Mỹ hỗ trợ Nhật Bản phân tích dữ liệu ghi âm trên máy bay sau vụ va chạm
Các quan chức phụ trách an toàn hàng không Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản giải mã các thiết bị ghi âm trên máy bay sau vụ va chạm nghiêm trọng giữa máy bay thương mại Airbus A350 của Hãng hàng không Japan Airlines và máy bay cánh quạt De Havilland Dash-8 của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo hôm 2/1.
Máy bay của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines (JAL) cháy rụi tại sân bay Haneda ở Tokyo sau vụ va chạm với máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển, ngày 4/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) Jennifer Homendy cho biết Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ phân tích các thiết bị ghi âm trên máy bay, do công ty Honeywell của Mỹ sản xuất. Theo bà, Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề này. Hiện chưa rõ các thiết bị này sẽ được đưa sang Washington để phân tích hay các nhân viên của NTSB sẽ sang Nhật để hỗ trợ.
Người phát ngôn của Honeywell cho biết công ty này đã sản xuất thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) được lắp đặt trên chiếc máy bay De Havilland Dash-8 của JCG, song không sản xuất thiết bị ghi âm dữ liệu chuyến bay (FDR).
Trong khi đó, công ty công nghệ L3Harris của Mỹ xác nhận đã sản xuất thiết bị ghi âm cho cả máy bay A350 và De Havilland Dash-8, song từ chối tiết lộ thêm thông tin.
Video đang HOT
Theo các quy định quốc tế về điều tra hàng không, nước nào xảy ra tai nạn máy bay sẽ đứng đầu cuộc điều tra, song các nước – nơi máy bay được sản xuất có thể tham gia. Như vậy, Nhật Bản – nước đứng đầu cuộc điều tra, có thể đề nghị các nước hỗ trợ.
Các chuyên gia của hãng Airbus, Cục Điều tra và Phân tích an toàn hàng không dân dụng (BEA) Pháp và đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Canada (TSB) hiện đang điều tra vụ va chạm giữa 2 máy bay ở sân bay Haneda, khiến 5 trong 6 thành viên trên máy bay của JCG thiệt mạng.
Cơ quan chức năng Nhật Bản đã tìm thấy CVR của máy bay De Havilland Dash-8 trong ngày 3/1 và thu được FDR của chiếc Airbus A350 sau đó 1 ngày. Ngày 3/1, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã công bố dữ liệu thông tin liên lạc giữa các máy bay và kiểm soát không lưu dài khoảng 4 phút 25 giây.
Theo đó, không có dấu hiệu nào cho thấy kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay của JAL hủy việc hạ cánh. Như vậy, cả các phi công trên máy bay và kiểm soát không lưu đều không biết việc máy bay JCG vào đường băng – nơi máy bay của JAL hạ cánh. Dữ liệu điều khiển chuyến bay cho thấy kiểm soát không lưu đã bật đèn xanh cho phép máy bay của JAL hạ cánh, trong khi chỉ đạo máy bay của JCG tiến tới điểm chờ, ngay trước khi vào đường băng.
Theo các nguồn tin thân cận, máy bay của JCG được cho là đã dừng trên đường băng khoảng 40 giây ngay trước khi xảy ra vụ va chạm. JAL cho biết một trong 3 phi công trên máy bay đã nhìn thấy gì đó trên đường băng ngay trước khi xảy ra vụ va chạm. Tuy nhiên, cơ trưởng máy bay của JCG nói với các điều tra viên rằng ông đã được trạm kiểm soát không lưu cho phép điều khiển máy bay vào đường băng.
Sáng 5/1, các nhân viên ở sân bay Haneda đã bắt đầu dọn dẹp các mảnh vỡ của máy bay tại đường băng nơi xảy ra vụ va chạm.
Vụ tai nạn tại sân bay Haneda: 'Phép màu' cứu hành khách thoát chết trong gang tấc
Quyết định nhanh chóng của phi hành đoàn và sự hợp tác của các hành khách đã giúp toàn bộ 379 người sơ tán khỏi máy bay của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) tại sân bay Haneda của thủ đô Tokyo chỉ trong 18 phút sau khi xảy ra va chạm với máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển ngày 2/1.
Truyền thông quốc tế gọi đây là cuộc sơ tán "kỳ diệu".
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa máy bay chở khách bị cháy sau va chạm với máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tại sân bay Haneda ở Tokyo, tối 2/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hãng JAL cho biết chuyến bay số hiệu 516 bay từ sân bay New Chitose ở Hokkaido, hạ cánh xuống đường băng C vào khoảng 17h47, sau đó va chạm với một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và bùng cháy. Máy bay trượt dọc theo đường băng khoảng 1 km trước khi dừng lại. Các phi công trong buồng lái không biết lửa đã bùng phát, nhưng các tiếp viên đã phát hiện ra.
Trong cuộc thoát hiểm khẩn cấp, 9 tiếp viên hàng không phải vượt qua nhiều cản trở. Có 8 lối thoát hiểm khẩn cấp trên máy bay, nhưng chỉ có 3 lối có thể sử dụng được. Phi hành đoàn phải sơ tán khẩn trương hành khách trên toàn bộ khoang máy bay dài 67m trong khi hệ thống liên lạc nội bộ không còn hoạt động. Các tiếp viên kêu gọi hành khách giữ bình tĩnh, tuân thủ các quy trình trấn an hành khách trong trường hợp khẩn cấp.
Khi nhận được thông tin rằng động cơ bên trái của máy bay đang cháy, tiếp viên trưởng đã cố gắng báo cáo với buồng lái và được lệnh thực hiện sơ tán khẩn cấp. Sau đó, khói bắt đầu tràn vào cabin, các tiếp viên nhanh chóng đánh giá tình hình, yêu cầu hành khách cúi thấp người để tránh hít phải khói. Các thành viên phi hành đoàn hướng dẫn hành khách sơ tán bằng máng thoát hiểm qua 2 cửa thoát hiểm ở đầu khoang.
Chỉ còn một lối ra khác ở phía sau bên trái có thể sử dụng để thoát khỏi máy bay đang cháy một cách an toàn, nhưng hệ thống liên lạc nội bộ không còn hoạt động, vì vậy các tiếp viên không thể xin phép buồng lái. Trong bối cảnh khói tràn vào ngày càng nhiều, một tiếp viên hàng không đã chủ động mở cửa sau bên trái để cho phép hành khách trượt xuống theo máng thoát hiểm.
Trong khi đó, hành khách cũng tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của đội tiếp viên, không cố lấy hành lý xách tay từ khoang chứa phía trên mà nhanh chóng di chuyển đến cửa thoát hiểm chỉ với những vật dụng cá nhân nhỏ như điện thoại. Những người trượt xuống mặt đất trước hỗ trợ những người xuống sau. Cơ trưởng là người cuối cùng thoát ra từ máng thoát hiểm sau khi đã kiểm tra tất cả các hàng ghế và xác nhận không còn hành khách nào còn trên máy bay. Đó là lúc 18h05, khoảng 18 phút sau khi máy bay của JAL hạ cánh và chỉ vài phút trước khi máy bay "chìm trong biển lửa".
Ông Shigeru Takano, cựu quan chức cấp cao của Cục Hàng không Dân dụng Nhật Bản, cho biết quá trình sơ tán suôn sẻ được thực hiện nhờ phản ứng của phi hành đoàn và sự hợp tác của hành khách trong tình huống nguy cấp như vậy.
Trong khi đó, Chủ tịch JAL Yuji Akasaka đánh giá "phi hành đoàn thậm chí còn làm tốt hơn cả lúc diễn tập".
Vụ tai nạn tại sân bay Haneda: Máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển không được phép vào đường băng Ngày 3/1, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản công bố dữ liệu thông tin liên lạc giữa các máy bay và kiểm soát không lưu cho thấy máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản không được phép di chuyển vào một đường băng của sân bay Haneda trước khi va chạm với máy...