Mỹ ghi nhận ca tử vong liên quan đến vi khuẩn E.Coli từ cà rốt
Ngày 17/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đã ghi nhận 1 ca tử vong và ít nhất 39 trường hợp khác gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến vi khuẩn E.Coli có trong cà rốt tươi do một số hãng bán lẻ lớn phân phối tại 18 bang.
Trong tuyên bố, CDC cho biết các ca nhiễm khuẩn E.Coli có liên quan đến cà rốt nguyên củ đóng túi và cà rốt baby do hãng Grimmway Farms cung cấp, được các hãng bán lẻ như Walmart, Target, Kroger, Whole Foods, Albertsons, Publix, Food Lion, và Trader Joe’s phân phối dưới nhiều thương hiệu khác nhau. Mặc dù các sản phẩm này đã được thu hồi khỏi các cửa hàng, CDC khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ tủ lạnh và vứt bỏ ngay lập tức bất kỳ sản phẩm cà rốt nào có thương hiệu và hạn sử dụng nằm trong danh sách thu hồi.
Trước đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết Grimmway Farms đã ban hành lệnh thu hồi tự nguyện đối với các mặt hàng cà rốt, vốn cũng đã được vận chuyển đến nhiều cửa hàng ở Canada và Puerto Rico.
Trong thông cáo báo chí vào ngày 16/11, Grimmway Farms, hãng trồng trọt và sản xuất cà rốt lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bakersfield, California, cho biết công ty đang xem xét lại hoạt động trồng trọt, thu hoạch và chế biến của mình, cũng như đang làm việc với các nhà cung cấp và cơ quan y tế về vấn đề này.
Theo CDC, số cà rốt bị ảnh hưởng có thể liên quan tới vi khuẩn E.Coli O121:H19. Khi ăn phải cà rốt bị nhiễm vi khuẩn này, bệnh nhân có thể bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 3 – 4 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn và hầu hết các trường hợp có thể tự hồi phục mà không cần điều trị sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, một số người có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thận và cần phải nhập viện.
McDonald's khẳng định thịt bò kẹp không phải là nguồn lây nhiễm vi khuẩn E.coli
Ngày 27/10, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh hàng đầu của Mỹ McDonald's đã loại trừ thịt bò kẹp trong sản phẩm burger Quarter Pounder của hãng này là nguồn lây nhiễm vi khuẩn E.coli, vốn khiến ít nhất 1 người tử vong và gần 75 người khác bị ngộ độc.
Trước đó, Sở Nông nghiệp bang Colorado cho biết tất cả các mẫu thịt được lấy từ nhiều lô thịt bò viên tươi và đông lạnh mang nhãn hiệu McDonald's đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn E.coli. Cơ quan này cũng đã hoàn tất xét nghiệm thịt bò và dự kiến không tiến hành kiểm tra thêm mẫu mới.
Trong tuyên bố, Giám đốc chuỗi cung ứng của McDonald's, ông Cesar Pina, khẳng định mọi sản phẩm bị nhiễm khuẩn liên quan đến đợt bùng phát vi khuẩn E.coli đều đã được loại khỏi chuỗi cung ứng và không còn được sử dụng tại tất cả các nhà hàng của hãng.
McDonald's sẽ nối lại việc phân phối các nguyên liệu tươi của sản phẩm Quarter Pounder và sản phẩm này dự kiến sẽ có mặt tại tất cả các nhà hàng trong tuần tới. Tuy nhiên, các nhà hàng bị ảnh hưởng của McDonald's sẽ phục vụ burger mà không có hành tây.
Vi khuẩn E.coli trong thịt bò sẽ bị tiêu diệt khi được nấu chín đúng cách. Bánh Quarter Pounder được phục vụ với hành tây sống thái mỏng và loại thực phẩm này cũng bị nghi là nguồn lây nhiễm.
Trước đó, các nhà hàng McDonald's tại 13 bang bị ảnh hưởng đã tạm thời đưa sản phẩm Quarter Pounder ra khỏi thực đơn, mặc dù các món khác, trong đó có các loại burger thịt bò khác, vẫn được bán. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này khẳng định ưu tiên hàng đầu của họ là "phục vụ khách hàng một cách an toàn" và các thành phần bị ảnh hưởng "rất có thể" đã bị lẫn vào chuỗi cung ứng của họ.
480 người ở Ai Cập mắc bệnh đường ruột do vi khuẩn E.coli Tỉnh Aswan, miền Nam Ai Cập, đang đối mặt với một đợt bùng phát bệnh viêm dạ dày và đường ruột nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hàng trăm người. Trao đổi với báo giới ngày 23/9, Bộ trưởng Y tế và Dân số Ai Cập, ông Khaled Abdel-Ghaffar, cho biết đã có khoảng 480 trường hợp nhập viện để điều trị bệnh...