Mỹ hoàn tất điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử
Báo cáo mật về kết quả điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ đã hoàn tất và dự kiến sẽ được trình lên Tổng thống Barack Obama vào hôm nay 5/1, hãng tin ABC News cho biết.
Các cơ quan tình báo của Mỹ sẽ cung cấp cho Tổng thống Barack Obama kết quả điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử vào hôm nay. (Ảnh minh họa: Reuters)
ABC News dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, kết quả điều tra nghi vấn Nga can thiệp các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 2008 đã được hoàn tất theo chỉ thị của Tổng thống Obama. Kết quả sẽ được đại diện các cơ quan liên quan gồm Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia, Cơ quan an ninh quốc gia, Cục điều tra liên bang (FBI) và Cục tình báo trung ương (CIA) báo cáo lên Tổng thống Obama vào hôm nay 5/1 và cung cấp cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày mai 6/1.
Giới chức thạo tin cho biết, các thông tin mật này sẽ chưa được công bố rộng rãi cho đến ngày 9/1 tới nghĩa là khi Quốc hội được cung cấp các tài liệu tương tự.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Trump nói rằng, ông đã bị hoãn cung cấp báo cáo về thông tin về các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.
“Buổi họp do cơ quan tình báo tiến hành nhằm cung cấp thông tin về cái gọi là “tin tặc Nga tấn công” đã bị dời sang ngày 6/1, có lẽ họ cần thêm thời gian để tạo dựng một câu chuyện. Rất kỳ lạ”, Tổng thống đắc cử Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 3/1.
Tuy nhiên, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đã lập tức phủ nhận những ngờ vực của ông Trump. Theo lời quan chức này, cuộc họp với sự tham gia của Cơ quan an ninh Quốc gia (NSA), Cục tình báo Trung ương (CIA), Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) và Cục điều tra Liên bang (FBI) đã được lên kế hoạch từ trước là sẽ diễn ra vào ngày 6/1 chứ không phải bị trì hoãn như ông Trump nói.
Kết quả điều tra có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Tổng thống đắc cử Trump với đảng Dân chủ cũng như cộng đồng tình báo liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Về phần mình, ông Trump hồi tuần trước tuyên bố ông “biết rất nhiều thứ mà người khác không biết” về cáo buộc Nga tấn công mạng nhằm chi phối bầu cử tổng thống Mỹ, và hứa hẹn sẽ tiết lộ trong tuần này. Trong khi đó, theo Thời báo Phố Wall, ông Trump đang thảo luận với các cố vấn về việc tái cơ cấu Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ.
Minh Phương
Theo ABC News, WSJ
Video đang HOT
IS tiếp tục bành trướng: Những liên minh nguy hiểm
Hiện nay, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bành trướng nhanh nhờ hoạt động giống cơ quan tình báo, đồng thời dùng sự tàn bạo và khát máu để thị uy sức mạnh.
Đơn vị tình báo IS, được biết đến với biệt danh là Emni, quy tụ hàng loạt tay súng ngoại quốc, có nhiệm vụ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn tài chính đang cạn dần do bị triệt phá các đường dây khai thác và buôn lậu dầu cũng như đã bóc lột cạn kiệt những thành phố chiếm đóng, IS được cho là đã bắt tay với mafia để tiến hành những phi vụ làm ăn bất chính. Mối liên hệ giữa các băng đảng mafia tại châu Âu và phần tử IS ngày một lộ rõ, thông qua những thương vụ buôn bán vũ khí hay làm giấy tờ giả bị phát giác.
Mạng lưới nguy hiểm
Những tiết lộ mới đây cho thấy IS vừa giống một cơ quan tình báo, vừa như một tổ chức mafia. Từ cuối năm 2012, trong khi IS vẫn còn vô danh thì những kẻ cầm đầu đã lập kế hoạch xây dựng một lực lượng đủ sức chiếm cả Syria để làm bàn đạp tấn công Iraq với nhiều điểm giống các cơ quan tình báo quốc gia.
Theo đó, IS tuyển dụng những kẻ cực đoan thông qua các trung tâm Hồi giáo. Các thủ lĩnh IS lựa chọn một số nhân vật đáng tin cậy để do thám các làng, bộ tộc ở Syria nhằm moi thông tin. IS còn lập mưu đưa một số "chiến hữu" đáng tin cậy nhất đến các thị trấn ở Syria, quyến rũ con gái của các gia đình có ảnh hưởng lớn, kết hôn với họ để lặng lẽ "xâm nhập" vào các gia đình.
IS đặc biệt nhấn mạnh các hoạt động kiểu tình báo và mafia như theo dõi, do thám, bắt cóc, thậm chí giết người khi cần thiết. Với mỗi một hội đồng ở các tỉnh thành tại Syria, IS chỉ định một tư lệnh chỉ huy các hoạt động bắt cóc, giết người hay thông tin liên lạc. Thậm chí, IS còn dựng lên những tư lệnh "cha" để quản lý các tư lệnh "con" cấp dưới. Mỗi tỉnh có một cơ quan tình báo để thu thập thông tin từ các tư lệnh.
Khi tài chính có dấu hiệu cạn kiệt, IS đang dần móc nối với mafia giàu có để tiếp tục tồn tại như tập đoàn khét tiếng 'Ndrangheta.
Các văn phòng của IS mọc lên như nấm ở miền bắc Syria từ đầu năm 2013, nhưng ngụy trang giống hệt các cơ sở truyền đạo thông thường. IS cũng không đưa lực lượng nòng cốt từ Iraq tới Syria, và cũng không tuyển mộ nhiều người Syria, mà chọn những kẻ cực đoan nước ngoài tới Syria từ năm 2012.
IS mang danh "thánh chiến Hồi giáo", khởi đầu hết sức bí mật đến mức hầu như chẳng ai biết. Cuối năm 2012, IS dựng lên nhiều trại quân sự ở Syria, hoạt động cực kỳ nghiêm ngặt và phần lớn thành viên đều là người nước ngoài không giao tiếp với bên ngoài.
Đến giữa năm 2013, IS đã tuyển mộ tới 2.650 tay súng nước ngoài ở tỉnh Aleppo. Sau đó, IS mở chiến dịch chiếm Raqqa. Lãnh đạo các gia tộc lớn tại Syria bắt đầu tuyên thệ trung thành với IS. Và IS mở rộng địa bàn với tốc độ chóng mặt. Cho đến khi đơn vị tình báo Emni chính thức được thành lập, hoạt động chống phá của IS càng trở nên chuyên nghiệp và tinh vi hơn.
Theo một số báo cáo, Emni đã cử nhiều nhóm nhỏ phiến quân mang quốc tịch bản địa tới Đức, Tây Ban Nha, Áo, Malaysia hay Indonesia để chờ thời cơ tấn công. Các thành viên Emni cũng được cho là đứng sau vụ tấn công ở Paris tháng 11-2015 và thảm sát tại Bỉ hồi tháng 3-2016.
Cách thức Emni tuyển mộ và bố trí thành viên thực hiện các cuộc khủng bố ở nước ngoài cũng không hề đơn giản. Kẻ lên kịch bản cho tất cả những vụ tấn công trên chỉ là một người, hoặc nhóm người ẩn danh. Những kẻ được IS tuyển dụng sẽ gặp các nhân vật này chỉ khi hoàn thành 10 cấp độ huấn luyện và phải nhắm mắt tuyên thệ trung thành. Do vậy, thậm chí những tay súng hàng đầu phục vụ cho IS cũng không biết hình ảnh ngoài đời của nhóm người trên như thế nào.
IS liên tục tẩy não và tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến lệch lạc, kêu gọi các phần tử cảm tình với IS - những "con sói đơn độc" - thực hiện những vụ tấn công trong lòng phương Tây. Chưa hết, các tài liệu mới được công bố gần đây cho biết, cuộc chiến bước sang một chương mới sau khi IS nỗ lực biến những thiết bị thương mại rẻ tiền thành "bom bay".
Các lực lượng vũ trang người Kurd chống IS tại miền bắc Iraq đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái có kích thước cỡ một mô hình máy bay thu nhỏ. Họ cho rằng đây là một trong hàng chục thiết bị trinh sát được tổ chức khủng bố tung ra nhằm theo dõi nhất cử nhất động của địch thủ tại khu vực, và cũng là lần đầu tiên IS dùng thiết bị bay nhồi chất nổ tiêu diệt thành công lực lượng đối địch trên chiến trường.
Dạo gần đây IS đã bắt đầu tung thiết bị bay cỡ nhỏ trên chiến trường, nhưng các vụ tấn công kiểu mới nhằm vào binh sĩ Iraq cho thấy tổ chức này đã thành công trong việc áp dụng công nghệ phổ biến thành vũ khí hủy diệt. Không giống như quân đội Mỹ chuyên dùng các máy bay không người lái cỡ dòng phi cơ thương mại, có nghĩa là cần đường băng cất và hạ cánh, IS sử dụng phiên bản đơn giản hơn và dễ mua bán.
IS hoạt động kiểu tình báo và mafia như theo dõi, do thám, bắt cóc, thậm chí giết người khi cần thiết, vươn vòi bạch tuộc đến từng ngóc ngách của thế giới.
Sau khi mua, IS cài các thiết bị nổ tự tạo vào máy bay, biến chúng thành "bom bay" kích nổ từ xa. Các cố vấn Mỹ nhận định rằng, bước kế tiếp IS sẽ sử dụng những thiết bị bay không người lái để tấn công liên quân trong trận chiến giằng co tại thành phố Mosul.
Trong tương lai gần, những dòng thiết bị bay được cải tiến của IS có thể chứa khối lượng chất nổ lớn hơn, bay xa hơn và lâu hơn xung quanh các mục tiêu, khiến các đòn tấn công của IS thêm uy lực và nghiêm trọng hơn.
Bắt tay mafia
Theo cơ quan điều tra, từ lâu đã tồn tại mối liên hệ giữa những kẻ khủng bố và mafia. Trong một bức điện, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) viết: "Mối quan hệ giữa các nhóm tội phạm có tổ chức tại Italy với các nhóm Hồi giáo cực đoan giúp những phần tử khủng bố tiềm tàng có thể tiếp cận với nguồn tiền, hậu cần từ các tổ chức tội phạm đã tạo dựng được tuyến đường buôn lậu, cũng như sự hiện diện tại Mỹ". Trên thực tế, những vụ đưa các phần tử thánh chiến đến khắp châu Âu rất khó bị trấn áp.
Kể từ sau các vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo ở Paris tháng 1-2015, các cơ quan chống khủng bố và chống mafia Italy đã lần ra những mối quan hệ lâu dài giữa một số chiến binh IS và băng đảng Camorra tại Naples.
Họ cũng phát hiện mối liên hệ giữa IS với nhóm Cosa Nostra ở Sicilia và băng nhóm 'Ndrangheta ở Calabria, sau khi lần theo những vũ khí được tuồn lậu từ các nước Nam Tư cũ, cùng một số quốc gia châu Phi tới các cảng của Naples một cách dễ dàng.
Ở vào giai đoạn tài chính có dấu hiệu cạn kiệt, IS đang dần móc nối với những "thế lực ngầm" giàu có để tiếp tục tồn tại. Tập đoàn mafia khét tiếng 'Ndrangheta tổ chức đường dây buôn lậu xuyên biên giới vô cùng phức tạp có sự dính líu của IS. Cụ thể, 'Ndrangheta bắt tay với Camorra thu mua súng trường và súng phóng lựu vác vai được mafia Nga tuồn khỏi Ukraine và Moldova.
Sau đó, số vũ khí này trở thành hàng hóa trao đổi với các bức tượng và cổ vật quý hiếm mà các tay súng IS chiếm giữ tại Libya, Syria và Iraq. Tuy không hoành hành dữ dội như ở Syria và Iraq nhưng IS lại chiếm được một khu vực có vị trí chiến lược ở Libya là Sirte. Nơi này vừa là cứ điểm của các lực lượng chống chính quyền mới của Libya sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vừa là hải cảng quan trọng hướng ra Địa Trung Hải.
Vì thế, cảng Sirte đã bị biến thành điểm chuyển hàng giữa IS và tội phạm châu Âu. IS chất hàng lên tàu ngụy trang bằng cách treo cờ Trung Quốc và xuất phát từ cảng Sirte đến cảng Gioia Tauro tại Calabria.
IS dùng thiết bị bay nhồi chất nổ tiêu diệt thành công lực lượng đối địch trên chiến trường.
Từ điểm tập kết này, những báu vật vô giá của nhân loại được rao bán cho các đại gia Nga, Trung Quốc và vùng Vịnh. Đổi lại, những con tàu chở đầy vũ khí lại từ Calabria về Sirte.
Thật ra, giới chức Italy từ lâu đã cáo buộc tội phạm nước này nhúng tay vào việc mua bán vũ khí với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Đến khi IS trỗi dậy thì tình trạng này lại càng nghiêm trọng hơn. Nhà nước Hồi giáo tự xưng một mặt điên cuồng phá hủy những bức tượng, phù điêu bị cho là "ngoại đạo", một mặt ra sức cướp bóc tuồn ra nước ngoài để kiếm tiền và vũ khí hiện đại.
Hiện đang có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa IS và các nhóm tội phạm châu Âu để đổi cổ vật hoặc ma túy để lấy vũ khí. Giới điều tra tuyên bố, họ đã triệt phá nhiều âm mưu và quan hệ cấu kết giữa các phần tử khủng bố và những tên tội phạm xã hội đen. Tuy nhiên, chính họ vẫn phải thừa nhận đã để lọt lưới khá nhiều, và chưa thể tìm được phương cách hiệu quả "cắt đứt" liên kết IS - mafia...
Theo Minh Thy
An ninh thế giới
Tình báo Khủng bố, cuộc chiến trong vòng "luẩn quẩn" Cuộc chiến giữa tình báo với khủng bố hay cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Tình báo cứ mạnh lên để tiêu diệt nhóm này thì các tổ chức tình báo khác lại đẻ ra nhóm khủng bố khác. Cuộc chiến giữa lực lượng tình báo và các nhóm khủng bố cứ mãi trong một vòng...