề chủ chốt, nhất là về quy mô làm giàu urani của Iran và tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nhà đàm phán sẽ khó có thể tìm được các lý do chính đáng để ấn định thêm một thời hạn chót nữa.
Dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ và Iran, cũng sẽ khó lòng chấp nhận việc kéo dài vô hạn các vòng đàm phán vốn được tiến hành cấp tập từ 18 tháng qua. Điều này tạo ra sức ép rất lớn lên các nhà đàm phán khi kim đồng hồ nhích dần đến thời điểm ngày 31/3.
Bất chấp những tiến triển trong các cuộc đàm phán gần đây, con đường dẫn đến thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran vẫn còn đầy rẫy chướng ngại vật.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama hiện đang ở tình thế hết sức khó khăn trước những động thái quyết liệt của Quốc hội lưỡng viện do phe Cộng hòa kiểm soát nhằm ngăn cản việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Đồng thời, sự căng thẳng từ phía Israel cũng khiến cơ hội thành công của chính quyền Tổng thống Obama cũng vô cùng ít ỏi. Chỉ có điều, bản tài liệu mà Mỹ vừa công bố về vũ khí hạt nhân của Israel đã khiến chính quyền quốc gia này có phần nhường nhịn, xuống nước trước khi có thêm nhiều thông tin nữa được đưa ra.
Ả Rập Saudi mua tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-31 của Trung Quốc
Tuy nhiên, những gì mà Mỹ công bố cho thấy rằng những nước lớn ở Trung Đông dường như đều chuẩn bị cho mình một chiếc ô hạt nhân trong bí mật. Có thể thấy Israel đã có công nghệ vũ khí hạt nhân không thua kém gì Mỹ từ bản báo cáo trên. Iran có sẵn nhiên liệu và không thể biết được họ đã sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân, và công nghệ của họ đã đến đâu.
Và thậm chí, trước cả Iran, hay Israel, theo thông tin từ chuyên gia về vũ trang và phổ biến hạt nhân Emily B. Landau thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel thì Ả Rập Saudi mới là quốc gia sở hữu loại vũ khí này đầu tiên Trung Đông và duy trì, phát triển nó cho đến nay.
Ngoài ra, Ả Rập Saudi còn có mối quan hệ thân cận với Pakistan và họ hoàn toàn có thể mua vũ khí nguyên tử, hay đầu đạn hạt nhân từ quốc gia này.
Từ đó để thấy, cả Trung Đông vốn dĩ đã bất ổn về nạn khủng bố, Hồi giáo cực đoan, nhưng cũng càng thêm nguy hiểm khi nguy cơ vũ khí hạt nhân vẫn luôn ẩn dật như một bóng ma ở khu vực này.
Theo Đất Việt