Mỹ: Giám đốc CDC cảnh báo không nên dỡ bỏ các hạn chế COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 1/3, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky đã cảnh báo các bang không nên dỡ bỏ các hạn chế về coronavirus, chỉ ra mối đe dọa của các biến thể và sự sụt giảm chậm lại gần đây trong các trường hợp nhiễm bệnh mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Central Falls, Rhode Island, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Walensky cho biết tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng sự sụt giảm các ca nhiễm mới COVID-19 gần đây tại Mỹ dường như đang chững lại, ở mức hơn 70.000 trường hợp mỗi ngày. Bà Walensky cho rằng với những số liệu thống kê mới này, bà lo lắng về các báo cáo rằng nhiều bang đang lùi lại các biện pháp y tế công cộng chính xác mà chính quyền đã khuyến nghị để bảo vệ mọi người khỏi COVID-19.
Các trường hợp nhiễm mới COVID-19 đã giảm trong nhiều tuần, từ 250.000 mỗi ngày trong tháng 1/2021 xuống còn khoảng 70.000 mỗi ngày hiện tại. Nhưng sự sụt giảm đã chững lại và thậm chí còn có dấu hiệu tăng trở lại, khi mức 70.000 ca mỗi ngày vẫn trên cả mức đỉnh điểm của mùa Hè năm 2020. Đồng thời, một loạt bang gần đây đã nới lỏng các hạn chế, trong đó Massachusetts sẽ dỡ bỏ tất cả các giới hạn về sức chứa đối với các nhà hàng trong tuần này và mở cửa trở lại các phòng hòa nhạc với công suất 50%. Hai tiểu bang Iowa và Montana gần đây cũng đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên toàn tiểu bang, trong khi Thống đốc Texas cho biết đang xem xét một động thái tương tự như vậy.
Theo CDC, biến thể lây nhiễm lần đầu tiên được tìm thấy ở Vương quốc Anh đã tăng lên khoảng 10% các trường hợp ở Mỹ, trong khi từ mức 1% lên 4% vài tuần trước. Bà Walensky cho biết với các biến thể đang lan rộng, chính quyền có thể mất hoàn toàn nền tảng đã đạt được trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.
Bà Walensky cho rằng những biến thể này là một mối đe dọa thực sự đối với con người và sự tiến bộ của Mỹ và thời điểm này không phải là lúc để nới lỏng các biện pháp bảo vệ quan trọng. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết dù nguồn cung vaccine ngày càng tăng hứa hẹn sẽ tiêm chủng cho một phần lớn dân số nước Mỹ trong vòng vài tháng tới, nhưng việc tiêm chủng vẫn chưa đủ phổ biến để kiểm soát đại dịch, khiến các biện pháp phòng ngừa tiếp tục trở nên quan trọng.
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 26/2: Phát hiện biến thể mới đáng lo ở New York; Ca mắc mới tại Ấn Độ lại tăng
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 410.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 113,4 triệu ca, trong đó trên 2,51 triệu ca tử vong.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Rhode Island, Mỹ, ngày 13/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 64.900 ca), Brazil (64.453 ca) và Pháp (25.403 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.102 ca), Brazil (1.419 ca) và Mexico (1.006 ca).
Ngày 25/2, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge đã kêu gọi nhà chức trách các quốc gia ưu tiên tìm hiểu những hậu quả lâu dài của bệnh nhân COVID-19 sau khi một số người từng mắc bệnh đã xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại vài tháng sau đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge nhấn mạnh việc tìm hiểu những hậu quả lâu dài của người mắc bệnh COVID-19 là ưu tiên của WHO và cũng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các cơ quan y tế của mỗi quốc gia.
Trong khi một số nghiên cứu đang được thực hiện nhằm tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, hiện vẫn chưa biết lý do tại sao một số bệnh nhân tiếp tục xuất hiện những triệu chứng dù đã khỏi bệnh sau nhiều tháng, như mệt mỏi, hội chứng "sương mù não", rối loạn nhịp tim hay rối loạn thần kinh. Theo ông Kluge, cứ mỗi 10 bệnh nhân COVID-19, có 1 người sức khỏe chưa thực sự ổn định sau 12 tuần, thậm chí nhiều trường hợp còn kéo dài hơn. Ông cho biết đã có nhiều báo cáo về những hậu quả lâu dài đó xuất hiện ngay sau khi phát hiện ra bệnh COVID-19, nhưng một số bệnh nhân đã không tin hoặc thiếu hiểu biết. Do đó, những bệnh nhân này cần được thông tin nếu nhà chức trách hiểu rõ về những hậu quả lâu dài và sự phục hồi sau khi mắc bệnh.
Châu Âu
Trên 850.000 người tử vong trên toàn châu Âu
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cologne, miền tây nước Đức, ngày 8/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/2 cho biết đã có hơn 850.000 người tử vong do COVID-19 trên khắp "lục địa già".
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, ông Hans Kluge lưu ý rằng trong khi các ca bệnh đã giảm trong tháng qua, số người nhiễm bệnh vẫn cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5 năm ngoái. Đến nay, toàn khu vực châu Âu đã báo cáo gần 38 triệu trường hợp mắc COVID-19.
Ông Hans Kluge cảnh báo "COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ rất cao trên khắp châu Âu, với hai biến thể đáng lo ngại, tiếp tục thay thế các biến thể khác, gia tăng phạm vi tiếp cận của chúng".
Khu vực châu Âu của WHO bao gồm 55 quốc gia, trải dài từ Greenland ở phía tây bắc đến vùng Viễn Đông của Nga tiếp giáp Nhật Bản.
Hungary gia hạn lệnh phong tỏa một phần
Video đang HOT
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nagykata, Hungary, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 25/2, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết nước này quyết định kéo dài lệnh phong tỏa một phần đến ngày 15/3 tới trong bối cảnh số ca mắc mới bệnh COVID-19 có nguy cơ gia tăng trong 2 tuần tới.
Theo ông Gulyas, 2 tuần tới sẽ là thời điểm "vô cùng khó khăn" khi Hungary đang phải đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3. Ông cho biết chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tăng tốc sau khi Hungary bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Sinopharm của Trung Quốc vào ngày 24/2 vừa qua. Dự kiến, Thủ tướng Viktor Orban sẽ được tiêm vaccine Sinopharm vào tuần tới. Đến nay, khoảng nửa triệu người tại Hungary đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Hungary ngày 25/2 ghi nhận thêm 4.385 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Còn kể từ khi dịch bệnh bùng phát, quốc gia gồm khoảng 10 triệu người này đến nay có tổng cộng 414.514 ca bệnh, trong đó 14.672 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Hungary đã đóng cửa tất cả các trường trung học kể từ tháng 11/2020, cũng như các khách sạn và nhà hàng ngoại trừ việc mua mang đi. Hungary cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h hàng ngày, đồng thời cấm mọi hoạt động tập trung đông người.
Phần Lan sẽ phong tỏa trong 3 tuần
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Espoo, Phần Lan, ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này sẽ tiến hành phong tỏa trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 8/3 tới, cũng như đang chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Biện pháp phong tỏa này không đi kèm lệnh giới nghiêm, song sẽ bao gồm việc yêu cầu các nhà hàng đóng cửa, học sinh từ 13 tuổi trở lên sẽ học trực tuyến.
Bà Marin cho biết đã sẵn sàng tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp vào tuần tới, đồng thời cho biết đã thảo luận điều này với Tổng thống Phần Lan. Theo bà, việc áp đặt tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm chặn đà lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Việc áp đặt tình trạng khẩn cấp đồng nghĩa với việc các nhà hàng phải đóng cửa, các nhân viên y tế phải làm nhiều thời gian hơn và không được nghỉ phép.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Anna-Maja Henriksson, thành viên một đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền cho rằng việc áp dụng tình trạng khẩn cấp là không cần thiết.
Hiện Phần Lan là nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở châu Âu, sau Iceland và Na Uy. Tuy nhiên, gần đây, quốc gia gồm 5,5 triệu dân này đã chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày tăng nhanh.
Dịch bệnh diễn biến xấu tại Pháp
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 27/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 24 giờ qua, Pháp có 25.403 ca mắc COVID-19 và 261 ca tử vong. Trước đó, ngày 24/2, Pháp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ trung tuần tháng 11/2020, với 31.519 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3,66 triệu ca.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nhận định tình hình dịch bệnh tại Pháp đang xấu đi khi số ca mắc mới ở một số địa phương tăng lên. Tại thành phố miền Bắc Dunkirk, tỷ lệ mắc bệnh đã vượt 900 người/100.000 dân, cao hơn gần 9 lần mức trung bình trên toàn quốc. Phát biểu trong chuyến thị sát đến thành phố này, Bộ trưởng Veran cho biết Pháp đã chấm dứt hai tuần liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới giảm.
Số ca mắc mới và nhập viện tiếp tục gia tăng tại Bỉ
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo mới nhất của Viện Y tế công cộng của Bỉ (Sciensano) cho biết số ca mắc mới COVID-19 và số người nhập viên tại nước này tiếp tục gia tăng trong thời gian qua.
Cụ thể, theo thống kê của Sciensano, từ ngày 14 đến 20/2, trung bình mỗi ngày tại Bỉ có 2.170 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 19% so với tuần trước đó. Cũng theo thống kê này, trong hai tuần qua có 243 ca mắc COVID-19 được xác nhận trên 100.000 dân; trong thời gian từ ngày 17 đến 23/2 có 124 bệnh nhân nhập viện, tăng 5% so với tuần trước đó.
Hiện tại, trên toàn nước Bỉ có tổng cộng 1.707 bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng phải điều trị tại bệnh viện, trong đó có 355 người đang được điều trị tích cực và 176 bệnh nhân đang phải thở máy. Bên cạnh những ca mắc mới COVID-19, từ ngày 14 đến 20/2, tính trung bình tại Bỉ có 34 ca tử vong mỗi ngày.
Thụy Điển và Séc cân nhắc siết chặt các biện pháp chống dịch
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm tại Stockholm, Thụy Điển ngày 10/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Lo ngại bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ ba, ngày 24/2, Thụy Điển thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng ngừa nguy cơ này, đồng thời cảnh báo áp đặt các biện pháp bổ sung nếu người dân không tuân thủ nghiêm những quy định hiện nay.
Cụ thể, Thủ tướng Stefan Lofven cho biết tất cả các quán cà phê, quán bar, nhà hàng sẽ đóng cửa vào lúc 20h30 hằng ngày kể từ ngày 1/3. Số người được phép đi mua sắm trong cửa hàng và tập gym cũng bị hạn chế số lượng.
Một ngày trước đó, giới chức thủ đô Stockholm đã đề xuất người dân đeo khẩu trang liên tục khi tham gia phương tiện giao thông công cộng do việc duy trì giãn cách xã hội trong những không gian kín là rất khó thực hiện. Trước đó, việc đeo khẩu trang chỉ được đề xuất khi đi các phương tiện giao thông công cộng trong giờ cao điểm.
Thụy Điển chưa bao giờ áp đặt lệnh phong tỏa, một biện pháp đang được thực hiện tại nhiều nước châu Âu và đảm bảo giãn cách xã hội được ưu tiên hơn là việc sử dụng khẩu trang.
Trong khi đó, Chính phủ Séc thông báo sẽ xem xét khả năng siết chặt các biện pháp chống dịch COVID-19 tại cuộc họp diễn ra tối 25/2.
Theo người phát ngôn chính phủ, tại phiên họp đặc biệt một ngày trước đó, các bộ trưởng đã không nhất trí được về kế hoạch áp đặt các biện pháp chống dịch mới. Thủ tướng Andrej Babis cho rằng việc siết chặt các biện pháp phòng dịch là cần thiết để ngăn chặn "thảm kịch" có thể xảy ra tại các bệnh viện trong vài tuần tới trong bối cảnh Séc đang là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus và tử vong cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, các bộ trưởng thảo luận việc áp đặt thêm các hạn chế đối với việc đi lại của người dân để chống virus lây lan.
Cũng nhằm phòng tránh nguy cơ các biến thể mới xâm nhập vào nước này, cùng ngày, Séc thông báo cấm công dân nước này đi tới một số nước châu Phi và Nam Mỹ, những quốc gia có nguy cơ cao lây nhiễm cao các biến thể virus của Brazil và Nam Phi. Bộ Y tế Séc cho biết lệnh cấm du lịch tới các khu vực trên sẽ có hiệu lực từ ngày 26/2 tới ngày 11/4.
Châu Mỹ
Mỹ cấp phát 25 triệu khẩu trang để phòng dịch
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà Trắng thông báo sẽ cấp phát hơn 25 triệu khẩu trang đến các trung tâm y tế cộng đồng và các cửa hàng thực phẩm trên khắp nước Mỹ để hỗ trợ những người có thu nhập thấp. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ khống chế đại dịch COVID-19.
Điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết nhiều người Mỹ có thu nhập thấp vẫn không thể mua khẩu trang với giá cả phải chăng. Từ tháng 3/2021, các lô hàng khẩu trang vải có thể giặt được sẽ được chuyển đến khoảng 1.300 trung tâm y tế cộng đồng cũng như nhân viên làm việc tại 60.000 kho thực phẩm và các cơ sở nấu ăn.
Kế hoạch trên cũng thúc đẩy việc gửi khẩu trang đến từng hộ gia đình Mỹ, một ý tưởng được đưa ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhưng chưa được thực hiện. Tổng thống Joe Biden đã chú trọng nhiều đến việc khuyến khích người dân đeo khẩu trang hơn. Nhà Trắng ước tính 12 triệu đến 15 triệu người Mỹ sẽ nhận được khẩu trang thông qua một chương trình hỗ trợ mới trị giá 86 triệu USD.
Hiện Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất thế giới do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 25/2, Mỹ ghi nhận tổng cộng 28.974.623 ca mắc, trong đó có 518.363 ca tử vong.
Đáng lo ngại hơn, các nhà khoa học phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tương tự biến thể dễ lây lan xuất hiện tại Nam Phi đang gia tăng tại thành phố New York. Cùng ngày 24/2, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa, trường Đại học Vagelos Columbia, cho biết biến thể mới được phát hiện lần đầu trong các mẫu bệnh phẩm được thu thập tại New York vào tháng 11/2020 và hiện có khoảng 12% số bệnh nhân tại thành phố này nhiễm biến thể này.
Kết quả phân tích các dữ liệu sẵn có không cho thấy các biến thể được phát hiện gần đây tại Nam Phi và Brazil tồn tại trong các mẫu bệnh phẩm thu thập từ thành phố New York và các vùng lân cận. Phó Giáo sư chuyên khoa các bệnh truyền nhiễm thuộc đại học trên, Tiến sĩ Anne-Catrin Uhlemann cho biết thay vào đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm biến thể xuất hiện tại Mỹ.
Biến thể mới xuất hiện tại New York cũng được đề cập trong nghiên cứu do Viện Công nghệ California công bố trực tuyến trong tuần này. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đều chưa được các chuyên gia bên ngoài đánh giá.
Brazil ghi nhận trên 1.000 ca tử vong/ngày trong 35 ngày liên tiếp
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Sao Paulo, Brazil, ngày 28/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 25/2, Brazil thông báo ghi nhận thêm 1.419 ca tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên là 251.498 ca. Đây là ngày thứ 35 liên tiếp Brazil ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong/ngày.
Bộ Y tế nước này cũng cho biết phát hiện thêm 64.453 ca bệnh mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Nam Mỹ lên là 10.390.461 ca. Brazil hiện có số ca tử vong do COVID-19 nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ và đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc bệnh, sau Mỹ và Ấn Độ.
Châu Á
Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ có xu hướng tăng trở lại
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 22/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ ngày 25/2 cho biết nước này ghi nhận 16.738 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua.
Đây là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1, trong đó hơn một nửa số ca là được phát hiện tại bang Maharashtra. Trước đó một ngày, bang này cũng ghi nhận mức kỷ lục 8.807 ca nhiễm. Và đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều ngày, số ca mắc mới theo ngày tại Ấn Độ đã vượt mốc 15.000 người. Hiện tổng số ca COVID-19 tại Ấn Độ là khoảng 11,05 triệu ca, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Số ca nhiễm theo ngày ở quốc gia Nam Á này dường như đang tăng trở lại sau một thời gian tạm lắng trong vài tháng qua.
Sự gia tăng trở lại các ca COVID-19 ở một số bang, chủ yếu là Maharashtra, đang khiến nhà chức trách Ấn Độ lo ngại vì chưa xác định được nguyên nhân. Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ ngày 24/2 đã cử các đội liên ngành tới 10 bang và vùng lãnh thổ liên bang điều tra nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát các ca nhiễm.
Campuchia phát hiện thêm 65 ca nhiễm mới
Sáng 25/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện 65 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 58 ca lây nhiễm từ "sự kiện cộng đồng ngày 20/2" và 7 ca còn lại là các trường hợp nhập cảnh.
Trong số 58 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 41 bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc, 9 người Việt Nam, 5 người Campuchia, 3 trường hợp còn lại đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Các ca nhiễm nhập cảnh gồm 1 binh sĩ Campuchia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về nước và 6 người Trung Quốc tạm trú tại thành phố Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk.
Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến sáng 25/2, Campuchia đã phát hiện 697 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 477 bệnh nhân đã được chữa khỏi và 217 ca đang được điều trị tại các bệnh viện.
Trung Quốc không có thêm ca lây nhiễm mới trong cộng đồng
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo trong ngày 24/2 Trung Quốc đại lục có thêm 7 ca nhiễm mới là các trường hợp nhập cảnh và không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, 96 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện.
Như vậy, tính đến hết ngày 25/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 89.871 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.954 bệnh nhân bình phục và xuất viện.
Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc giảm nhẹ
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 25/2 ghi nhận số ca mắc mới giảm nhẹ xuống mức dưới 400 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 396 ca mắc mới nước này, trong đó có 369 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, tổng số ca mắc tại Hàn Quốc tăng lên 88.516 ca.
Số ca mắc mới ghi nhận ngày 25/2 giảm nhẹ so với 440 ca ghi nhận một ngày trước đó. Con số này dao động quanh mức 600 ca tuần trước, sau đó giảm xuống dưới 500 ca vào cuối tuần qua.
Cũng theo KDCA, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tăng thêm 5 ca lên 1.581 ca.
Đường tới chiến thắng đang 'hẹp dần' với Trump Cơ hội thắng cử vẫn được chia đều cho cả hai ứng viên tổng thống Mỹ, nhưng Biden có nhiều con đường để đi tới Nhà Trắng hơn Trump. Ứng viên Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump 25 phiếu đại cử tri, với 238 phiếu tại Illinois, New Jersey, Virginia, Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, Washington DC, Delaware, Vermont,...