Mỹ-Iran lùi khỏi bờ vực chiến tranh nhưng khủng hoảng chưa kết thúc
Diễn biến kịch tích liên tục diễn ra trong 2 tuần qua ở Trung Đông khiến thế giới lo ngại, leo thang quân sự có thể châm ngòi cho một cuộc chiến quy mô lớn.
Đỉnh điểm căng thẳng là sự kiện ngày 7-1, Iran đã phóng hơn 10 tên lửa đạn đạo vào vị trí quân Mỹ ở Iraq để trả thù cho cái chết của viên tướng hàng đầu Iran bị máy bay không người lái của Mỹ hạ sát. Cả thế giới nín thở, nhưng rất may hai bên đã xuống thang. Tuy nhiên, sự đối đầu giữa Mỹ – Iran vẫn phức tạp và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Tổng thống Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng tại Phòng Tình huống theo dõi sự kiện Iran phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq
Ngay sau khi giết tướng Qasem Soleimani, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với cuộc tấn công trả đũa trực tiếp từ Iran. Vì thế, ngay sau khi nghe tin Iran bắn tên lửa sang căn cứ Mỹ ở Iraq, chiều 7-1, các quan chức hàng đầu Nhà Trắng đã được triệu tập khẩn cấp tới Phòng Tình huống.
Bất ngờ vì Iran chỉ “bắn dọa”
Trước đó, giới chức Mỹ đã được báo cáo về hàng loạt các mối đe dọa có thể xảy ra như tấn công bằng tên lửa, tấn công nhằm vào người Mỹ trên khắp Trung Đông, và cả kịch bản lực lượng dân quân thân Iran có thể tấn công vào căn cứ không quân al-Asad nằm ở sa mạc Tây Iraq.
Theo New York Times, vệ tinh tình báo của Mỹ đã phát hiện việc Iran di chuyển bệ phóng tên lửa. Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ dường như cũng đã can thiệp và nghe được thông điệp từ giới lãnh đạo quân sự Iran về vụ tấn công. Vào khoảng 17h30 (giờ Washington), Lầu Năm Góc ghi nhận 16 tên lửa tầm ngắn và tầm trung Fateh 110 và Shahab bay từ 3 địa điểm khác nhau ở Iran bắn về al-Asad. Một vài quả trúng căn cứ, tấn công vào trực thăng Black Hawk, một máy bay không người lái do thám và các bộ phận của một tháp không lưu.
Vài phút sau đó, một loạt tên lửa khác lao vào căn cứ không quân ở Erbil, bắc Iraq, nơi từng là trụ sở của chiến dịch chống IS của lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu. Có mặt trong Phòng Tình huống hôm đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien, quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Joseph Maguire và quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney. Ngoài ra, cuộc họp còn có Cố vấn Nhà Trắng Pat Cippolone và Thư ký báo chí Stephanie Grisham trong khi Giám đốc CIA Gina Haspel tham gia họp từ xa. Dĩ nhiên, Tổng thống Donald Trump là người chủ trì.
Theo CNN, mục tiêu đầu tiên là xác định liệu có người Mỹ nào thiệt mạng trong cuộc tấn công hay không. Tổng thống Trump từng ngỏ ý sẵn sàng tấn công các cơ sở của Iran nếu chỉ cần 1 người Mỹ bị thương. Thông tin ban đầu cho thấy không có trường hợp lực lượng Mỹ nào thiệt mạng.
Mặc dù một số quan chức đã chọn tấn công trả đũa Iran ngay vào tối hôm đó, nhưng mọi người nhất trí trì hoãn quyết định tấn công cho đến khi có thêm thông tin liên quan. Một bất ngờ là Iran chỉ bắn hơn chục quả tên lửa trong kho vũ khí hàng nghìn quả của mình. Số lượng nhỏ như vậy khiến cho các quan chức hàng đầu nước Mỹ dịu lại, bởi điều này trùng với nhận định của nhiều người là Iran chỉ muốn “dọa” chứ không phải giết người Mỹ.
Nút thắt được gỡ vào phút chót
Lúc 21h45 ngày 7-1, Tổng thống Trump phá tan im lặng về việc Iran tấn công Mỹ và viết trên Twitter: “Tất cả đều ổn! Tên lửa được phóng từ Iran vào 2 căn cứ quân sự ở Iraq. Đang đánh giá thương vong và thiệt hại. Chúng ta có quân đội mạnh nhất, trang bị tốt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới. Tôi sẽ đưa ra tuyên bố vào sáng mai”. Không nhiều người biết rằng, quãng thời gian từ tối 7-1 đến sáng 8-1 là khoảng thời gian mà Mỹ và Iran liên lạc với nhau sau khi gửi thông điệp bằng tên lửa. Iran liên lạc với chính quyền Mỹ thông qua ít nhất 3 kênh, bao gồm Thụy Sĩ và các quốc gia khác. Thông điệp từ Iran rất rõ ràng: Đây sẽ là phản ứng đáp trả duy nhất của họ. Giờ họ sẽ chờ xem Mỹ sẽ làm gì.
Đến khoảng 1h sáng 8-1, hiện trường xác nhận không có thương vong nào của Mỹ. Suốt một đêm không ngủ tại Nhà Trắng, đội ngũ an ninh quốc gia đưa ra các phương án phản ứng, bao gồm cả kế hoạch trừng phạt Iran. “Họ đã lùi lại, bây giờ chúng ta cũng lùi lại một chút” – một quan chức cao cấp nói. Cuối cùng, ông Donald Trump đưa ra quyết định cuối cùng rằng phản ứng của Mỹ sẽ là các biện pháp trừng phạt.
Ông Trump ngày 8-1 tuyên bố rằng Iran “dường như đã lùi bước” sau những ngày căng thẳng leo thang kể từ khi tướng Tehran Qassim Suleimani bị sát hại. Tổng thống Mỹ cho rằng, thiệt hại của cuộc tấn công là không nghiêm trọng vì “các biện pháp phòng ngừa được thực hiện, cũng như việc phân tán lực lượng và hệ thống cảnh báo sớm hoạt động tốt”. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, Iran dường như muốn kiềm chế trong việc lên kế hoạch tấn công đáp trả sau hàng loạt đe dọa cứng rắn. “Chúng tôi nhận được những thông tin tình báo đáng khích lệ rằng, Iran gửi thông điệp tới các lực lượng dân quân do họ hậu thuẫn yêu cầu không nhằm vào các mục tiêu người Mỹ và dân thường” – Phó Tổng thống Pence nói hôm 8-1 trong cuộc phỏng vấn với CBS News.
Căng thẳng Mỹ – Iran, “quả bom” nổ chậm
Lo ngại một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra ở Trung Đông đã được xoa dịu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kiềm chế không ra lệnh hành động quân sự nhiều hơn và Bộ trưởng Ngoại giao Iran nói rằng cuộc tấn công tên lửa đã kết thúc. Iran rút lui khỏi bờ vực chiến tranh nhưng những lời đe dọa mới cho thấy khủng hoảng chưa kết thúc.
Dù Mỹ và Iran đều trong tình trạng thù địch hàng chục năm qua nhưng tại sao quan hệ 2 nước lại căng thẳng nghiêm trọng ở thời điểm hiện tại? Gốc rễ của vấn đề nằm ở cuộc khủng hoảng kinh tế. Washington đã tái áp dụng lại toàn bộ các biện pháp trừng phạt kinh tế từng được nới lỏng sau thỏa thuận hạt nhân 2015 ký giữa Iran và các cường quốc trên thế giới. Biện pháp này đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Iran và buộc nước này giảm xuất khẩu dầu mỏ xuống tới mức kỷ lục.
Mỹ đang sử dụng chính sách gây sức ép tối đa về kinh tế với Iran bằng việc tước đi nguồn thu từ dầu mỏ vốn là huyết mạch của nền kinh tế Iran. Bất kỳ quốc gia, tập đoàn hay ngân hàng nào vi phạm các điều khoản cấm vận của Washington sẽ bị phong tỏa tài sản trên đất Mỹ hoặc mất khả năng chuyển tiền tới hoặc thông qua các tài khoản ở Mỹ. Cấm vận càng tiếp sức cho lạm phát và làm suy yếu sự ủng hộ trong nước dành cho chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ gần như bóp nghẹt Iran về kinh tế, thổi bùng biểu tình khắp đất nước để phản đối chính phủ Iran tăng giá nhiên liệu.
Ban đầu, Iran đã đáp trả dè dặt trước các động thái gây hấn của Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp khiến Iran bị dồn vào thế buộc phải hành động, trả đũa bằng cách tấn công các tàu dầu ở Vịnh Ba Tư, tuyên bố sẽ không ngồi yên khi bị Mỹ trừng phạt. Nước này cho biết đã vượt qua các giới hạn nêu trong thỏa thuận về mức độ làm giàu uranium và trữ lượng uranium làm giàu.
Ngày 10-1, Nhà Trắng công bố tiếp tục áp dụng lệnh cấm vận mới nhắm vào 8 quan chức cao cấp của Iran liên quan tới vụ bắn tên lửa cũng như các công ty trong lĩnh vực thép, may mặc và một loạt các lĩnh vực khác. Iran lại tiếp tục không có khoảng trống để xoay xở vì mắc kẹt giữa một bên là làn sóng biểu tình lan rộng trong nước và một bên là sức ép Mỹ, không biết chừng sẽ “tức nước vỡ bờ” để thoát khỏi tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Rõ ràng hành động của cả hai phía đều đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể làm cho xung đột bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo ANTD
Ám sát tướng Iran là lựa chọn cực đoan nhất đệ trình lên TT Trump
Trong khi giới chức Mỹ cho rằng ám sát tướng Soleimani sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, một số quan chức vẫn hoài nghi về lý lẽ cho vụ ám sát đầy chấn động này.
Trong những ngày hỗn loạn trước vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, quan chức quốc phòng Mỹ trình một loạt phương án quân sự lên Tổng thống Trump.
Phương án ám sát được đưa vào danh sách nhưng các quan chức coi đây là lựa chọn cực đoan nhất trong bối cảnh những vụ bạo lực gần đây ở Iraq (Mỹ cho là do Iran đạo diễn).
Họ không nghĩ rằng ông Trump sẽ chọn phương án đó. Trong các cuộc chiến kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, các quan chức Lầu Năm Góc thường đưa ra các lựa chọn rất cực đoan để các tổng thống lựa chọn những phương án khác hợp lý hơn.
Người Iran tập trung ở Tehran hôm 4/1 phản đối việc giết tướng Qassem Soleimani. Ảnh: AP.
Thông tin vụ tấn công của Iran không rõ ràng
Ban đầu, ông Trump bác phương án ám sát tướng Soleimani hôm 28/12 và ra lệnh không kích vào nhóm phiến quân Shiite do Iran hậu thuẫn.
Vài ngày sau, ông Trump đã tức giận khi thấy hình ảnh cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Tới cuối ngày 2/1 thì ông Trump đã chọn phương án cực đoan nhất, khiến các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc choáng váng.
Ông Trump ra quyết định này dù thông tin tình báo về các mối đe dọa đối với đại sứ quán, lãnh sự quán và quân nhân Mỹ ở Syria, Iraq, Lebanon vẫn còn gây tranh cãi (điều chứng tỏ thông tin mối đe dọa chưa thật sự chắc chắn).
Tướng Soleimani vừa hoàn thành chuyến thăm các lực lượng của mình ở Syria, Lebanon, Iraq, và đang lên kế hoạch tấn công có thể khiến hàng trăm người chết, các quan chức quốc phòng nói.
"Vài ngày nữa, hoặc vài tuần nữa", tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết vào ngày 3/1 khi được hỏi về thời điểm "sắp xảy ra" của cuộc tấn công. Ông không cung cấp thêm chi tiết nào ngoài việc nói rằng các thông tin về âm mưu tấn công này là rất "rõ ràng".
Tuy nhiên, một số quan chức bày tỏ hoài nghi về lý do ám sát tướng Soleimani, người chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ trong những năm qua. Theo một quan chức Mỹ, thông tin tình báo chỉ cho thấy "một ngày thứ hai bình thường - 30/12 - ở Trung Đông" và các di chuyển của ông Soleimani không có gì bất thường.
Quan chức này miêu tả thông tin tình báo còn mỏng và các trao đổi giữa lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei và tướng Soleimani mà Mỹ nghe lén được cho thấy ông Khamenei chưa phê chuẩn bất kỳ kế hoạch tấn công nào của ông Soleimani.
Ông Khamenei yêu cầu tướng Soleimani về Tehran để thảo luận thêm ít nhất một tuần trước khi ông bị ám sát.
Theo các quan chức Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó tổng thống Mike Pence là hai trong số những người diều hâu nhất trong đáp trả những hành động của Iran.
Tổng thống Trump phát biểu hôm 3/1 về cuộc không kích đã giết chết ông Soleimani tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở West Palm Beach, Florida. Ảnh: New York Times.
Những hậu quả nghiêm trọng của cuộc ám sát do ông Trump ra lệnh đang dần trở nên rõ ràng. Tại Iraq ngày 4/1, quân đội Mỹ đã ở trong tình trạng báo động khi hàng chục nghìn chiến binh thân Iran diễu hành qua đường phố Baghdad và kêu gọi đẩy quân Mỹ ra khỏi đất nước này.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đơn vị giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, cho biết đã có hai cuộc tấn công bằng tên lửa gần các căn cứ của quân đội Mỹ ở Iraq và không ai bị thương.
Ở Iran, lãnh tụ tối cao Iran đã thề sẽ trả thù "tàn khốc" cho cái chết của tướng Soleimani.
Các cơ quan gián điệp Mỹ hôm 4/1 phát hiện ra rằng các đơn vị tên lửa đạn đạo của Iran trên khắp đất nước đang ở trong trạng thái sẵn sàng cao độ, một quan chức nói với New York Times.
Các quan chức khác cho biết không rõ liệu Iran có đang phân tán các đơn vị tên lửa đạn đạo - lực lượng nòng cốt của quân đội Iran - để tránh cuộc tấn công của Mỹ hay đang huy động các đơn vị này cho một cuộc tấn công lớn để trả thù.
Tại Fort Bragg, North Carolina, khoảng 3.500 binh sĩ đang được điều tới khu vực Trung Đông. Đây là một trong những đợt triển khai lính lớn và nhanh nhất nhiều thập kỷ qua.
Các quan chức huy động khoảng 3.500 binh sĩ từ Fort Bragg, North Carolina, một trong những lần triển khai binh lính nhanh và nhiều nhất trong vài thập kỷ qua. Ảnh: New York Times
Món "đặc biệt" nhất trong "thực đơn"
Tướng Soleimani được coi là người quan trọng nhất ở Iran chỉ sau lãnh tụ tối cao Khamenei. Lần gần đây nhất Mỹ giết một nhà lãnh đạo quân sự cấp cao nước ngoài là trong Thế chiến II, khi quân đội Mỹ bắn hạ chiếc máy bay chở Đô đốc Isoroku Yamamoto của Nhật Bản.
Các quan chức cũng khẳng định họ không nghĩ Iran sẽ trả đũa "tàn khốc", một phần là do sự chia rẽ trong giới lãnh đạo Iran. Tuy nhiên, hai người tiền nhiệm của ông Trump - Tổng thống George W. Bush và Barack Obama - đã từ chối phương án ám sát tướng Soleimani vì đây là hành vi quá khiêu khích.
Tướng Soleimani đã ở trong tầm ngắm của ông Trump kể từ khi ông lên nắm quyền. Tuy vậy, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 27/12 vào căn cứ quân sự của Iraq bên ngoài Kirkuk khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng mới là thứ khiến ông Trump đưa ra quyết định ám sát ông Soleimani.
Tướng Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tới Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Palm Beach vào hôm 29/12, một ngày sau khi các quan chức đệ trình tổng thống danh sách các lựa chọn về phương án đối phó với các hành vi tấn công mục tiêu Mỹ ở Iraq.
Người biểu tình ngày 31/12/2019 tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: AP.
Các lựa chọn ông Trump nhận được bao gồm tấn công các tàu Iran hoặc các cơ sở tên lửa hoặc các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Lầu Năm Góc cũng đưa lựa chọn ám sát tướng Soleimani vào danh sách, chủ yếu để làm cho các lựa chọn khác có vẻ hợp lý.
Ông Trump đã chọn tấn công các nhóm dân quân. Vào ngày 29/12, Lầu Năm Góc thông báo rằng đã có các cuộc không kích tấn công ba địa điểm ở Iraq và hai địa điểm ở Syria do Kataib Hezbollah kiểm soát.
Ông Jonathan Hoffman, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết các mục tiêu bao gồm các kho vũ khí và các sở chỉ huy được sử dụng để bàn kế hoạch tấn công Mỹ và đồng minh. Khoảng hai chục dân quân đã thiệt mạng.
"Đây là những địa điểm xa xôi", tướng Milley nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc. "Không có thiệt hại ngoài dự kiến".
Tuy nhiên, người Iran không xem các cuộc tấn công này cân xứng với cuộc tấn công của họ vào căn cứ của Iraq. Phần lớn dân quân được Iran hậu thuẫn đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Ông Trump rất tức giận khi xem hình ảnh trên truyền hình về những người biểu tình ủng hộ Iran xông vào đại sứ quán. Theo các trợ lý, ông Trump lo lắng rằng Washington sẽ trông yếu ớt nếu không có phản ứng sau hàng loạt mối đe dọa nhắm vào Mỹ.
Khi ông Trump chọn phương án giết tướng Soleimani, các quan chức quân sự hàng đầu đã nao núng. Họ ngay lập tức nghĩ về viễn cảnh có các cuộc tấn công trả đũa của Iran vào quân đội Mỹ trong khu vực.
Không rõ liệu tướng Milley hay ông Esper có phản biện để tổng thống rút lại quyết định hay không.
Nhiều ngày tiếp theo, Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ tìm kiếm cơ hội ám sát tướng Soleimani. Ông Soleimani thường xuyên xuất hiện ở ngoài và được đối xử như người nổi tiếng tại nhiều nơi ông đến thăm ở Trung Đông.
Các quan chức quân sự và tình báo cho biết họ đã lấy thông tin từ những người cung cấp thông tin bí mật, nghe lén, máy bay trinh sát và các công cụ giám sát khác.
Mệnh lệnh cuối cùng phụ thuộc vào người sẽ chào đón tướng Soleimani khi ông đến Sân bay Quốc tế Baghdad vào ngày 3/1. Nếu các quan chức chính phủ Iraq liên minh Mỹ đón ông Soleimani, cuộc tấn công sẽ bị hủy bỏ, một quan chức nói.
Tuy nhiên, ông Soleimani được tiếp đón bởi các thành viên của Kataib Hezbollah, bao gồm cả thủ lĩnh của nhóm này, Abu Mahdi al-Muhandis. Ông Trump phê chuẩn vụ không kích vào khoảng 17h ngày 2/1, các quan chức cho biết.
Ngày 3/1, các tên lửa được bắn từ một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đã làm nổ tung đoàn xe của tướng Soleimani khi nó rời sân bay.
Con gái tướng Soleimani: 'Ai sẽ trả thù cho cha tôi?'
Trong cuộc gặp với người con gái duy nhất của tướng Soleimani, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói sẽ trả thù cho cái chết của tướng Soleimani bị Mỹ ám sát hôm 3/1.
Như Trần
Người biểu tình Iraq gây bạo loạn tại đại sứ quán Mỹ Người biểu tình tại thủ đô Baghdad đã cố gắng xông vào đại sứ quán Mỹ nhằm phản đối cuộc không kích của quân đội Mỹ nhắm vào một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Theo đó, đám đông biểu tình đã có ý định tràn vào bên trong đại sứ quán Mỹ bằng cách đập vỡ các cửa sổ...