Mỹ gia hạn giấy phép hợp tác với Huawei 90 ngày
Chính quyền Trump hôm 18/11 gia hạn giấy phép hợp tác với Huawei 90 ngày, cho phép các công ty Mỹ tiếp tục làm ăn với Tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Sau khi thêm Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5 vì lý do an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei mua trở lại một số hàng hóa do Mỹ sản xuất theo giấy phép gia hạn 90 ngày. Việc gia hạn này theo Mỹ nhằm giảm thiểu sự gián đoạn cho việc vận hành các nhà mạng, phục vụ mạng lưới khách hàng ở nông thôn Mỹ.
“Việc gia hạn Giấy phép tạm thời sẽ cho phép các nhà mạng tiếp tục phục vụ khách hàng ở một số khu vực xa xôi nhất nước Mỹ”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố hôm 18/11. “Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ xuất khẩu công nghệ nhạy cảm để đảm bảo rằng những đổi mới về công nghệ của chúng tôi không bị những kẻ có nguy cơ đe dọa an ninh Mỹ khai thác”.
Hồi tháng 5, Tổng thống Donald Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được cung cấp bởi các công ty có khả năng gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen sau khi kết luận công ty này tham gia vào các hoạt động có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Quyết định này khiến Huawei không thể mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty Mỹ cũng như các công nghệ khác để cập nhật ứng dụng cho khách hàng.
Mỹ gia hạn giấy phép hợp tác với Huawei 90 ngày (Ảnh: Reuters)
Bộ Thương mại Mỹ được chỉ đạo tiếp tục xây dựng quy tắc đối với các công ty viễn thông gây rủi ro an ninh quốc gia và kế hoạch thực thi vào giữa tháng 10 song đến nay vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, Bộ này cũng đang xem xét liệu có nên cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei hay không sau khi nhận được hơn 200 yêu cầu.
Sau quyết định này của Mỹ, đại diện Huawei hôm 18/11 cho rằng, “phần mở rộng sẽ không có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Huawei. Quyết định này cũng không thay đổi sự thật rằng Huawei tiếp tục bị đối xử bất công”.
Sau khi bị liệt vào danh sách đen, hôm 19/8, Washington lại cho phép Huawei tiếp tục mua các sản phẩm của Mỹ để duy trì các hệ thống và cập nhật phần mềm cho các điện thoại hiện có trong vòng 90 ngày.
Hôm 14/11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cũng khẳng định 2 tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc gồm Huawei và ZTE “không đáng tin cậy” và gọi 2 doanh nghiệp này là mối đe dọa an ninh khi ông ủng hộ một đề xuất cấm các nhà mạng không dây ở khu vực nông thôn của Mỹ sử dụng nguồn ngân sách chính phủ trị giá 8,5 tỷ USD để mua các thiết bị hoặc dịch vụ từ Huawei và ZTE.
Video đang HOT
Quyết định gia hạn giấy phép hợp tác với Huawei 90 ngày của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
(Nguồn: Reuters)
KÔNG ANH
Theo vtc.vn
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ yêu cầu nước ngoài hỗ trợ điều tra FBI, CIA
Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã có những cuộc gặp riêng với các quan chức tình báo nước ngoài, yêu cầu hỗ trợ cuộc điều tra nhắm vào CIA và FBI được ông Trump kỳ vọng.
Theo Washington Post, Tổng thống Trump hy vọng cuộc điều tra này của Bộ Tư pháp sẽ làm mất uy tín các cuộc điều tra trước đó mà CIA và FBI mở ra nhắm vào cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ do công tố viên đặc biệt Mueller thực hiện.
Tuy nhiên, sự can thiệp ngày càng sâu của cá nhân ông Barr có thể khơi dậy những lời chỉ trích từ phe Dân chủ, vốn đang theo đuổi quy trình luận tội ông Trump. Phe Dân chủ cho rằng Bộ trưởng Barr đang giúp ông Trump sử dụng nhánh hành pháp như công cụ để gây khó khăn cho những đối thủ của tổng thống.
Bộ trưởng Tư pháp William Barr đang trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường, khi ông có vẻ như tham gia rất tích cực vào "cuộc điều tra các nhà điều tra" do Bộ Tư pháp mở ra nhắm vào cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ảnh: Washington Post.
Sự nhiệt tình bất thường của ông bộ trưởng
Cuộc điều tra cấp cao của bộ Tư pháp nhắm vào hoạt động của cộng đồng tình báo chắc chắn sẽ làm hài lòng ông Trump và những cử tri bảo thủ trung thành của tổng thống, những người suốt ngày hô hào khẩu hiệu "điều tra các nhà điều tra".
Bản thân ông Barr trong phiên điều trần trước quốc hội hồi tháng 4 cho rằng "sự do thám đã xảy ra" khi FBI và CIA điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Sự kiên quyết của ông Barr còn được thể hiện ở việc giao toàn quyền điều tra lần này cho công tố viên John Durham, người đã có kinh nghiệm nhiều năm điều tra các vụ việc không hay ho của cảnh sát, FBI và CIA.
Vai trò tích cực của ông Barr cũng cho thấy những gì diễn ra trong cuộc bầu cử 3 năm trước vẫn đang tiêu tốn nguồn lực và sự chú ý không nhỏ của chính quyền liên bang.
Theo Washington Post, các quan chức tình báo và bộ Tư pháp đã bày tỏ sự thất vọng khi thấy Bộ trưởng Barr tham gia tích cực vậy vào những gì mà họ coi là các thuyết âm mưu và cáo buộc vô căn cứ.
Ông Barr đã liên hệ các quan chức tình báo Anh và tuần trước ông bay tới Italy, nơi ông và công tố viên Durham gặp gỡ các quan chức tình báo cấp cao nước này, yêu cầu hỗ trợ cuộc điều tra. Đây không phải là chuyến đi đầu tiên của ông Barr tới Italy, quốc gia có liên quan đến vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Chính quyền Trump cũng đã liên lạc với Australia, quốc gia khác có liên quan đến cuộc điều tra của FBI năm 2016, để yêu cầu chính phủ Thủ tướng Scott Morrison hỗ trợ công việc hiện tại của Bộ Tư pháp Mỹ. New York Times đưa tin ông Trump đã chủ động gọi điện cho ông Morrison theo yêu cầu của ông Barr.
Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết bộ Tư pháp đơn thuần chỉ "đề nghị Tổng thống Trump hỗ trợ xúc tiến một cuộc điều tra đang diễn ra".
Bà Kerri Kupec, phát ngôn viên bộ Tư pháp, cho biết công tố viên Durham đang thu thập thông tin từ nhiều nguồn, bao gồm một số nguồn nước ngoài. "Theo đề nghị của Bộ trưởng Barr, tổng thống đã liên lạc với các quốc gia khác để yêu cầu họ giới thiệu cho bộ trưởng và ông Durham các quan chức thích hợp", bà Kupec nói.
Phe Dân chủ cáo buộc ông Barr đang sử dụng Bộ Tư pháp như một công cụ để thể hiện lòng trung thành với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Times.
Ông Trump vẫn thường xuyên phàn nàn rằng những người tham gia vào cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông nên bị buộc tội, và khẳng định việc FBI điều tra sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông và Nga là cuộc săn phù thủy, tạo nên bởi các đặc vụ và quan chức không hài lòng với việc ông trở thành tổng thống.
Cuộc điều tra dai dẳng kết thúc đầu năm nay, khi công tố viên đặc biệt Mueller kết luận không có đủ bằng chứng buộc tội bất kỳ người Mỹ nào thông đồng với Nga, và từ chối đưa ra kết luận về việc ông Trump có tìm cách cản trở công lý hay không.
Điều gì đang diễn ra?
Ông David Laufman, cựu quan chức bộ Tư pháp, người có liên quan đến giai đoạn đầu của cuộc điều tra năm 2016, cho rằng "khá là không chính thống đối với một bộ trưởng Tư pháp khi đích thân bay khắp thế giới để thu thập chứng cứ cho một cuộc điều tra cụ thể của bộ", đặc biệt là trong trường hợp của ông Barr.
Ông Laufman cho rằng việc Bộ trưởng Barr bổ nhiệm ông Durham, công tố viên dày dặn kinh nghiệm nhưng không có tư duy đảng phái, phụ trách cuộc điều tra, khiến nhiều người nghĩ rằng nó sẽ được thực hiện một cách công bằng và chuyên nghiệp, "nhưng nếu về cơ bản bộ trưởng là người dẫn dắt cuộc điều tra, thì không còn ai quan tâm đến yếu tố kia nữa".
Phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ nổi giận với việc bộ trưởng Tư pháp dành quá nhiều thời gian và năng lượng cá nhân để đi nước ngoài yêu cầu hỗ trợ điều tra các cơ quan và nhân sự Mỹ. Trước đây khi vụ điều tra Mueller kết thúc, ông Barr cũng hứng chịu vô số gạch đá từ phe Dân chủ với cáo buộc hành động vì lợi ích của Trump thay vì một sự độc lập từ bộ Tư pháp.
Kể từ khi trở thành bộ trưởng tư pháp vào tháng 2, ông William Barr đã trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.
Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy, phe Dân chủ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lãnh đạo đã tiến hành quy trình luận tội ông Trump với cáo buộc tổng thống đã lợi dụng quyền lực để gây sức ép với nước ngoài nhằm tìm kiếm thông tin bất lợi về đối thủ chính trị của mình là ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Bộ trưởng Barr cũng được nhắc tới trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelenskiy, khi tổng thống Mỹ gợi ý nhà lãnh đạo Ukraine hỗ trợ ông Barr trong việc tìm hiểu vai trò của nước này trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên người phát ngôn của ông Barr cho biết ông không hề biết đến việc tên mình được nhắc tới.
Việc ông Barr liên hệ với các đối tác nước ngoài cũng làm dấy lên mối lo ngại của một số quan chức tình báo rằng bộ trưởng Tư pháp đang tìm cách hợp thức hóa những thuyết âm mưu được đưa ra bởi phe cánh hữu để bảo vệ ông Trump.
Quốc Thăng
Theo Zing.vn
Gần 150 người biểu tình Hong Kong bị bắt giữ Cảnh sát Hong Kong hôm 12/8 xác nhận bắt giữ 149 người sau hàng loạt các vụ biểu tình bạo động trong vài ngày vừa qua. "Những người biểu tình cực đoan đã hành động vô pháp luật và leo thang bạo lực. Họ truyền bá các hành vi bạo lực trên khắp Hong Kong, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống...