Mỹ – Iran ‘ông nói gà, bà nói vịt’
Mỹ và Iran đã đưa ra những tín hiệu mâu thuẫn về tiến trình giải quyết xung đột giữa hai nước. Lãnh tụ tối cao Iran đe doạ tiếp tục vi phạm hiệp ước hạt nhân, trong khi Tổng thống Mỹ lại cho rằng đã có “rất nhiều tiến bộ”.
Ông Ayatollah Ali Khameinei, người có quyền lực cao nhất ở Iran, cáo buộc Anh, Đức, và Pháp thất bại trong việc thực hiện các trách nhiệm của họ trong hiệp ước JCPOA. Đó là trách nhiệm khôi phục khả năng tham gia giao thương quốc tế của Iran, đặc biệt là với việc xuất khẩu dầu thô đã bị chặn lại bởi các lệnh cấm vận từ Mỹ.
“Theo Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi, châu Âu đã đưa ra tổng cộng 11 cam kết, và họ đã không tuân thủ đúng theo bất kì cam kết nào. Chúng tôi đã tuân thủ các cam kết của chúng tôi và thậm chí là hơn thế nữa. Giờ đây khi chúng tôi bắt đầu giảm bớt các cam kết, thì họ lại phản đối. Mới xấc xược làm sao! Các người đâu có tuân thủ các cam kết của mình!”, ông Khamenei cho biết.
“Chúng tôi đã bắt đầu giảm bớt các cam kết và xu hướng này sẽ còn tiếp tục”, ông Khamanei nói trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Ông Khamanei phát biểu trong một cuộc gặp mặt giữa các giáo sĩ Iran hôm 16/7.
Trước đó, ông Khamanei đã vài lần lên án các cường quốc châu Âu vì đã không đứng lên phản đối ông Trump và không tìm cách lách qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông tuyên bố thẳng thắn về việc sẽ tiếp tục tăng cường các hành vi vi phạm hiệp ước hạt nhân, gạt phăng tất cả các lời kêu gọi của châu Âu đối với Iran trong việc khôi phục các giới hạn về làm giàu uranium, nhằm loại bỏ mọi cơ hội phát triển bom nguyên tử của Tehran.
“Thói xấu lớn nhất của các chính phủ phương Tây là tính kiêu ngạo của họ”, ông Khamanei nói. “Nếu đất nước đối đầu với họ là một đất nước yếu đuối, thì sự kiêu ngạo đó sẽ có tác dụng. Nhưng nếu đó là một đất nước hiểu họ và dám đứng lên chống lại họ, thì họ sẽ bị đánh bại”.
Video đang HOT
Trong các phát biểu của mình, ông Khamanei cũng khẳng định Iran sẽ phản pháo trước hành vi “cướp biển” của Anh sau vụ bắt giữ tàu dầu của Iran ở Gibraltar hồi đầu tháng 7. “Nước Anh xấu xa đã có hành vi cướp biển và ăn cắp tàu của chúng ta… và rồi thêu dệt lên các cơ sở pháp lý để làm như việc này là hợp pháp. Nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không để yên cho hành động độc ác này và sẽ phản hồi ở một thời gian và địa điểm phù hợp”, ông Khamenei cho biết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ lại cho biết Iran đã ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, trong một cuộc họp của Nội các Nhà Trắng. Cũng trong cùng cuộc họp đó, Tổng thống Donald Trump đã nói: “Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra. Nhưng rất nhiều tiến bộ đã được thực hiện”.
Ông Trump phát biểu trong một cuộc họp nội các hôm 16/7.
Nhiều khả năng ông Pompeo đang phản hồi trước một bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Iran, cho biết Tehran sẽ đồng ý thỏa luận về chương trình tên lửa của nước này sau khi Washington dừng cung cấp vũ khí cho các đồng minh như Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Ảrập Xêút.
Trong một chương trình tin tức của đài NBC, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã phát biểu rằng một khi chính quyền của ông Trump dỡ bỏ các lệnh cấm vận, thì “cửa dẫn đến bàn đàm phán sẽ rộng mở”. Khi được hỏi liệu đàm phán có bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo hay không, ông Zarif trả lời: “Nếu họ muốn nói chuyện về tên lửa của chúng tôi, thì đầu tiên họ cần dừng bán tất cả các loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa, đến khu vực của chúng tôi”.
Ông Pompeo nhiều khả năng đã dựa vào các bình luận này của ông Zarif để phán đoán rằng Iran đã sẵn sàng đàm phán về tên lửa đạn đạo, cho biết đây là kết quả của các áp lực kinh tế từ phía Mỹ. Tuy nhiên, đánh giá của Ngoại trưởng Mỹ đã ngay lập tức bị phát ngôn viên của Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc bác bỏ: “Tên lửa của Iran tuyệt đối không phải là thứ có thể đưa ra đàm phán, dưới bất cứ điều kiện nào, với bất kì ai và quốc gia nào, chấm hết”.
Nước Cộng hòa Hồi giáo đã liên tục từ chối ngồi vào bàn đàm phán khi đang ở dưới áp lực trừng phạt từ Washington. Nước này cũng đã luôn khẳng định rằng, tên lửa đạn đạo của họ là nhằm mục đích phòng thủ và không phải là đối tượng để đàm phán.
Bất chấp thái độ đanh thép từ phía Iran, phía Mỹ tỏ ra lạc quan hơn. Phát biểu trong cuộc họp nội các, ông Trump cũng thể hiện thái độ hòa giải, nói rằng Washington muốn giúp đỡ Tehran. “Chúng ta sẽ đối tốt với họ, chúng ta sẽ hợp tác với họ. Chúng ta sẽ giúp họ bằng mọi cách chúng ta có thể, nhưng họ không thể có vũ khí hạt nhân được. Chúng ta cũng không muốn thay đổi chế độ hay gì cả. Nhưng họ cũng không thể thử nghiệm tên lửa đạn đạo nữa”.
Anh Thư
Theo Vietnamnet
Tuyên bố Iran nhượng bộ phát triển tên lửa đạn đạo, Mỹ bị dội ngay "gáo nước lạnh"
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Iran có thể đang chuẩn bị tiến hành đàm phán về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, nhưng Tehran đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận.
RT đưa tin, trong phiên họp nội các ở Nhà Trắng hôm 16/7, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Tehran đã phát tín hiệu muốn tiến hành các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vị quan chức Mỹ không nói cụ thể thêm.
Tuyên bố Iran nhượng bộ phát triển tên lửa đạn đạo, Mỹ bị dội ngay "gáo nước lạnh".
Đáp lại tuyên bố của ông Pompeo, phát ngôn viên của Iran tại Liên Hợp Quốc Alireza Miryousefi nhấn mạnh, "chương trình phát triển tên lửa của Iran rõ ràng là không thể đưa ra đàm phán".
Cũng theo ông Miryousefi, những tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã thể hiện rõ quan điểm này.
Trước đó, chia sẻ trong bài phỏng vấn với NBC, ông Zarif cho biết Iran có thể cân nhắc đối thoại nhưng với điều kiện là Mỹ dừng bán tất cả vũ khí cho Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bởi đây là hai quốc gia đồng minh của Mỹ.
Song theo ông Miryousefi, lời bình luận của Ngoại trưởng Zarif không nên bị hiểu theo hướng Iran đề nghị đối thoại với Mỹ.
Căng thẳng Mỹ - Iran bùng phát kể từ hồi tháng 5/2018, thời điểm Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran ký kết với nhóm P5 1 gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức vào năm 2015. Thêm vào đó, Mỹ quay trở lại áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm ép Tehran ngồi vào bàn đàm phán để đi tới một thỏa thuận mới.
Còn trong những tuần gần đây, Iran tuyên bố nước này đã tăng tốc độ cũng như tăng mức độ làm giàu uranium vượt ngoài mức cho phép của JCPOA nhằm đáp trả Mỹ ngừng tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet
Iran: Anh đang 'sợ hãi' khi điều tàu khu trục đến vùng Vịnh hộ tống tàu chở dầu Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Vương quốc Anh đã tự khởi xướng sự bất an và đang sợ hãi đến mức phải điều tàu khu trục để hộ tống tàu chở dầu khi những tàu này di chuyển trong Vịnh Ba Tư. Tàu khu trục của Anh. (Nguồn: AFP). Phát biểu sau cuộc họp nội các hôm 10/7, Tổng thống Iran...