Mỹ – Hàn – Nhật hội đàm, Triều Tiên bắn tên lửa
CHDCND Triều Tiên bắn hai tên lửa tầm trung vào ngày 25.3, thời điểm tổng thống Mỹ chủ trì cuộc gặp lịch sử giữa thủ tướng Nhật và tổng thống Hàn Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2014 (NSS) tại thành phố The Hague, Hà Lan.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (trái), Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại The Hague ngày 25.3 – Ảnh: AFP
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cả hai tên lửa tầm trung đã bay 650 km và rơi xuống biển, theo AFP.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nói tốc độ và tầm bắn cho thấy các tên lửa tầm trung này là tên lửa Rodong (hay còn gọi là Nodong) với tầm bắn tối đa 1.000 – 1.500 km.
“Loại tên lửa này có khả năng đánh trúng các mục tiêu ở Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Vì thế nó được xem là một loại tên lửa khá nguy hiểm”, ông Kim nói.
Theo ông Kim, các tên lửa này được bắn ra từ bệ phóng tên lửa di động gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
AFP cho biết các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm Triều Tiên tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Video đang HOT
Lần cuối cùng Triều Tiên bắn thử nghiệm tên lửa Rodong là vào tháng 7.2009, sau khi LHQ lên án Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai vào tháng 5.2009.
Ông Kim cho biết vụ phóng tên lửa Triều Tiên trùng hợp vào thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bên lề NSS.
“Triều Tiên có ý khoe sức mạnh quân sự nước này nhằm gây sự chú ý từ cộng đồng quốc tế”, ông Kim cho biết.
Ông Kim cho hay cả Seoul và Washington sẽ cân nhắc đem vấn đề này ra LHQ.
Cuộc gặp gỡ ba bên giữa Mỹ, Nhật, Hàn diễn ra khi Mỹ muốn hàn gắn quan hệ giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á.
Ông Obama cho rằng: “Hợp tác ba bên đã gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Bình Nhưỡng rằng những hành động gây hấn và đe dọa sẽ phải đối mặt với những hành động phản ứng lại một cách đoàn kết”.
Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc vướng nhiều vấn đề liên quan đến thời kỳ Nhật Bản chiếm Hàn Quốc trong giai đoạn 1910 – 1945; việc phụ nữ Hàn bị ép bán dâm trong các nhà thổ phục vụ cho quân Nhật; vấn đề tranh chấp biển đảo… theo AFP.
Wasghington đặt trọng tâm cải thiện quan hệ Hàn – Nhật vì lo ngại hục hặc giữa hai nước sẽ làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết đồng minh trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.
Ông Yang Moo-Jin, giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nhận định rằng những cuộc bắn thử tên lửa của Triều Tiên vào ngày 25.3 là nhằm “phô trương khí tài quân sự”, như một cách gửi thông điệp đến các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn tại The Hague.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25.3 cũng lên án việc Triều Tiên bắn tên lửa, cho rằng đây là hành động gây hấn, làm leo thang căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, theo AFP.
Theo VNE
Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3
Các nhà Lãnh đạo cảm ơn và đánh giá cao nước chủ nhà Hà Lan đã chuẩn bị hết sức chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3.
Tiếp tục chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, đêm qua theo giờ Việt Nam, tại La Hay, Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã tham dự phiên thảo luận về "Tương lai cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân" và phiên bế mạc hội nghị.
Phát biểu tại phiên thảo luận về "Tương lai cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kể từ khi được khởi xướng năm 2010 đến nay, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân là Diễn đàn cấp cao, tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định rằng bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cơ chế này vẫn còn nhiều việc phải làm mà trước hết mang tính cốt yếu là phải biến các phương hướng, biện pháp đã được đồng thuận thành các chương trình, hành động thực tế một cách hiệu quả và hiệu lực. Bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả các khung khổ, quan hệ hợp tác song phương, khu vực và quốc tế về an ninh hạt nhân.
Các đại biểu chụp ảnh tại lễ bế mạc hội nghị (Ảnh chinhphu.vn)
Chú trọng củng cố vai trò trung tâm và tăng cường các nguồn lực cần thiết cho IAEA để tổ chức quốc tế này thực hiện vai trò điều phối trong lĩnh vực này. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc định kỳ tổ chức Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về an ninh hạt nhân do IAEA tổ chức như đã được tuyên bố tại Hội nghị quốc tế IAEA về an ninh hạt nhân tháng 7/2013 và ủng hộ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân vào năm 2016. Các đánh giá và nhận định sâu sắc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự hoan nghênh, tán đồng và chia sẻ của các vị lãnh đạo tham dự Hội nghị.
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, đêm qua theo giờ Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 đã họp phiên bế mạc và thông qua Thông cáo chung. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị hài lòng ghi nhận hầu hết các cam kết do các thành viên đưa ra tại các Hội nghị trước đều đã được thực hiện.
Các quốc gia khẳng định cam kết của mình về các mục tiêu chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố; đề cao trách nhiệm cơ bản của các quốc gia trong bảo đảm an ninh hạt nhân, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường và phối hợp tốt hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Thông cáo chung cũng nhấn mạnh cần một cấu trúc an ninh hạt nhân quốc tế mạnh mẽ và toàn diện với vai trò trung tâm của Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế; đồng thời khẳng định các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân không ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hoà bình.
Các nhà Lãnh đạo cảm ơn và đánh giá cao nước chủ nhà Hà Lan đã chuẩn bị hết sức chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ ba và hoan nghênh Hoa Kỳ chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ tư vào năm 2016.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị đã có đóng góp tích cực vào tất cả các hoạt động trong chương trình nghị sự dày đặc. Đặc biệt, bài phát biểu tại Phiên Toàn thể cũng như phát biểu của Thủ tướng trong các phiên thảo luận đã tạo nên ấn tượng sâu sắc, được sự nhất trí và đánh giá cao của các vị lãnh đạo tham dự Hội nghị. Qua đó, thể hiện vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.
Theo Dantri
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba Tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Thế giới La Haye, Hà Lan, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba đã chính thức khai mạc. Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN) Hội nghị thu hút sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 40...