Mỹ ghi nhận hơn 43.000 ca mắc mới COVID
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.000 ca mắc COVID-19 trong bối cảnh số bệnh nhân trên toàn quốc vẫn tiếp tục gia tăng.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, số liệu của Đại học Johns Hopkins chỉ ra tính đến 20h30 tối 4/7, giờ địa phương (7h30 sáng 5/7, giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 43.742 ca mắc mới và hơn 252 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc mới và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.836.764 ca và 129.657 ca.
Trong khi đó, thống kê của trang mạng worldometers.info cho thấy Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.935.770 ca mắc và 132.318 ca tử vong.
Số ca mắc mới vẫn tiếp tục ở mức cao sau 3 ngày liên tiếp tăng với con số cao nhất từng được ghi nhận, trên 52.000 ca, đặc biệt ngày 3/7, quốc gia này có thêm tới 57.683 ca mắc mới.
Số bệnh nhân mới báo cáo trong ngày 4/7 thấp hơn được cho là do số liệu chưa được tổng hợp đầy đủ trong kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ.
Số ca mắc mới gia tăng trên cả nước trong tuần qua đã buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải nghiên cứu kỹ hơn về chính sách ứng phó dịch bệnh và nhiều chính quyền cấp bang cũng tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.
Video đang HOT
Ngày 4/7, Tổng thống Trump khẳng định quốc gia này có thể tìm ra một pháp đồ điều trị hoặc một loại vaccine hiệu quả trước cuối năm nay./.
Nguyên nhân Mỹ chưa thể khống chế Covid-19
Chính quyền Trump ưu tiên phát triển kinh tế, không có chiến lược chống dịch nhất quán, trong khi nhiều người dân coi nhẹ Covid-19, khiến đại dịch diễn biến phức tạp.
Nước Mỹ trong ba ngày qua ghi nhận mức tăng số ca nhiễm nCoV mới cao chưa từng có, từ mức 47.000 ca hôm 1/7 lên 51.000 ca hôm 2/7 và hơn 58.000 ca một ngày sau đó. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận gần 2.8 triệu ca nhiễm, hơn 129.000 người chết, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất và chết chóc nhất thế giới.
Nêu nguyên nhân căn bản khiến ca nhiễm ở Mỹ liên tiếp cao ở mức kỷ lục, tiến sĩ Timothy Brewer, chuyên gia dịch tễ tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ, nói với VnExpress rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không nhất quán trong chính sách chống dịch trên cả nước, khi chỉ có một số bang thực hiện tốt biện pháp phòng Covid-19. Trong khi New York, Connecticut và New Jersey kiềm chế được dịch, các bang như California, Florida, Texas lại ghi nhận số ca nhiễm tăng cao.
Theo Brewer, chính quyền Trump vẫn muốn tập trung duy trì lợi ích kinh tế, bất chấp đại dịch diễn biến xấu đi. "Nhà Trắng đưa ra thông điệp nhất quán hơn về bảo đảm vận hành nền kinh tế, so với thông điệp cần kiểm soát Covid-19", ông nói.
Brewer cho rằng Mỹ là một nước rộng lớn, với dân số hơn 330 triệu người, nên tinh thần chống Covid-19 tùy thuộc vào từng cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng khi người dân được phép tự do đi đến các địa điểm công cộng, không có ý thức duy trì giãn cách, khiến nCoV dễ lây lan.
Hôm 2/7, chính quyền bang Alabama xác nhận nhiều thanh nhiên ở bang này tổ chức các "bữa tiệc Covid-19", trong đó người đầu tiên nhiễm nCoV sẽ được nhận tiền thưởng.
Người dân Mỹ đổ ra bờ biển ở Santa Monica, California ngày 2/7. Ảnh: Reuters.
Về mặt y tế công cộng, Brewer cho rằng Mỹ đã không ứng phó đủ mạnh mẽ trong đầu tư tài chính và các nguồn lực để ngăn dịch. Năng lực xét nghiệm ca nhiễm, cách ly và truy vết người nghi nhiễm vẫn ở mức thấp.
" Mỹ chưa bao giờ thực sự kiểm soát được Covid-19 trên phạm vi cả nước", Brewer nói.
Brewer nhận định hiện vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định Mỹ đang chứng kiến làn sóng thứ hai của đại dịch, hay vẫn trải qua diễn biến của đợt sóng thứ nhất.
"Bạn có thể nói rằng chúng tôi vẫn đang chứng kiến những gì tiếp theo của đợt sóng thứ nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều mọi người thực sự lo ngại là chúng tôi vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình ở cấp độ quốc gia", ông nói.
Tiến sĩ Brewer cho rằng tình hình có thể diễn biến nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng theo nhịp độ hiện nay, dù số người nhập viện và ca tử vong do nCoV ở Mỹ chưa đến mức tăng đột biến.
Theo ông, hậu quả của kịch bản như vậy là nhiều bang của nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng bệnh viện quá tải như ở New York trong giai đoạn đầu của Covid-19, khi các ca nghiêm trọng tăng đột biến.
Hồi đầu tháng 4, New York là tâm dịch của Mỹ, các bệnh viện thiếu trầm trọng thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng cho bệnh nhân Covid-19. Thành phố từng phải lập bệnh viện dã chiến ở Công viên Trung tâm, các nhà xác, nhà hỏa táng liên tục rơi vào tình trạng quá tải, trước khi đường cong của dịch được làm phẳng khoảng một tháng sau đó.
Joshua Barocas, chuyên gia tại Trường Y, Đại học Boston, cho hay con số dự báo 100.000 ca nhiễm mới một ngày được Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đưa ra là "đáng sợ". Nếu điều đó xảy ra, theo Borocas, Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn cả về y tế công cộng và kinh tế.
Chuyên gia này cảnh báo việc 100.000 người nhiễm một ngày sẽ đẩy nước Mỹ vào tình cảnh thiếu nhiều nguồn lực, trong đó có thiết bị bảo hộ cá nhân. Ông cho biết nhiều người đang nhận thức sai khi cho rằng chỉ người già và có bệnh nền mới có nguy cơ tử vong. Trên thực tế, người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể thiệt mạng sau khi nhiễm nCoV.
Borocas đánh giá chỉ khi người dân Mỹ tự coi mình có nguy cơ truyền bệnh, có nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch và có ý thức bảo vệ người khác, tình hình ở Mỹ mới có biến chuyển. Ông nhắc lại những quy tắc phòng virus cơ bản là đeo khẩu trang khi ra đường, giữ khoảng cách và dùng nước rửa tay thường xuyên.
Tiến sĩ Brandon Brown, Trường Y khoa, Đại học California, trông đợi Mỹ sẽ nhận được bài học về việc tái mở cửa sớm và cân nhắc kỹ cho phương án tiếp theo. Ông cho biết các nước khác đã kiểm soát dịch chặt chẽ từ sớm để ngăn Covid-19 trở nên tồi tệ.
Với thực tế Mỹ không có những biện pháp quyết liệt để khống chế dịch, tiến sĩ Brewer cho rằng Covid-19 nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian dài. Ông khuyến cáo chính quyền liên bang và bang tiếp tục đầu tư xây dựng năng lực ứng phó với dịch.
"Chính quyền cần đưa ra chính sách rõ ràng và nhất quán trong kiểm soát dịch, để đảm bảo người dân hiểu và tuân thủ các biện pháp phòng dịch", Brewer nói.
Vành đai Con đường của Trung Quốc sắp tới hồi kết? Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục những dự án thuộc Vành đai Con đường bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành. Tuy nhiên, các nước đối tác có vẻ ngày càng kém mặn mà với sáng kiến nghìn tỷ của Trung Quốc. Dự án đường sắt ở Kenya thuộc Vành đai Con đường (ảnh: SCMP) Nhiều dự án thuộc Vành đai Con đường...