Mỹ huấn luyện Philippines dùng phi cơ không người lái
Quân đội Mỹ vừa huấn luyện lính Philippines cách dùng các máy bay do thám, khi nước này đang tìm cách thúc đẩy quan hệ quân sự với Washington.
Lính Mỹ và Philippines hôm nay phóng một chiếc UAV từ một con thuyền ngoài khơi thành phố Cavite. Ảnh: AFP
Tại một căn cứ hải quân cách thủ đô Manila 13 km về phía tây nam, đội đặc nhiệm SEALS của hải quân Mỹ hôm nay huấn luyện lính Philippines cách dùng những chiếc máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ. Một chiếc được phóng đi từ con thuyền ở biển, bay quanh căn cứ và hạ cánh xuống nước.
Các cuộc tập trận hải quân là một phần của chiến dịch tập huấn quân sự thường niên giữa hai nước, nhưng chúng bị soi xét kỹ lưỡng hơn trong năm nay, do căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Jeremy Eden, sĩ quan hải quân Mỹ cho biết những chiếc máy bay này là phi cơ “Puma” loại nhỏ, chỉ dùng trong sứ mệnh do thám, không phải loại có trang bị vũ khí được dùng ở Afghanistan. “Người Philippines rất quan tâm và hào hứng học hỏi và nếu họ có được các thiết bị, họ sẽ sử dụng chúng hiệu quả”, Eden nói.
Các máy bay không người lái sẽ hữu ích đối với quân đội được trang bị nghèo nàn của Philippines, vốn phải đối mặt với cả nạn bạo loạn trong nước và những mối đe dọa tiềm ẩn từ bên ngoài, Jojit Fiscar, điều phối viên cấp cao của cuộc tập trận hải quân nói.
Giới chức quân sự cả hai nước nhấn mạnh cuộc tập trận không liên quan đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm nay tái khẳng định nước này đang tìm cách cho Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự và cho rằng đây là điều cần thiết để đối phó với những đe dọa của Trung Quốc.
Theo VNE
Trung Quốc âm thầm triển khai vũ khí mới
CH-4 của Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đang tăng cường mở rộng lực lượng phương tiện chiến đấu không người lái bằng một loại máy bay do thám có vũ trang giống hệt máy bay Predator của Mỹ và một máy bay chiến đấu không người lái mới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Châu Á đang leo thang vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, các quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động triển khai những chiếc máy bay không người lái ở các vùng biển tranh chấp. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa một loạt máy bay do thám và giám sát hàng hải không người lái đến vùng Đông Bắc Á gần Nhật Bản và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như khu vực bờ biển phía nam của Trung Quốc. Máy bay không người lái của Trung Quốc cũng đang được đưa đến khu vực Biển Đông - nơi Trung Quốc đang tìm cách độc chiếm bằng cách dọa nạt các nước trong khu vực, báo cáo của tình báo Mỹ viết như vậy.
"Các phương tiện không người lái trên không đang nổi lên là một thứ vũ khí quan trọng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trong việc thực hiện các chiến dịch tấn công tầm xa chính xác", ông Mark Stokes - một cựu quan chức tình báo quân sự Mỹ và hiện đang làm việc cho Viện Đề án 2049 cho biết.
Theo ông Mark, "mục tiêu chiến dịch chung của PLA dường như là giám sát các mục tiêu cố định và di động ra ngoài phạm vi 3.000km đường bờ biển của Trung Quốc".
Trong khi đó, Nhật Bản đang phát triển và mua sắm một loạt máy bay quân sự không người lái nhằm đối phó với cái mà họ coi là những hành động "hiếu chiến" của Trung Quốc cũng như năng lực quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh giành nhau quyết liệt một quần đảo ở biển Hoa Đông.
Sau khi máy bay Trung Quốc xâm nhập vào không phận Nhật Bản trên bầu trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà không bị phát hiện hồi năm ngoái, Tokyo đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng máy bay không người lái của mình. Những nỗ lực đó bao gồm việc bắt tay tự chế tạo một loại máy bay không người lái phát hiện tên lửa và mua những chiếc máy bay không người lái tối tân của Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, không giống như Bắc Kinh, Tokyo khẳng định, những chiếc máy bay do thám của họ sẽ không được vũ trang.
"Trung Quốc đã bắt đầu triển khai những chiếc máy bay không người lái để thực hiện hoạt động giám sát, do thám ở những khu vực tranh chấp như quần đảo Senkaku", một nguồn tin quân sự cho biết.
Những máy bay không người lái gây lo ngại của Trung Quốc
Tình báo Mỹ đặc biệt quan ngại về hai loại máy bay không người lái được trang bị tên lửa mới của Trung Quốc có tên là CH-4 và Yi Long. Hai loại máy bay này đã được trình làng cùng với 6 loại máy bay quân sự không người lái khác tại triển lãm vũ khí của Trung Quốc ở Zhuhai hồi tháng 11 năm ngoái.
Những bức hình của CH-4 và Yi Long cho thấy, dường như Trung Quốc đã sao chép thiết kế từ máy bay không người lái Predator nổi tiếng và thiện chiến hàng đầu của Mỹ. Predator đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống Al-Qaeda của Tổng thống Obama ở Pakistan và các nơi khác. Những bức ảnh của chiếc máy bay do thám CH-4 cũng tiết lộ, chiếc máy bay này được trang bị tên lửa chống tăng Blue Arrow-7, cùng kích cỡ với tên lửa Hellfire được triển khai trên máy bay Predator của Mỹ.
Đáng lo ngại hơn nữa là thông tin được cung cấp từ các bản báo cáo tình báo của Châu Á cho thấy, Trung Quốc đang tích cực chế tạo một phương tiện chiến đấu tàng hình không người lái lớn (UCAV). Thông tin này được tiết lộ gần đây trong một đoạn băng của quân đội Trung Quốc được tung lên mạng.
Loại máy bay chiến đấu không người lái mới của Trung Quốc gần giống hệt với chiếc máy bay X-47B hình cánh dơi đang được Không lực Mỹ phát triển và thử nghiệm. Mỹ mới đưa vào thử nghiệm X-47B trên tàu sân bay hồi tháng 12 năm ngoái.
UCAV của Trung Quốc được cho là có đủ tầm bắn với tới đảo Guam của Mỹ, tức khoảng 1.800 dặm từ bờ biển Trung Quốc.
Ngoài loại phương tiện chiến đấu tàng hình không người lái có kích cỡ lớn, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động chế tạo một mô hình máy bay chiến đấu không người lái khác để triển khai trên tàu sân bay mới của nước này. Chiếc máy bay mới có thể nặng từ 10 đến 14 tấn.
Chương trình máy bay không người lái của Trung Quốc được tin là đã thu lợi từ những chiến dịch tình báo mạng mạnh mẽ của nước này nhằm vào Mỹ. Các hackers Trung Quốc được cho là đã xâm nhập vào những mạng lưới của chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, từ đó đã lấy được những công nghệ máy bay không người lái quý giá.
Những hoạt động triển khai và phát triển phương tiện chiến đấu không người lái của Trung Quốc đang khiến Nhật Bản thực sự lo ngại. Để đối phó với Trung Quốc, Tokyo đang xúc tiến mua một loạt máy bay do thám tối tân tầm xa Global Hawk của Mỹ, đặt việc này là ưu tiên hàng đầu của mình.
Tokyo đang cố gắng có được 3 chiếc Global Hawks đầu tiên vào năm 2015 nhưng có thể sẽ đẩy sớm kế hoạch này lên để có thể đối phó với cái mà họ gọi là những hành động "hiếu chiến" của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hiện tại, quân đội Mỹ cũng đang triển khai Global Hawks ở Guam.
Theo vietbao