Mỹ hồi sinh siêu thiết giáp hạm đối phó Nga-Trung Quốc?
Thiết giáp hạm khổng lồ chạy bằng năng lượng hạt nhân, sở hữu trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất như pháo điện từ, súng laser, tên lửa hành trình có thể sẽ làm thay đổi cán cân quân sự thế giới trong tương lai.
Thiết giáp hạm lớp Iowa khai hỏa pháo hạm.
Theo National Interests, trong giai đoạn đầu của thế kỷ 20, thiết giáp hạm đã thể hiện sự thống trị trên biển nhờ khả năng khai hỏa từ cách xa hàng chục km nhưng lại rất khó bị đánh chìm.
Tiến sĩ Robert Farley thuộc Học viện Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson (Mỹ) nhận định, trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đang bắt đầu những dự án chế tạo các chiến hạm mới, Mỹ có thể sẽ phải có biện pháp đáp trả.
Nhược điểm của thiết giáp hạm
Thiết giáp hạm xuất hiện khi hải quân các cường quốc đòi hỏi một chiến hạm đủ lớn để hứng chịu loạt đạn pháo của đối phương, nhưng cũng được trang bị sức mạnh đáng kể để khai hỏa đáp trả.
Trong đội hình tác chiến trên biển, thiết giáp hạm cũng sẽ đóng vai trò phòng vệ cho các tàu chiến nhỏ hơn, thậm chí cả tàu sân bay.
Thiết giáp hạm hiện đại đầu tiên xuất hiện trong giai đoạn năm 1890, với chiến hạm lớp Sovereign có lượng giãn nước 15.000 tấn, trang bị hai khẩu pháo hạng nặng và giáp dày bằng thép.
Các cường quốc trên thế giới sau đó đã tự sản xuất thiết giáp hạm của riêng mình với chiến lược,mở rộng kích thước con tàu, đồng nghĩa với tăng khả năng sống sót và trang bị được pháo hạm mạnh mẽ hơn.
Nhưng khi thế giới bước vào kỷ nguyên của máy bay và tên lửa, kích thước không còn là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng sống sót cho tàu chiến.
Thiết giáp hạm từng là niềm tự hào của hải quân các cường quốc thế giới.
Thậm chí, những thiết giáp hạm khổng lồ, di chuyển nặng nề lại trở thành mồi ngon cho các máy bay thả ngư lôi. Các thiết giáp hạm mạnh mẽ nhất trong Thế chiến 2 cũng phải khuất phục trước đợt tấn công bởi máy bay và tàu ngầm.
Nhưng triết lý này vẫn đúng với tàu sân bay, mở rộng kích thước tàu sân bay đồng nghĩa với khả năng mang theo nhiều máy bay hơn, cải thiện đáng kể số lượng máy bay cất cánh đồng thời trên đường băng ngắn.
Đó là lý do Mỹ tiêu tốn hơn 17 tỷ USD để chế tạo lớp tàu sân bay khổng lồ USS Gerald R. Ford.
Trong khi đó, các tàu chiến hiện đại ngày nay chỉ có kích thước bằng một phần tư thiết giáp hạm trong Thế chiến 2.
Sau Thế chiến 2, các chuyên gia quân sự đã tranh luận về khả năng lớp giáp dày của thiết giáp hạm có thể chống được tên lửa hành trình. Về lý thuyết, tên lửa hành trình có sức xuyên phá còn kém hơn cả những khẩu pháo uy lực nhất, nhưng đổi lại là khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao nhất.
Nhưng thách thức lớn nhất với các thiết giáp hạm vẫn là đợt tấn công từ dưới nước. Ngư lôi vẫn là mối đe dọa mà ngay cả các chiến hạm bọc thép dày nhất vẫn có khả năng bị đánh chìm.
Làn sóng mới bắt đầu trong giai đoạn năm 1970, khi Liên Xô chế tạo tàu tuần dương hạng nặng lớp Kirov, phiên bản lai giữa thiết giáp hạm và tàu chiến thông thường.
Hải quân Mỹ đáp trả bằng việc nâng cấp 4 thiết giáp hạm lớp Iowa, giúp cho các tàu này có khả năng phóng tên lửa hành trình. Nhưng chúng cũng đã ngừng hoạt động kể từ năm 1992.
Sự trở lại của siêu thiết giáp hạm khổng lồ?
Video đang HOT
Thiết giáp hạm Iowa có khai hỏa đồng thời ở cả hai hướng.
Gần đây, cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ tham vọng đóng tàu chiến cỡ lớn. Nga muốn đóng chiến hạm mới thay thế Kirov. Một trong số các lựa chọn là chiến hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân có lượng giãn nước 25.000 tấn.
Trung Quốc cũng đang đóng mới siêu tàu khu trục lớn nhất thế giới, kích thước ít nhất tương đương tàu khu vực USS Zumwalt của Mỹ.
Để đối trọng với Nga-Trung, viễn cảnh hải quân Mỹ hồi sinh thiết giáp hạm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo tác giả Faley, chiến hạm cỡ lớn vẫn có những ưu điểm nhất định. Tàu chiến to lớn có thể mang theo số lượng tên lửa lớn hơn nhiều, phù hợp cả trong mục đích phòng thủ và tấn công.
Bước tiến mới trong công nghệ pháo hạm (những khẩu pháo 155mm điều khiển tự động trên tàu Zumwalt) giúp cho thiết giáp hạm thế hệ mới bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và chính xác hơn.
Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, siêu thiết giáp hạm mới của Mỹ sẽ được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại nhất như pháo điện từ, súng laser có thể chống tên lửa và máy bay đối phương.
Kích thước lớn đồng nghĩa với việc tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân lớn hơn, đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các vũ khí của tương lai này.
Tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ lắp đặt trên thiết giáp hạm lớp Iowa.
Bên cạnh đó, bước tiến trong công nghệ điện năng cũng giúp thiết giáp hạm có thể sống sót tốt hơn trong môi trường tác chiến hiện đại. Hệ thống cảm biến, máy bay không người lái, tên lửa đánh chặn sẽ đảm bảo khả năng chống đỡ của thiết giáp hạm trong thời đại mới.
Tác giả Faley phân tích, đây là lúc mà thiết giáp hạm sẵn sàng trở lại vai trò giống như giai đoạn trước Thế chiến 2. Đó là vừa có thể tung ra đòn tấn công mạnh mẽ, vừa tự bảo vệ được mình tốt hơn các tàu chiến nhỏ hơn.
Dựa trên kết quả của việc nâng cấp khả năng phòng thủ, chống tên lửa cho xe tăng chiến đấu chủ lực, ông Faley tin tưởng rằng, quân đội Mỹ có thể làm điều tương tự đối với thiết giáp hạm.
Sự xuất hiện của các chiến hạm khổng lồ, với khả năng tự phòng vệ trước mối đe dọa từ tên lửa hành trình, ngư lôi, tên lửa đạn đạo sẽ là giải pháp phù hợp nhất mà Mỹ phải đối mặt trước chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc.
Trong khi các tàu chiến cỡ nhỏ hoàn toàn có thể bị tê liệt nếu trúng một quả tên lửa, chiến hạm cỡ lớn sẽ tiếp tục chiến đấu cũng như sóng sót trở về, ông Faley nhấn mạnh.
Một dự án chế tạo siêu chiến hạm khổng lồ chắc chắn sẽ rất tốn kém, nhưng tác giả Faley kỳ vọng, thiết giáp hạm thế hệ mới sẽ chứng minh tính hiệu quả hơn các dự án tiêu tốn hàng tỷ USD của Mỹ nhưng gây thất vọng như chiến đấu cơ F-35 hay tàu sân bay lớp Ford.
Theo Danviet
5 thiết giáp hạm "khủng" nhất trong lịch sử thế giới
Thiết giáp hạm từng là biểu tượng hùng mạnh của hải quân các quốc gia trong thế kỷ 20 cho đến giai đoạn cuối Thế chiến 2.
Thiết giáp hạm xuất hiện nổi bật nhất trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Theo National Interest, thiết giáp hạm là những chiến hạm lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới. Ngoài lớp giáp giày, chúng còn được trang bị những khẩu pháo cỡ nòng lớn, tầm bắn xa hàng chục km. Một loạt đạn chính xác là đủ để đánh chìm bất cứ tàu chiến nào trong tầm ngắm.
Tuy nhiên dù mạnh mẽ đến mức nào thì thiết giáp hạm vẫn chỉ là một cỗ máy, cần đến sự vận hành của con người. Những thủy thủ và sĩ quan trên tàu mới là người đề ra chiến thuật, khai hỏa vũ khí để ghi dấu ấn thiết giáp hạm trong lịch sử.
Có thể nói, thiết giáp hạm là một phần không thể thiếu giúp làm nên lịch sử. Dưới đây là 5 thiết giáp hạm hùng mạnh nhất theo đánh giá của James Holmes, Giáo sư về chiến lược tại Học viện Hải chiến Mỹ.
Bismarck
Thiết giáp hạm Bismarck.
Thiết giáp hạm Bismarck là niềm kiêu hãnh của hải quân Đức trong Thế chiến 2. Chiến hạm này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn là chủ đề bàn luận cho đến ngày nay.
Được đánh giá là thiết giáp hạm mạnh mẽ nhất hoạt động ở Đại Tây Dương, Bismarck đánh chìm chiến hạm HMS Hood, tàu chiến mang tính biểu tượng của Hải quân Hoàng gia Anh, chỉ sau một loạt đạn.
Con tàu cho đến nay vẫn là chiến hạm lớn nhất từng phục vụ trong hải quân Đức. Bismarck có lượng giãn nước lớn hơn mọi tàu chiến của châu Âu, ngoại trừ HMS Vanguard, thiết giáp hạm cuối cùng được chế tạo trên thế giới.
Bismarck được trang bị hỏa lực mạnh mẽ gồm 8 khẩu pháo cỡ nòng 380 mm, 12 khẩu 150 mm cùng 16 pháo phòng không SK-C/33.
Năm 1939, Đô đốc hải quân phát xít Đức, Erich Raeder đã dự đoán rằng, hạm đội tàu chiến Đức không tránh khỏi số phận "chết trong danh dự", và Bismarck cũng không phải ngoại lệ.
Trong quá trình phục vụ vỏn vẹn 8 tháng và dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Ernst Lindemann, Bismarck tham gia chiến dịch duy nhất mang tên Rheinbung.
Sau khi đánh chìm tàu tuần dương hạng nặng HMS Hood, Bismarck đã bị hàng chục máy bay, tàu chiến Anh truy đuổi suốt nhiều ngày.
Ngày 27.5.1941, các tàu chiến Anh đã nã hàng trăm viên đạn cùng ngư lôi cho đến khi niềm kiêu hãnh của hải quân Đức chìm xuống biển, kéo theo hàng nghìn thủy thủ.
Yamato
Thiết giáp hạm Yamato trong một lần chạy thử nghiệm.
Thiết giáp hạm Yamato là tàu chiến lớn nhất từng phục vụ trong hải quân Nhật Bản. Yamato được hạ thủy vào ngày 8.8.1940. Tàu có lượng giãn nước lớn hơn bất kỳ thiết giáp hạm nào khác trong lịch sử.
Thiết kế của Yamato thiên về sức mạnh tấn công và phòng thủ thay vì tốc độ. Thiết giáp hạm Nhật Bản được trang bị 9 khẩu pháo lớn, cỡ nòng lên đến 460 mm, tầm bắn tối đa 46km. Cho đến năm 1944, Yamato còn sở hữu 6 khẩu pháo 155mm, 24 khẩu 127mm và 162 súng phòng không 25mm.
Con tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa 50 km/giờ, thấp hơn so với các thiết giáp hạm Mỹ. Giống như Bismarck, Yamato được ghi nhớ bởi quãng thời gian tồn tại khá ngắn.
Trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử năm 1944, Yamato nằm trong hạm đội Nhật Bản chống lại đợt tấn công quy mô của hải quân Mỹ ở vịnh Leyte. Đây cũng là lần duy nhất con tàu có cơ hội giao chiến với tàu nổi của đối phương. Yamato bắn trúng một tàu sân bay hộ tống, một tàu khu trục và một tàu khu trục hộ tống của Mỹ.
Trong khi giao chiến trên biển Sibuyan, Yamato trúng 3 quả bom xuyên thép từ máy bay của tàu sân bay Essex của Hải quân Mỹ. Con tàu buộc phải rút chạy trước sự truy đuổi từ các máy bay phóng ngư lôi.
Ngày 7.4.1945, thủy thủ trên tàu Yamato nhận nhiệm vụ tự sát, khi hành quân ra khơi mà không có các máy bay yểm trợ. Kết quả là siêu thiết giáp hạm Nhật hứng chịu đợt tấn công của 280 máy bay Mỹ.
Con tàu trúng 10 quả ngư lôi, 7 quả bom khiến cho hầm đạn phát nổ. Đám khói bốc lên từ vụ nổ cao đến 6,4 km. Thiết giáp hạm đáng sợ nhất thế giới vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.
Missouri
Thiết giáp hạm Missouri là chiến hạm chủ lực của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2.
USS Missouri là chiến hạm thuộc lớp Iowa của hải quân Mỹ và cũng là thiết giáp hạm cuối cùng mà Mỹ chế tạo.
Con tàu tham gia pháo kích yểm trợ trong nhiều chiến dịch đổ bộ của Mỹ ở Thái Bình Dương trong Thế chiến 2.
Với hệ thống hỏa lực mạnh mẽ, con tàu từng được coi là pháo đài trên biển. chiến hạm Missouri gồm 9 pháo hạng nặng cỡ nòng 406 mm, 20 pháo hạm 127 mm, 80 khẩu pháo phòng không 40 mm, 49 pháo phòng không 20 mm.
USS Missouri là thiết giáp hạm chủ lực của Hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Con tàu tham gia các trận đánh Iwo Jima và Okinawa tại mặt trận Thái Bình Dương, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và cuộc chiến vùng Vịnh.
Con tàu được ghi nhớ chủ yếu vì mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là chiến đấu. Thiết giáp hạm lớp Iowa là nơi Đế quốc Nhật ký văn kiện đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện.
Sau Thế chiến 2, con tàu tiếp tục đóng vai trò sứ giả ngoại giao. Hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian dài, USS Missouri là lời cảnh báo mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Harry Truman với Liên Xô. Con tàu ngừng hoạt động vào ngày 31.3.1992.
Mikasa
Trải qua nhiều lần phục chế, Mikasa trở thành bảo tàng nổi ở Yokohama, Nhật Bản.
Mikasa là thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật được chế tạo tại Anh vào đầu thế kỷ 20. Nó từng tham gia các trận chiến Hoàng Hải ngày 10.8.1904 và trận Tsushima ngày 27.5.1905 trong chiến tranh Nga-Nhật. Tên của nó được đặt theo núi Mikasa tại Nara, Nhật Bản. Mikasa có trọng tải 15,140 tấn, chiều dài 131,67 mét, rộng 23,23 mét. Con tàu được coi là chiến hạm tốt nhất trong những thập niên cuối của thế kỷ 19, nhờ sự cân bằng giữa hỏa lực, tốc độ và khả năng phòng vệ.
Các khẩu pháo chính được bố trí thành nhóm tháp pháo bọc thép ở vị trí trung tâm, cho phép phần còn lại của con tàu được bảo vệ bằng những tấm thép giáp Krupp hạng nặng.
Nhờ thiết kế này, Mikasa đã chịu được một lượng lớn phát bắn trúng trực tiếp. Tháng 9.1905, con tàu bị chìm bởi một đám cháy và vụ nổ hầm đạn. Sự cố cướp đi sinh mạng của 339 thủy thủ, gấp ba lần số người hy sinh trong chiến đấu.
Một năm sau, con tàu được trục vớt và sửa chữa nhưng không tham gia thêm một trận chiến nào nữa. Mikasa ngày nay đã trở thành bảo tàng nổi, phục vụ khách du lịch.
Victory
HMS Victory là chiến hạm cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay.
HMS Victory là tàu chiến được trang bị 104 khẩu pháo của Hải quân Hoàng gia Anh, hạ thủy từ thế kỷ 18.
HMS Victory nổi tiếng trong trong trận đại chiến chống hạm đội Pháp-Tây Ban Nha ở ngoài khơi Trafalgar năm 1805 dưới sự chỉ huy của Đô đốc Nelson.
Con tàu từng chinh chiến trong 3 thập kỷ và trải qua nhiều cuộc chiến như cách mạng Pháp, các trận đánh của Napoleon. Năm 1922, Hải quân Hoàng gia Anh chuyển HMS Victory tới một bến tàu ở Portsmouth, đóng vai trò như một bảo tàng.
HMS Victory là tàu hải quân cổ nhất thế giới còn tồn tại. Đáng chú ý, con tàu vẫn nằm trong biên chế Hải quân Hoàng gia Anh.
Các thủy thủ và sĩ quan không làm việc trên tàu mà được giao công việc khác, trong khi vẫn được ghi nhận là thành viên của HMS Victory. Con tàu thu hút khoảng 350.000 khách du lịch đến tham quan mỗi năm.
Theo Danviet
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại 12 tàu sân bay, hàng trăm tàu chiến, 2.200 máy bay đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử chiến tranh hiện đại giữa hải quân Mỹ và hải quân Đế quốc Nhật Bản ở vịnh Leyte, Philippines. Ảnh minh họa. Chiến tranh Thế giới lần hai là cuộc chiến rộng khắp và thảm khốc nhất trong lịch sử...