Mỹ Hòa: Nỗi uất ức của một gia tộc có hàng chục đảng viên bị thu hồi 99% đất
Hơn 100 công đất (10 héc-ta) do tổ tiên khai phá, để lại cho con cháu, giờ chỉ còn hơn 1 công (1.000m2) là không bị chính quyền địa phương thu hồi để thực hiện dự án Khu công nghiệp Bình Minh ( xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Những người trong gia tộc họ Võ – Ảnh: PV
Trong số 680 hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi hơn 1,6 triệu m2 đất cho Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh, hiện nay chỉ còn 13 hộ không đồng thuận và nộp đơn kiện (và 1 hộ chưa giao đất) vì họ cho rằng có quá nhiều khuất tất từ phía chính quyền tỉnh Vĩnh Long. Những hộ khác vì không tiền đeo đuổi khiếu kiện, cam chịu, nhận tiền đền bù ít ỏi đi nơi khác tha phương cầu thực.
Những hộ nông dân còn trụ lại để kiện, đều có cùng cụ tổ là ông Võ Văn Hùng, một lưu dân chính hiệu. Họ Võ ở xã Mỹ Hòa là một gia tộc lớn, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng giờ đây, con cháu nhà họ Võ không cam tâm giao đất cho chính quyền vì họ không biết chính quyền phục vụ lợi ích của ai, vì ai, thông qua việc thu hồi đất…
Tiếng nấc nghẹn trong ngôi nhà thờ tổ
Mỗi tháng 1 lần, chị em bà Huỳnh Phương Mai (SN 1941), Huỳnh Minh Nguyệt (SN 1949) đều thuê xe từ TP.HCM về xã Mỹ Hòa, dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, chăm sóc phần đất hương hỏa ông bà để lại. Và đó là dịp để họ nghe ngóng xem bao giờ thì chính quyền địa phương cưỡng chế, thu hồi đất của những người bà con trong gia tộc để giao cho Công ty Hoàng Quân xây dựng khu đô thị mới.
Phía sau những khu nhà cao tầng trong KCN Hoàng Quân là những mảnh đời bất hạnh - Ảnh: PV
Bà Mai nghẹn ngào: “Cuối năm 2018, lần đầu tiên con cháu nhà họ Võ không tổ chức được giỗ tổ (ngày 21.11 âm lịch) vì ngôi nhà thờ tổ bằng gỗ quý phải tháo ra, dọn đến phần đất không thuộc diện bị thu hồi gần KCN Bình Minh. Chúng tôi không dọn, trước sau gì chính quyền cũng cưỡng chế, lúc đó ngôi nhà cổ sẽ thành đống củi khô.
Hơn 100 công đất (10ha) do tổ tiên khai phá và để lại cho con cháu, giờ chỉ còn lại 1 công (1.000m2) là không bị thu hồi, tức chỉ còn khoảng 1%. Con cháu trong gia tộc, vì nhiều nguyên do, có người chấp nhận giao đất, có người cương quyết không giao. Hiện nay 13 hộ gia đình không giao đất đều bị biến thành dân oan bất đắc dĩ, đội đơn kêu cứu khắp nơi ròng rã năm này qua tháng nọ nhưng không ai giải quyết thấu tình đạt lý”.
Bà Phan Thị Tuyết (91 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa) kể: “Chúng tôi đều là con cháu nhà họ Võ, cụ tổ vốn là lưu dân từ miền Trung trôi dạt vào đây khẩn đất, đến tôi là đời thứ 5. Truyền thống bám đất, giữ làng, luôn vì chính nghĩa, hết lòng phục vụ kháng chiến, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước đều được con cháu ghi nhớ và noi theo”.
Bà Tuyết tỉ mẩn ngồi thống kê và đưa ra bằng chứng xác thực, và PV bất ngờ khi được biết gia tộc họ Võ có hơn 60 người là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bị địch bắt tù đày…
“Trong số con rể nhà họ Võ có ông Huỳnh Văn Dương (cha ruột bà Huỳnh Phương Mai và bà Huỳnh Minh Nguyệt) từng là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trong kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt thủ tiêu, mãi đến năm 1998 gia đình mới tìm thấy hài cốt”, bà Tuyết ngậm ngùi.
Video đang HOT
Một quyết định cưỡng chế - Ảnh: PV
Ông Huỳnh Minh Truyền, người gọi bà Tuyết bằng dì, bức xúc: “Không đồng ý với việc chính quyền tỉnh Vĩnh Long thu hồi đất, chúng tôi đổ biết bao công sức, tiền của để đi khiếu nại, khiếu kiện, gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Riết rồi chính quyền địa phương coi chúng tôi như tội phạm, làm việc gì cũng bị theo dõi, hễ tụ tập là thấy bóng dáng lực lượng chức năng tới dòm ngó”.
Bà Nguyệt nói rành mạch: “Chúng tôi ủng hộ chính quyền thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh nhưng ở đây có sự lấp liếm, che giấu sự thật. Nói là thu hồi đất để làm KCN nhưng sao lại giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị, đền bù cho dân rẻ mạt rồi bán ra với giá ngất ngưỡng?
Chúng tôi đã biết UBND tỉnh Vĩnh Long làm việc này khi dự án chưa có quyết định đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt vậy mà họ cứ làm càng, ép dân vào đường cùng”.
Công lý ngoảnh mặt
Những người lớn tuổi nhất trong gia tộc họ Võ hiện nay là các cụ Võ Thị Tòng, Võ Thị Bá (đều hơn 90 tuổi) và đều nằm liệt một chỗ, nhờ con cháu chăm nom. Theo quyết định số 2016 (ngày 8.7.2004) của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, 2 cụ Tòng, Bá được bồi thường hơn 492 triệu đồng cho 5.443m2 đất (trong đó gồm 4.884m2 đất vườn, 559m2 đất nghĩa địa) và 1 căn nhà cấp 4 bị thu hồi.
Khiếu nại, khiếu kiện từ khi còn minh mẫn cho đến lúc nằm liệt, vậy mà hễ thấy người lạ đến, các cụ lại kêu lên: “Không được lấy đất của tui, không được lấy…”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, TAND Cấp cao tại TP.HCM lần lượt đưa từng trường hợp khiếu kiện của 13 hộ dân ra xét xử và lần lượt bác khiếu kiện của họ. Sáng 17.7, sau khi lên TP.HCM dự phiên tòa, ông Trần Văn Bé (ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa) cay đắng thốt lên: “Thua nữa rồi, biết trước sẽ thua mà!”.
Ông Bé bị khai trừ đảng vì khiếu kiện việc bị thu hồi đất - Ảnh: PV
Ông Trần Văn Bé là hộ thứ 11 được đưa ra xét xử, vậy là chỉ còn 2 trường hợp nữa coi như một vòng khiếu kiện của 13 hộ dân kết thúc. Chưa hết, những trường hợp khiếu kiện bị TAND Cấp cao tại TP.HCM bác bỏ còn đang phải đối mặt với tình huống nghiệt ngã khác là chịu cảnh bị cưỡng chế thu hồi đất và các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long đang ráo riết, quyết tâm triển khai việc này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiêu cứu”, ông Bé nói yếu ớt. Nhìn gương mặt khắc khổ, lúc nào cũng cúi gằm, dáng đi như chúi nhũi về phía trước của ông Bé, ít ai nghĩ ông từng là đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu.
Ông bảo chỉ vì không nhận được đền bù tái định cư, không chấp nhận đánh đổi gần 6.000m2đất vườn để lấy 400 triệu đồng đền bù mà ông đấu tranh nên có kết cục này. “Sau khi bị khai trừ đảng, xóa tên trong danh sách cựu chiến binh, tui tiếp tục khiếu nại thì mới được cấp 1 cấp nền nhà tái định cư”, ông nói.
Ông Huỳnh Minh Truyền ngửa mặt kêu trời: “Chúng tôi kiện là kiện cái sai của UBND tỉnh Vĩnh Long về thủ tục pháp lý khi thực hiện dự án và trình tự, thủ tục thu hồi đất. Điều này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, chỉ rõ vậy mà chúng tôi cũng thua, vậy thì công lý nằm ở đâu?
Những chứng cứ mà các hộ dân cho rằng chính quyền tỉnh Vĩnh Long làm sai, báo điện tử Một Thế Giới đều đã phản ánh trên các bài viết trước đó…
Nhóm PV
Theo mothegioi
Tỉnh chỉ đạo kiểm tra giải quyết khiếu nại, huyện ra quyết định cưỡng chế đất
Mặc dù ngày 3/5/2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng đã chỉ đạo Sở TN&MT thành lập tổ công tác liên ngành, cùng Thanh tra tỉnh, Sở GTVT, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của gia đình ông Lê Văn Quý.
Thế nhưng cũng trong ngày này, UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành một lúc hai văn bản là quyết định cưỡng chế đất, và chuyển các giấy tờ của gia đình ông Quý sang cơ quan điều tra.
Hồ sơ làm sổ đỏ bị giả chữ ký, lãnh đạo huyện vẫn ký
Như bài báo trước chúng tôi phản ánh, năm 1992 gia đình ông Lê Văn Quý, vợ là Phùng Thị Hồng (cả hai là thương binh chống Mỹ cứu nước), trú tại xóm 3 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có mua của UBND xã Nghi Thịnh khu đất và cửa hàng vốn là trụ sở của HTX Nghi Thịnh, thuộc vùng đông xóm 4 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, có diện tích là 490m2 để làm nhà ở cho gia đình, nay thuộc xóm 3 xã Nghi Thịnh. Đến năm 2003, gia đình ông có mua thêm 51m2 đất ở phía đằng sau nhà cũng do UBND xã Nghi Thịnh bán lại. Tổng diện tích lúc này là 541 m2. Việc mua bán đất hai thời điểm (năm 1992 và 2003 đều có giấy tờ, chữ ký, con dấu đầy đủ, hợp pháp của UBND xã cũng như của lãnh đạo UBND xã Nghi Thịnh thời điểm đó.
Phần đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Quý và dự án
Đến năm 2009, khi làm thủ tục cấp sổ đỏ, bà Hồng đã phát hiện diện tích đất bị cấp sai, chỉ có 248m2, khiến diện tích đất của gia đình bị thiếu lên đến 293 m2. Nguy hiểm hơn, trong các thủ tục, hồ sơ để xin cấp sổ đỏ đã xảy ra việc giả chữ ký và còn nhiều thiếu sót rất rõ ràng. Điều này khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cũng đã thừa nhận. Tuy nhiên thời điểm đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (hiện nay là Chủ tịch) vẫn ký vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Quý cho biết, năm 2018, gia đình được thông báo sẽ tiến hành mở rộng quốc lộ 48E phía trước cổng nhà. Đất của gia đình tôi bị lấy rất nhiều, lên đến 130m2, nhưng chỉ được đền bù 16m2 theo giá đất vườn, còn lại 114m phía bên ngoài hàng rào thì không được đền bù, vì họ cho rằng phía ngoài hàng rào không phải là đất của gia đình, do thời điểm năm 1996 khi cắm lại mốc lộ giới, gia đình chúng tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh, không xây dựng công trình trên phần đất này, và nếu sau này nếu có mở rộng đường thì vẫn phải đền bù theo quy định của Nhà nước.
Để đòi hỏi quyền lợi chính đáng, gia đình ông Quý đã cung cấp các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến diện tích đất ở của gia đình, giấy xác nhận, làm chứng của các lãnh đạo xã các thời kỳ trước, biên bản bàn giao đất ngày 10/7/1992, các phiếu thu thể hiện gia đình vẫn đóng thuế sử dụng đất qua các năm, nhưng do nghi ngờ biên bản bàn giao đất ngày 10/7/1992 không hợp pháp nên gia đình chúng tôi đã đồng ý để UBND huyện Nghi Lộc đem đi giám định tại Công an tỉnh Nghệ An, để xác định xem con dấu trong Biên bản Bàn giao đất năm 1992 có phải là con dấu của UBND xã Nghi Thịnh thời điểm đó hay không, là dấu thật hay giả?, để làm căn cứ bồi thường.
UBND huyện Nghi Lộc có vượt quyền UBND tỉnh?
Theo kết quả giám định Số 15/CV-KTHS ngày 11/4/2019 của Công an tỉnh Nghệ An về việc giám định Biên bản bàn giao đất, với kết luận Biên bản bàn giao nhà và đất ngày 10/07/1992 so sánh với 13 mẫu giấy mời, phiếu thu từ năm 1993 đến 2019 (không có mẫu năm 1992) "không phải do cùng một con dấu đóng ra", cũng không khẳng định là dấu thật hay giả, là con dấu của UBND xã Nghi Thịnh hay không. Điều lạ lùng hơn, trong kết luận giám định cũng cho thấy 13 mẫu để đem so sánh với mẫu dấu năm 1992 lại không hề có mẫu giấy tờ nào của năm 1992 thì liệu có cho kết quả khách quan không?.
UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng đã chỉ đạo Sở TN&MT thành lập tổ công tác liên ngành, kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của gia đình ông Lê Văn Quý.
"Nếu con dấu đó là giả, và không phải của UBND xã Nghi Thịnh, tôi yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xử lý nghiêm những người đã làm giả con dấu này. Nếu giấy tờ này không hợp pháp thì họ phải xử lý lãnh đạo xã thời kỳ đó chứ không thể bắt chúng tôi chịu hậu quả được, đồng thời phải căn cứ vào thời điểm sử dụng đất, các giấy tờ khác như phiếu thu, nhân chứng (là lãnh đạo thời điểm đó xác nhận), chứ không thể dồn hết phần thiệt cho người dân - ông Quý cho biết.
Trước đó, ngày 2/5, Báo điện tử Dân sinh đã đăng bài phản ánh về những bất cập trên. Đến ngày 3/5/2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng đã chỉ đạo Sở TN&MT thành lập tổ công tác liên ngành, cùng Thanh tra tỉnh, Sở GTVT, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của gia đình ông Lê Văn Quý.
Hai văn bản UBND huyện Nghi Lộc ban hành trong cùng một ngày
Thế nhưng, cũng trong ngày này (3/5), UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành hai văn bản, đó là Quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 1177/QĐ-UBND do ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện ký, và văn bản số 1108/UBND do phó chủ tịch Nguyễn Đức Thọ ký về việc chuyển các giấy tờ của gia đình ông Quý sang cơ quan điều tra. Việc này đặt ra câu hỏi liệu lãnh đạo huyện Nghi Lộc có "vượt mặt" lãnh đạo tỉnh, thích làm gì thì làm hay không?.
Ông Quý bức xúc, trong quyết định cưỡng chế, UBND huyện Nghi Lộc chỉ nói cưỡng chế 16m2, chứ không muốn thừa nhận 114m2 mà gia đình chúng tôi đang khiếu nại đòi quyền lợi.
Điều khiến dư luận khó hiểu, đó là sau khi báo chí phản ánh về sự việc trên, chỉ sau một ngày, UBND huyện Nghi Lộc kí Quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Quý, bà Hồng, một mặt lại chuyển giấy tờ sang cơ quan điều tra trong khi gia đình ông Quý đang có khiếu nại về tranh chấp. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng UBND huyện Nghi Lộc đang làm việc theo cảm tính, thích thì làm, và không cần chờ kết quả điều tra của Công an huyện Nghi Lộc?.
Như vậy có thể thấy mặc dù có rất nhiều căn cứ để xác định diện tích đất ở của gia đình ông Quý, như phiếu thu tiền qua các năm, biên bản bàn giao, lãnh đạo xã thời ký mua bán đất làm chứng... thế nhưng UBND huyện Nghi Lộc chỉ dựa vào con dấu trong biên bản bàn giao đất (chưa rõ ràng là dấu thật hay giả) để không hỗ trợ, bồi thường, khiến người dân bức xúc.
Được biết theo thông báo mới đây nhất, ngày 9/5 UBND huyện Nghi Lộc sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Lê văn Quý.
Cần làm rõ việc UBND xã Nghi Thịnh không có bản đồ 299
Để làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến con dấu cũng như hồ sơ đất đai gia đình ông Quý, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh, thì được biết các thủ tục hóa đơn tài chính từ năm 2007 của UBND xã Nghi Thịnh trở về trước đều thất lạc, đặc biệt là các hóa đơn tài chính có mẫu dấu đều đã bị mất hết, vậy thì làm sao cho kết quả giám định khách quan được.
Nghiêm trọng hơn, theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, tờ bản đồ 299 năm 1980 của UBND xã Nghi Thịnh đã bị mất, kể cả UBND huyện và UBND tỉnh Nghệ An cũng không có, sổ mục kê địa chính cũng không?. Như vậy làm sao UBND huyện Nghi Lộc xác định được ranh giới đất của gia đình ông Quý để đền bù?.
Báo điện tử Dân sinh sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
CHU LƯƠNG
Theo baodansinh
Thu hồi đất trái luật tại Phú Quốc: Vì sao bản án không được thi hành? Mặc dù bản án đã có hiệu lực nhưng phán quyết của Tòa án không được UBND huyện và doanh nghiệp thi hành. Nguyên đơn trong vụ án là ông Đỗ Văn Thơ (SN 1957, có đất tại ấp 2, thôn Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Bị đơn là UBND huyện Phú Quốc. Phía có quyền lợi...