Mỹ: Iran bổ sung các yêu cầu trong đàm phán hạt nhân
Đặc phái viên Mỹ về đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran Robert Malley ngày 5/7 cho biết Tehran đã bổ sung các yêu cầu trong cuộc đàm phán mới nhất về hạt nhân.
Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài phát thanh National Public, ông Malley nêu rõ: “Họ (Iran), kể cả (đàm phán) ở Doha, đã bổ sung thêm những yêu cầu không có liên quan tới thỏa thuận hạt nhân, những yêu cầu mà Tehran muốn trong quá khứ”. Ông Malley cho biết một số trong những yêu cầu này cả Mỹ và châu Âu cho rằng không thể đưa ra đàm phán.
Ngoài ra, phái viên này cho rằng Iran đã đạt được bước tiến “đáng báo động” trong chương trình làm giàu urani của nước này. Theo ông, Iran có đủ urani làm giàu cấp độ cao để có thể sản xuất bom hạt nhân và có thể làm như vậy “tính theo tuần”.
Trước đó, ngày 29/6, cuộc đàm phán gián tiếp mới nhất giữa Iran và Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã kết thúc tại Doha ( Qatar) mà “không đạt được tiến bộ nào” sau 2 ngày đàm phán.
Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào bế tắc từ tháng 3/2022 do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt. Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran.
Đàm phán Mỹ - Iran tại Doha không đạt kết quả
Ngày 29/6, hãng tin Tasnim (Iran) đưa tin các cuộc đàm phán gián tiếp giữa nước này và Mỹ tại thủ đô Doha của Qatar nhằm thu hẹp những khác biệt còn tồn tại gây cản trở nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 đã kết thúc mà không đạt kết quả.
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri (phải) tại cuộc gặp với điều phối viên của EU Enrique Mora ở Doha, Qatar, ngày 28/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc đàm phán đã bắt đầu từ ngày 28/6 tại Doha, trong đó đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora, đóng vai trò điều phối viên, trung gian giữa 2 bên. Đàm phán gián tiếp Mỹ - Iran được tổ chức nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã kéo dài 11 tháng qua giữa Tehran và các cường quốc hạt nhân tại thủ đô Vienna (Áo).
Hiện cả phía Tehran và Washington đều chưa đưa ra những bình luận chính thức về cuộc đàm phán ở Doha. Trong khi đó, Tasnim dẫn các nguồn thạo tin cho biết lý do khiến đàm phán không đạt kết quả là do phía Mỹ vẫn khăng khăng bảo vệ bản dự thảo đề xuất thỏa thuận tại Vienna, không bao gồm đảm bảo lợi ích kinh tế cho Iran.
Tiến trình đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran đã được khởi động sau khi nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân của các bên liên quan tại Vienna (Áo) bị đình trệ kể từ tháng 3 đến nay. Động thái này cũng diễn ra chỉ 2 tuần trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông kể từ khi nhậm chức.
Mỹ, Iran bắt đầu đàm phán hạt nhân tại Qatar Các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran và Mỹ ngày 28/6 đã bắt đầu tiến trình đàm phán gián tiếp ở Doha (Qatar) trong nỗ lực dỡ bỏ những rào cản nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Tehran với các cường quốc thế giới hồi năm 2015. Cuộc đàm phán diễn ra với sự trung gian...