Mỹ – Hàn – Nhật nỗ lực ngoại giao phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Lãnh đạo quốc phòng 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã hối thúc Triều Tiên có những bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang bế tắc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo (trái), quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (phải) tại cuộc hội đàm ở Singapore ngày 2/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-la 2019 tại Singapore ngày 2/6, người đứng đầu Bộ Quốc phòng 3 nước cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố khẳng định Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận thức rõ mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, đó là đảm bảo Triều Tiên tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ quốc tế theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó có duy trì hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa, phá vỡ và loại bỏ việc vận chuyển từ tàu sang tàu của Triều Tiên.
Ba nước cũng cam kết tăng cường hợp tác an ninh 3 bên thông qua chia sẻ thông tin, tham vấn chính sách cấp cao và diễn tập chung.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Bộ Quốc phòng 3 nước hội đàm kể từ sau khi Triều Tiên phóng một số vật thể bay không xác định được cho là tên lửa tầm ngắn vào ngày 4/5 và 9/5. Liên quan động thái này của Bình Nhưỡng, lãnh đạo quốc phòng 3 nước cam kết sẽ thận trọng liên quan các bước đi của Triều Tiên.
Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã khẳng định với hai người đồng cấp Mỹ và Hàn Quốc rằng các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của HĐBA LHQ, đồng thời kêu gọi Washington và Seoul cùng chia sẻ quan điểm này. Ông Iwaya từ chối bình luận về nội dung chi tiết hội đàm liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Video đang HOT
Trong khi đó, quan điểm của Mỹ đã được thể hiện rõ trong những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước khi ông có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông không bận tâm đến việc Triều Tiên phóng một số vũ khí nhỏ. Còn Hàn Quốc cho đến nay vẫn thận trọng và chưa đưa ra bất cứ xác nhận cụ thể nào về vật thể bay mà Triều Tiên phóng trước đó.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua. Sau khi hội nghị kết thúc mà không đạt thỏa thuận, Bình Nhưỡng được cho là đã có những động thái cứng rắn như phóng các tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông. Giới phân tích nhận định đây là chiến thuật nhằm gây sức ép buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay.
Theo Lan Phương (TTXVN)
Cơ hội tốt hướng tới mục tiêu vì hòa bình trên thế giới
Trong ngày 27-2, các quan chức Mỹ và Triều Tiên tiếp tục có nhiều cuộc họp nhằm hoàn tất nội dung cho cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 28-2.
Phóng viên hãng truyền hình NBC News (Mỹ) tường thuật trực tiếp trên phố Ngô Quyền. Ảnh: TTXVN
Cuộc gặp thoải mái và thân thiện
Tường thuật của CNN cho biết vào lúc 18 giờ 30 ngày 27-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 tại khách sạn Metropole, Hà Nội. Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un bắt tay nhau trong bầu không khí thoải mái và thân thiện. Theo Reuters, phát biểu với các phóng viên ông Kim Jong-un nói:
"Chúng tôi đã có thể vượt qua tất cả những trở ngại và chúng tôi ở đây hôm nay". Cũng theo ông, đã có "rất nhiều suy nghĩ, nỗ lực và kiên nhẫn từ tháng 6 năm ngoái đến nay". Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này tại Hà Nội mang đến "một kết quả được mọi người hoan nghênh".
Đáp lại, Tổng thống Trump nói: "Thật vinh dự khi được ở bên Chủ tịch Kim, đó là vinh dự được ở bên nhau tại Việt Nam". Tổng thống Mỹ nói thêm: "Chúng tôi đã có một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên rất thành công. Một số người muốn thấy kết quả nhanh hơn, nhưng tôi rất hài lòng với cách chúng tôi đang làm." Tổng thống Trump cho biết mối quan hệ của hai nhà lãnh đạo là "thực sự tốt đẹp". Theo Yonhap, khi được hỏi liệu ông có tuyên bố chấm dứt chính thức Chiến tranh Triều Tiên hay không, điều mà Triều Tiên đã kêu gọi từ lâu, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ thấy".
Sau đó, buổi tiệc tối bắt đầu ở chiếc bàn tròn với số lượng phóng viên hạn chế hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Kế bên ông Trump là Ngoại trưởng Michael Pompeo, quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và thông dịch viên của phía Mỹ. Ngồi kế ông Kim Jong-un là phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và thông dịch viên phía Triều Tiên. Mở đầu bữa tiệc tối, Tổng thống Trump nói vui khi yêu cầu các phóng viên chụp ảnh ông và ông Kim "thật đẹp". CNN dẫn lời Tổng thống Mỹ nói: "Chúng tôi sẽ có một ngày rất bận rộn vào ngày mai (28-2)" và thêm rằng "Mối quan hệ của chúng tôi là một mối quan hệ rất đặc biệt". Buổi ăn tối kết thúc lúc 20 giờ 30.
Sẽ có những nhượng bộ?
Hãng tin AP cho biết, cả thế giới đang hồi hộp dõi theo Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, với cuộc gặp riêng và bữa ăn tối thân mật giữa lúc có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu Tổng thống Mỹ đòi hỏi những gì và Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng nhượng bộ ra sao. Trong các bài viết trên báo New York Times, báo Washington Times hay trang tin CNN, một số chuyên gia cho rằng, Tổng thống Donald Trump có thể có xu hướng đưa ra những nhượng bộ đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, như giảm số lượng quân đội Mỹ hiện đang đồn trú tại Hàn Quốc.
Theo Reuters, trong thời gian trước hội nghị thượng đỉnh lần 2, Tổng thống Donald Trump đã chỉ ra lập trường linh hoạt hơn khi cho rằng ông không vội vàng bảo đảm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông đã đưa ra triển vọng nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Triều Tiên thực hiện một điều gì đó có ý nghĩa. Theo các quan chức Mỹ và Hàn Quốc, hai bên đã thảo luận về các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể và có thể kiểm chứng, như cho phép các thanh sát viên quan sát việc tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân Triều Tiên Yongbyon. Các nhượng bộ của Mỹ có thể bao gồm việc mở các văn phòng liên lạc, tuyên bố chấm dứt tình trạng kỹ thuật của Chiến tranh Triều Tiên hoặc dọn đường cho các dự án liên Triều. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát từ các nhà lập pháp Mỹ. Trong một đoạn trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-2 viết: "Những người theo đảng Dân chủ nên ngừng nói về những gì tôi nên làm với Triều Tiên và tự hỏi chính mình tại sao họ lại không làm điều đó trong suốt 8 năm của Chính quyền Obama?".
Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi cũng như những dự đoán khác nhau về khả năng kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng điều chắc chắn rằng, cũng giống như cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, cuộc gặp lần này tại Hà Nội là cơ hội tốt để hai bên tiếp tục ngồi vào đàm phán, xây dựng lòng tin và tạo một mối quan hệ, hướng tới một mục tiêu chung là vì hòa bình không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cho cả khu vực và trên thế giới.
Đòi hỏi từ Triều Tiên
Theo Reuters, trong khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, thì Triều Tiên cũng muốn Mỹ bỏ chiếc ô hạt nhân tại Hàn Quốc. Các quan chức tình báo Mỹ tuyên bố, không có dấu hiệu nào Triều Tiên sẽ từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân, được coi là bảo đảm an ninh quốc gia. Các nhà phân tích nói rằng, Triều Tiên cam kết giải giáp đáng kể nếu các lệnh cấm vận do Mỹ khởi xướng được nới lỏng.
Báo chí Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành thêm các bước đi phi hạt nhân hóa, song việc này tùy thuộc vào sự nhượng bộ "tương xứng" từ phía Mỹ. Báo Choson Sinbo của Triều Tiên ngày 27-2 đã đưa ra bình luận trên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội. Báo Sinbo khẳng định: "Phía Triều Tiên sẵn sàng tiến hành các bước đi bổ sung mang tính thiện chí phù hợp với quyết tâm của Mỹ về các bước đi tương xứng". Theo tờ báo này, sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 phụ thuộc vào "mức độ táo bạo" từ phía Mỹ trong các nỗ lực xây dựng lòng tin và các bước đi khác nhằm đảm bảo chấm dứt cái gọi là "mối đe dọa chiến tranh hạt nhân... Các bước đi của Triều Tiên sẽ tương xứng với các bước đi của Mỹ".
Tờ báo cũng nhấn mạnh cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Thông điệp năm mới 2019, khi tuyên bố không sản xuất, thử nghiệm, sử dụng và chuyển giao vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng Washington nên có các biện pháp "tương xứng" để đáp lại nếu muốn những cam kết này được thực hiện. Triều Tiên lâu nay tuyên bố đã thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên đầu tiên diễn ra hồi tháng 6-2018 tại Singapore, trong đó có việc phá bỏ một cơ sở thử hạt nhân, do vậy Mỹ phải có động thái đáp lại như nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Washington khẳng định rằng, Bình Nhưỡng phải làm nhiều hơn nữa trước khi Mỹ có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt này.
Theo Japan Times, Triều Tiên có thể cho phép thanh sát Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Nyongbyon, trái tim của ngành hạt nhân Triều Tiên, nơi mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 1 đã đề cập. Các nhượng bộ khác có thể bao gồm việc dừng chính thức các vụ thử tên lửa và hạt nhân, cũng như chấm dứt sản xuất vật liệu phóng xạ và phương tiện vận chuyển hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, tiềm năng kinh tế của Triều Tiên là "tuyệt vời" nếu nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donal Trump viết: "Tiềm năng là tuyệt vời, một cơ hội to lớn, chưa từng có trong lịch sử cho người bạn của tôi Kim Jong-un. Chúng ta sẽ sớm biết thôi - rất thú vị". Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter vào sáng 27-2: "Việt Nam đang phát triển mạnh như vài nơi trên thế giới. Triều Tiên cũng sẽ như vậy và rất nhanh, nếu nước này phi hạt nhân hóa".
Sáng 27-2, các quan chức Triều Tiên tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội đã có cuộc họp nội bộ trù bị trước thềm cuộc gặp trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo hãng tin Yonhap, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho được nhìn thấy đi vào phòng hội nghị tại khách sạn Melia, cùng với ông Kim Hyok-chol, phái viên hàng đầu về hạt nhân của Bình Nhưỡng và ông Choi Kang-il, quyền Vụ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Trong những ngày qua, các quan chức này đã tiến hành hội đàm với các nhà đàm phán của Mỹ tại Hà Nội về những nội dung liên quan chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2.
KHÁNH MINH (tổng hợp)
Theo SGGP
Hình ảnh đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên ăn tối cùng nhau Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ngồi cạnh nhau trên bàn ăn tối, với người phiên dịch ở hai bên và tiếp đó là các quan chức cao cấp hai nước. Phía Mỹ có Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, trợ lý tổng thống và quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và thông...