Mỹ gửi 46.000 khẩu phần thực phẩm cho Dải Gaza
Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) thông báo nước này đã gửi 46.000 khẩu phần thực phẩm cho người dân ở phía Bắc Gaza.
Hàng viện trợ được thả xuống Dải Gaza ngày 1/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, hai máy bay C-17 của Không quân Mỹ đã vận chuyển và thả số hàng hỗ trợ trên cho người dân Bắc Gaza, với sự tham gia của lực lượng đặc biệt hỗ trợ không vận.
Tuyên bố của CENTCOM nêu rõ các đợt thả hàng viện trợ nhân đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ là một phần nỗ lực của Chính phủ Mỹ và các quốc gia đối tác nhằm giảm bớt đau khổ cho người dân Palestine ở Gaza. Tuyên bố nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho những đợt thả hàng viện trợ tiếp theo.
Video đang HOT
Mỹ bắt đầu thả thực phẩm viện trợ xuống Gaza từ ngày 2/3, mỗi đợt cung cấp hàng chục nghìn suất ăn. Tuy nhiên, số người cần viện trợ ở Gaza lớn hơn nhiều so với số lượng hàng viện trợ có thể được cung cấp bằng đường hàng không. Ngày 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội nước này sẽ thành lập một cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để cung cấp thêm viện trợ tới đây. Lầu Năm Góc cho biết việc xây cảng sẽ đòi hỏi phải huy động hơn 1.000 binh sĩ Mỹ trong khoảng 60 ngày.
Liên quan đến tình hình nhân đạo ở Gaza, các nguồn thạo tin ngày 30/3 tiết lộ chiếc tàu thứ hai chở hàng viện trợ đến Dải Gaza đã khởi hành từ CH Cyprus, hơn 2 tuần sau khi chuyến hàng gần nhất đến khu vực này bằng đường biển.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, hai tổ chức từ thiện gồm World Central Kitchen và Open Arms thông báo gần 400 tấn hàng viện trợ đang trên đường tới Dải Gaza bằng đường biển. Trong thông trên mạng xã hội X, ông Juan Camilo – đại diện tổ chức World Central Kitchen, cho biết: “Không có đủ viện trợ tới Dải Gaza và chúng ta cần mở càng nhiều con đường tới Gaza càng tốt”.
Với việc không có đủ xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza bằng đường bộ sau hơn 5 tháng xung đột, người dân ở đây ngày càng đối mặt với nguy cơ nạn đói nghiêm trọng. Tình hình này đã thúc đẩy các nỗ lực đưa hàng cứu trợ vào vùng lãnh thổ này bằng đường không hoặc đường biển. Tuy nhiên, các cơ quan của Liên hợp quốc đã nhiều lần cho rằng việc vận chuyển bằng đường bộ là cách duy nhất để cung cấp đủ viện trợ cần thiết.
Algeria, UAE và Jordan tăng cường đưa hàng viện trợ tới Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 24/3, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Algeria đã bắt đầu chuyển 150 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza, khu vực đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Trẻ em xếp hàng nhận lương thực viện trợ tại Dải Gaza ngày 18/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố, tổ chức trên cho biết hàng viện trợ, được chuyển chở bằng 8 máy bay quân sự, sẽ khởi hành từ sân bay quân sự Boufarik, cách thủ đô Algiers khoảng 30 km về phía Tây Nam. Dự kiến chuyến bay chở hàng viện trợ sẽ đáp tại sân bay Al Arish ở Ai Cập, trước khi được vận chuyển đến thành phố Rafah ở phía Nam Gaza.
Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã phối hợp với Ai Cập tăng cường nỗ lực cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, trong bối cảnh đang diễn ra tháng lễ Ramadan thiêng liêng của người Hồi giáo.
Hãng thông tấn WAM của UAE đưa tin quân đội nước này đã thực hiện đợt thả viện trợ thứ 13, mang theo 24 tấn thực phẩm và hàng cứu trợ xuống các khu vực khó tiếp cận ở phía Bắc Dải Gaza. Ngoài ra, tàu viện trợ thứ ba của UAE đã khởi hành đến thành phố Al Arish, mang theo 4.630 tấn hàng viện trợ nhân đạo.
Cũng trong ngày 24/3, hãng thông tấn Petra của Jordan cho biết Không quân Hoàng gia nước này đã tiến hành 6 đợt thả viện trợ nhân đạo xuống miền Bắc Dải Gaza. Quân đội và tổ chức từ thiện Hashemite Jordan cũng đã gửi 25 xe viện trợ tới khu vực.
Quân đội Jordan cũng liên tục nhắc lại cam kết duy trì các nỗ lực viện trợ từ sân bay Marka ở thủ đô Amman đến sân bay quốc tế El Arish ở Bắc Sinai của Ai Cập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thả viện trợ xuống Gaza và tổ chức các đoàn xe cứu trợ bằng đường bộ.
Theo báo cáo do Cơ quan phân loại tình trạng an ninh lương thực tích hợp (IPC) công bố hôm 18/3, nạn đói xảy ra ở phía Bắc Dải Gaza khiến toàn bộ người dân tại khu vực đang phải đối mặt với mức độ khủng hoảng tồi tệ về an ninh lương thực.
Báo cáo cho biết 1,1 triệu người ở Gaza - tương đương một nửa dân số của khu vực - đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn cung lương thực cũng như khả năng ứng phó, và đang phải vật lộn với nạn đói thảm khốc (IPC Giai đoạn 5).
IPC cho biết đây cũng là số lượng người lớn nhất phải đối mặt với nạn đói thảm khốc từng được ghi nhận, cao gấp đôi so với 3 tháng trước.
Mỹ thả lô hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza Ngày 2/3, các máy bay của quân đội Mỹ đã tiến hành thả lô hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza, mở đầu cho đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden. Hàng viện trợ được thả xuống Dải Gaza ngày 1/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN Theo đó, vào lúc 15h30 chiều 2/3 (giờ địa phương), 3...